Từ phim điện ảnh đến truyền hình, từ Avatar đến House of the Dragon, những con rồng này đã gây ấn tượng mạnh mẽ với chúng ta.
Rồng là sinh vật luôn gợi lên sự tò mò và hứng thú. Từ thời xa xưa, con người đã tưởng tượng về những sinh vật huyền bí bay lượn trên bầu trời hoặc ẩn náu trong rừng sâu. Dù là văn hóa phương Đông hay phương Tây, rồng luôn là biểu tượng của sự quyền lực và kỳ diệu. Điện ảnh đã giúp chúng ta hiện thực hóa những tưởng tượng này, và chính vì thế, rồng đã trở thành yếu tố hấp dẫn trên màn ảnh. Hãy cùng khám phá những con rồng ấn tượng nhất từng xuất hiện trên phim.
1. Toothless (Răng Sún) – Bí Kíp Luyện Rồng
Chú rồng này có mặt trong danh sách vì quá dễ thương, thế thôi! Thật ra nếu nói về độ hoành tráng, Toothless không thể so với những tên tuổi sắp được nhắc đến, nhưng chính sự dễ thương và câu chuyện thú vị của chú ta trong Bí Kíp Luyện Rồng đã chiếm trọn cảm tình của khán giả. Khác với tư tưởng giết rồng phổ biến trong thần thoại châu Âu, Toothless mang đến một góc nhìn hoàn toàn mới.
2. Saphira – Eragon
Eragon là bộ phim gây tiếc nuối cho những người hâm mộ thể loại phim Fantasy, nhất là khi phim có nguyên tác cùng tên chất lượng. Tuy nhiên, điều mà đội ngũ làm phim đã làm tốt là tạo hình của cô rồng Saphira.
Vì là một con rồng cái, Saphira được thiết kế với những đường nét mềm mại hơn. Đặc biệt, đôi cánh của cô được tạo hình như cánh chim với lông vũ. Thân hình thon gọn và màu sắc như đá Sapphire, từ đó mà cô có tên gọi này. Đôi mắt của cô ánh lên sự tinh nghịch và thông minh. Ở giai đoạn trong phim, Saphira vẫn là một cô rồng trẻ, mang tâm hồn thích đùa giỡn.
Bộ phim ra mắt vào năm 2006, khi công nghệ kỹ xảo còn hạn chế. Nhưng trước khi có Mẹ Rồng Daenerys đối đầu với quân Lannister, Eragon đã mang đến cho khán giả cảnh bay đầu tiên giữa Eragon và Saphira, một cảnh tượng đầy ấn tượng.
3. Arman – I am Dragon
Những fan thể loại Fantasy có thể chưa nghe đến I am Dragon, một bộ phim Nga kể về một công chúa đem lòng yêu một chàng trai sống đơn độc trên hòn đảo xa xôi. Điều bất ngờ là chàng trai này thực ra là một con rồng, loài tưởng đã tuyệt chủng từ lâu.
Arman là con rồng chính trong I am Dragon, nhưng có một chút khác biệt về tạo hình. Thực tế, Arman là Wyvern, một họ hàng gần của rồng, với đặc điểm khác nhau như chỉ có 2 chân sau, hai cánh thay cho chi trước, không phun lửa, và kích thước nhỏ hơn rồng. Nhưng bộ phim gọi Arman là rồng, nên chúng ta cứ chấp nhận vậy.
I am Dragon là một giấc mơ cho những ai thích Fantasy và lãng mạn. Bộ phim đã nhân hóa và tạo chiều sâu cho con rồng của mình – một sinh vật mà mọi người muốn tiêu diệt, trong một câu chuyện về tình yêu giữa hai người xa lạ, vượt qua sự khác biệt.
4. Mushu – Mulan
Hiếm khi thấy một con rồng đậm chất Á Đông trong nền điện ảnh Âu Mỹ, nhưng Mushu trong Mulan lại là một ngoại lệ. Dù tạo hình có thể không đúng chuẩn, ý tưởng của nhân vật này vẫn rất đáng khen. Mushu là một con rồng mà nhiều người nhớ đến.
Mushu là linh vật của gia tộc họ Fa (Phạm), chịu trách nhiệm bảo vệ Mulan khi cô cải trang thành nam giới để thay cha đi tòng quân. Mặc dù được gọi là rồng và là một trong những linh thú huyền thoại, Mushu lại khá nhỏ bé và có phần…vô dụng. Với kích thước không lớn hơn một con rắn đồng, Mushu có thân hình dài như mãng xà, vảy cá, sừng và tai bò, nhưng lại có khả năng phun lửa.
Mushu không thể ra trận như trong truyền thuyết, nhưng chú là người bạn trung thành mà Mulan có thể dựa vào, là người tiếp thêm động lực cho cô vượt qua mọi khó khăn. Dù Mushu có những khiếm khuyết riêng, mỗi khi Mulan cần, chú luôn xuất hiện kịp thời.
5. Haku – Spirited Away
Một đại diện khác đến từ phương Đông. So với Mushu, Haku có tạo hình giống với những mô tả trong truyền thuyết hơn. Có lẽ vì Haku đến từ Nhật Bản – một nhân vật vô cùng nổi bật trong làng điện ảnh châu Á.
Haku gặp Chihiro trong thế giới linh hồn, vào thời điểm cha mẹ cô bé bị biến thành lợn. Dưới hình dạng một chàng trai trẻ không lớn hơn Chihiro là bao, Haku hướng dẫn Chihiro đến gặp người gác lò để tìm việc tại một nhà tắm công cộng do phù thủy Yubaba điều hành. Từ đó, Haku luôn dõi theo và giúp đỡ Chihiro trong thế giới xa lạ này.
Không dễ thương như Mushu, Haku trông có vẻ dữ dằn hơn, nhưng ánh mắt lại ẩn chứa nỗi buồn. Bởi vì Haku là hiện thân của một dòng sông bị lấp, cậu đã quên đi tên của mình và phải làm việc cho Yubaba. Nhờ sự kiên trì và ấm áp của Chihiro, Haku dần nhớ lại tên thật của mình. Khi nhớ ra tên, cậu được tự do và hẹn gặp lại Chihiro vào một ngày nào đó.
6. Ghidorah – Godzilla: King of Monsters
Một Kaiju ấn tượng hơn cả Godzilla? Trước đây, điều này khó mà tưởng tượng được. Nhưng với kỹ xảo hiện đại, điều đó không còn là bất khả thi. King Ghidorah đã xuất hiện trên màn ảnh với màn ra mắt cực kỳ ấn tượng trong Godzilla: King of Monsters.
Là kẻ thù truyền kiếp của Godzilla, Kaiju rồng ba đầu này là một lãng khách từ dải ngân hà. Sự hiện diện của nó có thể hủy diệt cả một hành tinh, buộc Godzilla phải liều mình chiến đấu để tiêu diệt mối nguy này. Sức mạnh của nó lớn đến mức suýt khiến Godzilla thất bại. Một điều thú vị là Ghidorah, dù được gọi là rồng, thực chất là một loài Wyvern.
7. Những con rồng trong Game of Thrones và House of the Dragon
Game of Thrones và House of the Dragon không chỉ thu hút với cốt truyện phức tạp và những cú twist bất ngờ, mà còn với sự xuất hiện của những con rồng. Game of Thrones chỉ có 3 con, nhưng House of the Dragon có đến 10 con. Trong thời đại gia tộc rồng vẫn còn vững mạnh, những con rồng này với đủ hình dạng, màu sắc và kích thước có thể bay lượn trên màn ảnh. Tuy nhiên, chúng thực chất là Wyvern hơn là rồng.
8. Vermithrax Pejorative – Dragonslayer
Trong thời của nó, bộ phim Fantasy Dragonslayer năm 1981 đã sử dụng một số hiệu ứng hình ảnh phức tạp nhất trong điện ảnh để đưa phản diện của nó lên màn ảnh. Nhân vật phản diện rồng trung tâm của câu chuyện, Vermithrax Pejorative, là một trong những sinh vật giả tưởng ấn tượng nhất cho đến thời điểm đó, dù nó được dựng lên từ một con rối.
Vermithrax Pejorative thường cư trú tại vùng đất Urland, nơi phù thủy Ulrich đã giam giữ và thường hiến tế những thiếu nữ đồng trinh để ngăn chặn sự tàn sát của nó. Khi Ulrich bị tiêu diệt, Galen, người học trò của ông, quyết định thách thức con rồng trước khi công chúa của Urland trở thành nạn nhân tiếp theo.
Dù kỹ xảo của nó có thể đã cũ, nhưng vẫn rất hiệu quả và cho đến bây giờ, Vermithrax Pejorative vẫn là hình ảnh chính xác nhất với những lời mô tả trong truyền thuyết, là một trong những con rồng ấn tượng nhất từng được thể hiện trên màn ảnh. Tuy nhiên, nó thực chất là một Wyvern.
9. Smaug – The Hobbit: Desolation of Smaug
Trung Địa, thế giới được tạo ra từ trí tưởng tượng của nhà văn Tolkien, là nơi chứa đầy những sinh vật kỳ diệu và đáng sợ. Trong số đó, Smaug là cơn ác mộng của Trung Địa và là nỗi sợ hãi của người lùn xứ Erebor. Tuy nhiên, theo quan điểm của người viết, đây là phản diện bị lãng phí nhất trong loạt phim The Hobbit.
Smaug không chỉ có sức mạnh hủy diệt mà còn vô cùng thông minh. Hắn đã thiêu rụi Dale, Erebor và Eskeroth, giết hàng chục nghìn cư dân, từ người thường đến người lùn. Cuối cùng, Bard the Bowman đã hạ gục Smaug bằng một mũi tên, nhưng chỉ sau khi Bilbo chỉ cho Bard biết về điểm yếu trên vảy của con rồng này. Tuy nhiên, trận chiến với Smaug không quá ấn tượng, và cái chết của hắn trong The Hobbit đến quá nhanh và không đúng thời điểm.
10. Toruk (Great Leonopteryx) – Avatar (2009)
Khi Avatar mới ra mắt, bộ phim đã gây ấn tượng mạnh mẽ về phần hình ảnh, không có bộ phim nào thời điểm đó có thể so sánh được. Avatar cuốn hút chúng ta với những sinh vật kỳ diệu trên hành tinh Pandora, và mang đến sự ngưỡng mộ đối với nền văn hoá độc đáo của dân tộc bản địa. Và tất nhiên, những chú Ikran – loài Mountain Banshee – đã chiếm trọn trái tim của những người yêu thích thể loại giả tưởng, đặc biệt là khi một Toruk – người anh em lớn hơn, mạnh mẽ hơn của Ikran – xuất hiện.
Dù Avatar: The Way of Water không còn bối cảnh của Toruk vì phần lớn nội dung diễn ra ở vùng biển rộng lớn của Pandora, nhưng những chú Ikran vẫn xuất hiện trong bộ phim này.