1. Khám phá đam mê và phương pháp học hiệu quả nhất
Học tập sẽ không còn nhàm chán và khó khăn nếu bạn tìm thấy niềm đam mê trong đó. Mỗi môn học, lĩnh vực nào cũng chứa đựng sự logic và thú vị riêng. Khi bạn trả lời được câu hỏi: Tại sao tôi lại yêu thích môn học này, đó chính là lúc bạn sẵn sàng áp dụng những phương pháp học tập hiệu quả. Hãy tạo cho mình một không gian học tập thoải mái, yên tĩnh và một thời gian biểu hợp lý để khơi dậy hứng thú học tập.
Trong cuốn sách "Tôi tài giỏi - Bạn cũng thế!" của tác giả Adam Khoo, ông giới thiệu về "Sơ đồ tư duy" giúp chúng ta ghi nhớ khối lượng kiến thức lớn trong thời gian ngắn. Sơ đồ tư duy là một gợi ý tuyệt vời để bạn "nắm bắt" những thông tin dài và khó nhớ sau thời gian dài không động đến sách vở. "Sơ đồ tư duy" hiểu đơn giản là việc trình bày lượng kiến thức lớn thành những ý nhỏ (giống như các nhánh cây) thông qua hệ thống mũi tên suy diễn. Để học tập hiệu quả, bạn cần hiểu rõ vấn đề, tóm tắt lại và ghi nhớ chúng, đồng thời ôn lại những kiến thức liên quan. Hãy kiên trì tự học, tự nâng cao bản thân và hỏi bạn bè, thầy cô để tăng cường năng lượng học tập tích cực cho mình nhé!
2. Thời gian nghỉ ngơi trong ngày
Việc tái tạo và duy trì năng lượng học tập tích cực cũng quan trọng không kém so với cách bạn tạo ra nó. Hãy tự thưởng cho mình những món ăn yêu thích, những bản nhạc nhẹ nhàng hoặc đơn giản chỉ là một giấc ngủ ngon sau một ngày học tập và làm việc mệt nhọc. Đây là những cách đơn giản giúp cơ thể bạn được nghỉ ngơi, thư giãn và gia tăng những suy nghĩ tích cực. Tuy nhiên, bạn cũng cần lựa chọn hình thức thư giãn một cách thông minh, tránh xa trò chơi điện tử, những cuộc tụ tập vô bổ và thông tin không hữu ích.
Nếu bạn không thể tập trung vào việc học, cảm thấy đầu óc như bị trì trệ và tinh thần uể oải, hãy tạm gác việc học lại. Dành thời gian cho những sở thích của mình như xem phim, đi ăn với người bạn thích hoặc đọc sách... Làm những điều mình yêu thích là cách tốt nhất để khôi phục tinh thần, giúp bạn kích thích tâm trí và có những suy nghĩ tích cực để có thêm cảm hứng và sự tập trung khi học bài.
Tuy nhiên, chỉ nên dành khoảng 5 – 10 phút để nghỉ ngơi và thư giãn với những sở thích của mình, tránh để thời gian này kéo dài quá lâu. Trong quá trình học, hãy tự thưởng cho bản thân khi bạn đã nỗ lực học tập và đạt được những mục tiêu đề ra bằng cách dành thời gian cho các hoạt động giải trí theo ý thích.
3. Luôn mang theo một cuốn sách bên mình
Sách chính là kho tàng tri thức vĩ đại của nhân loại. Đôi khi, bạn có thể tìm thấy nguồn năng lượng tuyệt vời từ những con chữ nhỏ bé trong sách. Duy trì thói quen đọc sách hàng ngày không chỉ mang đến thông tin hữu ích về nhiều lĩnh vực mà còn giúp bạn mở rộng vốn từ vựng và sự hiểu biết. Hãy chọn những cuốn sách phù hợp, đọc một cách chậm rãi và cảm nhận những điều thú vị từ chúng. Khi bạn làm được điều này, tức là bạn đã mở ra cánh cửa cho nguồn năng lượng tích cực tràn vào tâm trí.
Việc luôn mang theo một cuốn sách bên mình cũng là cách tuyệt vời để thư giãn nhẹ nhàng. Bạn có thể lựa chọn những cuốn sách có chủ đề yêu thích và dễ hiểu để việc tiếp nhận thông tin trở nên dễ dàng hơn. Hãy hình thành thói quen đọc sách và ghi chú lại những thông tin bổ ích để nâng cao kiến thức của bản thân nhé.
4. Tận dụng thời gian di chuyển
Ngay cả khi bạn đang trên đường đến trường, đi làm hay đi chơi, bạn vẫn có thể tạo ra những nguồn năng lượng tích cực. Việc chiêm ngưỡng một con đường đẹp, một cái cây, hay một ngôi nhà nào đó sẽ kích thích não bộ sản sinh ra năng lượng tích cực. Vì vậy, hãy tận dụng thời gian di chuyển trong ngày để tìm kiếm và tái tạo năng lượng cho bản thân. Dù bạn di chuyển bằng phương tiện cá nhân hay công cộng, hãy lắng nghe những âm thanh và câu chuyện xung quanh để mở rộng hiểu biết của mình!
Đặc biệt, bạn cần giữ cho tâm lý thoải mái. Mặc dù đây không phải điều dễ dàng vì nhiều học sinh thường cảm thấy căng thẳng trước mùa thi. Do đó, hãy tìm hiểu những cách giúp giải tỏa căng thẳng và tạo hứng thú trong học tập để hạn chế suy nghĩ tiêu cực, giúp cơ thể và tâm trí trở nên thoải mái hơn trước khi trở lại việc học. Hãy tận dụng thời gian di chuyển để chuẩn bị cho mình một tinh thần thoải mái trước khi đến lớp nhé.
5. Ưu tiên học những môn dễ trước
Khi bắt đầu quay lại việc học sau thời gian nghỉ dịch, bạn có thể gặp khó khăn trong việc tập trung. Trong những lúc cảm thấy không hứng thú hoặc thiếu tập trung, hãy bắt đầu với những kiến thức dễ hiểu trước, sau đó mới chuyển sang các bài học khó hơn. Cách này sẽ giúp bạn duy trì hiệu quả học tập và khôi phục hứng thú. Nếu bạn đang gặp khó khăn với một chủ đề nào đó, hãy tạm gác lại và chọn một chủ đề dễ hơn.
Khi bạn đã lấy lại được cảm hứng, hãy quay lại với những chủ đề khó hơn. Lưu ý rằng không nên chỉ học một môn liên tục mà hãy luân phiên từ 3 đến 4 môn khác nhau để tránh cảm giác nhàm chán và giữ được sự hứng thú trong quá trình học tập.
6. Liệt kê các động lực thúc đẩy bạn học hành
Để có động lực học tập hiệu quả, hãy viết ra những lý do giúp bạn cố gắng hơn. Ví dụ:
- Yếu tố bên ngoài như nhận học bổng, lời khen từ gia đình hay phần thưởng từ trường.
- Yếu tố bên trong như việc nâng cao kiến thức, hiểu biết hơn về các chủ đề và đạt điểm cao trong các kỳ thi.
Hãy coi những động lực này như là mục tiêu phấn đấu. Ghi lại những thành tựu và phần thưởng của bạn trong một cuốn sổ để theo dõi tiến bộ của bản thân.
Trong quá trình học, bạn có thể bị phân tâm bởi những yếu tố bên ngoài như bạn bè gọi điện rủ rê hay tiếng ồn xung quanh. Những điều này khó có thể kiểm soát, vì vậy hãy xác định rõ mục tiêu của bạn và nghĩ đến chúng để giữ tập trung, giúp bạn học hiệu quả hơn sau thời gian nghỉ ngơi.
7. Không bao giờ đặt áp lực quá nặng lên bản thân
Học tập là một hành trình dài, có thể kéo dài suốt cả cuộc đời. Nguồn cảm hứng trong học tập là vô hạn, và nhiệm vụ của chúng ta là tìm ra nó. Nhiều người tin rằng nếu tạo ra một tâm lý năng suất, họ sẽ học tập chăm chỉ hơn. Điều này không thể phủ nhận. Tuy nhiên, áp lực có thể khiến bạn chìm đắm trong sách vở, nhưng nó cũng có thể trở thành một con dao giết chết tinh thần của bạn bất kỳ lúc nào.
Ngày nay, đặc biệt trong giới trẻ, nhiều bệnh tâm lý như trầm cảm và tự kỷ thường phát sinh từ áp lực và kỳ vọng trong học tập. Vì vậy, hãy luôn giữ cho mình một tâm lý thoải mái và nhẹ nhàng trong quá trình học. Dù dịch bệnh có thể làm trì hoãn kế hoạch học tập của bạn, nhưng đừng để áp lực làm bạn căng thẳng. Áp lực trong giai đoạn khởi động lại sau dịch là điều dễ hiểu, nhưng hãy bình tĩnh và quyết tâm tiếp tục với kế hoạch của mình. Một tâm trạng tích cực sẽ giúp bạn học tập hiệu quả hơn so với việc để áp lực đè nén mình.
8. Duy trì một sức khỏe tốt
"Sức khỏe là vàng" - bạn sẽ không thể học tập hiệu quả khi cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, suy nhược. Theo các nhà khoa học, sức khỏe tốt giúp tinh thần minh mẫn và xử lý tình huống nhanh chóng, chính xác hơn. Để giữ gìn sức khỏe, bạn cần lập kế hoạch tập luyện và biến nó thành thói quen hàng ngày không thể thiếu.
Tùy vào thời gian có sẵn, hãy chọn cho mình các bài tập thể dục, đi bộ, hoặc chơi thể thao để nâng cao thể chất và sự dẻo dai. Sau một thời gian dài nghỉ dịch, cơ thể có thể quen với lối sống chậm rãi, vì vậy hãy nhanh chóng "tút" lại sức khỏe để đón nhận nguồn năng lượng tích cực. Bên cạnh việc tập luyện, bạn cũng nên tránh xa các thói quen có hại cho sức khỏe như ăn đồ cay nóng, thức khuya hoặc lạm dụng chất kích thích.
9. Tạm ngừng các hoạt động giải trí
Bạn dành bao nhiêu thời gian cho mạng xã hội và các trò giải trí trong một ngày? Nếu muốn tạo ra năng lượng tích cực, hãy tạm xa những thiết bị thông minh này! Các nghiên cứu cho thấy rằng, những người thường xuyên nhìn vào màn hình điện thoại một giờ trước khi ngủ thường gặp vấn đề về thị giác, giấc ngủ bị gián đoạn (ngủ không sâu, chập chờn, thức dậy cảm thấy mệt mỏi) và khả năng tập trung sẽ giảm sút so với những người không có thói quen này.
Mỗi người chỉ có 24 giờ trong ngày để thực hiện mọi việc, đừng lãng phí thời gian cho những thứ vô bổ hay các trò giải trí không đáng. Những người có năng lượng tích cực thường biết cách sử dụng thiết bị thông minh một cách hiệu quả nhất. Chẳng hạn, thay vì tốn quá nhiều thời gian trên Facebook, câu like hay đọc những tin tức giật gân, hãy chọn đọc blog hoặc tạp chí liên quan đến học tập. Hãy lưu lại những nguồn thông tin hữu ích và sử dụng chúng một cách thông minh nhất.
10. Lập kế hoạch thời gian hợp lý
Vào buổi sáng trước khi rời khỏi nhà, hãy tạo thói quen ghi lại những việc cần làm trong ngày vào một cuốn sổ và kiểm tra tiến độ thực hiện trước khi đi ngủ. Đầu óc con người không phải là máy móc, vì vậy chúng ta không thể nhớ hết mọi việc cần làm trong ngày. Một thời gian biểu hợp lý giúp bạn cân đối thời gian, ưu tiên những nhiệm vụ quan trọng và theo dõi kết quả thực hiện.
Trong quá trình học tập, thời gian biểu hợp lý càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ngoài thời gian học chính ở trường, hãy dành thời gian học tại nhà để củng cố kiến thức. Khi bạn cảm thấy hứng thú với việc học, đó là lúc năng lượng tích cực trong bạn dâng trào nhất. Các nhà khoa học khuyên rằng, trí não có khả năng tập trung cao nhất vào khoảng 4-6 giờ sáng, vì vậy hãy nhớ ngủ trước 23h để tái tạo năng lượng cho ngày mới.