Trong thời kỳ mang thai, việc chọn lựa thực phẩm đúng cách và giàu dinh dưỡng là rất quan trọng. Mẹ bầu nên tìm hiểu về những loại thực phẩm không nên ăn khi mang thai để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Dưới đây là danh sách 12 thực phẩm không nên ăn trong thời kỳ mang thai mà Mytour muốn chia sẻ cùng các bà mẹ.
Hải sản chứa nhiều thủy ngân
Khi ăn hải sản, mẹ bầu cần chọn lựa cẩn thận. Ảnh: unsplash
Mẹ bầu cần tránh bốn loại cá chứa nhiều thủy ngân: cá kiếm, cá mập, cá thu vua và cá nàng đào.
Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) khuyên phụ nữ mang thai và cho con bú nên tránh hoàn toàn các loại cá này do thủy ngân gây hại cho hệ thần kinh và trí não của trẻ.
Ngoài ra, FDA cảnh báo phụ nữ mang thai không nên ăn quá 170g/tuần của cá ngừ trắng hoặc cá ngừ đại dương đóng hộp do nguy cơ chứa thủy ngân.
Tuy nhiên, nhiều loại hải sản có hàm lượng thủy ngân thấp nên được bổ sung vào chế độ ăn uống khi mang thai. Các axit béo (DHA và EPA) trong hải sản đóng vai trò quan trọng trong phát triển não bộ của trẻ.
FDA và EPA khuyến nghị phụ nữ mang thai chỉ nên ăn tối đa 340g cá và động vật có vỏ ít thủy ngân mỗi tuần.
Sữa và nước trái cây chưa được tiệt trùng
Sữa chưa tiệt trùng có thể nhiễm khuẩn, gây nguy hiểm cho mẹ và thai nhi. Ảnh: freepik
Uống sữa và nước trái cây chưa tiệt trùng khi mang thai có thể gây nguy hại cho sức khỏe của mẹ và thai nhi. Những thực phẩm này có thể chứa listeriosis - một loại vi khuẩn rất nguy hiểm cho thai nhi. Mẹ bầu khi mang thai có nguy cơ cao mắc bệnh này do hệ miễn dịch yếu.
Vi khuẩn listeria monocytogenes có thể tồn tại trong sữa và sản phẩm từ sữa, nước trái cây chưa tiệt trùng và các loại thực phẩm khác, thậm chí có thể phát triển trong tủ lạnh. Đó là lý do tại sao mẹ bầu nên tránh hoàn toàn các đồ uống này.
Một số loại sữa tiệt trùng tốt cho mẹ bầu có thể tham khảo như sữa bầu Enfa, sữa bầu Similac, sữa bầu Frisomum hay sữa bầu Wakodo,... Các loại sữa này đều chứa dưỡng chất có lợi như DHA, ARA, giúp phát triển não bộ thai nhi, vì vậy các mẹ hãy cố gắng uống sữa bầu để em bé được khỏe mạnh nhé
Thịt nguội và xà lách
Những loại thịt nguội có nguy cơ bị nhiễm khuẩn listeria. Ảnh: freepik
Các loại thịt nguội để lạnh như gà tây, giăm bông, thịt ba chỉ, thịt bò nướng và xúc xích có nguy cơ bị nhiễm khuẩn listeria. Những thứ này không an toàn trừ khi được đun nóng trên 70 độ C trước khi ăn.
Tương tự, mẹ bầu có nguy cơ nhiễm khuẩn khi ăn hải sản hun khói bảo quản trong tủ lạnh, các món salad trộn, salad khoai tây, salad giăm bông và salad hải sản.
Các loại thịt và hải sản đóng hộp có ghi rõ thời hạn sử dụng thì an toàn, nhưng những sản phẩm này chứa lượng natri cao, vì vậy cũng không phải là lựa chọn dinh dưỡng tốt trong thai kỳ.
Thịt, gia cầm, hải sản, trứng nấu chưa chín hoặc còn sống
Nấu chín kỹ thức ăn sẽ giúp mẹ bầu tránh bị nhiễm các loại vi khuẩn nguy hiểm. Ảnh: freepik
Mẹ bầu ăn thực phẩm nấu chưa chín kỹ hoặc còn sống sẽ có thể bị nhiễm ký sinh trùng toxoplasma và vi khuẩn salmonella. Khi người mẹ bị nhiễm bệnh có thể lây nhiễm sang thai nhi và gây ra các vấn đề nghiêm trọng lên sức khỏe.
Để loại bỏ rủi ro, hãy sử dụng nhiệt kế thực phẩm, nấu thịt bò, thịt lợn, thịt cừu đến 63°C, tất cả các loại thịt xay đạt 71°C và thịt gia cầm đạt 74°C. Nấu trứng cho đến khi lòng đỏ thật chín và đảm bảo các món ăn có chứa trứng đạt 71°C.
Mẹ bầu nên tránh các loại nước sốt làm từ trứng sống, nếu chế biến món ăn có trứng sống hoặc chưa được nấu chín kỹ như nước sốt hoặc hỗn hợp phết, hãy sử dụng trứng đã được tiệt trùng.
Khi ăn ở quán, mẹ bầu hãy gọi món thịt được chế biến kỹ, trứng, hải sản được nấu chín hoàn toàn và tránh các loại nước sốt.
Mầm sống và thực phẩm thô chưa được rửa sạch
Vi khuẩn xâm nhập vào rau mầm sống rất dễ dàng, mẹ bầu không nên ăn rau mầm. Ảnh: freepik
Rau mầm sống là một thứ tốt cho sức khỏe, nhưng trong thời kỳ mang thai, mẹ bầu không nên ăn rau mầm. Bởi vì vi khuẩn xâm nhập qua các vết nứt trên vỏ hạt mầm và sẽ không bị tiêu diệt được bởi vì mầm sống thường không được nấu chín trước khi ăn.
Vì vậy, mẹ bầu hãy tránh ăn các loại rau mầm như: cỏ linh lăng, cỏ ba lá, cải củ, giá đỗ…
Vi khuẩn toxoplasma cũng có thể chứa trong trái cây và rau quả chưa rửa sạch. Vì vậy mẹ bầu nên đảm bảo rửa kỹ sản phẩm dưới vòi nước trước khi sử dụng, tránh ăn trái cây hoặc rau bị thâm vì vi khuẩn có thể phát triển mạnh ở những nơi sản phẩm bị hư hỏng.
Phô mai chưa được tiệt trùng
Tương tự như sữa tươi chưa được tiệt trùng, phô mai mềm có nguy cơ nhiễm khuẩn listeria.
Mẹ bầu nên kiểm tra nhãn của sản phẩm và chỉ ăn phô mai đã được tiệt trùng.
Nước tăng lực và cà phê
Mẹ bầu dùng 200mg caffein mỗi ngày được coi là an toàn trong thời kỳ mang thai. Caffein có trong nhiều đồ uống và một số loại thực phẩm khác, vì vậy mẹ bầu hãy kiểm tra thành phần trước khi sử dụng.
Mẹ bầu nên hạn chế thức uống bổ sung năng lượng khi mang thai, vì có thể gây nhịp tim bất thường và tăng huyết áp. Các thức uống chứa chất kích thích như nhân sâm, hạt guarana, trà yerba mate và chiết xuất trà xanh đều chưa được chứng minh là an toàn khi sử dụng trong thai kỳ.
Đu đủ xanh
Đu đủ xanh không tốt cho bà bầu
Đu đủ chưa chín (xanh) chứa chất mủ có thể kích hoạt cơn co thắt tử cung. Chất mủ này hoạt động tương tự như hormone oxytocin và prostaglandin, liên quan đến quá trình chuyển dạ. Vì vậy, mẹ bầu nên tránh ăn đu đủ chưa chín.
Thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa
Chất béo chuyển hóa có thể tăng cholesterol LDL (loại cholesterol xấu) và giảm mức cholesterol HDL bảo vệ tim. Các nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ nhiều chất béo chuyển hóa có thể tăng nguy cơ lạc nội mạc tử cung và vô sinh.
Các sản phẩm chứa chất béo chuyển hóa bao gồm:
Thực phẩm chiên
Mẹ bầu cần tránh sử dụng thực phẩm chiên và đồ ăn nhanh.
Mặc dù hầu hết các chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh đã chuyển sang sử dụng dầu không chứa hydro hóa, một số nhà hàng vẫn sử dụng một phần dầu hydro hóa để chiên bánh khoai tây, phô mai que và khoai tây chiên... Mẹ bầu nên tránh sử dụng các loại thực phẩm này.
Bơ thực vật, kem đường và bột béo
Mẹ bầu nên kiểm tra thông tin dinh dưỡng trên bảng thành phần khi sử dụng các loại này.
Hỗn hợp bánh quy và bánh kếp
Các công ty thường sử dụng hỗn hợp này để tạo cho sản phẩm một cấu trúc nhẹ, bông xốp. Mẹ bầu hãy nhớ kiểm tra thông tin dinh dưỡng để đảm bảo chất béo không quá cao và tránh thành phần các loại dầu hydro hóa một phần.
Bài viết liên quan: Ngoài chế độ ăn uống lành mạnh, mẹ cần tránh những tư thế Yoga nguy hiểm này
Thực phẩm có chứa đường khó nhận ra
Bánh quy, bánh ngọt, kẹo và kem rất dễ nhận biết có rất nhiều đường, nhưng những món ăn khác cũng có thể chứa nhiều đường mà chúng ta không biết rõ.
Đường không chỉ gây ra bệnh béo phì và bệnh tiểu đường mà còn không cung cấp bất kỳ lợi ích dinh dưỡng nào. Mẹ bầu thường dễ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, cơ thể không sản xuất đủ insulin để xử lý lượng đường dư thừa trong máu.
Những loại thực phẩm chứa lượng đường khó nhận ra bao gồm:
Bánh mì
Trong bánh mì chứa nhiều đường. Ảnh: unsplash
Trong các loại bánh mì có mật đường, si rô ngô… chứa hàm lượng fructose cao và các chất tạo ngọt khác.
Thức ăn đông lạnh
Pizza đông lạnh, một lựa chọn tiện lợi có thể chứa đến 20g đường trong mỗi khẩu phần. Một bữa ăn có hơn 10g đường mẹ bầu nên tránh.
Sốt salad
Trộn sốt vào salad có thể làm món ăn thêm ngon, nhưng một số loại nước sốt đóng chai có chứa 8g đường trong mỗi 2 muỗng canh. Mẹ bầu nên giảm lượng sốt không chứa chất béo để tránh lượng đường cao.
Đồ ăn nhẹ (bánh quy giòn, bỏng ngô, bim bim...)
Sản phẩm không có vị ngọt cũng có thể ẩn chứa đường. Thanh ngũ cốc có nhân mứt có thể chứa lượng đường cao, và mỗi chiếc bánh quy giòn graham có thể có 1g đường.
Ngũ cốc
Ngũ cốc nguyên hạt có thể chứa 14g - 16g đường mỗi khẩu phần. Mẹ bầu nên luôn kiểm tra thành phần của sản phẩm trước khi mua và nếu đường được liệt kê đầu tiên, hãy cân nhắc lựa chọn khác.
Soda và đồ uống có đường
Các loại đồ uống có gas thường có hàm lượng đường cao.
Nước ngọt có gas không chỉ có caffein mà còn có hàm lượng đường cao, một lon cola 350ml chứa 27g đường. Bên cạnh đó, trà đá có đường, đồ uống nước trái cây,… đều có 20g - 35g đường và không cung cấp nhiều dinh dưỡng.
Vì vậy, mẹ bầu hãy làm dịu cơn khát bằng nước, sữa tươi, trái cây hoặc nước ép trái cây đã tiệt trùng. Mẹ bầu có thể để vào nước một vài nhánh hương thảo (đã rửa sạch), vài lát dưa chuột và chanh sẽ tạo nên hương vị hấp dẫn.
Thực phẩm có chứa hàm lượng cao natri
Mặc dù trong tam cá nguyệt đầu tiên, mẹ bầu thường thèm ăn mặn nhưng natri không tốt cho phụ nữ mang thai. Khi mang thai mẹ bầu dễ bị phù nề và quá nhiều natri chỉ làm cho tình trạng đó trở nên tồi tệ.
Nên dùng natri ở mức 2.300mg mỗi ngày, ngoài việc mẹ bầu tránh thức ăn nhanh và chế biến sẵn, hãy để ý những món chứa nhiều natri sau đây:
Thức ăn chế biến sẵn đông lạnh
Muối là một chất bảo quản tự nhiên, vì vậy những thức ăn này thường chứa nhiều natri và một số những loại đó đạt gần 1.000mg. Mẹ bầu hãy nhớ xem kỹ bao bì và tìm những món ăn có ít hơn 500mg natri.
Đồ ăn nhẹ và bữa trưa chế biến sẵn
Bánh quy giòn, thịt chế biến, phô mai… chứa nhiều natri (hơn 800mg), nitrat và đường. Tốt hơn hết là mẹ bầu nên mang theo đồ ăn nhẹ hoặc bánh mì sandwich tự chuẩn bị khi đi làm hoặc di chuyển.
Súp
Súp đóng hộp thường chứa 900mg natri trong mỗi khẩu phần ăn (thậm chí nhiều hơn). Mẹ bầu cũng nên chú ý hạn chế súp tại các chuỗi nhà hàng hay mì ramen đóng gói vì có chứa nhiều muối và chất béo.
Bánh mì
Bánh mì thường không có vị mặn, nhưng muối có thể được thêm vào để tăng hương vị. Một bánh mì cuộn có thể chứa hơn 400mg natri và bánh mì cuộn phô mai có thể chứa hơn 800mg natri.
Lời kết
Mẹ bầu nên ăn những loại thực phẩm tươi sống, chưa qua chế biến. Trong thức ăn của mẹ bầu nên cắt giảm lượng đường, natri và những thứ không tốt khác. Hy vọng những thông tin mà Mytour cung cấp sẽ giúp mẹ bầu có được những lưu ý trong việc lựa chọn thực phẩm trong giai đoạn thai kỳ, để mẹ và bé luôn khỏe mạnh.
Ngọc Hà tổng hợp từ Baby Center