
'Người yêu' của Marguerite Duras

Marguerite Duras là một trong những nhà văn nữ Pháp nổi tiếng và tài năng nhất.
'Người yêu' là một trong những tự truyện nổi tiếng nhất của Duras. Cuốn sách diễn ra ở Nam Việt Nam thời thuộc Pháp và được kể lại từ góc nhìn của một thiếu nữ 15 tuổi không tên, có mối quan hệ với một doanh nhân Trung Quốc lớn tuổi hơn cô nhiều.
Vì vậy, nó thường được so sánh với 'Lolita' của Nabokov và thậm chí còn được mô tả là Anti-Lolita.
Nội dung cuốn sách mặc dù hơi lộn xộn nhưng lại gợi lên sự say mê. Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về văn học Pháp hiện đại thì cuốn sách này rất phù hợp cho khởi đầu của bạn.
Phần lớn các cuốn sách trong danh sách này diễn ra ở Paris, nên cái nhìn sâu sắc về Việt Nam trong 'Người yêu' đã khiến cuốn tiểu thuyết này trở nên khác biệt so với phần còn lại.
'Bà Bovary' của Gustave Flaubert

'Bà Bovary' là một trong những tiểu thuyết Pháp nổi tiếng nhất từng được viết. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Gustave Flaubert và được xuất bản vào những năm 1850.
Nhân vật chính, Bà Bovary, là một phụ nữ luôn khao khát nhiều hơn - cô đã đọc quá nhiều tiểu thuyết lãng mạn của Pháp nên luôn mong muốn một cuộc sống và hôn nhân lý tưởng.
Cô không ngừng cố gắng để có vị thế xã hội cao hơn, những cử chỉ lãng mạn hoành tráng, những đồ vật đẹp đẽ và nhiều hơn thế nữa. Cô hy vọng cuộc hôn nhân với Charles Bovary sẽ mang lại cho cô những điều đó, nhưng người chồng của cô không như mong đợi, và cuộc sống của cô cũng vậy.
Đây là một trong những cuốn tiểu thuyết Pháp xuất sắc nhất và là cuốn sách mà bất kỳ ai muốn tìm hiểu sâu về văn học Pháp đều nên đọc. Flaubert được coi là một trong những tiểu thuyết gia Pháp có ảnh hưởng nhất, và cuốn tiểu thuyết 'Bà Bovary' mang đến cho độc giả cái nhìn sâu sắc và hấp dẫn về xã hội Pháp thế kỷ 19, trong đó, sự kết hợp giữa hiện thực và lãng mạn làm nên điểm thu hút của người đọc.
'Chàng Candice ngây thơ' của Voltaire

'Chàng Candice ngây thơ' dường như là phiên bản người lớn của 'Hoàng tử bé'. Đây là một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu của một trong những triết gia Pháp có ảnh hưởng nhất, Voltaire.
Bề ngoài, cuốn sách trông giống như một câu chuyện phiêu lưu, khám phá, thậm chí là lãng mạn, nhưng thực chất nó là một tác phẩm nghị luận về xã hội Pháp thế kỷ 18. Thời kỳ này, truyện ngắn đã trở thành một thể loại văn học thực sự khi các nhà văn che đậy những ý định giáo huấn và triết học của họ đằng sau những câu chuyện. Trong câu chuyện của Voltaire, ông xây dựng nhân vật chính là một du khách để so sánh hai thế giới khác nhau và tạo ra những câu hỏi “ngây thơ” về những ý tưởng xa lạ.
Người đọc có thể chọn thưởng thức cuốn sách này như một truyện ngắn vui nhộn hoặc khám phá những lời chỉ trích sâu cay của Voltaire đối với xã hội mà vẫn còn phù hợp cho đến ngày nay.
'Kẻ ngoại cuộc' của Albert Camus

Là một phần quan trọng trong chương trình giảng dạy tiếng Pháp ở trường học, 'Kẻ ngoại cuộc' là một trong những tiểu thuyết Pháp hiện đại xuất sắc nhất và là một trong những cuốn sách tiếng Pháp nổi tiếng nhất trong thế giới nói tiếng Anh.
Truyện ngắn của Camus là một câu chuyện triết học về một người đàn ông có cuộc sống rất bình thường bị gián đoạn bởi cái chết của người mẹ. Cái chết ấy không quá tác động tới anh, thậm chí anh không khóc, nhưng xã hội đánh giá anh vì anh không có biểu hiện như họ trông đợi, và điều này sau đó đã khiến số phận anh thay đổi.
Đây là ví dụ điển hình nhất của Camus về triết lý phi lý. Theo lời Camus, nhân vật chính trong cuốn sách bị lên án vì không tuân theo quy tắc. Anh ta là một “kẻ ngoại cuộc” đối với xã hội và Camus tạo ra nhân vật này để chỉ trích các chuẩn mực xã hội, cũng như lên án những ai tẩy chay người không tuân theo chúng.
Bạn nên đọc cuốn tiểu thuyết này nhiều lần để nắm bắt được mọi sắc thái trong đó. Tuy ngắn nhưng nó chứa đầy những vấn đề thách thức cách bạn nhìn nhận về xã hội và công lý.
“Dangerous Liaisons” (Tạm dịch: Mối quan hệ nguy hiểm) của Choderlos de Laclos

Cuốn tiểu thuyết đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên nổi tiếng vào năm 1988. Phim có dàn diễn viên toàn sao bao gồm John Malcovich Glenn Close, Michelle Pfeiffer, Peter Capaldi, Keanu Reeves và Uma Thurman.
“Dangerous Liaisons” là câu chuyện về sự suy đồi và trụy lạc của tầng lớp quý tộc Pháp. Câu chuyện diễn ra vài năm trước Cách mạng Pháp, mô tả về thói hưởng lạc và ăn chơi để tránh cảm thấy nhàm chán của tầng lớp quý tộc.
Hai nhân vật chính, là người yêu cũ của nhau, thách thức nhau quyến rũ giới quý tộc. Nhưng khi trò chơi đã bắt đầu, nó sẽ kết thúc với hậu quả mà cả hai không thể lường trước được.
“Giới nữ” của Simone de Beauvoir

“Giới nữ”, Le Deuxième Sexe, được coi là Kinh thánh của chủ nghĩa nữ quyền phương Tây hiện đại. Đây là một cuốn sách phi hư cấu, gồm hai tập, trong đó Beauvoir phân tích cách đối xử với phụ nữ trong suốt lịch sử nhân loại.
Đây là một cuốn sách khá khó đọc nhưng đáng đọc vì những góc độ và giai đoạn lịch sử rộng lớn mà nó đề cập đến. Tác giả giúp người đọc khám phá vị trí của người phụ nữ trong lịch sử, trong gia đình, trong văn học và hơn thế nữa, từ thời Hy-La cho tới thế kỷ 20.
Nội dung sách có những phần khá trừu tượng, phần khác được viết ra từ những nghiên cứu của de Beauvoir về khoa học, sinh học và cơ thể phụ nữ.
Trong thế kỷ qua, vai trò của phụ nữ đã có sự cải thiện nhưng cuốn sách này vẫn còn phù hợp cho tới ngày nay, dù nó được xuất bản từ năm 1949. Đây là cuốn sách cần phải đọc cho những ai ủng hộ nữ quyền và đấu tranh cho bình đẳng giới.
“Kẻ vô luân” của André Gide

Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết là một người đàn ông đã có vợ con, người bị cuốn vào một mạng lưới các mối quan hệ phức tạp và trách nhiệm chồng chéo. Anh ta coi cả cuộc đời là một sự giả tạo của đạo đức, và để theo đuổi sự thật, bản ngã và người tình đồng tính, anh ta đã từ bỏ tất cả.
“Kẻ vô luân” là một câu chuyện đơn giản nhưng đầy mỉa mai, trong đó người kể chuyện ở ngôi thứ nhất tiết lộ những mơ hồ về mặt đạo đức của cuộc sống thông qua những hồi tưởng tưởng chừng như vô hại. Đó là câu chuyện về quá trình mà Michel, người vừa trầm ngâm vừa bốc đồng, phát hiện ra chính mình, phải trả giá bằng cuộc hôn nhân và mạng sống của vợ mình.
Cuốn tiểu thuyết này rất quan trọng vì nó quan nói lên mối quan hệ công dân Pháp và Algeria thuộc Pháp, một phần quan trọng của lịch sử Pháp gần đây. Văn phong của Gide sử dụng trong cuốn sách cũng đáng chú ý, ông sử dụng ngôi thứ nhất để đánh lạc hướng những liên hệ giữa nhân vật với cuộc sống của ông, ông nói rằng mình đang viết ra suy nghĩ của nhân vật chứ không phải bản thân ông.
Điều này rất có ý nghĩa trong giai đoạn đầu thế kỷ XX khi việc viết và tìm hiểu về tình yêu đồng giới một cách công khai là điều cấm kỵ.
“The Flowers of Evil” (Tạm dịch: Đóa Hoa Của Ác Ma) của Charles Baudelaire

Nếu bạn là fan của T.S. Eliot thì Baudelaire là một nhà thơ khác mà bạn sẽ muốn thêm vào giá sách của mình. Baudelaire là một trong những nhà thơ Pháp có ảnh hưởng nhất, truyền cảm hứng cho những người như Verlaine, Rimbaud và Mallarmé.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “The Flowers of Evil” (Les Fleurs du Mal), một tập thơ viết về những thay đổi mà Paris trải qua do quá trình công nghiệp hóa trong thế kỷ 19.
Baudelaire nhấn mạnh rằng Les Fleurs du Mal không chỉ là một tập thơ biệt lập mà là một chuỗi được sắp xếp có chủ ý.
Tập thơ của ông có thể được chia thành ba phần với ba dạng cảm xúc: khao khát vươn tới trạng thái xuất thần, sự dằn vặt khi không đạt tới sự hoàn hảo, và cuối cùng là lời khẳng định của kẻ cay đắng vẫn còn chút giá trị nhưng giá trị ấy lại rất mãnh liệt.
Xuyên suốt tập thơ, ông miêu tả sự tầm thường của xã hội theo cách trung thực nhưng đầy chất thơ, điều này khiến tập thơ rất đáng đọc.
“Đỏ và đen” của Stendhal

Stendhal đề cập đến nhiều vấn đề xã hội trong tiểu thuyết của mình, bao gồm chính trị, nhà thờ, đời sống tỉnh lẻ ở Pháp, vai trò của phụ nữ và giai cấp xã hội. Nhiều nhà văn nổi tiếng đã đề cập đến những chủ đề này vào thời điểm đó, nhưng Stendhal trở nên nổi bật khi tập trung vào tâm lý của các nhân vật chính. Vì vậy, ông được nhiều người coi là người tạo ra dòng tiểu thuyết tâm lý.
Trong “Đỏ và Đen”, chúng ta sẽ dõi theo cuộc đời của Julien Sorel, một chàng trai trẻ có xuất thân khiêm tốn đang cố gắng vượt lên trên nền giáo dục của mình. Anh có khát vọng lớn lao và sớm nhận ra rằng cách duy nhất để thăng tiến trong xã hội là chấp nhận thói đạo đức giả đang lan tràn trong tầng lớp quý tộc coi trọng vật chất. Tuy nhiên trong quá trình dấn thân ấy, anh lại trở thành con tốt thí của những gã có quyền lực hơn.
Cuốn tiểu thuyết này được xem là một bức chân dung châm biếm xã hội Pháp và tiên đoán thời cuộc. Cách Stendhal vẽ nhân vật nữ rất đặc biệt. Ông có cái nhìn sâu sắc về sự khuất phục của phụ nữ trong xã hội và tình cảm của họ, và cuốn tiểu thuyết này cũng đã thể hiện sự đồng cảm của ông với phụ nữ.
“Lão Goriot” của Honoré de Balzac

Xã hội Pháp thế kỷ 19 với những rối ren chính trị là bối cảnh của hầu hết các tác phẩm văn học, và trong thời đó, Honoré de Balzac được coi là một nhà văn nổi bật, được coi là một trong những người sáng lập của chủ nghĩa hiện thực trong văn học. Tiểu thuyết của ông đã được khen ngợi vì khả năng tái hiện hiện thực xã hội sau sự sụp đổ của Napoléon Bonaparte vào năm 1815.
“Lão Goriot” được nhiều người xem là cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất của Balzac. Nội dung của cuốn sách xoay quanh ba câu chuyện khác nhau, trong đó có chàng trai trẻ Eugene de Rastignac đang hòa mình vào xã hội Paris, tên tội phạm Vautrin ở tuổi trung niên, và nhân vật chính là lão Goriot - một người cha nghèo khổ và cô đơn, không nhận được sự quan tâm từ hai con gái mà ông đã nuôi dưỡng.
Đây là một cuốn tiểu thuyết buồn. Balzac vẽ ra một bức tranh u ám về xã hội Pháp và cuộc đời bất hạnh của lão Goriot.
“La Bête Humaine” của Emile Zola

“La Bête Humaine” lấy bối cảnh nước Pháp thế kỷ 19 như nhiều cuốn tiểu thuyết khác trong danh sách này, nhưng cách tiếp cận và phong cách của Zola đã khiến tiểu thuyết tâm lý kinh dị này trở nên đặc biệt.
Nó là một phần của bộ tiểu thuyết Rougon-Macquart gồm 20 cuốn, bao gồm các kiệt tác khác của Zola: Germinal và L'Assommoir.
Cuốn tiểu thuyết này có tình tiết căng thẳng và màu sắc đen tối, kể về Lantier, một “con quái vật” thực sự, người mắc chứng điên loạn di truyền. Anh ta chỉ cảm thấy được sự phấn khích khi nghĩ đến việc giết phụ nữ, và ham muốn giết người của anh ta đã bộc lộ trên chuyến tàu từ Paris đến Le Havre.
Đây là một trong những cuốn tiểu thuyết bạo lực nhất của Zola và ông đã lấy cảm hứng từ Jack the Ripper, vì vậy nếu bạn thích những câu chuyện đen tối và mang tính vặn vẹo, thì cuốn sách này phù hợp với bạn.
Nội dung cũng chứa đựng nhiều vấn đề chính trị, công nghiệp hóa và hệ thống luật pháp của Pháp nhưng cách miêu tả tâm lý tội phạm của Zola sẽ lôi cuốn bạn.
“Indiana” của George Sand

Vào thế kỷ 19, George Sand được coi là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất trong thời đại của mình. Ở Anh, bà thậm chí còn nổi tiếng hơn cả Victor Hugo và Balzac!
Tuy nhiên, George Sand chỉ là bút danh của Amantine Lucile Aurore Dupin - nữ văn sĩ phi thường luôn đấu tranh và từ chối tuân theo những ràng buộc xã hội đối với phụ nữ.
Bà thường mặc quần áo nam giới, mà thời bấy giờ, nếu phụ nữ muốn mặc quần áo nam giới thì phải có giấy phép. Bà hút thuốc lá ở nơi công cộng và viết tiểu thuyết.
“Indiana” là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của bà dưới bút danh George Sand và việc này đã làm bà trở nên nổi tiếng.
Cuốn tiểu thuyết này đề cập đến nhiều chủ đề phổ biến trong văn học thế kỷ 19: chỉ trích các chuẩn mực xã hội, khao khát lãng mạn, ngoại tình, giai cấp, Đế quốc Pháp và nhiều hơn nữa.
Tuy nói về những điều đó, tác phẩm này đặc biệt vì được viết từ góc nhìn của phụ nữ, điều này rất quan trọng vì giọng nói của phụ nữ thời đó thường bị bỏ qua hoặc không được công nhận.
Cuốn sách này mang tính chất lý tưởng, nhưng cũng thể hiện sự lãng mạn, thực tế, chính trị và quyền lực của phụ nữ.
' 13/ 'Người không hạnh phúc' của Molière '

Molière về cơ bản là Shakespeare của Pháp. Ông đã viết một số lượng lớn các vở kịch vào thế kỷ 17 và những vở kịch này vẫn rất phổ biến ở Pháp cho đến ngày nay.
Ông nổi tiếng với khả năng châm biếm xã hội, nhưng điều đặc biệt là nhận định về phẩm chất của ông từ 400 năm trước vẫn mang tính sâu sắc và phản ánh đúng bản chất xã hội hiện đại.
Thực tế, sự sắc bén trong cách châm biếm của ông đến mức gây tức giận đối với nhiều người, dẫn đến việc một số vở kịch của ông bị cấm biểu diễn.
“Kẻ ghét đời’’ là một trong những vở kịch của ông để châm biếm những khuyết điểm của con người. Nó liên quan đến tầng lớp quý tộc Pháp và nhân vật chính, Alceste, là một người không hòa nhập và không hài lòng với xã hội loài người.
Anh ta từ chối tuân thủ các quy ước xã hội vô nghĩa và không muốn tham gia vào những hành vi lịch sự. Molière tạo ra nhân vật này để chỉ trích những vấn đề phổ biến trong xã hội thời đó, nhưng đồng thời ông cũng chỉ trích nhân vật của mình. Không ai tránh khỏi ánh mắt phê phán của Molière!
Đọc một vở kịch không giống như xem trực tiếp, và không phải ai cũng hợp với điều đó. Tuy nhiên, những vở kịch hài hước của Molière thực sự thú vị và bạn sẽ yêu thích tác phẩm của ông nếu bạn là một người mê văn học hài hước.
' 14/ “Tìm kiếm thời gian đã trôi qua” của Marcel Proust '

“Tìm kiếm thời gian đã trôi qua” của Proust là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất trong văn học Pháp, thậm chí New York Review of Books còn gọi nó là “cuốn tiểu thuyết được kính trọng nhất của thế kỷ 20”.
Câu chuyện được chia thành 7 phần, kể về sự trôi qua của thời gian và những kí ức. Đó là câu chuyện về cuộc đời của chính Proust, bắt đầu bằng hình ảnh người kể chuyện ăn chiếc bánh madeleine và ngay lập tức gợi lên kí ức về tuổi thơ hạnh phúc của mình.
Câu chuyện cũng đề cập đến những chủ đề như lãng mạn, tham nhũng, chiến tranh, sự phức tạp của con người nhưng trên hết là việc tìm kiếm sự thật trong quãng thời gian đã trôi qua.
' 15/ “Những kẻ bất hạnh” của Victor Hugo '

Việc chọn đọc “Những kẻ bất hạnh” của Victor Hugo không phải là điều dễ dàng vì nó khá khó đọc. Tuy nhiên, danh sách những tác phẩm xuất sắc nhất của văn học Pháp sẽ không hoàn chỉnh nếu thiếu kiệt tác này. Không có gì lạ khi “Những kẻ bất hạnh” là tác phẩm đầu tiên xuất hiện trong tâm trí bạn khi nói về văn học cổ điển Pháp.
Không cần phải nói nhiều về nội dung của cuốn sách. Tiểu thuyết này đã làm sáng tỏ hệ thống chính trị và pháp luật suy đồi của Pháp thế kỷ 19, cuộc đấu tranh kéo dài giữa thiện và ác, cũng như sự sống sót và tuyệt vọng của những kẻ trong thế giới ngầm của Pháp.
Có lãng mạn, kịch tính, phê phán xã hội, và sức mạnh của tình yêu… Đọc hết cuốn tiểu thuyết dày hơn 1200 trang này, bạn sẽ nhận ra những giá trị mà văn học Pháp mang lại.
- Mytour
- Tham khảo What’s Hot?