Có phải là hành động khủng bố?
Hoạt động điều tra đã trở nên căng thẳng khi FBI từ đầu nghi ngờ rằng đây có thể là một hành động khủng bố. Chuyến bay TWA 800 bị trễ do phải đợi một hành khách, người này đã gửi hành lý nhưng không xuất hiện trên máy bay. Kể từ thảm kịch Lockerbie năm 1988, khi một chiếc 747 của Pan Am bị nổ tung vì một quả bom được gửi trong hành lý, an ninh hàng không đã được tăng cường. Thêm vào đó, sân bay JFK cũng là một mục tiêu tiềm ẩn cho các cuộc tấn công khủng bố. Lúc đó, sự chú ý của dư luận đang tập trung vào một tên khủng bố nổi tiếng người Pakistan - Ramzi Yousef.Trong khi chuyến bay TWA 800 diễn ra, Ramzi Yousef và các đồng phạm của ông đang bị xét xử tại Tòa án liên bang ở New York về vụ đánh bom World Trade Center năm 1993. Ramzi cũng là người đã gây ra vụ đánh bom chuyến bay 434 của Philippine Airlines năm 1994. Tuy nhiên, chỉ có một người thiệt mạng trong vụ đánh bom đó, vì máy bay không bị nổ tung trên không. Phi công đã có thể hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Naha ở đảo Okinawa, Nhật Bản.Bị bắn nhầm bởi tàu chiến của Hải quân Mỹ
NTSB không vội đưa ra kết luận, bác bỏ mọi suy đoán về nguyên nhân. Hoạt động điều tra gặp khó khăn vì thông tin rối ren. Hơn 600 nhân chứng cho biết họ thấy vệt khói lạ trước khi vụ nổ xảy ra, có người còn gửi ảnh chụp chứng minh. Các tin đồn liên tục xuất hiện, khiến nhà điều tra phải mở nhiều hướng điều tra khác nhau xoay quanh giả thuyết về việc 'tên lửa đã bắn rơi TWA 800'. Thông tin không xác thực lan truyền trên Internet và các phương tiện truyền thông về việc TWA 800 bị tàu chiến Mỹ 'bắn nhầm' thay vì là một hành động khủng bố.FBI cũng biết rằng có 8 tàu chiến, 8 tàu ngầm và 5 máy bay chiến đấu nằm trong vùng bán kính 550 km quanh khu vực máy bay rơi. Một máy bay cảnh báo sớm P-3 Orion và một tàu ngầm đang tiến hành tập luyện. Tuy nhiên, giả thuyết này sớm bị loại trừ sau khi FBI kiểm tra lịch sử hoạt động của các phương tiện quân sự trong khu vực. Không có bằng chứng nào cho thấy tên lửa đã được bắn lên, và vệt khói mà nhân chứng gởi đến cũng chỉ là vết bẩn trên cuộn phim.Một vụ nổ trên máy bay
Phía FBI và NTSB đã phân chia nhiều hướng điều tra, và FBI sớm phát hiện ra dấu vết của chất nổ trên các mảnh vỡ của TWA 800 được trục vớt từ độ sâu 37 mét dưới mặt nước. Cả hai hóa chất được FBI xác định là RDX và PETN (pentaerythritol tetranitrate), đều là các hợp chất hữu cơ thường được sử dụng trong chất nổ nhựa. PETN cùng họ với nitroglycerin - một loại chất nổ mà tên khủng bố Ramzi Yousef đã từng sử dụng để đánh bom chuyến bay của Philippine Airlines vào năm 1994.
Sau cùng, dấu vết về chất nổ được phát hiện trên TWA 800 lại không phải từ một quả bom mà từ... một hoạt động huấn luyện an ninh sân bay. Một tháng trước, chiếc Boeing 747 của TWA đã được sở cảnh sát St. Louis thuê để huấn luyện chó nghiệp vụ. Cảnh sát đã sử dụng đúng 2 loại hóa chất là RDX và PETN, đặt trong các vali giả, và một trong những vali này đã bị thủng gây rò rỉ hóa chất.
Với hàng ngàn mảnh vỡ, NTSB đã thuê 30 công nhân làm việc liên tục trong 4 tháng. Họ đã cẩn thận xây dựng lại thân máy bay tại một nhà kho ở Long Island - một nỗ lực tái tạo cực kỳ kỳ công, được họ ví như 'jetosaurus rex' - một con khủng long bạo chúa của hàng không phản lực.
Chuyên gia về vật liệu tại phòng thí nghiệm của NTSB, Jim Widley, đã xác định rằng vị trí của vụ nổ là từ thùng nhiên liệu trung tâm giữa 2 cánh của máy bay (center wing tank). Vụ nổ đã làm nứt toạc bụng máy bay, gây ra sự đứt gãy của cấu trúc và khiến phần đầu của máy bay tách rời khỏi phần thân, sau đó thân máy bay tiếp tục bay lên cao vì động cơ vẫn hoạt động trước khi rơi xuống biển tạo thành một quả cầu lửa, như các nhân chứng đã báo cáo.
Thùng nhiên liệu trung tâm của Boeing 747 có kích thước bằng một gara ô tô và có thể chứa được 2 xe hơi. Bên trong, có các vách nhôm (spanwise beam) được sử dụng để gia cố cấu trúc của thân máy bay, phần sàn phía trên và phân chia không gian bên trong thùng nhiên liệu. Jim Widley đã phát hiện ra các dấu vết móp méo và gãy tại khu vực phía trước của thùng nhiên liệu, trong đó các vách nhôm đã bị ép vào nhau do tác động của một vụ nổ từ bên trong.
Xăng JET-A không dễ cháy nhưng hơi cháy dữ dội
Xăng máy bay JET-A có đặc tính đặc biệt, ở dạng lỏng nó khó cháy nhưng trong không gian kín như thùng xăng và bị làm nóng, nó sẽ bay hơi và trở nên dễ cháy. Các nhà điều tra của NTSB đã tìm hiểu về khả năng cháy của nhiên liệu trong thùng xăng của chiếc Boeing 747, và họ phát hiện ra rằng hệ thống điều hòa không khí, đặt ngay dưới thùng xăng, đã làm tăng nhiệt độ trong thùng lên đến mức gây cháy.
NTSB và FAA đã tiến hành thử nghiệm trên một chiếc Boeing 747 thật, mô phỏng lại các điều kiện mà chiếc TWA 800 đã trải qua trước khi phát nổ. Họ đã bơm 189 lít nhiên liệu vào thùng xăng và tiến hành các thử nghiệm với các thông số giống như chuyến bay TWA 800. Kết quả cho thấy nhiệt độ trong thùng xăng tăng lên đến mức gây cháy, vượt quá ngưỡng nhiệt độ chớp cháy của xăng JET-A.
Tuy nhiên, để xác định xem một vụ cháy trong thùng xăng có thể khiến Boeing 747 vỡ trên không hay không, các nhà điều tra của NTSB đã xây dựng một mô hình thu nhỏ của thùng xăng 747 và tiến hành thử nghiệm. Kết quả cho thấy thùng xăng nổ lớn, phá hỏng cấu trúc và chắc chắn gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho máy bay.
Điều tra nguồn gốc của đám cháy
Theo nhà điều tra Robert Swaim từ NTSB, nguồn gốc của đám cháy bắt nguồn từ bên trong thùng nhiên liệu. Sau khi loại bỏ nhiều nguyên nhân khác, ông phát hiện rằng hệ thống dây điện dành cho cảm biến đo mức nhiên liệu có thể là nguồn gốc của tia lửa. Điểm nối dây trên cảm biến này có kẹp giữ bằng thép với cạnh sắc, có thể khiến dây điện bị tơi, để lộ lõi đồng.
Tuy nhiên, điện áp trong hệ thống dây này rất thấp, không đủ để tạo ra tia lửa. Robert Swaim đã theo dõi dây điện của cảm biến nhiên liệu và phát hiện rằng nó được bó chung với những sợi dây khác của hệ thống, như dây điện của đèn cabin. Dựa trên phát hiện này, Robert Swaim đã kiểm tra hệ thống dây điện của những chiếc Boeing 747 cùng tuổi đời và phát hiện ra nhiều vấn đề, bao gồm sợi dây bị tơi và vỏ cao su bị nứt, có thể dẫn đến truyền dòng điện từ hệ thống điện áp cao sang thùng nhiên liệu, gây ra tia lửa và kích nổ hỗn hợp xăng khí JET-A.
Phát hiện đoản mạch
Làm thế nào để chứng minh rằng sự cố đoản mạch đã xảy ra trên chiếc Boeing 747 của TWA 800 dẫn đến việc kích nổ thùng nhiên liệu? Đoản mạch thường không để lại dấu vết vật lý trên dây điện. Các nhà điều tra đã kiểm tra lại đoạn ghi âm từ CVR và dữ liệu chuyến bay từ FDR. Đoạn ghi âm dài 13 phút từ CVR không cho thấy nhiều dấu hiệu bất thường nhưng sau khi phân tích kỹ, họ phát hiện ra rằng ngay trước khi đoạn ghi âm kết thúc, có 2 khoảng dừng rất ngắn, mỗi khoảng dừng chỉ kéo dài 2 micro giây, nhưng đủ để củng cố cho giả thuyết về đoản mạch.
2 khoảng dừng này là dấu hiệu cho thấy một cú đánh mạch đột ngột, làm ngừng ghi âm tạm thời của hộp đen CVR. Điều này cũng là dấu hiệu cho thấy sự xuất hiện của đoản mạch trên chuyến bay 800 của TWA.
Sau 4 năm 1 tháng, với chi phí lên đến 40 triệu đô la, NTSB đã công bố kết luận cuối cùng về thảm kịch của TWA 800 - một vụ nổ thùng nhiên liệu được gây ra bởi một đoản mạch điện. Kết luận này cũng loại bỏ mọi lời đồn đại về việc bị bắn nhầm bởi tàu chiến hoặc tấn công khủng bố. Sau vụ tai nạn của TWA 800, FAA đã phát hành hơn 70 chỉ thị, điều chỉnh về an toàn bay để loại bỏ các nguyên nhân có thể gây cháy và cải thiện việc lắp đặt hệ thống dây điện vào thùng xăng. Boeing cũng đã tuân thủ các hướng dẫn từ FAA và lắp đặt một hệ thống gọi là bơm khí trơ vào thùng xăng. Hệ thống này tự động bơm khí nitơ vào thùng xăng để ngăn cháy nổ của nhiên liệu. NTSB sau đó quyết định giữ lại phần thân được phục chế của TWA 800 để sử dụng cho mục đích đào tạo trong tương lai. Họ đã chuyển nó đến một trung tâm đào tạo ở Ashburn, Virginia. NTSB cũng cam kết với gia đình của các nạn nhân rằng họ sẽ không bao giờ trưng bày phần thân của TWA 800 trước công chúng nếu không có mục đích gì. Do đó, sau hơn 20 năm nằm trong một nhà kho ở Virginia, với hợp đồng thuê nhà kho sắp hết hạn, NTSB sẽ hủy bỏ phần còn lại của TWA 800 để giữ lời hứa với gia đình các nạn nhân. Tham khảo: Tổng hợp từ nhiều nguồn