IELTS Speaking vốn là phần thi kiểm tra kỹ năng đầu ra (productive skill), do đó để có thể đạt kết quả tốt, hiển nhiên thí sinh cần có sự chuẩn bị về mặt ngữ pháp, từ vựng, ý tưởng cũng như kỹ năng trình bày logic, chặt chẽ. Tuy nhiên, trong quá trình ôn luyện, nhiều thí sinh đã bỏ qua một yếu tố rất quan trọng: chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng với mọi tình huống trong phòng thi. Nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra khi người thi đã có sự chuẩn bị kĩ càng, tỉ mỉ, đầu tư nhiều thời gian và công sức ôn tập, tuy nhiên do yếu tố tâm lý khiến cho bài nói trở nên kém tự nhiên, rời rạc hoặc thiếu thuyết phục. Thí sinh thường có thể gặp phải một số bẫy tâm lý phổ biến như: cảm thấy căng thẳng trước giám khảo khó tính, cảm thấy thiếu tự tin hoặc cảm thấy không nên đưa ra suy nghĩ thật của bản thân. Những yếu tố trên ít nhiều tác động tới quá trình hình thành, chọn lọc, phân tích và trình bày ý tưởng, ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả phần thi. Thấu hiểu điều đó, tác giả muốn trình bày cụ thể về các bẫy tâm lý phổ biến trong IELTS Speaking và gợi ý hướng xử lý đơn giản, ứng dụng cao với mong muốn giúp thí sinh vững vàng hơn trong phòng thi đồng thời phát huy tối đa quá trình ôn tập của bản thân.
Key Takeaways:
Bẫy tâm lý số 1: Căng thẳng trước giám khảo khó tính: Trước những tình huống giám khảo có biểu hiện như cau mày, nhăn mặt, nghiêm nghị hoặc ngắt bài, thí sinh không nên lo lắng, hồi hộp bởi đây là những tình huống hoàn toàn bình thường. Nắm được lý do tại sao giám khảo lại có động thái như vậy đồng thời ý thức rằng đây là một quy trình minh bạch, một sự hợp tác bình đẳng giữa giám khảo và thí sinh sẽ giúp người thi ổn định tâm lý hơn.
Bẫy tâm lý số 2: Thiếu tự tin: Đối với phần thi Speaking, nhiều thí sinh có thể cảm thấy thiếu tự tin, rụt rè, hồi hộp và e ngại ngay cả trước những giám khảo thân thiện nhất vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Thí sinh có thể luyện tập kiểm soát cảm xúc bằng cách tạo ra một nhân vật hoặc cá tính thú vị giúp bản thân tự tin hơn và ứng dụng hiệu quả vốn kiến thức đã chuẩn bị.
Bẫy tâm lý số 3: Ngần ngại đưa ra suy nghĩ thật của bản thân: Do lo lắng sẽ mất điểm trong mắt giám khảo, nhiều thí sinh cảm thấy khó khăn và ngần ngại đưa ra quan điểm, suy nghĩ thật của mình dù có khối lượng thông tin đa dạng. Tuy nhiên, trong thực tế bài thi sẽ được đánh giá dựa trên cách trình bày ý tưởng thay vì chính ý tưởng, do đó thí sinh hoàn toàn có thể lựa chọn theo quan điểm của mình khi đã đảm bảo các yếu tố cần thiết.
3 cạm bẫy tâm lý phổ biến và hướng xử lý trong IELTS Speaking
Cạm bẫy tâm lý thứ nhất: Cảm thấy căng thẳng trước giám khảo khó tính
Tình huống cụ thể:
Trong quá trình làm bài, một số thí sinh IELTS Speaking nhận xét rằng giám khảo có những biểu hiện thường được coi là khó tính như: cau mày, nhăn mặt, thái độ nghiêm nghị hoặc ngắt lời người thi. Đặc biệt đối với những thí sinh chưa hoặc chưa tiếp xúc nhiều với người ngoại quốc, những yếu tố này có thể gây nên cảm giác căng thẳng, rụt rè và ngần ngại ở nhiều mức độ khác nhau.
Phân tích và xử lý tình huống:
Nhìn chung, giám khảo của IELTS Speaking đều là những nhân viên đã được đào tạo, có chuyên môn và kỹ năng cao, được ban tổ chức giao thẩm quyền đánh giá năng lực của người thi dựa trên những tiêu chí công khai có sẵn. Để giải thích cho những biểu hiện khó tính đến từ giám khảo, trong quá trình thực hiện kiểm tra, họ có thể vì đang tập trung phân tích bài nên sẽ có sắc mặt nghiêm nghị. Bên cạnh đó, hành động ngắt phần nói của thí sinh cũng nằm trong nhiệm vụ của giám khảo khi thí sinh trình bày quá thời gian cho phép hoặc ý tưởng không thể phát triển thêm, điều này là hoàn toàn bình thường và nhìn chung không ảnh hưởng đáng kể tới kết quả của thí sinh. Nắm được thông tin trên giúp thí sinh hiểu hơn về quy trình chấm thi, từ đó giảm bớt căng thẳng khi ở trong những tình huống tương tự.
Hiển nhiên giám khảo đóng vai trò quan trọng trong kết quả cuối cùng của thí sinh, nhưng yếu tố quan trọng nhất dẫn tới điểm cao hay thấp không nằm ở giám khảo mà nằm ở chính phần thể hiện của người thi liệu có đáp ứng được những tiêu chí yêu cầu hay không. Khi đứng trước những tình huống giám khảo có biểu hiện khó tính, người thi nên giữ tâm thế bình tĩnh và nhớ rằng: giống như chính thí sinh, giám khảo cũng là một nhân viên đang làm công việc của họ, đôi bên cùng hợp tác thực hiện nhiệm vụ, sau khi thực hiện bài nói trong khoảng 11-15 phút, giám khảo hoàn thành công việc và người thi sẽ có điểm IELTS trả về tương ứng với trình độ thực tế của bản thân, một quy trình rất công bằng và minh bạch. Có được tâm lý vững vàng sẽ giúp thí sinh tránh bị phân tâm và tác động bởi các yếu tố bên ngoài, từ đó tối ưu được vốn kiến thức đã ôn luyện từ trước của bản thân.
Bẫy tâm lý thứ hai: Thiếu tự tin
Tình huống cụ thể:
Đối với phần thi Speaking, nhiều thí sinh có thể cảm thấy thiếu tự tin, rụt rè, hồi hộp và e ngại ngay cả trước những giám khảo thân thiện nhất. Cảm giác này có thể đến từ các nguyên nhân chủ quan và khách quan: tính cách hướng nội, lần đầu đi thi IELTS, thường xuyên bị áp lực thi cử hoặc do một sự kiện không mong muốn xảy ra ngay trước kì thi.
Phân tích và xử lý tình huống:
Cảm giác thiếu tự tin có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên nhìn chung, hướng xử lý tốt nhất chính là thí sinh cần kiểm soát được cảm xúc của của bản thân. Một trong những ý tưởng thí sinh có thể tham khảo: Nhớ rằng trong phòng thi không nhất thiết phải giống với thực tế bên ngoài. Có thể bên ngoài thí sinh là một người ít nói, cẩn trọng, chưa có nhiều kinh nghiệm thi cử hoặc vừa trải qua một biến cố khó khăn – vốn là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý. Tuy nhiên, ở trong phòng thi, thí sinh hoàn toàn có thể là một nhân vật theo ý muốn bằng cách tạo ra một tính cách thú vị với bản thân: gần gũi, phóng khoáng, nghiêm túc, vui tính, tích cực…. Miễn là thí sinh cảm thấy tự tin và thoải mái để vận dụng được vốn kiến thức đã có. Thí sinh có thể chuẩn bị tâm lý theo cách trên từ trước khi thi song song với quá trình ôn tập để phần thể hiện tự nhiên và hiệu quả nhất.
Bẫy tâm lý thứ ba: Ngần ngại đưa ra suy nghĩ thật của bản thân
Tình huống cụ thể:
Nhiều thí sinh cảm thấy khó khăn và ngần ngại đưa ra quan điểm, suy nghĩ thật của bản thân trong bài thi IELTS Speaking. Lý do đằng sau cảm giác này thường là nỗi sợ mất điểm trong mắt giám khảo nếu như trình bày những quan điểm, ý tưởng thường được coi là thiếu tích cực.
Ví dụ: khi câu hỏi đưa ra là “Describe your hobby” (miêu tả sở thích của bạn), một thí sinh vốn có niềm đam mê và hiểu biết với trò chơi điện tử (computer games), nắm trong tay nhiều ý tưởng, cách diễn đạt và từ vựng hay liên quan tới chủ đề sau quá trình tiếp xúc lâu dài lại lựa chọn không nói về sở thích thật của mình. Thay vào đó, thí sinh lựa chọn nói về những sở thích bản thân vốn không nắm quá nhiều thông tin nhưng lại thường được coi là tích cực, chuẩn chỉ như đọc sách, chơi thể thao, chơi đàn,… với mong muốn ghi điểm tích cực trong mắt giám khảo. Khi thực hiện bài thi theo cách này, thí sinh thường có hai xu hướng: tự sáng tạo ra thông tin hoặc trả lời theo các câu trả lời Speaking mẫu. Cả hai đều khiến cho phần thể hiện rời xa bản thân người thi và dẫn đến những trường hợp không mong muốn, đặc biệt đối với những thí sinh chưa có nhiều kinh nghiệm như: mất đi tính tự nhiên và cảm xúc trong lời nói, ảnh hưởng tới tính trôi chảy, thiếu từ vựng, thiếu ý tưởng,…
Phân tích và xử lý tình huống:
IELTS là một bài thi về ngôn ngữ, kết quả của thí sinh sẽ được đánh giá dựa trên cách trình bày, thể hiện ý tưởng thay vì chính ý tưởng của thí sinh. Cụ thể hơn, tiêu chí chấm điểm của IELTS Speaking bao gồm 4 nhóm yếu tố: Coherence & Fluency (tính trôi chảy và mạch lạc), Lexical Resource (vốn từ), Pronunciation (phát âm) và Grammatical Range & Accuracy (ngữ pháp đa dạng và chính xác), ở tất cả các band điểm, không tiêu chí nào cho thấy nếu thí sinh lựa chọn những ý tưởng mang tính chất tích cực hơn thì sẽ được kết quả cao hơn và ngược lại. Do đó, những ý tưởng bình thường, đơn giản hay thậm chí là thiếu tích cực nhưng trình bày thuyết phục, logic, chặt chẽ đương nhiên sẽ đạt kết quả tốt hơn những ý tưởng hoa mỹ nhưng được thể hiện rời rạc và thiếu tự nhiên. Thí sinh có thể nói về việc bản thân sử dụng mạng xã hội nhiều tiếng một ngày, không tập thể dục thể thao,… và đạt điểm cao, cũng như có thể nói về việc tập thể dục đều đặn, ăn uống lành mạnh,… nhưng lại chỉ đạt kết quả trung bình.
Chính vì vậy, miễn là đảm bảo các yếu tố về thông tin, ý tưởng, từ vựng, ngữ pháp, lối diễn đạt có liên quan tới chủ đề cũng như cảm thấy dễ dàng khi trình bày, thí sinh hoàn toàn có thể tự do lựa chọn theo suy nghĩ thật của bản thân. Thí sinh không cần đặt nặng vấn đề giám khảo nghĩ gì về ý tưởng của mình, mà cần đặt nặng vấn đề về cách trình bày đưa ra có thỏa mãn các tiêu chí mà IELTS Speaking yêu cầu hay không.
Bài tập ứng dụng
Bài tập tình huống 1:
Trong quá trình thực hiện IELTS Speaking Part 1, giám khảo ngắt lời thí sinh để chuyển sang câu hỏi tiếp theo. Thí sinh nên cảm thấy:
A. Lo lắng, căng thẳng vì lỡ nói quá dài, cảm thấy rụt rè trước giám khảo.
B. Điều này là bình thường và bình tĩnh trả lời câu hỏi tiếp theo, cố gắng kiểm soát thời lượng nói vừa phải.
C. Điều này là bình thường, rút kinh nghiệm chỉ trả lời rất ngắn ở các câu hỏi sau.
Bài tập tình huống 2
Bản thân thí sinh lần đầu thi IELTS, thường cảm thấy run và hồi hộp trước các kì thi. Trong quá trình ôn luyện, để cải thiện sự tự tin, thí sinh có thể:
A. Bên cạnh việc chuẩn bị kĩ về kiến thức, thí sinh chủ động tạo ra nhân vật, cá tính và luyện tập trả lời theo cách mà bản thân thấy là thú vị. Trong phòng thi không nhất thiết phải giống ở bên ngoài, miễn là phù hợp và giúp thí sinh tự tin hơn.
B. Thí sinh cố gắng biết thật nhiều từ mới, nhiều cấu trúc ngữ pháp và ý tưởng hay, hi vọng có nhiều thông tin thì vào phòng thi sẽ bớt hồi hộp.
Giải pháp đề xuất:
Bài tập tình huống 1: B
Bài tập tình huống 2: A