Chứng chỉ SAT là một trong những chứng chỉ được công nhận rộng rãi bởi các trường đại học, cao đẳng trên lãnh thổ Hoa Kỳ và các đại học nổi danh trong nước như ĐH Bách Khoa, ĐH Ngoại Thương,... Qua đó, ta có thể thấy được sức hấp dẫn của chứng chỉ SAT không chỉ đối với những thí sinh có mong muốn đi du học, mà còn đối với một bộ phận học sinh Việt Nam có mong muốn được ghi danh vào các trường đại học nổi tiếng trong nước. Một trong những vấn đề lớn nhất mà người học gặp phải khi ôn tập SAT đó chính là bài đọc của SAT đa phần rải rác nhiều từ vựng mang tính chuyên môn cao, khiến cho học sinh Việt Nam gặp phải nhiều trở ngại trong quá trình ôn thi. Nắm bắt được nhu cầu ngày càng cao của học sinh Việt Nam trong việc luyện thi chứng chỉ SAT, bài viết này sẽ giới thiệu cho người học ba cách đọc đoạn văn SAT Writing & Language hiệu quả để người học có cách tiếp cận tốt nhất.
Key takeaways
Các thí sinh nên có phương pháp tiếp cận bài đọc SAT Writing & Language hiệu quả bởi hình thức của bài đọc trong SAT sẽ khác rất nhiều so với những bài đọc tiếng Anh trước đây mà người học đã từng gặp (đề sẽ yêu cầu chọn phương án đúng để sửa lỗi ngữ pháp trong đoạn).
Ba phương pháp đọc được các thí sinh thi SAT điểm cao ưa chuộng đó chính là phương pháp Paragraph-by-Paragraph, Answers as you go và Passage First.
Tại sao cần luyện đọc để làm SAT Writing & Language hiệu quả?
Cụ thể về hình thức của bài đọc SAT Writing & Language, đề sẽ thông thường cung cấp cho thí sinh 4 đoạn văn thuộc những chủ đề khác nhau (như trích từ một bài báo về khoa học, văn học,...) và các câu hỏi trắc nghiệm đòi hỏi thí sinh phải nhận biết lỗi sai ngữ pháp trong đoạn văn. Dưới đây là một ví dụ minh họa của bài đọc SAT Writing & Language điển hình (trích từ trang PrepScholar):
Những câu hỏi sửa lỗi ngữ pháp thông thường sẽ rơi vào các dạng khác nhau như lỗi về dấu câu (punctuation errors) hay lỗi dư thừa từ (redundancy),... mà người học sẽ phải nắm bắt và nhận biết kỹ. Tuy nhiên, điều đầu tiên và cũng là quan trọng nhất mà người học cần biết đó chính là tìm ra phương pháp tiếp cận bài đọc SAT Writing & Language. Cũng bởi thời lượng làm phần này cũng khá ngắn, 44 câu trong 35 phút đòi hỏi thí sinh cần phải đọc nhanh và đưa ra phương án trả lời đúng nhất. Sau đây bài viết sẽ giới thiệu cho người học ba cách đọc đoạn văn SAT Writing & Language, giúp thí sinh tiết kiệm thời gian đáng kể khi làm bài.
Ba phương pháp đọc đoạn văn SAT Writing & Language hiệu quả
Đọc từng đoạn (Paragraph-by-Paragraph)
Cách đọc P-b-P nghĩa là người học sẽ đọc từng đoạn văn và sau đó tiến hành trả lời các câu hỏi trong đoạn văn đó luôn. Ưu điểm lớn nhất mà người học sử dụng cách tiếp cận này đó chính là người học nắm bắt được ngữ cảnh của đoạn trước khi trả lời câu hỏi, và từ đó đưa ra được những phương án phù hợp. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp đọc này đó chính là nó có thể hơi mất thời gian, và đôi khi người học cũng quên mất một số chi tiết trong bài bởi đôi khi một đoạn văn có thể sẽ khá dài. Dưới đây là ví dụ minh họa về việc đọc theo phương pháp P-b-P:
Với phương pháp P-b-P, người học sẽ đọc hết đoạn từ “thus” cho tới “conversation”, tiếp theo đó mới tiến hành trả lời câu hỏi trong đoạn (như ở ví dụ trên thì có câu 31 trong đoạn đó). Ưu điểm của phương pháp này được phát huy ở ví dụ trên khi mà dạng câu hỏi 31 đòi hỏi thí sinh phải đọc hết cả đoạn thì mới tiến hành làm được.
Trả lời ngay khi đọc (Answers as you go)
Đối với phương pháp này, người học chỉ cần đọc kỹ câu hỏi được đánh số, còn đối với các câu khác trong bài người học chỉ cần đọc lướt để hiểu được ngữ cảnh. Ưu điểm lớn nhất có thể thấy rõ ở cách tiếp cận này đó chính là nhanh và tốc độ, đi thẳng vào vấn đề. Tuy nhiên, nhược điểm của cách tiếp cận này có lẽ là đôi khi người học sẽ không hiểu hết ngữ cảnh của bài. Dưới đây là ví dụ minh họa về việc đọc theo phương pháp trên:
Với phương pháp Answers as you go, người học sẽ tiến hành nhìn xuống câu hỏi 32 và 33 luôn (đọc hết cả câu) rồi tiếp đến trả lời câu hỏi. Ưu điểm của phương pháp này sẽ được phát huy khi mà những dạng câu hỏi chỉ thuần liên quan tới ngữ pháp (như dấu câu, redundancy,...) mà không cần phải đọc lướt để nắm bắt ngữ cảnh và thông tin trong bài.
Passage First (Đọc qua đoạn văn trước rồi tiến hành trả lời câu hỏi)
Phương pháp cuối cùng mà bài viết muốn giới thiệu cho người học đó chính là phương pháp Passage First, tức người học sẽ tiến hành skim (đọc lướt) cả đoạn văn để nắm cơ bản về ngữ cảnh của bài, tiếp theo đó mới tiến đến trả lời câu hỏi. Đây là một cách tiếp cận hơi khó hơn một chút so với hai phương pháp đã giới thiệu phía trên, bởi phương pháp này đòi hỏi thí sinh phải có kỹ năng đọc nhanh. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ rất hữu dụng đối với những câu hỏi “big-picture”, hay còn được hiểu là những câu hỏi chung chung thay vì cụ thể ở một đoạn nào đó. Dưới đây là ví dụ minh họa về một câu hỏi mang tính khái quát cao:
Người học có thể thấy câu hỏi 2 đòi hỏi người học cần chọn phương án cung cấp thông tin phù hợp nhất, tuy nhiên, nếu chỉ áp dụng phương pháp P-b-P sẽ rất mất thời gian bởi đoạn văn này rất dài và không cần thiết phải đọc hết. Còn nếu người học áp dụng phương pháp Answers as you go được đề cập ở trên, điều này sẽ khiến cho người học cảm thấy bối rối và khó hiểu bởi người học chưa thể nắm vững hết thông tin trong bài để trả lời. Vậy nên, đối với dạng câu hỏi mang tính khái quát này, người học sẽ phải áp dụng phương pháp 3, chính là đọc lướt những thông tin phía trước (skim) và trả lời câu hỏi đề đưa ra.