1. Bài thuyết trình: Các phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ 24 - 36 tháng qua việc kể chuyện
Kính gửi:
- Ban tổ chức!
- Quý Ban giám khảo!
Hôm nay, tôi rất vinh dự được tham gia thuyết trình tại hội thi “Giáo viên dạy giỏi” cấp Huyện năm học ..., với chủ đề “Các phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ 24 - 36 tháng qua việc kể chuyện”.
Kính thưa Ban giám khảo!
Đối với trẻ mầm non, đặc biệt là nhóm tuổi 24 – 36 tháng, khả năng tiếp thu ngôn ngữ của trẻ rất nhạy bén. Âm điệu và hình ảnh từ các bài hát, bài thơ, đồng dao, và dân ca dễ dàng ghi sâu vào tâm trí trẻ. Trong giai đoạn này, trẻ đang học nói và những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn đặc biệt hấp dẫn chúng. Do đó, việc cho trẻ tiếp xúc sớm với văn học, đặc biệt là thông qua hoạt động kể chuyện, là phương pháp phát triển ngôn ngữ hiệu quả nhất.
Hoạt động kể chuyện giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, tư duy, trí nhớ và biết yêu cái đẹp. Khi trẻ tập kể chuyện, ngôn ngữ của trẻ sẽ trở nên rõ ràng hơn, trẻ sẽ biết trình bày ý kiến và kể lại câu chuyện bằng ngôn ngữ của mình. Phát triển ngôn ngữ cho trẻ là một trong những mục tiêu quan trọng trong sự phát triển toàn diện của trẻ mầm non. Với nhận thức về tầm quan trọng của việc này, tôi đã nghiên cứu và tìm ra các biện pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ thông qua hoạt động dạy trẻ kể chuyện.
Thuận lợi
a. Cơ sở vật chất:
- Trường được sự hỗ trợ từ các cấp như: UBND quận, PGD &ĐT quận, Đảng ủy, UBND phường, hội cha mẹ học sinh.
- Các cơ sở của trường được đầu tư xây dựng mới với đầy đủ phòng chức năng, lớp học rộng rãi, thoáng mát, và đủ đồ dùng đồ chơi.
- Sân trường rộng rãi, xanh, sạch, đẹp.
b. Giáo viên:
- Giáo viên lớp có trình độ và nghiệp vụ sư phạm vững vàng, năng động, sáng tạo, yêu nghề và tâm huyết với giáo dục mầm non.
c. Học sinh:
- Lớp tôi dạy gồm 34 trẻ từ 24-36 tháng tuổi, sức khỏe bình thường và khả năng vận động đồng đều.
- Trẻ ở lớp cả ngày, thuận lợi cho việc giáo dục và rèn luyện liên tục.
d. Cha mẹ học sinh:
- Cha mẹ học sinh tích cực phối hợp với trường trong công tác chăm sóc giáo dục.
Khó khăn
a. Giáo viên:
- Đây là năm đầu tiên trường có lớp nhà trẻ, vì vậy giáo viên gặp nhiều khó khăn.
b. Trẻ:
- Ngôn ngữ của trẻ đầu năm còn hạn chế, trẻ chỉ nói được những từ đơn giản như: Ạ, vâng, bố, mẹ, bà, cô.
- Trẻ còn nhút nhát, thiếu tự tin.
c. Phụ huynh:
- Phụ huynh thường bận rộn với công việc, ít có thời gian trò chuyện với con.
- Một số phụ huynh coi nhẹ khả năng nói của con, nghĩ rằng trẻ sẽ tự phát triển dần dần.
Các biện pháp đã tiến hành
1. Chuẩn bị kỹ nội dung hoạt động trước khi dạy:
Hoạt động kể chuyện là phương pháp hiệu quả giúp phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Để có giọng kể hấp dẫn, giáo viên cần nắm vững nội dung và luyện giọng kể sao cho phù hợp với từng nhân vật trong câu chuyện.
VD: Trong truyện “Thỏ con không vâng lời”, giọng của thỏ mẹ và bác gấu nên ấm áp, nói chậm và tình cảm. Trong khi đó, giọng thỏ con khi vui thì nhí nhảnh, khi làm sai thì nức nở, buồn bã.
2. Sưu tầm, làm đồ dùng đẹp và sáng tạo:
Trẻ mầm non thích màu sắc rực rỡ và âm thanh vui nhộn. Để tạo hứng thú cho trẻ, tôi luôn tìm tòi và tạo ra đồ dùng từ nguyên liệu sẵn có, vừa đẹp mắt, hấp dẫn, vừa an toàn và hợp lý. Ví dụ: Truyện “Cây táo” tôi dùng vỏ chai nước ngọt để tạo quả táo, phun sơn màu và trang trí để trẻ dễ dàng tưởng tượng và vui chơi với đồ vật này.
3. Ứng dụng công nghệ thông tin:
Để giúp trẻ hiểu rõ hơn về hành động của nhân vật trong truyện, tôi kết hợp công nghệ thông tin như hiệu ứng hình ảnh và slides. Tôi thường xuyên tìm kiếm tài liệu và video phù hợp từ các trang web giáo dục để hỗ trợ bài dạy.
4. Lựa chọn câu hỏi đàm thoại và nội dung tích hợp:
Để kích thích trẻ nói và phát triển ngôn ngữ, tôi luôn tạo cơ hội cho trẻ hỏi và trả lời câu hỏi đơn giản. Hệ thống câu hỏi phải phù hợp với độ tuổi và kích thích sự nhận thức của trẻ. Tôi cũng tích hợp thêm các hoạt động như trò chơi vận động, âm nhạc và tập nói vào giờ kể chuyện.
5. Thay đổi hình thức tổ chức:
Để tạo sự hứng thú cho trẻ, tôi thường xuyên thay đổi hình thức tổ chức hoạt động kể chuyện. Ví dụ: Với câu chuyện “Sẻ con”, tôi cho trẻ ra vườn cổ tích để nghe kể chuyện và tương tác với các nhân vật. Hoặc xây dựng khung cảnh truyện trong lớp học, trẻ đóng vai và kể cùng cô.
6. Chú ý đến trẻ cá biệt và chậm phát triển:
Tôi phân nhóm trẻ theo đặc điểm tâm sinh lý và đặc điểm riêng của từng trẻ để có các biện pháp bồi dưỡng phù hợp. Ví dụ: Trẻ nhút nhát ngồi cạnh trẻ tự tin và nhanh nhẹn để dễ quan sát và điều hành.
Kính thưa Ban tổ chức và Ban giám khảo!
Tôi vừa hoàn thành bài thuyết trình về “Các phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ 24 - 36 tháng qua việc kể chuyện”.
Chúc Ban tổ chức, Ban giám khảo sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc hội thi thành công tốt đẹp!
Trân trọng cảm ơn!
2. Bài thuyết trình về “Các phương pháp kích thích hứng thú cho trẻ mẫu giáo từ 4-5 tuổi thông qua các hoạt động học tập”.
Kính gửi: - Ban tổ chức!
- Thưa quý Ban giám khảo!
Hôm nay, tôi rất vinh dự được tham gia thuyết trình tại hội thi “Giáo viên dạy giỏi” cấp Huyện năm học 2019-2020 với chủ đề “Biện pháp kích thích hứng thú cho trẻ mẫu giáo 4-5 tuổi qua các hoạt động học tập”.
Kính thưa các thành viên trong ban giám khảo!
Hoạt động học là một phần quan trọng trong các giờ sinh hoạt hàng ngày của cô và trẻ tại trường. Qua các hoạt động học, trẻ sẽ tiếp thu thêm kiến thức về thế giới xung quanh và phát triển các kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên, trẻ thường hiếu động, không dễ dàng ngồi yên, thường xuyên đùa nghịch và thiếu tập trung. Vì vậy, việc tạo ra hứng thú cho trẻ trong các hoạt động học là rất quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục.
Trong năm học 2019-2020, tôi được phân công phụ trách lớp mẫu giáo 4-5 tuổi với 28 trẻ. Trong quá trình tổ chức các hoạt động học cho trẻ, tôi đã gặp một số thuận lợi:
* Thuận lợi:
- Lãnh đạo nhà trường luôn tạo điều kiện về cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các hoạt động học của trẻ.
- Một số trẻ trong lớp rất tự tin và tích cực tham gia vào các hoạt động.
- Các phụ huynh cũng rất quan tâm và hỗ trợ trong việc giáo dục trẻ, cung cấp nguyên vật liệu để làm đồ dùng, đồ chơi.
Tuy nhiên, tôi cũng gặp một số khó khăn trong quá trình thực hiện:
* Khó khăn
- Một số trẻ nhút nhát và không tham gia hoạt động cùng các bạn. Lớp có nhiều trẻ hiếu động với khả năng tập trung thấp.
- Một số trẻ chưa qua lớp 3-4 tuổi, chưa có nền nếp khi tham gia hoạt động học.
Để tổ chức hoạt động học hiệu quả, tôi áp dụng các biện pháp kích thích hứng thú cho trẻ qua các hoạt động học như sau:
Nghệ thuật tạo hứng thú cho trẻ trong hoạt động học là một thử thách lớn. Trẻ thích sự mới mẻ nhưng cũng dễ chán với những điều quen thuộc. Do đó, tôi luôn tìm cách thay đổi hình thức hoạt động để thu hút sự chú ý của trẻ, tạo không khí học tập sôi nổi và vui tươi nhưng vẫn đạt hiệu quả cao. Cụ thể:
1. Kích thích hứng thú qua đồ dùng, đồ chơi và vật thật
Tư duy trực quan của trẻ 4 tuổi vẫn còn rõ nét, vì vậy tôi đã sáng tạo nhiều loại đồ dùng, đồ chơi từ nguyên vật liệu phù hợp với từng hoạt động để gây hứng thú cho trẻ và tạo ấn tượng ngay từ đầu hoạt động học.
Ví dụ:
- Trong hoạt động kể chuyện: Tôi sử dụng bìa cứng, giấy màu, xốp, hộp, chai nhựa, vải, len và các hạt để tạo ra các nhân vật rối như Thỏ, Cáo, Bác Gấu để trẻ đoán câu chuyện. Điều này giúp trẻ tập trung vào câu chuyện và các nhân vật.
- Trong hoạt động khám phá môi trường xung quanh “Tìm hiểu vật nuôi trong gia đình”: Tôi dùng con vịt thật để trẻ nghe tiếng kêu, đoán tên và quan sát con vịt.
Cũng với đồ dùng tự tạo, tôi chú trọng việc giới thiệu cho trẻ qua nhiều hình thức khác nhau để tạo sự hứng thú.
Ví dụ:
- Trong hoạt động thể dục: Tôi sử dụng quả bóng, kẽm lông, vải nỉ làm mũ kiến và cho trẻ chơi trò “Nhảy vũ điệu kiến”.
- Trong hoạt động tạo hình: Với đề tài “Những chiếc vòng xinh”, tôi cho trẻ chuyền tay nhau những chiếc vòng làm từ lá dừa, lá mì để trẻ tự do sáng tạo.
2. Kích thích hứng thú qua trò chơi
Để tránh sự nhàm chán và mệt mỏi, tôi tổ chức các trò chơi đan xen giữa hoạt động động và tĩnh, giúp trẻ học qua trò chơi và cảm thấy thoải mái hơn để tiếp tục tham gia hoạt động.
Ví dụ:
- Trong kể chuyện “Quả trứng”, tôi cho trẻ đội mũ vịt và chơi trò “Chuyển trứng vào ổ”. Sau khi chuyển xong, tôi tặng trẻ những chú vịt nhỏ để trẻ chơi và xây chuồng vịt.
- Trong hoạt động tìm hiểu các con vật: Tôi sử dụng trò chơi đối đáp về tiếng kêu của con vật và trò chuyện về các con vật.
- Trong hoạt động âm nhạc: Tôi tổ chức trò chơi âm nhạc với giai điệu từ chú gà trống và yêu cầu trẻ đoán tên bài hát.
- Trong hoạt động thể dục: Tôi cho trẻ chơi trò “Bóng lăn” với các động tác mô phỏng quả bóng lăn.
Hoặc tôi sử dụng các trò chơi nhỏ như “Trời tối, trời sáng” để tạo sự bất ngờ cho trẻ.
3. Kích thích hứng thú qua âm nhạc, thơ, vè và kể chuyện
Âm nhạc thường mang đến sự vui tươi và hứng thú cao cho trẻ. Tôi thường sử dụng âm nhạc trong hoạt động học để tăng cường sự hứng thú của trẻ.
Ví dụ: Trong chủ đề “Trường mầm non”, tôi cho trẻ hát và vận động theo bài hát “Vui đến trường” và trò chuyện về trường mầm non. Hoặc trong hoạt động đếm đến 5, tôi cho trẻ hát bài “Tập đếm”.
Để tạo sự mới lạ, tôi sáng tác một số bài hát dựa trên giai điệu có sẵn để gây hứng thú cho trẻ.
Ví dụ: Trong hoạt động tìm hiểu quả, sau khi chơi trò hái quả, tôi cho trẻ hát theo giai điệu bài “Lý kéo chài” để chuyển hoạt động.
“Đã đến khu vườn cây trái, chúng mình ơi thăm bác nông dân. Tình tang tang tình tính tang. Giúp bác nông dân hái quả để mang về nhà. Ơi hò là hò ơi!”
Việc sử dụng thơ, vè và câu chuyện liên quan đến hoạt động học cũng giúp tạo sự hứng thú cho trẻ.
- Ví dụ: Trong hoạt động “Tìm hiểu các con côn trùng”, tôi trò chuyện về con muỗi và con kiến và cho trẻ làm đàn kiến đọc bài đồng dao về con kiến.
4. Kích thích hứng thú qua tình huống
Để mở đầu hoạt động và tạo hứng thú, tôi sử dụng các tình huống có vấn đề để khuyến khích trẻ suy nghĩ, phán đoán và tìm hiểu.
Ví dụ: Trong hoạt động “Tìm hiểu về gió”, tôi tắt quạt, đóng cửa sổ và chơi trò “Bay thấp- bay cao”. Sau đó, tôi hỏi trẻ cảm nhận về không khí lớp và cùng thử các cách làm mát như mở cửa sổ, dùng quạt giấy, và chọn cách mát nhất.
- Hay tình huống khác: Tôi ra vườn hái trái cây và yêu cầu trẻ tìm ra những loại trái cây có đặc điểm giống nhau, hoặc tìm giúp 4 quả trứng cho gà mái mẹ.
Sau khi áp dụng “Biện pháp kích thích hứng thú cho trẻ mẫu giáo 4-5 tuổi qua các hoạt động học tập”, tôi đã đạt được một số kết quả như sau:
* Đối với giáo viên:
- Tôi có thêm kinh nghiệm trong việc kích thích hứng thú cho trẻ trong hoạt động học.
- Các hoạt động học đạt hiệu quả và thu hút trẻ tích cực tham gia hơn.
* Đối với trẻ:
- Trẻ tập trung vào giờ học nhiều hơn, tiếp thu nhanh kiến thức mới và phát triển kỹ năng cần thiết.
Tóm lại, để hoạt động học hiệu quả và thu hút trẻ, tôi cần:
- Hiểu rõ đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, khả năng và nhu cầu của trẻ để có phương pháp giáo dục phù hợp.
- Tạo môi trường hoạt động phong phú, sử dụng nguyên vật liệu và đồ dùng một cách hiệu quả, tổ chức hoạt động khoa học và hợp lý để trẻ tham gia tích cực.
Kính thưa Ban tổ chức và Ban giám khảo!
Tôi vừa hoàn thành bài thuyết trình: “Biện pháp kích thích hứng thú cho trẻ mẫu giáo 4-5 tuổi qua các hoạt động học tập”.
Cuối cùng, tôi xin chúc Ban tổ chức, Ban giám khảo sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc Hội thi thành công tốt đẹp!
Trân trọng cảm ơn!
3. Bài thuyết trình: Các phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ từ 4 đến 5 tuổi tại trường mầm non
Kính gửi:
- Ban tổ chức!
- Thưa quý Ban giám khảo!
Hôm nay, tôi rất vinh dự được tham gia thuyết trình trong cuộc thi “Giáo viên dạy giỏi” cấp Huyện năm học ..., với chủ đề “Phương pháp kích thích hứng thú học tập cho trẻ mẫu giáo 4-5 tuổi”.
Kính thưa quý Ban giám khảo!
Giáo dục kỹ năng sống là một yếu tố vô cùng quan trọng và cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Nó giúp trẻ phát triển toàn diện về nhân cách, thể chất, cảm xúc, giao tiếp, ngôn ngữ và tư duy, tạo nền tảng vững chắc để trẻ tự tin bước vào bậc tiểu học.
– Về thể chất: giáo dục kỹ năng sống giúp trẻ tăng cường sức khỏe, sự kiên nhẫn, bền bỉ và khéo léo thông qua các bài học và hoạt động vận động. Trẻ sẽ được rèn luyện sự dẻo dai, giúp trẻ thích nghi nhanh chóng với những thay đổi trong môi trường sống.
– Về tình cảm: giáo dục kỹ năng sống giúp trẻ biết lắng nghe, chia sẻ, có trách nhiệm, yêu thương và biết ơn công lao của cha mẹ.
– Về giao tiếp-ngôn ngữ: giáo dục kỹ năng sống giúp trẻ tự tin giao tiếp, rèn luyện khả năng lắng nghe và nói chuyện lịch sự, hòa nhã.
– Về nhận thức: giáo dục kỹ năng sống giúp trẻ xây dựng nền tảng kiến thức, niềm đam mê học hỏi và khám phá, tạo động lực cho việc học tập suốt đời.
– Giáo dục kỹ năng sống là bước chuẩn bị quan trọng cho giai đoạn tiểu học: việc giáo dục sớm giúp trẻ có khả năng thích nghi với môi trường học tập mới, hòa nhập nhanh và tự tin bước vào lớp 1.
Những kỹ năng cần dạy cho trẻ mầm non không chỉ giúp trẻ thích nghi tốt mà còn giúp bé rèn luyện tính tự giác và tự lập từ nhỏ. Các bé sẽ thể hiện cá tính mạnh mẽ, tò mò và cố gắng học hỏi những điều mới. Đây là thời điểm lý tưởng để phụ huynh và thầy cô rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho bé.
2.2. Thuận lợi:
Trường có cơ sở vật chất và trang thiết bị tương đối đầy đủ theo quy định. Trẻ được chia lớp theo độ tuổi và thực hiện chương trình Giáo dục mầm non. Giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, tận tâm, yêu nghề, có kỹ năng tốt để hướng dẫn trẻ học tập. Phụ huynh quan tâm đến công tác chăm sóc và giáo dục trẻ.
2.3. Khó khăn:
Số lượng học sinh lớn, vượt chỉ tiêu biên chế số trẻ/lớp. Học sinh được phụ huynh nuông chiều quá mức, ảnh hưởng đến việc giáo dục kỹ năng sống. Một số phụ huynh chỉ quan tâm đến học văn hóa mà không chú ý đến kỹ năng sống, dẫn đến tình trạng trẻ ương bướng.
* Khảo sát thực trạng chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo 4-5 tuổi trước khi thực hiện đề tài:
Hiện nay, các trường đã chú trọng lồng ghép nội dung giáo dục kỹ năng sống vào các hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên, một số giáo viên chưa quan tâm đầy đủ đến việc rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ, thiếu hiểu biết về nội dung cần dạy và cách áp dụng các kế hoạch giáo dục.
Đầu năm học, trẻ còn hạn chế về nề nếp và kỹ năng sống, giáo viên thường phải tập trung vào những trẻ có vấn đề về hành vi và khả năng tập trung. Điều này làm mất thời gian để giúp trẻ có kỹ năng sống cơ bản.
Các biện pháp giáo dục kỹ năng sống cần thiết cho trẻ 4-5 tuổi:
Biện pháp 1: Lồng ghép nội dung giáo dục kỹ năng sống vào các hoạt động hàng tháng.
Biện pháp 2: Giáo dục kỹ năng sống qua các bài tập tình huống tại trường mầm non.
Biện pháp 3: Phát triển kỹ năng sống cho trẻ mọi lúc mọi nơi.
Biện pháp 4: Sưu tầm bài thơ, câu chuyện về giáo dục kỹ năng sống cho trẻ.
Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ là việc quan trọng, giúp trẻ tự tin và linh hoạt trong cuộc sống, làm quen với kỹ năng giao tiếp, thích nghi, khám phá, tự chăm sóc, làm việc nhóm và ra quyết định phù hợp với lứa tuổi. Vì vậy, giáo dục kỹ năng sống tại trường mầm non có ý nghĩa lớn trong sự hình thành nhân cách trẻ sau này.
Kính thưa Ban tổ chức, ban giám khảo!
Tôi đã hoàn thành bài thuyết trình: “Một số biện pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ 4-5 tuổi trong trường mầm non”.
Xin kính chúc Ban tổ chức, ban giám khảo sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc Hội thi thành công tốt đẹp!
Trân trọng cảm ơn!
4. Bài thuyết trình: 'Một số phương pháp giáo dục trẻ từ 24-36 tháng tuổi về việc quan tâm và yêu thương mọi người xung quanh'
I. Cơ sở lý luận:
Như chúng ta đều biết, 'Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai'. Trẻ em chính là niềm vui, hạnh phúc và hy vọng của gia đình cũng như toàn xã hội.
Việc chăm sóc và giáo dục trẻ ngay từ lứa tuổi mầm non là bước khởi đầu quan trọng và thiết yếu để hình thành nhân cách cho trẻ, giúp trẻ trở thành những công dân tốt trong tương lai.
Nhân cách của trẻ không phải tự nhiên mà có, mà được hình thành qua nền tảng giáo dục. Là một giáo viên với nhiều năm kinh nghiệm, tôi luôn trăn trở về cách giáo dục để trẻ biết yêu thương, đoàn kết, và quan tâm đến bạn bè, người thân và mọi người xung quanh. Vì vậy, tôi đã chọn đề tài thuyết trình: 'Một số phương pháp dạy trẻ từ 24-36 tháng tuổi biết quan tâm và yêu thương mọi người xung quanh'.
II. Các biện pháp thực hiện:
Biện pháp 1: Khảo sát
Tôi tiến hành khảo sát trẻ qua các hoạt động như sau:
- Trong khi trẻ chơi tại các góc, tôi theo dõi và ghi chép lại các hành vi như việc tranh giành đồ chơi, nhường nhịn bạn, chơi đoàn kết, và phối hợp trong trò chơi.
- Trong giờ đón trả trẻ và các hoạt động trong ngày, tôi quan sát thái độ và cách thể hiện cảm xúc của trẻ đối với bố mẹ, giáo viên và bạn bè.
* Ví dụ: Tôi cho trẻ xem một đoạn video về câu chuyện “Đôi bạn nhỏ” và thảo luận với trẻ:
+ Các con vừa xem gì?
+ Bạn gà và bạn vịt trong video đang làm gì?
+ Điều gì xảy ra khi bạn gà bị cáo đuổi bắt?
=> Dạy trẻ biết quan tâm và giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn.
- Trong giờ đón trẻ, tôi trò chuyện với trẻ:
+ Ở nhà, các con giúp đỡ bố mẹ những công việc gì?
+ Con thường làm gì để làm bố mẹ vui?
+ Con cảm thấy thế nào khi được khen từ bố mẹ?
Như vậy, việc giúp trẻ hiểu tầm quan trọng của yêu thương và chia sẻ là điều cần thiết trong quá trình giáo dục nhân cách trẻ mầm non.
Biện pháp 2: Giáo dục yêu thương và quan tâm trong hoạt động học:
Thời gian cho mỗi hoạt động học của trẻ là từ 15-20 phút, nên nội dung bài học cần được tích hợp một cách khéo léo để kích thích cảm xúc và mong muốn thể hiện tình cảm của trẻ. Tôi đã thiết kế giáo án để dạy trẻ biết quan tâm và yêu thương mọi người.
Giáo án: Nhận biết và tập nói
Giáo án: Dạy trẻ biết chia sẻ và yêu thương
Đề tài: Bản thân và gia đình thân yêu
* Mục đích và yêu cầu:
- Giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và trí tưởng tượng, hiểu rằng chia sẻ mang lại niềm vui.
- Trẻ biết tên các thành viên trong gia đình và yêu quý những người thân.
Qua bài học, trẻ không chỉ biết quan tâm yêu thương bạn bè và mọi người xung quanh, mà còn yêu thiên nhiên và cùng bạn bảo vệ môi trường.
Biện pháp 3: Dạy trẻ qua trò chơi tập thể:
Như chúng ta biết, hoạt động chính của trẻ là vui chơi. Trẻ học qua chơi và chơi qua học.
Ví dụ một số trò chơi:
* Trò chơi 1: “Hành động yêu thương”
+ Trẻ thể hiện tình cảm với bạn qua các cử chỉ đơn giản như nắm tay, khoác vai, ôm bạn.
* Trò chơi 2: “Tình bạn thân thiết”
* Trò chơi 3: “Sinh nhật vui vẻ”
Biện pháp 4: Sưu tầm thơ và truyện dạy yêu thương và quan tâm
Ví dụ: Bài thơ: “Bạn mới”
Giáo dục trẻ: Qua bài thơ, trẻ học cách giúp đỡ và quan tâm đến bạn bè xung quanh.
Ví dụ: Bài thơ: “Yêu mẹ”
Giáo dục trẻ: Biết yêu mẹ và những người thân trong gia đình.
Truyện sưu tầm:
Ví dụ: Truyện: “Đôi bạn tốt”
Giáo dục trẻ: Thông qua câu chuyện, trẻ học yêu thương, chia sẻ và nhường nhịn bạn.
Biện pháp 5: Dạy chia sẻ qua ngày hội, ngày lễ:
Ngày 20/10, Tết Trung Thu, Noel, Tết Nguyên Đán, ngày 8/3 và đặc biệt là ngày hạnh phúc 20/3. Mỗi ngày hội tôi tổ chức theo hình thức riêng để thu hút và khuyến khích trẻ tham gia.
Ví dụ: Ngày 8/3 - Ngày quốc tế phụ nữ
Trước lễ hội, tôi trò chuyện với trẻ về ý nghĩa ngày hội, lên kế hoạch tổ chức và hỏi ý kiến trẻ về món quà tặng bà và mẹ. Sau đó, tôi hướng dẫn trẻ làm bưu thiếp tặng bà, mẹ và ghi lại cảm xúc, lời chúc của trẻ.
Biện pháp 6: Phối hợp với phụ huynh để dạy trẻ quan tâm và yêu thương
- Qua bảng tuyên truyền và giờ đón trả trẻ, tôi phối hợp với phụ huynh để giáo dục trẻ về quan tâm và giúp đỡ mọi người.
- Sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh giúp trẻ phát triển rõ rệt trong việc quan tâm đến mọi người. Để trẻ hình thành tính quan tâm, trường và phụ huynh cần thống nhất các yêu cầu giáo dục và cùng theo dõi, hỗ trợ quá trình giáo dục trẻ.
Kết luận
Qua quá trình thực hiện giáo dục trẻ về yêu thương và quan tâm, chúng ta thấy rằng đây là yếu tố rất quan trọng và cần thiết. Đạt được thành công này là nhờ sự nỗ lực cá nhân, sự hỗ trợ từ đồng nghiệp, nhà trường và phụ huynh.
Bản thân tôi đã học hỏi nhiều kiến thức và kinh nghiệm từ các hoạt động học và vui chơi, và được phụ huynh cũng như đồng nghiệp tin tưởng, yêu quý.
Vừa rồi tôi đã trình bày xong bài thuyết trình của mình. Xin cảm ơn các đồng chí đã lắng nghe.