4 điều quan trọng để nhận biết bức tranh thuộc trường phái Ấn tượng hoặc được vẽ theo phong cách của trường phái Ấn tượng.
Vào thập niên 1860 tại Pháp, một trường phái hội họa đã nổi lên và ghi dấu trong lịch sử nghệ thuật mãi mãi: Trường phái Ấn Tượng (Impressionism). Các họa sĩ Ấn Tượng như Claude Monet, Pierre-Auguste Renoir hay Mary Cassatt, từ lâu đã trở thành những tên tuổi quen thuộc và được công chúng yêu mến.
Mặc dù chỉ tồn tại trong vòng 3 thập kỷ, nhưng trường phái hội họa Ấn Tượng không bao giờ chấm dứt. Thực tế, ngày nay phong cách Ấn Tượng vẫn được nhiều họa sĩ yêu thích và theo đuổi.
Vậy làm thế nào để nhận ra một tác phẩm thuộc trường phái Ấn Tượng hoặc được vẽ theo phong cách này, giữa vô vàn các tác phẩm hội họa?
Dưới đây là 4 điều quan trọng giúp bạn nhận biết nhanh chóng tác phẩm Ấn Tượng, cũng như là 4 yếu tố mang tính cách mạng mà trường phái Ấn Tượng đã mang lại cho hội họa.
'Claude Monet vẽ bên Lề Rừng' (Claude Monet vẽ ở mép rừng), John Singer Sargent, 1885 (?). Có thể nói trong số các họa sĩ Ấn Tượng, Claude Monet là người ưa thích vẽ trực họa ngoài trời (en plein air) nhất.
1. Đề Tài: Cuộc Sống Hằng Ngày và Phong Cảnh Sáng Sủa
Các họa sĩ Ấn Tượng không quan tâm đến các đề tài kinh điển trong hội họa như thần thoại, lịch sử hay tôn giáo. Được tác động bởi trường phái Hiện Thực (Realism), họ tập trung vào các khía cạnh khác nhau của cuộc sống hằng ngày.
Hạnh phúc là khi bạn có thể nhìn thấy những điều tuyệt vời trong những nơi bình thường, điều mà người khác không nhận ra.
Camille Pissarro (1830-1903), họa sĩ Ấn Tượng
Tuy nổi bật khác biệt với phong cách Hiện Thực, thường mô tả những cảnh làm việc vất vả của nông dân, nhưng các họa sĩ Ấn Tượng lại ưa thích tái hiện khung cảnh bình dị, sôi động và tươi sáng của cuộc sống hàng ngày. Đó có thể là phố phường nhộn nhịp, cặp đôi tản bộ bên nhau, nhóm bạn tán gẫu, đám đông khiêu vũ, hoặc đám trẻ con vui đùa.
Một đề tài quan trọng khác là phong cảnh. Không mô phỏng một cách lý tưởng vẻ đẹp của tự nhiên như hội họa cổ điển, các họa sĩ Ấn Tượng luôn mong muốn tái hiện thiên nhiên chân thực như họ thấy nó trong thực tế.
Vì vậy, họa sĩ Ấn Tượng thích vẽ en plein air, để trực tiếp tiếp xúc và tái hiện không gian đầy ánh sáng, màu sắc và không khí của thiên nhiên.
“Khiêu Vũ ở Moulin de la Galette” (Dance at Moulin de la Galette), Pierre-Auguste Renoir, 1876.
2. Kỹ Thuật: Sử Dụng Nét Vẽ Đứt Đoạn và Rõ Ràng
Từ khi ra đời, tranh Ấn tượng thường bị phê bình là những tác phẩm “chưa hoàn thiện” hoặc 'trông không khác gì tranh phác thảo'. Nếu đứng gần, trước mắt người xem là một đám màu sắc hỗn độn, không rõ đường nét và chi tiết. Nhưng chỉ cần lùi vài bước về phía sau, ta sẽ bắt đầu nhận ra cảnh vật trong tranh.
Họa sĩ Ấn tượng không tuân theo lối vẽ truyền thống, thường trải qua nhiều công đoạn và tốn rất nhiều thời gian. Thường vẽ ngoài trời nên họ vẽ rất nhanh, đôi khi chỉ trong vài giờ đồng hồ, sử dụng các tuýp màu trộn sẵn – một sáng kiến mới lúc bấy giờ.
Kết quả của phong cách vẽ này, như chúng ta dễ dàng nhận ra trong các tác phẩm Ấn tượng, là khắp bức tranh tràn ngập những nét cọ đứt đoạn, dày màu và quệt nhanh. Người họa sĩ mang đến tác phẩm một vẻ ngẫu hứng, phóng khoáng, thậm chí đôi khi trừu tượng.
Họa sĩ Ấn tượng thường sử dụng nhiều nét cọ đứt đoạn nhất để miêu tả hình khối (form). Nét cọ của họ thường rất rõ vệt và không được hòa kết (blend) vào nhau. Chính vì thế khi nhìn gần, người xem khó lòng phân định được sự vật này với sự vật kia.
Phong cách vẽ này đã giúp họa sĩ Ấn tượng đạt được mục tiêu mong muốn: nhanh chóng nắm bắt được bản chất của đối tượng hơn là các chi tiết của đối tượng đó.
Trẻ em trong một khu vườn” (Lũ nhỏ trong khu vườn), Mary Cassatt, 1878. Khi nhìn vào bức tranh này, người ta có thể dễ dàng nhận ra nét vẽ ngắn, đứt đoạn, đặc trưng của trường phái Ấn tượng. Nếu nhìn kỹ, bạn sẽ khó lòng nhận biết được các chi tiết của cây cỏ và con người.