Mỗi người cha mẹ đều mong muốn con yêu của mình phát triển một cách toàn diện từ khi mới sinh ra.
Dưới đây là một số lưu ý giúp mẹ phát hiện sớm những bất thường ở trẻ nhỏ.
1. Biểu hiện của trẻ
– Với các bé từ 3, 4 tháng tuổi trở đi, nhiều bé đã bắt đầu biết cười, quan sát xung quanh và không còn ngủ nhiều như trước đây.
– Nếu bé ít khóc, thường xuyên ngủ li bì, và không chú ý đến tiếng động hoặc môi trường xung quanh, cha mẹ nên đưa bé đi kiểm tra sức khỏe tại bác sĩ.
2. Hành động của trẻ
– Các em bé mới sinh thường có xu hướng nắm chặt những vật mà người khác đặt trước mặt như một thói quen tự nhiên. Lúc này, trẻ đang tò mò với mọi thứ xung quanh và thích khám phá, nên hay chơi với các đồ vật gần họ. Nếu đến 6 tháng đến 1 tuổi mà trẻ vẫn giữ thói quen nghịch tay nghịch chân, cha mẹ cần chú ý và đưa bé đi kiểm tra sức khỏe.
– Bởi từ tháng thứ 6, trí não của trẻ bắt đầu phát triển, nên không còn thích chơi với tay, chân một cách vô thức nữa. Cha mẹ có thể tham khảo quá trình phát triển của trẻ như sau: Trẻ 6 -7 tháng tuổi có thể nắm lấy đồ vật ở xa, kẹp đồ vật giữa hai tay; bắt đầu nhai thức ăn, có thể tự ăn bánh quy. Trẻ 9 tháng tuổi có thói quen ném đồ đạc một cách tùy tiện và luôn thể hiện sự vui vẻ trước hành động này.
3. Khả năng thích ứng của trẻ
Trẻ sinh ra được 3 tháng đã có khả năng nhận biết người xung quanh. Trẻ thể hiện sự vui vẻ khi tiếp xúc với những người thường xuyên ở bên cạnh mình. Đồng thời, trẻ bắt đầu biết sợ người lạ.
Phụ huynh cần chú ý theo dõi nếu đến tháng thứ 8, trẻ vẫn thích nằm yên và bú sữa, ngủ khi có người lạ bên cạnh.
4. Dinh dưỡng của trẻ
Mặc dù bú sữa là bản năng của trẻ, nhưng khi gặp vấn đề về trí não, trẻ có thể không tự bú sữa mẹ hoặc bú một cách yếu ớt, thường xuyên nôn mửa, cân nặng tăng chậm. Trong tình huống như vậy, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bác sĩ.
5. Khả năng ngôn ngữ của trẻ
Giai đoạn phát triển ngôn ngữ bình thường của trẻ có thể được thể hiện như sau: Từ 3 – 6 tháng: trẻ bắt đầu chú ý vào người nói chuyện, quay đầu về phía có tiếng động. Từ 9 – 12 tháng: trẻ phát âm “ê”, “a” kéo dài thành một chuỗi âm thanh như người lớn nhưng không rõ từ. Tùy theo từng trẻ, khi khoảng 11 tháng đến 1 tuổi, có trẻ có thể nói được khoảng 2 – 3 từ đơn khá rõ, có thể là: bố, bà. Từ 12 – 15 tháng: trẻ có thể phát âm như tiết tấu âm nhạc để giữ cho câu chuyện tiếp tục. Từ 15 – 18 tháng: sử dụng được 4 từ, thường là tên con vật kết hợp với cử chỉ, đưa tay vẫy, chỉ. Khi trẻ đạt 18 tháng tuổi, trẻ bắt đầu nói và tự nối ghép được hai từ với nhau.
Cha mẹ cần lưu ý nếu trẻ từ 12 đến 24 tháng tuổi có những dấu hiệu sau: Không làm được nhiều cử chỉ khi 12 tháng tuổi, không bắt chước được âm thanh khi 18 tháng tuổi… có thể bé chậm nói nhưng cũng có trường hợp là do phát triển trí não không bình thường nên cha mẹ hãy đưa bé đi khám bác sĩ nhé.
(Tổng hợp)