Bạn có thể gắn bó với một người vì cả hai đều trải qua những vết thương tương tự nhau, nhưng người đó chưa chắc đã là “định mệnh” của bạn.
Trong tình yêu, ai cũng mong muốn tìm thấy một soulmate (linh hồn tâm giao) cho riêng mình. Đó là người mà bạn có thể kết nối sâu sắc về mặt tình cảm, có sự đồng điệu về suy nghĩ và giá trị cuộc sống. Mối quan hệ với soulmate thường có chất lượng cao với khả năng thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ.
Dù vậy, không phải tâm hồn đồng điệu nào cũng trở thành soulmate. Trong đó, woundmate (tạm dịch: tổn thương tâm giao) chỉ mối quan hệ bắt nguồn từ sự đồng cảm và kết nối sâu sắc với những tổn thương trong quá khứ của nhau. Những vết thương này có thể bắt nguồn từ chấn thương thời thơ ấu, nỗi sợ bị bỏ rơi hay bị từ chối trong một mối quan hệ.
Có thể thấy soulmate và woundmate đều là người bạn có thể dễ dàng kết nối và đồng cảm sâu sắc, vì họ có những trải nghiệm tương đồng với bạn. Thế nhưng soulmate chấp nhận con người thật của bạn, dành cho bạn không gian để trưởng thành và tự chữa lành. Trong khi đó, woundmate lại xát muối vào vết thương, khiến bạn khó tự phục hồi và thấy tiêu cực hơn.
Vậy làm thế nào để biết mình đang hẹn hò với một woundmate thay vì soulmate? Cùng nhà văn Molly Burford điểm qua 5 dấu hiệu sau đây:
1. Mối quan hệ bắt đầu rất tốt, song ngày càng tệ đi
Hai bạn có “tình yêu sét đánh”, dễ dàng kết nối ngay khi mới gặp do trải qua những tổn thương giống nhau: cùng bị bố mẹ bỏ rơi khi còn nhỏ, hoặc cùng bị người yêu cũ phản bội theo một cách giống nhau. Bạn không thể tin là đã tìm được một người giống mình đến thế, rằng người ấy là “định mệnh” của đời mình.
Tuy nhiên sau giai đoạn này, mối quan hệ của hai bạn ngày càng tệ đi. Những cuộc cãi vã như cơm bữa xuất hiện, song cả hai không thể xa nhau một cách dứt khoát vì tình cảm chưa nguôi ngoai. Sự “hợp rơ” từ lần đầu gặp gỡ lẫn sự đồng cảm trong trải nghiệm quá khứ lấn át những cảm xúc tiêu cực của bạn, khiến mối quan hệ dần trở nên độc hại nhưng lại khó thoát ra.
2. Cảm thấy nửa kia không hiểu bạn
Đây là tình trạng khi đối phương “nghe”, “nhìn” nhưng không “hiểu” bạn. Họ có lắng nghe nhưng không thấu hiểu tâm trạng của bạn hoặc thậm chí là phủ nhận cảm xúc của bạn.
Do đó, bạn luôn phải cố gắng để họ hiểu được cảm xúc sâu thẳm của bạn, điều này khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức. Thái độ hời hợt hoặc những câu trả lời không đáp ứng tâm trạng của bạn thường là dấu hiệu của vấn đề này.
Ví dụ, sau một ngày làm việc mệt mỏi, bạn chia sẻ về những khó khăn và lo lắng trong dự án mới, vì đây là lần đầu tiên bạn làm điều này. Tuy nhiên, nửa kia chỉ nhìn thấy bạn căng thẳng với công việc, và cho rằng bạn quá suy nghĩ. Họ kết luận với một câu “chẳng sao cả”, nhưng điều này không giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn mà ngược lại còn chán nản hơn vì họ không hiểu bạn.
3. Kích thích sự lo âu của nhau
Khác với soulmate, woundmate kích thích sự lo âu của nhau ở những thời điểm nhạy cảm nhất. Thay vì chăm sóc nhau sau những tổn thương, woundmate thường không cẩn thận hoặc cố ý gây ra thêm tổn thương cho đối phương. Dù có ý định giúp đỡ nhau, những gì hai bạn làm lại chỉ làm đau lòng thêm cho đối phương.
Chẳng hạn trong một cuộc cãi vã (một thời điểm nhạy cảm), thay vì thảo luận về vấn đề chính thì hai bạn lại bắt đầu trách móc, đổ lỗi và nhấn mạnh vào những điểm yếu của đối phương. Điều này khiến bạn cảm thấy tự ti và đóng cửa trái tim, vì bạn cảm thấy ý kiến của mình không được tôn trọng.
4. Cảm thấy kiệt sức sau khi dành thời gian bên nhau
Thay vì cảm thấy hài lòng và được nạp năng lượng, việc dành thời gian với woundmate khiến bạn cảm thấy kiệt sức nhanh chóng. Họ thực sự là kẻ hút máu năng lượng, có thể làm bạn kiệt sức chỉ qua vài lời nói. Tuy nhiên, họ thường che giấu bản chất thực sự sau một lớp vỏ bề ngoài vui vẻ, thân thiện, làm bạn khó nhận ra.
Chẳng hạn trong ví dụ trên, khi bạn chia sẻ với họ về lo lắng trong dự án mới. Họ tỏ ra “đồng cảm” với bạn bằng cách nói “chẳng sao cả, anh/em xưa cũng từng phải đối mặt với những dự án khó khăn hơn nhiều…”. Điều này không chỉ không giúp bạn cảm thấy đỡ lo lắng, mà còn làm giảm giá trị của cảm xúc của bạn, khiến bạn mệt mỏi và nghi ngờ bản thân.
Một nguyên nhân khác khiến bạn cảm thấy kiệt sức là việc nửa kia luôn thể hiện cảm xúc mà không quan tâm đến tâm trạng của bạn. Họ luôn kể chuyện không vui nhằm tìm sự đồng cảm từ bạn, trong khi bạn cảm thấy mệt mỏi và không muốn tiếp nhận thêm những cảm xúc tiêu cực từ họ. Nếu tình trạng này tiếp tục, bạn có thể tránh né việc trò chuyện dài với họ.
5. Hy sinh quá nhiều để duy trì mối quan hệ
Woundmate mang lại cảm giác khó lòng từ bỏ vì cả hai cố gắng giữ lại cảm xúc ban đầu mà bỏ qua ý nghĩ từ bỏ mối quan hệ. Sau nhiều lần cãi nhau, bạn nghĩ đến việc chấm dứt quan hệ nhưng sợ tổn thương và thương hại đối phương, nên quyết định ở lại.
Do đó, bạn tiếp tục ở lại và cố gắng thỏa hiệp để đối phương hài lòng. Mặc dù thỏa hiệp có thể giải quyết một số mâu thuẫn tạm thời, nhưng trong dài hạn, nó có thể khiến bạn phải từ bỏ những nhu cầu cá nhân. Đây là một loại mối quan hệ độc hại, khiến cả hai đều mất đi bản thân thay vì hoàn thiện lẫn nhau trong tình yêu.
Có thể woundmate trở thành soulmate không?
Trong tình yêu, đôi khi chúng ta quên đi những tổn thương của mình vì cảm xúc ban đầu. Nhưng cần nhớ rằng woundmate không phải là số phận của bạn. Họ chỉ đơn giản là bức tranh phản ánh những vết thương trong tâm hồn mà bạn cần chữa lành.
Theo chuyên gia tư vấn hôn nhân Kelley Nele, nếu đã từng ở bên một người đồng cảm với nỗi đau, bạn có thể suy ngẫm về những trải nghiệm đã qua để học hỏi cho mối quan hệ sau này. Nhưng nếu nhận ra bạn đang hẹn hò với một người đồng cảm với nỗi đau, bạn không nhất thiết phải chấm dứt ngay lập tức (vì việc kết thúc với người đồng cảm với nỗi đau không phải là điều dễ dàng).
Thay vào đó, bạn hãy nhìn nhận mối quan hệ một cách toàn diện, xem nó đang dạy cho cả hai bạn điều gì. Cụ thể, bạn phân tích lý do hai bạn đến với nhau, vì sao bạn (và đối phương) lại hành động như vậy… Bạn có thể tìm sự giúp đỡ từ chuyên gia về tình yêu và hôn nhân (relationship coach) để được tư vấn và hỗ trợ giải quyết các vấn đề đang tồn tại.
Từ đó, hai bạn có thể cùng nhau phát triển và nâng cao từ người đồng cảm với nỗi đau trở thành bạn tâm linh của nhau. Hãy chỉ nghĩ đến việc chia tay khi đã cùng nhau có cơ hội “nâng cao” mà vẫn không thành công.