Từ nối trong tiếng Anh là yếu tố quan trọng giúp bài viết Writing trở nên mạch lạc, rõ ý và có sự liên kết khi chuyển ý. Cụ thể, sự mạch lạc và liên kết trong các câu văn sẽ giúp bài viết của thí sinh trở nên dễ đọc, dễ hiểu và lợi ích lớn nhất đó chính là thỏa mãn được tiêu chí Coherence and Cohesion trong band descriptors (tiêu chí chấm thi) trong IELTS Writing.Tuy nhiên, việc sử dụng từ nối sao cho bài viết trở nên mạch lạc, rõ ý không phải là một điều dễ dàng. Một trong số những thách thức mà những người mới tiếp cận IELTS, đặc biệt là những bạn band 4.5 - 5.5 hay mắc phải, đó chính là những lỗi sai trong việc sử dụng từ nối (transition words) như lỗi cú pháp câu (sentence fragment) hay sử dụng từ nối sai mục đích khiến ngữ nghĩa trong câu thay đổi (mixing up the meaning of transition words). Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp năm lỗi sai thường gặp trong việc sử dụng từ nối kèm theo những ví dụ minh họa và bài tập có đáp án.
Key takeaways
Sentence fragment là lỗi về cú pháp câu, khi những cụm từ được ghép với nhau nhưng không tạo nên một câu với nội dung hoàn chỉnh. Khi đọc kỹ, người học ѕẽ nhận ra rằng nó không thể hiện trọn ᴠẹn một ý tưởng, ý nghĩa haу thông điệp như câu hoàn chỉnh.
Mixing up the meaning of transition words là lỗi đảo lộn ý nghĩa của câu, khi những từ nối được sử dụng sai mục đích, đặc biệt là những từ nối dễ nhầm lẫn như “Therefore”, “As well as”, “and”,...
Mở đầu câu với những từ nối FANBOYS (for, and, nor, but, or, yet, so): Sử dụng những từ nối FANBOYS ở đầu câu sẽ khiến bài văn trở nên kém trang trọng. Để khắc phục, người học nên sử dụng những từ nối đảm bảo tính trang trọng khi mở đầu một câu văn.
Sai ngữ pháp (Incorrect grammar): Một trong những lỗi sai thường gặp của những người mới tiếp cận tiếng Anh nói chung và IELTS nói riêng đó chính là sử dụng sai ngữ pháp, phần lớn là do còn hổng kiến thức về cách đặt câu với từ nối.
Lạm dụng từ nối trong bài văn: Sử dụng quá nhiều từ nối sẽ khiến người đọc trở nên bối rối và đôi khi hiểu sai những ý tưởng và thông điệp mà người viết muốn truyền tải. Còn việc sử dụng quá ít từ nối sẽ khiến cho bài viết trở nên khô khan, cứng nhắc và thiếu đi sự tự nhiên.
Tổng hợp năm sai lầm phổ biến khi sử dụng từ nối (transition words)
Sai lầm về cú pháp câu (Sentence Fragment)
Một câu chưa hoàn chỉnh (sentence fragment) là câu không có đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ, hay không bao gồm ít nhất một mệnh đề độc lập. Như vậy, một câu chưa hoàn chỉnh thường bao gồm nhiều từ hoặc cụm từ được ghép với nhau nhưng không tạo thành một cấu trúc câu với đầy đủ chủ ngữ và vị ngữ để diễn đạt một ý hoàn chỉnh. Lỗi này thường xuất hiện khi người học tạo câu với từ nối, đặc biệt là những liên từ phụ thuộc như “Because”, “If”, “Although”,...Đây là vì những liên từ phụ thuộc trên chỉ được sử dụng cho mệnh đề phụ thuộc không thể đứng riêng thành một câu.
Ví dụ: “Because she was born in Japan. She speaks like a native.
Trong ví dụ trên, mệnh đề phụ thuộc có chứa “because” và mệnh đề chính “She speaks like a native” được tách biệt thành hai câu độc lập. Thoạt nhìn, người học có thể thấy mệnh đề đằng trước hay đằng sau đều có đầy đủ chủ ngữ - vị ngữ, tức không có lỗi ngữ pháp trong việc cấu thành câu. Tuy nhiên, khi sử dụng những liên từ phụ thuộc như “because”, mệnh đề bao gồm liên từ phụ thuộc và mệnh đề chính cần phải được kết hợp thành một câu để thể hiện được ý tưởng một cách trọn vẹn. Người học hãy nhìn bản dịch của ví dụ dưới đây:
Dịch: Bởi vì cô ấy sinh ra ở Nhật. Cô ấy nói như một người bản xứ.
Nếu đọc kĩ, người học sẽ khó có thể nhận ra ý tưởng được thể hiện trong câu thứ nhất nếu như không đọc câu thứ hai, vì nội dung của mệnh đề trước phụ thuộc vào nội dung của mệnh đề theo sau. Chính bởi tính chất phụ thuộc của những liên từ như vậy, chúng sẽ gây nhiều hiểu lầm và nhầm lẫn đối với những người mới tiếp cận tiếng Anh nói chung và những người học IELTS nói riêng. Để khắc phục, người học có thể nối hai mệnh đề chính và phụ bằng việc chèn thêm dấu phẩy, thay vì dấu chấm ngắt câu:
Trước khi sửa: “Because she was born in Japan. She speaks like a native.
Sau khi sửa: “Because she was born in Japan, she speaks like a native.
Dịch: Bởi vì cô ấy sinh ra ở Nhật, cô ấy nói như một người bản xứ.
Trong trường hợp trên, câu tránh được lỗi cú pháp câu bằng việc nối mệnh đề “Because she was born in Japan” với mệnh đề sau đó.
Còn đối với các liên từ phụ thuộc khác như Although, In spite of,... người học cần nắm chắc ngữ pháp và một số những lưu ý để tránh mắc lỗi cú pháp câu (sentence fragment). Cụ thể, khi sử dụng những liên từ phụ thuộc, người học cần thỏa mãn một số những điểm sau đây:
Đảm bảo mệnh đề chính và mệnh đề phụ (chứa liên từ phụ thuộc) không tách rời nhau (1)
Cần ngăn cách mệnh đề chính và mệnh đề phụ bằng dấu phẩy để không bị nhầm lẫn với nhau (2)
Sử dụng đúng ngữ pháp (3)
Ví dụ đối với liên từ phụ thuộc Although (cách dùng “Although”: theo sau “Although” là một mệnh đề có đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ)
“Although she is the smartest in the class, she’s still undervaluing herself” (Dịch: Mặc dù cô ấy học giỏi nhất lớp, cô ấy vẫn luôn đánh giá thấp bản thân)
Như ở trường hợp trên, mệnh đề phụ (chứa liên từ phụ thuộc) là: “Although she is the smartest in the class”. Còn mệnh đề chính của câu sẽ là: “she’s still undervaluing herself”. Qua đây có thể thấy ví dụ trên đã thỏa mãn cả hai tiêu chí (1) và (2) bởi hai mệnh đề trên không tách rời thành hai câu độc lập, mà là một câu với hai vế ngăn cách bởi dấu phẩy. Ví dụ trên cũng đã thỏa mãn cả tiêu chí (3) bởi đằng sau “Although” là một mệnh đề có chủ ngữ - vị ngữ đầy đủ.
Sử dụng từ nối không đúng mục đích khiến ý nghĩa trong câu thay đổi (Mixing up the meaning of transition words)
Đây là một trong những lỗi thường gặp của những người học chưa nắm chắc kiến thức về ngữ nghĩa và cách dùng của những từ nối như “Therefore”, “and” hay “As well as”.
Đây là một ví dụ minh họa đối với từ nối “Therefore”:
“Most Vietnamese people have low incomes. Therefore, cars are expensive.”
Dịch: Đa số người Việt đều có thu nhập thấp. Do đó, giá thành của xe hơi rất đắt.
“Therefore” (nghĩa là “bởi vậy”, “do đó” hoặc “vì thế trong Tiếng Việt) là từ nối được sử dụng khá phổ biến trong các bài viết học thuật, thể hiện rằng mệnh đề theo sau nó là hệ quả của hiện tượng được nhắc đến ở những câu trước. Vì vậy, khi sử dụng "therefore" để bắt đầu câu, người học cần đảm bảo rằng hai câu có mối liên hệ nguyên nhân-kết quả về ngữ nghĩa.
Ví dụ về một câu sử dụng từ nối “Therefore” phù hợp: Norway’s weather is 2C, therefore, she wears a scarf and a sweater. (Thời tiết Na Uy là 2 độ C, bởi vậy, cô ấy đeo khăn choàng và mặc áo len). Qua ví dụ này, có thể thấy nội dung hai vế câu thể hiện mối quan hệ nguyên nhân - kết quả rất rõ ràng: vì ngoài trời lạnh, nên cô ấy đeo khăn choàng và mặc thêm áo len.
Còn ở ví dụ đầu tiên, người học khó có thể thấy sự liên quan trong ngữ nghĩa của hai vế câu. Ở mệnh đề thứ nhất, nội dung của câu là “người Việt có thu nhập thấp”, tuy nhiên, mệnh đề thứ hai lại đề cập đến kết quả của một chủ thể khác “cars are expensive” (xe hơi có giá thành cao). Các hộ gia đình Việt có thu nhập thấp sẽ không ảnh hưởng tới việc giá xe hơi rẻ hay đắt, mà thay vào đó, câu cần phải thay đổi lại ngữ nghĩa: Đa phần người Việt có thu nhập thấp, nên họ khó có thể mua những chiếc xe hơi có giá thành cao. Từ đó, có thể sửa lại câu như sau:
Trước khi sửa:
“Most Vietnamese people have low incomes. Therefore, cars are expensive.”
Sau khi sửa:
“Most Vietnamese people have low incomes. Therefore, it’s hard for them to afford a car.”
(Dịch: Đa phần những người Việt có thu nhập thấp. Do đó, điều đó sẽ khó cho họ để mua một chiếc xe hơi)
Sau khi sửa, nội dung giữa hai câu đã có mối liên hệ chặt chẽ hơn rất nhiều. Cách để nhận biết lỗi sai này đó chính là người học cần để ý kĩ hơn về nội dung của hai vế câu và thông điệp người học muốn truyền tải. Như ở ví dụ trên, bài viết muốn truyền tải: Vì thu nhập thấp nên đa phần người Việt không thể mua một chiếc xe hơi. Tuy nhiên, người viết không để ý kĩ trong việc diễn đạt bằng tiếng Anh nên ngữ nghĩa của câu đã hoàn toàn thay đổi: Đa phần người Việt có thu nhập thấp, vì vậy nên giá thành xe hơi đắt.
Ngoài ra, “and” và “as well as” là hai từ nối hay bị sử dụng nhầm lẫn với nhau. Cụ thể, “and” được sử dụng khi trình bày hoặc nêu lên hai sự vật/ hiện tượng có tầm quan trọng tương đương nhau. Còn “as well as” được sử dụng khi một sự vật/ hiện tượng khác quan trọng hơn cái còn lại.
Ví dụ: Lien, as well as Jones, are classmates. They both are speakers as well as organizers of this event.
Ở ví dụ trên, “as well as” đều sử dụng sai cách bởi Lien và Jones đều là hai người đảm nhiệm chức vụ giống nhau. Từ thích hợp hơn để sử dụng ở trường hợp này là “and”.
Lien and Jones are classmates. They both are speakers and organizers of this event.
Ngoài ra, đối với trường hợp kể trên, người học có thể dễ dàng thấy từ “both” sẽ phải đi với từ “and” chứ không phải “as well as”. Đó cũng là một trong những dấu hiệu nhận ra lỗi sai để khắc phục.
Mở đầu câu bằng các từ nối FANBOYS (for, and, nor, but, or, yet, so)
Lỗi sai tiếp theo mà người học cần chú ý khi sử dụng từ nối đó chính là mở đầu câu với những từ nối FANBOYS (for, and, nor, but, or, yet, so). Thông thường, sử dụng FANBOYS ở đầu câu sẽ khiến văn phong của bài viết trở nên giảm tính trang trọng và học thuật hơn. Vì vậy, sẽ là sự lựa chọn tối ưu nhất nếu người học chọn cho mình những từ nối đảm bảo tính trang trọng/học thuật khi mở đầu một câu văn.
Ví dụ minh họa: So the research was successful, everyone cheered and congratulated us.
Sau khi sửa: At last/Finally/As a result, the research was successful, everyone cheered and congratulated us.
Người đọc có thể thấy ở ví dụ trên, mặc dù “so” và “at last/finally/as a result” đều có chức năng bổ sung thêm thông tin, lựa chọn bên dưới vẫn là tốt hơn cả bởi nó khiến câu văn trở nên trang trọng hơn và phần nào làm giàu vốn từ vựng cho bài văn.
Ngữ pháp không chính xác (Incorrect grammar)
Một trong những lỗi sai thường gặp của những người mới tiếp cận tiếng Anh nói chung và IELTS nói riêng là sử dụng sai ngữ pháp, nhất là khi đặt câu với từ nối. Người đọc xem ví dụ minh họa dưới đây:
“In spite of they only known each other for two months, they got engaged.”
Ở ví dụ trên, câu văn không bị mắc lỗi cú pháp câu (sentence fragment) nhưng lại mắc lỗi ngữ pháp khác, đó là khi sử dụng từ nối: "In spite of" không đứng trước mệnh đề, mà đứng trước danh từ, cụm danh từ, hoặc danh động từ. Để sửa lỗi này, người học chỉ cần biến đổi mệnh đề thành dạng V_ing.
Sửa: In spite of knowing each other for two months, they got engaged.”
Qua đây, người học cần lưu ý trau dồi thêm kiến thức ngữ pháp, để không sử dụng sai và bị trừ điểm một cách đáng tiếc. Cụ thể, người học cần để ý kĩ cấu trúc ngữ pháp của những từ nối có điều kiện đi kèm như “In spite of”, “Despite of”, “Despite”, “Although”... để tránh những lỗi ngữ pháp không đáng có.
Ví dụ như với Despite/ Despite of (nghĩa là mặc dù, không kể): Cách dùng sẽ giống với In spite of, Despite/ Despite of theo sau nó là danh từ/ cụm danh từhoặc danh động từ (V_ing)
Hay với từ nối Although (tuy nhiên): sau “Although” sẽ phải là một mệnh đề phụ (có chủ ngữ và vị ngữ), theo sau nó là một mệnh đề chính ngăn cách bởi dấu phẩy: Although I finished my exam, I’m still worried about my scores. (Mặc dù tôi đã hoàn thành bài kiểm tra, tôi vẫn lo về điểm số của tôi)
Lạm dụng từ nối trong văn bản
Lạm dụng từ nối là một trong những lỗi sai mà người học cần chú ý, khi sử dụng quá nhiều từ nối sẽ khiến người đọc khác đôi khi hiểu sai thông điệp hay ý tưởng mà bài viết muốn truyền tải. Ngoài ra, người học cũng nên tránh sử dụng quá ít từ nối, bởi số lượng ít ngược lại sẽ khiến bài viết trở nên khô khan, cứng nhắc và thiếu đi sự tự nhiên. Hãy cùng nhìn vào ví dụ minh họa dưới đây:
Ví dụ:
In the summer, I planned to go back to my hometown to see my grandmother. Therefore, I wanted to give her a gift. However, I did not know what to bring. Because I didn’t have time to go to the souvenir store, I visited her without any gifts.
Ví dụ trên sử dụng quá nhiều từ nối, và vì vậy, làm câu văn trở nên lủng củng. Qua ví dụ trên người học thấy rằng việc lạm dụng từ nối có thể làm cản trở việc hiểu nghĩa đoạn văn. Để khắc phục việc lạm dụng từ nối, người học chỉ nên sử dụng từ nối khi cần thiết.
Sau khi sửa: In the summer, I planned to go back to my hometown to see my grandmother. I wanted to give her a gift but I didn’t know what to bring. At last, I visited her without any gifts because I didn’t have time to go to the souvenir store.
Dịch: Trong mùa hè, tôi đã có kế hoạch về quê để thăm bà tôi. Tôi muốn tặng bà một món quà nhưng tôi không biết nên mang gì theo. Cuối cùng, tôi đã về thăm bà mà không mang bất cứ món đồ nào bởi vì tôi không có thời gian ghé qua cửa hàng lưu niệm.
Sau khi sửa lại, đoạn văn đã trở nên dễ đọc hơn và tăng độ tự nhiên và mạch lạc. Vì vậy, người học cần sử dụng cân đối một lượng từ nối nhất định trong bài văn viết của mình, tránh trường hợp lạm dụng từ nối dẫn đến sự hiểu lầm về ngữ nghĩa của các câu văn.
Bài tập rèn luyện khắc phục những sai lầm phổ biến khi sử dụng từ nối với đáp án giải thích
Despite he had a cold, he went to work.
Mary enjoyed tennis. Despite this, she couldn’t play well. Consequently, she went for lesions and as a result she improved. However, she seldom won any games.
Tom was late for his art lesson. However, he always stayed up late to play games.
I need a new pair of headphones. Since the ones I have are broken.
And the presentation ends with a cheer from my classmates.
Đáp án và giải thích:
Lỗi sai: Sai ngữ pháp
Despite he had a cold, he went to work. (Despite theo sau là động từ dạng V_ing)
=> Sửa: Despite having a cold, he went to work.
hoặc:
Despite his cold, he went to work. (Despite theo sau có thể là noun phrase (cụm danh từ))
Despite the fact that he had a cold, he went to work. (Despite the fact that + mệnh đề (chủ ngữ - vị ngữ))
He had a cold. Despite this, he went to work. (Mặc dù “Despite” là liên từ phụ thuộc cần phải có hai mệnh đề liên kết với nhau, nhưng ở trường hợp này, có thể sử dụng “this” thay thế cho cả câu trước, đây cũng là một hình thức liên kết hai câu để tránh bị lặp từ)
Lỗi sai: Lạm dụng từ nối quá nhiều (Overusing transition words)
Mary enjoyed tennis. Despite this, she couldn’t play well. Consequently, she went for lessons and as a result she improved. However, she seldom won any games.
Có thể thấy ở ví dụ trên, người viết sử dụng quá nhiều từ nối để liên kết các câu và nhiều chỗ không cần thiết phải sử dụng đến từ nối. Để sửa câu này, người viết cần giảm thiểu lượng từ nối sử dụng trong bài và chỉ sử dụng từ nối khi cần thiết. Câu văn này có thể có nhiều cách sửa dựa trên ý hiểu của người đọc.
Ví dụ cho một cách sửa phù hợp:
Mary enjoyed tennis even though she couldn’t play well. As a result of going for lessons, she improved, however, she seldom won any games.
Lỗi sai: Sử dụng từ nối sai mục đích khiến ngữ nghĩa trong câu thay đổi (Mixing up the meaning of transition words)
Tom was late for his art lesson. However, he always stayed up late to play games.
Có thể thấy ở ví dụ trên, người đọc sẽ khó có thể nhận ra sự liên quan về mặt ngữ nghĩa trong câu văn. Nghĩa của câu này dịch ra sẽ là: “Tom đến lớp học vẽ muộn. Tuy nhiên, anh ấy luôn luôn thức muộn để chơi games” Hai câu văn đều mang một ý nghĩa khác biệt, không có thể hiện mối quan hệ tương phản khi sử dụng “However”. Cách sửa lỗi này là thay đổi nội dung của câu để thể hiện sự tương phản hợp lý. Câu văn này có thể có nhiều cách sửa dựa trên ý hiểu của người đọc.
Ví dụ cho một cách sửa phù hợp:
Tom was late for his art lesson. However, he didn’t get scolded by the teacher.
Dịch: Tom đã đến lớp học vẽ muộn. Tuy nhiên, anh ấy không bị thầy giáo la mắng.
Có thể thấy, sau khi thay đổi toàn bộ nội dung của câu sau, việc sử dụng “However” đã trở nên hợp lý hơn rất nhiều và đồng thời thể hiện đúng mối quan hệ tương phản giữa hai câu văn.
Lỗi sai: Lỗi cú pháp câu (Sentence fragment)
I need a new pair of headphones. Since the ones I have are broken.
Trong trường hợp trên, mệnh đề có chứa “since” là mệnh đề phụ thuộc, và vì vậy, cần phải liên kết với mệnh đề chính “I need a new pair of headphones”, nên không thể tách ra thành hai câu độc lập như trên. Để sửa lỗi này, người học có thể chọn cách thay thế dấu chấm ngắt câu thành dấu phẩy.
Sửa: I need a new pair of headphones, since the ones I have are broken.
Dịch: Tôi cần một cái tai nghe mới, bởi những tai nghe tôi sở hữu đều hỏng rồi.
Lỗi sai: Mở đầu câu với những từ nối FANBOYS (for, and, nor, but, or, yet, so)
And the presentation ends with a cheer from my classmates.
Những từ nối FANBOYS (for, and, nor, but, or, yet, so) có thể được sử dụng trong bài viết học thuật. Tuy nhiên, sử dụng FANBOYS ở đầu câu sẽ khiến bài văn trở nên kém trang trọng và học thuật hơn. Để sửa lỗi này, người học cần chọn cho mình những từ nối đảm bảo tính trang trọng khi mở đầu một câu văn. Câu văn này có thể có nhiều cách sửa dựa trên ý hiểu của người đọc.
Ví dụ cho một cách sửa phù hợp:
At last/Finally, the presentation ends with a cheer from my classmates.
Dịch: Cuối cùng, buổi thuyết trình kết thúc với những tiếng hò reo từ bạn học của tôi