Kể từ năm 2022, sẽ có nhiều chính sách mới liên quan đến ô tô và xe máy được áp dụng, đặc biệt là về xử phạt… Vì vậy, người dùng cần chú ý.
Từ 01/01/2022, một số quy định cũ sẽ không còn có hiệu lực, và nếu không để ý, chủ phương tiện cũng như người lái xe có thể bị xử phạt nặng. Hãy cùng tìm hiểu 5 quy định mới về ô tô và xe máy trong năm 2022 trong bài viết sau đây.
1. Xe kinh doanh vận tải phải có biển số màu vàng
Theo Thông tư 58/2020/TT-BCA, các xe kinh doanh vận tải hành khách sẽ phải sử dụng biển số màu vàng. Cụ thể, các xe đang hoạt động kinh doanh trước ngày 1/8/2021 cần thay đổi sang biển số vàng trước ngày 31/12/2021.
Các xe kinh doanh vận tải bắt đầu hoạt động từ ngày 1/8/2021 đã được cấp biển số vàng ngay từ khi đăng ký, do đó không cần phải thực hiện thủ tục chuyển đổi này. Đối với các xe này, ngày 31/12 là hạn cuối để chuyển sang biển số màu vàng.
Theo quy định, biển số màu vàng áp dụng cho các loại xe sau: Xe chở khách theo tuyến cố định; xe buýt theo tuyến cố định; xe taxi; xe chở khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định; xe chở khách du lịch. Loại biển số này có nền màu vàng và chữ màu đen, dễ dàng nhận biết.
Theo đó, nếu đến ngày 01/01/2022 mà xe kinh doanh vận tải chưa đổi biển vàng, chủ xe sẽ bị phạt vi phạm về không thực hiện đúng quy định về biển số. Mức phạt sẽ từ 2 – 4 triệu đồng đối với cá nhân và từ 4 – 8 triệu đồng đối với tổ chức.
2. Xe kinh doanh vận tải phải lắp camera giám sát
Nghị định 10/2020/NĐ-CP yêu cầu xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi hình trong quá trình tham gia giao thông trước ngày 01/07/2021. Tuy nhiên, sau đó, Nghị quyết 66/NQ-CP quyết định lùi việc xử phạt đến hết ngày 31/12/2021.
Từ ngày 01/01/2022, ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên không lắp camera giám sát sẽ bị xử phạt. Mức xử phạt từ 1 – 2 triệu đồng.
Thời điểm xử phạt lỗi vi phạm này đã được tạm ngưng đến hết ngày 31/12/2021 theo Nghị quyết 66/NQ-CP năm 2021. Do vậy, từ ngày 01/01/2022, việc xử phạt không lắp camera hành trình sẽ chính thức được áp dụng.
3. Tăng mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm giao thông
Bắt đầu từ ngày 01/01/2022, mức xử phạt hành chính đối với một số hành vi vi phạm luật giao thông sẽ tăng. Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có nhiều điểm mới, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Cụ thể, theo điểm b khoản 4 điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển xe có các hành vi sau đây sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng: Không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ. Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.
Nghị định 123/2021/NĐ-CP cũng quy định tăng mức phạt đối với người điều mô tô xe máy (tuỳ loại xe) không có giấy phép lái xe hoặc sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, giấy phép lái xe bị tẩy xóa. Mức xử phạt từ 1 – 12 triệu đồng, tuỳ loại xe, dung tích động cơ xe. Bên cạnh đó, mức phạt với hành vi điều khiển ô tô không gắn đủ biển số, biển số gắn không đúng vị trí, gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng, sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển sẽ tăng gấp 6 lần so với hiện tại.
4. Sử dụng thiết bị giám sát học viên học lái xe ô tô trên đường
Trước đây, theo Thông tư 38/2019/TT-BGTVT, việc trang bị và sử dụng thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên để đào tạo lái xe ô tô được yêu cầu thực hiện từ ngày 01/01/2021.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, tại Thông tư 01/2021/TT-BGTVT, yêu cầu này đã được lùi thời điểm thực hiện đến ngày 01/01/2022. Cụ thể, khoản 12 Điều 1 Thông tư 01 nêu rõ:
- Cơ sở đào tạo sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 31 tháng 12 năm 2021
- Trang bị và sử dụng thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 01 tháng 01 năm 2022
- Trang bị và sử dụng ca bin học lái xe ô tô để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 01 tháng 7 năm 2022
Vì vậy, từ ngày 01/01/2022, việc học lái xe ô tô trên đường của học viên sẽ được quản lý kỹ hơn cả về thời gian và quãng đường học lái xe nhờ thiết bị giám sát.
5. Ô tô được giảm phí sử dụng đường bộ
Để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải trong bối cảnh dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 120/2021/TT-BTC (Thông tư 120/2021) điều chỉnh mức thu một số khoản phí, lệ phí, trong đó bao gồm phí sử dụng đường bộ.
Từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 30.6.2022, phí sử dụng đường bộ cho ô tô kinh doanh vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ giảm từ 10 – 30%, theo Thông tư 120/2021.
Cụ thể, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách sẽ được giảm 30%, trong khi xe tải, xe ô tô chuyên dùng, xe đầu kéo giảm 10%.