Từ vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, nhiều ý kiến thể hiện sự lo ngại khi di chuyển trên các tuyến đường 2 làn xe được gọi là cao tốc.
5 tuyến đường cao tốc 2 làn xe ở Việt Nam
Hiện tại cả nước có 5 tuyến cao tốc 2 làn xe với tổng chiều dài 371km bao gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Yên Bái - Lào Cai, Hòa Lạc - Hòa Bình, Thái Nguyên - Chợ Mới. Tổng vốn đầu tư cho 5 dự án này khoảng 52.935 tỷ đồng.
Cam Lộ - La Sơn
Sau hơn 2 năm xây dựng, vào ngày 31/12/2022, đoạn đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 98,35 km (thuộc dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn từ 2017 đến 2022) đã được khánh thành.
Tuyến cao tốc này đã được đầu tư theo từng giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, với quy mô 2 làn xe, đường rộng 12m (còn các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, đường rộng 23m). Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe, đường rộng 23m. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 7.669 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu của Chính phủ.
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: KTĐT
Dự án đoạn đường Cam Lộ - La Sơn đi qua hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị của hai tỉnh, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, mở ra nhiều cơ hội đầu tư, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh.
La Sơn - Hòa Liên
Dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan khởi công vào tháng 12/2013, dài 77 km, tổng đầu tư gần 11.500 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng BT. Trong đó đoạn La Sơn - Hòa Liên dài 66 km (thuộc dự án La Sơn - Túy Loan), quy mô 2 làn xe, bề rộng mặt đường 12 m, tốc độ thiết kế 60 km/h, đã đưa vào sử dụng.
Cao tốc La Sơn - Hòa Liên. Ảnh: Báo Đà Nẵng
Đoạn đường này bắt đầu từ ngã ba La Sơn (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đến nút giao Hòa Liên (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng), giúp giảm tải QL1A, mở rộng kết nối giao thương giữa các tỉnh Thừa Thiên - Huế – Đà Nẵng – Quảng Ngãi, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội miền Trung.
Yên Bái - Lào Cai
Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một trong những dự án xây dựng đường cao tốc quy mô lớn nhất tại Việt Nam với tổng chiều dài 245 km, đi qua TP. Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai.
Cao tốc Yên Bái - Lào Cai. Ảnh: Báo Đầu tư
Tuyến cao tốc có chiều dài 264 km, đã được đưa vào sử dụng từ năm 2014 với quy mô 4 làn xe đoạn Nội Bài - Yên Bái; 2 làn xe đối với đoạn Yên Bái - Lào Cai.
Tổng vốn đầu tư của dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai là 1,46 tỷ USD (giai đoạn 1), tương đương khoảng 35.821 tỷ đồng.
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam VEC hiện đang nghiên cứu phương án để mở rộng cao tốc Yên Bái - Lào Cai lên 4 làn xe, nhằm đảm bảo khai thác đồng bộ với đoạn Nội Bài - Yên Bái và khắc phục những vấn đề hiện tại.
Dự kiến tổng vốn đầu tư cho dự án mở rộng đoạn Yên Bái - Lào Cai lên 4 làn xe là 8.740 tỷ đồng. Trong đó, việc mở rộng 2 làn xe lên 4 làn xe đoạn Yên Bái - Lào Cai có tổng vốn 5.663 tỷ đồng; còn việc tạo nhám đoạn và mở rộng 3 cầu đoạn Nội Bài - Yên Bái có tổng vốn hơn 3.076 tỷ đồng.
Hòa Lạc - Hòa Bình
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021, cao tốc Hòa Lạc (Hà Nội) - Hòa Bình dài 32 km, có quy mô 6 làn xe cao tốc, tiến trình đầu tư sẽ diễn ra trước năm 2030.
Đường Hòa Lạc - Hòa Bình. Ảnh: VnEconomy
Hiện tại, đường Hòa Lạc - Hòa Bình đang sử dụng tiêu chuẩn chiều rộng nền đường 12m, với 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Đặc điểm hình học và hướng của đường Hòa Lạc - Hòa Bình đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của một đoạn đường cao tốc theo quy hoạch ban đầu. Tổng vốn đầu tư ban đầu cho dự án là 6.745 tỷ đồng.
Thái Nguyên - Chợ Mới
Đường Thái Nguyên – Chợ Mới được thiết kế với 2 làn xe ô tô và 2 làn xe thô sơ, đường rộng 12m, tốc độ thiết kế cho xe chạy là 80 km/h, chính thức khai trương từ ngày 31/1/2017. Tuyến đường này có tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng.
Tuyến đường Thái Nguyên – Chợ Mới. Ảnh: TPO
Hoàn thành hơn 40km đoạn từ Thái Nguyên – Chợ Mới sẽ giảm thời gian di chuyển từ trung tâm TP Thái Nguyên lên Bắc Kạn còn 1 giờ thay vì 1 giờ 45 phút khi đi qua QL3 cũ.
Có nên xây cao tốc 2 làn xe là lãng phí không?
Sau vụ tai nạn nghiêm trọng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn khiến 3 mẹ con trong một gia đình thiệt mạng, nhiều lái xe và người hiểu biết về giao thông đã có cuộc tranh luận sôi nổi về việc xây dựng cao tốc 2 làn xe mà không có rào chắn cứng ở Việt Nam.
Giải thích nguyên nhân tại sao một số tuyến cao tốc được thiết kế chỉ có hai làn và hạn chế, không khác biệt so với quốc lộ, tỉnh lộ, theo đại diện từ Bộ Giao thông Vận tải, cho biết do ngân sách hạn chế, nên một số dự án cao tốc đã được phân kỳ đầu tư, và khi hoàn thành sẽ đảm bảo quy mô theo đúng quy hoạch.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải cho Vietnamplus hay nhiều tuyến cao tốc ở Việt Nam, trong đó có nhiều đoạn của tuyến Cao tốc Bắc-Nam phía Đông đã phải xây dựng không đạt đúng tiêu chuẩn cao tốc, cụ thể là chỉ có 2 làn.
“Vì nguồn vốn phân bổ không đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư, hạ tầng đường cao tốc còn nhiều vấn đề như đường hẹp, thiếu làn khẩn cấp… nên nhiều đoạn của tuyến Cao tốc Bắc-Nam khi mới khai trương đã bị giới hạn tốc độ, không thể gọi là cao tốc,” ông Thủy nói với nguồn tin trên.
Còn GS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Trưởng bộ môn Đường bộ, Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội cho biết khi đưa đường cao tốc vào sử dụng từ 5-10 năm, việc cần nâng cấp, mở rộng thêm làn xe là một thiếu sót của cả tư vấn và quyết định đầu tư. Mở rộng đường cao tốc thêm làn xe là một công việc vô cùng khó khăn và tốn kém, không đơn giản.
Trong Thông báo số 29/TB-VPCP ngày 15/2/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận trong chuyến kiểm tra và làm việc về tình hình triển khai các công trình, dự án quan trọng trong lĩnh vực giao thông, đã yêu cầu không đầu tư cao tốc chỉ có 2 làn xe.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh rằng quy hoạch đường cao tốc phải có tầm nhìn dài hạn, tổng thể và phải có kế hoạch đầu tư hoàn thiện đúng tiêu chuẩn cao tốc, không đầu tư vào cao tốc chỉ có 2 làn xe, làm lãng phí nguồn lực và thời gian cho việc nâng cấp, mở rộng.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã kiểm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề liên quan và đề xuất các giải pháp để sớm đầu tư mở rộng, hoàn thiện các tuyến cao tốc đang hoạt động theo quy mô phân kỳ, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư mở rộng một số tuyến từ 2 làn xe lên 4 làn xe và từ 4 làn xe lên 6 làn xe.