Du lịch tâm linh là một loại hình du lịch kết hợp yếu tố văn hoá, tâm linh để du khách có cơ hội tìm hiểu về truyền thống và lịch sử của địa điểm, đồng thời tìm kiếm sự bình yên cho tâm hồn. Ở Việt Nam, du lịch tâm linh ngày càng phổ biến và phát triển. Không chỉ là việc thăm viếng các địa điểm tôn giáo, mà còn là cơ hội để khám phá văn hoá, thư giãn tâm trí và tìm kiếm sự yên bình.
- Thích Ca Phật Đài
- Thiền Viện Chơn Không
- Chùa Quan Thế Âm/ Phổ Đà Sơn Quan Âm Bồ Tát Tự
- Nghĩa Trang Hàng Dương
- Chùa Núi Một
- An Sơn Miếu/ Đền Thờ Bà Phi Yến
Tổng hợp du lịch Côn Đảo
NHỮNG ĐIỂM DU LỊCH TÂM LINH Ở VŨNG TÀU
1. Thích Ca Phật Đài
Thích Ca Phật Đài là một điểm tham quan và du lịch tâm linh nổi tiếng nhất tại Vũng Tàu, là quần thể Phật giáo Nam Tông. Tọa lạc trên mạn sườn núi Lớn, diện tích lên đến 28ha, bao gồm các chùa Hộ Pháp, Thiền Lâm, Di Lặc, Viên Thông và khu vườn tượng hiện thực cuộc đời của Đức Phật.
Thích Ca Phật Đài có 3 cấp, cao dần lên đến 29m so với mực nước biển. Cấp 1 bao gồm Tam quan và khu vườn hoa, cấp 2 là khu nhà trưng bày truyền thống và nhà mát, cấp 3 là Thiền Lâm tự và khu Phật Tích. Tượng Thích Ca Phật Đài là công trình nổi bật nhất, đánh dấu sự nổi tiếng của quần thể du lịch tâm linh Vũng Tàu này. Tượng Đức Phật ngồi theo tư thế kiết già, hai tay đặt ngửa trên đùi theo tư thế bắt Ấn tam muội, cao hơn 10m và bên trong chứa 16 viên xá lợi của Đức Phật.
Nguồn: tổng hợp
- Địa chỉ: 608 Trần Phú, Phường 5, TP. Vũng Tàu
- Giờ mở cửa: 05:00-10:00 và 14:00-20:00
2. Thiền viện Chơn Không
Thiền viện Chơn Không thuộc Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, nằm trên dốc núi Lớn. Xây dựng từ năm 1969 - 1970 dưới sự lãnh đạo của Hoà thượng Thích Thanh Từ, với diện tích khoảng 2.000m2, thiền viện là một quần thể Phật giáo gồm Chánh điện, tháp chuông, bia tháp Sư Tổ Trúc Lâm, đồi Tự Tại, đường Tiêu Dao…
Thiền viện Chơn Không nằm ở độ cao 80m so với mực nước biển, bao quanh bởi thiên nhiên triền núi và rừng cây xanh. Đường lên chùa khá dốc với nhiều bậc thang. Tuy nhiên, khung cảnh chùa cổ kính xen lẫn với vẻ đẹp thiên nhiên tạo nên kiến trúc xanh, thoáng đãng, mang lại cảm giác thanh tịnh mỗi khi đến thăm.
Nguồn: tổng hợp
Ở phía trước chánh điện, cây kiểng được trồng nhiều loại như bách, tùng, tạo nên một mảng xanh tươi ở trung tâm thiền viện. Bên trái chánh điện là tháp chuông, bên trong có Đại hồng chung nặng khoảng 1 tấn được đúc vào năm 1998. Từ tháp chuông, bạn có thể nhìn ra toàn cảnh thành phố biển Vũng Tàu. Thiền viện Chơn Không là một trong những Thiền viện Trúc Lâm đẹp nhất Việt Nam, là điểm đến của Phật tử và du khách hành hương, tham quan, cũng như tìm hiểu về Thiền tông.
- Địa chỉ: 44 Vi Ba, Phường 1, TP. Vũng Tàu
- Giờ mở cửa: 04:00-12:00 và 14:00-21:30
3. Chùa Quan Thế Âm/ Phổ Đà Sơn Quan Âm Bồ Tát Tự
Chùa Quan Thế Âm tọa lạc trên con đường Trần Phú - một con đường quan trọng của thành phố Vũng Tàu, sát bên núi Lớn và đối diện với bãi Dâu. Là một trong những chùa được người Hoa xây dựng, chùa Quan Thế Âm còn được gọi là chùa Tàu bãi Dâu.
Chùa Quan Thế Âm tại Vũng Tàu được khởi công vào năm 1970-1972 do ông Huỳnh Siêu, một doanh nhân ngành dệt ở Sài Gòn, chủ trì. Ban đầu, chùa chỉ có quy mô nhỏ, đến năm 1993 thì được cộng đồng người Hoa hỗ trợ xây dựng hoành tráng hơn.
Chùa có diện tích 5.000m2 với nhiều công trình như tượng Quan Âm Bồ Tát, chính điện, nhà bát giác, nhà lục giác, gác chuông, khu vực ăn uống… Đặc biệt, tượng Quan Âm Bồ Tát cao 18m, từ xa đã lộ rõ. Đây cũng là điểm thu hút du lịch tâm linh Vũng Tàu nổi tiếng trong số các chùa của người Hoa ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Vào ngày 6 tháng 6, 6 tháng 9 và rằm tháng 7 âm lịch, Phật tử và du khách đổ về chùa Quan Thế Âm để thăm viếng, cầu bình an.
Nguồn: tự sưu tập
- Địa chỉ: 178 Trần Phú, Phường 5, TP. Vũng Tàu
- Giờ mở cửa: 06:00-16:30
B. DANH SÁCH ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH TÂM LINH TẠI CÔN ĐẢO
4. Nghĩa trang Hàng Dương
Nếu nhắc đến Côn Đảo thì không thể bỏ qua nghĩa trang Hàng Dương. Đây là nơi an nghỉ của hàng vạn anh hùng cách mạng và những người dân yêu nước bị giam giữ tại nhà tù Côn Đảo dưới thời thực dân Pháp. Trong nghĩa trang này, có mộ của nữ anh hùng Võ Thị Sáu, là một trong những điểm linh thiêng, nổi tiếng nhất trong du lịch tâm linh của Việt Nam và đặc biệt là Côn Đảo.
Nghĩa trang Hàng Dương cách thị trấn Côn Đảo khoảng 2,5km, với tổng diện tích 190.000m2 bao gồm 4 khu vực chính:
- Khu A có 688 ngôi mộ, chủ yếu từ năm 1945 trở về trước. Nơi đây có mộ của liệt sĩ cách mạng Lê Hồng Phong và nhà văn Nguyễn An Ninh.
- Khu B có 695 ngôi mộ từ năm 1945-1960. Nơi đây có mộ của nữ anh hùng Võ Thị Sáu và anh hùng Cao Văn Ngọc.
- Khu C gồm 373 ngôi mộ từ năm 1960-1975. Nơi đây có mộ của anh hùng Lê Văn Việt.
- Khu D gồm 157 ngôi mộ được quy tụ từ Hòn Cau và Hàng Keo.
Nghĩa trang Hàng Dương còn có nhiều công trình nghệ thuật như tượng Trao áo, tượng Thuỷ chung, tượng Hy vọng, phù điêu Bất Khuất, khu vườn đá… Thông thường, du khách đến đây viếng vào buổi sáng hoặc buổi đêm sẽ bắt đầu dâng hương ở khu vực đài tưởng niệm, đây cũng là cột cao nhất ở Hàng Dương, sau đó lần lượt đến các khu mộ để thăm viếng, thắp nhang.
Bạn có thể chuẩn bị một số lễ vật như hoa quả, nhang đèn… mua tại các cửa hàng trên đường đến Nghĩa trang Hàng Dương. Đến đây, du khách không chỉ cầu bình an mà còn để bày tỏ lòng biết ơn với những vị anh hùng chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.
Nguồn: tự sưu tập
- Địa chỉ: Cách trung tâm thị trấn 2,5km, nghĩa trang Hàng Dương nằm tại ngã giao đường Nguyễn An Ninh và Lưu Chí Hiếu
- Giờ mở cửa: 07:00-22:00
5. Chùa Núi Một
Chùa Núi Một, hay còn gọi là chùa Vân Sơn, được xây dựng trên núi Một, huyện Côn Đảo, với tên gọi xuất phát từ vị trí địa lý của nó. Chùa có vị trí đắc địa, tựa núi, cổng hướng về phía vịnh Côn Sơn và hồ sen An Hải.
Năm 1964, đế quốc Mỹ đã xây dựng chùa này bằng cách sử dụng lao động của tù nhân ở trại Phú Hải, nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của gia đình và các quan chức binh sĩ trên đảo. Thực tế, ngôi chùa được xây dựng với mục đích mị dân, nhằm che giấu sự tàn bạo trong việc cai trị tù nhân của đế quốc Mỹ. Sau năm 1975, chùa Núi Một trở thành nơi thờ tự Phật của người dân đảo và được tu sửa hoàn thiện vào cuối năm 2011, trở thành công trình kiến trúc văn hoá và du lịch tâm linh Côn Đảo nổi tiếng.
Nguồn: tự sưu tập
Ngoài ra, chùa Núi Một còn có gác chuông, miếu Địa Tạng, miếu Sơn Thần, nhà tổ. Bao quanh chùa Vân Sơn là cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ: hướng Nam là núi rừng xanh bạt ngàn, hướng Đông là vịnh Côn Sơn trong xanh và hướng Bắc là cánh đồng sen An Hải. Đứng từ chùa Núi Một, bạn có thể ngắm hồ An Hải và vịnh Côn Sơn từ trên cao,
Thăm chùa Núi Một, các Phật tử và du khách có thể thưởng thức nước hạt é mát lạnh do các sư pha. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể nhận vòng đeo tay từ chùa để gặp may mắn, an lành.
- Địa chỉ: Nằm trên núi Một, huyện Côn Đảo
- Giờ mở cửa: Không giới hạn, nhưng thường du khách thăm chùa vào buổi sáng để tiện cho việc chụp ảnh.
6. An Sơn Miếu/ Miếu Bà Phi Yến
Miếu Bà Phi Yến được xây dựng vào năm 1785 để tôn vinh Bà Phi Yến - vợ của chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long). Đây là một trong những di sản văn hoá dân gian hiếm hoi tại Côn Đảo, mang theo câu chuyện bi thương của Bà Phi Yến.
Vào năm 1783, Nguyễn Ánh cùng đoàn tùy tùng đã trốn ra Côn Đảo để tránh sự truy đuổi của quân Tây Sơn. Ông muốn xin viện binh từ Pháp và muốn đưa hoàng tử Hội An, hay còn gọi là hoàng tử Cải - con trai duy nhất của ông và bà Phi Yến sang Pháp làm con tin để cầu viện. Bà Phi Yến đã ngăn ông không nên nhờ vả ngoại bang. Chúa Nguyễn Ánh đã nghi ngờ bà Phi Yến có thông đồng với quân Tây Sơn nên ra lệnh bắt bà và sắp xử tử. Nhưng nhờ sự can thiệp của các quan cận thần, bà được tha mạng. Thay vào đó, bà bị giam giữ trong một hang đá trên một hòn đảo hoang. Sau đó, khi nghe tin quân Tây Sơn sắp truy đuổi đến đảo, chúa Nguyễn Ánh và đoàn tùy tùng đã bỏ chạy. Hoàng tử Cải, lúc đó mới 5 tuổi, không chịu đi theo mà khóc lóc đòi mẹ. Trong cơn tức giận, Nguyễn Ánh đã ném con xuống biển, xác hoàng tử trôi vào làng Cỏ Ống.
Bà Phi Yến được dân làng giải thoát và hai con vật là vượn bạch và hắc hổ đã đưa bà đến mộ hoàng tử Hội An. Theo truyền thuyết, từ đó mới có câu 'Gió đưa cây Cải về trời, rau Răm ở lại chịu đời đắng cay' (Cải là Hoàng tử Cải và Răm là tên tục của bà Phi Yến). Dân làng Cỏ Ống đã xây một ngôi nhà nhỏ cho bà để giữ gìn mộ con trai.
Nguồn: sưu tầm
Vào tháng 10 âm lịch năm 1785, như mọi năm, làng An Hải tổ chức hội làm chay tế lễ trong làng và mời bà Phi Yến đến tham dự để tăng thêm sự long trọng. Đêm đó, tên Biện Thi (một kẻ đồ tể) lén vào phòng bà để làm điều không hay, nhưng bà đã kịp tri hô cho dân làng bắt giữ hắn. Ngay trong đêm đó, bà Phi Yến đã tự tử để giữ vẹn danh dự. Sau khi bà qua đời, dân đảo lập miếu thờ, chọn ngày 18 tháng 10 âm lịch làm ngày giỗ, tổ chức cúng tế long trọng. Đến An Sơn Miếu vào dịp này, du khách sẽ được trải nghiệm một phần văn hoá đặc sắc của người dân đảo.
- Địa chỉ: Đường Hoàng Phi Yến, cách trung tâm Côn Đảo 2km
- Giờ mở cửa: Không giới hạn