Mặc dù đã nổi tiếng nhưng sau gần 4 thập kỷ, vẫn còn tranh cãi xem cô gái trong bức tranh có thực sự tồn tại hay không?
Bức tranh “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai” là kiệt tác của họa sĩ Hà Lan Johannes Vermeer, miêu tả một cô gái trẻ đội khăn xếp phương Đông và đúng với tiêu đề của bức tranh, một chiếc khuyên tai ngọc trai quá khổ.
Năm 2006, người Hà Lan đã bình chọn bức “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai” là tác phẩm đẹp nhất trong lịch sử hội họa đất nước. Nó được đánh giá cao ngang hàng với những tác phẩm như “Sự ra đời của thần Vệ nữ” của Botticelli hay “Guernica” của Picasso. Điều làm nên thành công của bức họa là cái nhìn mê hoặc của cô gái và bối cảnh khó hiểu của nó. Vì thế, nó còn được gọi là “Mona Lisa của Hà Lan”. Và cho đến ngày nay, “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai” vẫn còn đầy những bí ẩn mà có lẽ con người không bao giờ có thể hiểu rõ hết. Có nhiều chi tiết thú vị xoay quanh tác phẩm này mà người yêu nghệ thuật có thể chưa biết.
1. “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai” có kích thước nhỏ đến bất ngờ

Với kích thước chỉ 44,5 x 39 cm, “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai” là một bức tranh khá nhỏ. Nó thuộc loại tranh tronie - thể loại tranh tập trung vào khuôn mặt của đối tượng. Mặc dù nhỏ gọn nhưng điều này không làm ảnh hưởng đến chất lượng và tầm quan trọng của tác phẩm. Không có ai có thể nhẹ nhàng lướt qua hoặc bỏ lỡ khi xem nó vì gương mặt của cô gái có sức hút mê hoặc, vô cùng nổi bật khi treo trên tường của Viện bảo tàng Mauritshuis ở The Hague, Hà Lan.
2. Danh tính của cô gái đeo khuyên tai ngọc trai

So với Mona Lisa, có thể suy đoán được ai là người mẫu trong bức tranh. Dù cho cô gái trong bức tranh được cho là mô phỏng theo người thật, nhưng qua gần 400 năm, vẫn không tìm ra bất kỳ manh mối nào về danh tính của cô ấy dù bức tranh rất nổi tiếng.
Kết luận rằng bức tranh được vẽ dựa trên người mẫu thực tế, không phải trí tưởng tượng, là kết quả của một nghiên cứu năm 2018 của một nhóm các nhà khoa học quốc tế. Họ đã kiểm tra cẩn thận bức tranh bằng máy quét chuyên dụng và thiết bị X-quang. Dấu hiệu nhận biết rõ nhất là màu xanh lá cây thường được sử dụng làm phông nền khi vẽ người mẫu thay vì màu đen.
Các thay đổi mà họa sĩ thực hiện trong quá trình vẽ cũng làm rõ điều này. Vị trí của tai, đỉnh khăn đều đã được điều chỉnh trước khi chúng được hiện lên như trong tranh. Đôi lông mi mảnh mai của cô gái cũng là một dấu hiệu quan trọng, chỉ có thể có từ việc vẽ người mẫu thực sự chứ không phải từ trí tưởng tượng.
Có suy đoán rằng nàng thơ này có thể là cô con gái lớn của Johannes nhưng không ai có thể chắc chắn.
3. Vermeer đã du hành gián tiếp qua bức tranh “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai”

Johannes Vermeer sinh ra và sống ở Hà Lan cho đến khi qua đời ở Delft, Hà Lan. Ông rất kháng khái với du khách và không bao giờ rời khỏi quê hương của mình suốt đời. Mặt khác, bức tranh “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai” lại mang hơi thở của thế giới - Johannes đã sử dụng chất liệu từ khắp nơi trên thế giới để vẽ nó. Để làm nổi bật màu sắc sặc sỡ của nó, họa sĩ đã sử dụng nguyên liệu từ Mexico, Anh, Châu Á và Tây Ấn. Ông đã bỏ ra rất nhiều tiền cho những thứ này, bởi vào thế kỷ 17, những vật liệu đó có giá bằng cả gia sản.
4. Cô gái không chắc đã đeo bông tai ngọc trai

Nhà vật lý thiên văn người Hà Lan Vincent Icke đã đưa ra nghi vấn liệu chủ thể của Johanes trong tuyệt tác có thực sự đeo một chiếc bông tai ngọc trai hay không. Ông đưa ra khả năng chiếc bông tai có thể là bạc hoặc thiếc đánh bóng. Nếu nhìn kỹ vào chiếc khuyên tai, chúng ta thực sự có thể thấy là nó khá sáng bóng và phản chiếu như chất liệu bạc. Trong khi đó, đặc tính của ngọc trai là mang lại ánh sáng trắng mềm mại. Việc một người được gọi là bậc thầy về sử dụng ánh sáng như Johannes lại vẽ nên một viên ngọc trai sáng bóng hơn bình thường đã gây bối rối cho các chuyên gia.
Kích thước của viên ngọc trai cũng là một vấn đề. Chuyên gia Quentin Buvelot đưa ra luận điểm rằng: 'Những viên ngọc trai lớn rất hiếm và chỉ có thể nằm trong tay những người giàu nhất hành tinh. Vào thế kỷ 17, những viên ngọc trai thủy tinh rẻ hơn, thường là đến từ Venice, cũng khá phổ biến. Chúng được làm từ thủy tinh, sơn mài để tạo một lớp hoàn thiện mờ. Có lẽ cô gái đang đeo một 'viên ngọc trai' thủ công như vậy''.
5. Tên ban đầu của bức tranh không phải “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai”
Trước năm 1995, “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai” có tên là “Cô gái đội khăn xếp”, “Chân dung cô gái đội khăn xếp”, “Cô gái trẻ đội khăn xếp” và cả “Chân dung một cô gái trẻ”. Những tên này đã được sử dụng trong các thời kỳ khác nhau. Rõ ràng bức tranh sau đó không được kiểm tra kỹ lưỡng để tìm hiểu xem chiếc khuyên tai đeo là ngọc trai hay bạc, vì tiêu đề ban đầu được sử dụng không ám chỉ đến chiếc khuyên tai mà “nhân vật chính” dường như phải là chiếc khăn xếp.
6. Điều tạo nên không khí mê hoặc trong tranh

“Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai” là tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của Johannes Vermeers và cũng chỉ nổi tiếng sau khi tác giả đã qua đời từ lâu. Bức tranh miêu tả một thiếu nữ ngồi trước phông nền tối, tương phản tuyệt vời với làn da trắng và đôi mắt trong veo của cô. Cô ấy đang đội một chiếc khăn xếp màu xanh lam và vàng và đeo một chiếc khuyên tai ngọc trai lớn hình giọt nước. Điều khiến nó được yêu thích vượt thời gian không phải vì đôi hoa tai hay chiếc khăn xếp, mà là vì ánh mắt của thiếu nữ.
Nhà phê bình Michael Kimmelman đã viết: ''Vermeer bằng cách nào đó đã biến mất khi bạn nhìn vào một tác phẩm như 'Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai', và những gì còn lại là đôi mắt phi thường của cô ấy, hướng thẳng ánh nhìn của bạn như xuyên thời gian''.
Vermeer đã đặt nhiều gương khắp phòng khi ông vẽ tranh. Mục đích là để hướng dẫn cách ông di chuyển đôi bàn tay của mình và phân tích cách chúng di chuyển trong khi ông vẽ “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai”. Nhà phê bình Tracy Chevalier viết: “Khi nghĩ về Mona Lisa, cô ấy cũng nhìn chúng ta, nhưng cô ấy chỉ ngồi trong bức tranh, khép kín, trong khi cô gái đeo bông tai ngọc trai thì ở đó, như thể không có gì ngăn cản giữa cô ấy và chúng ta. Cô ấy có phẩm chất kỳ diệu là vô cùng cởi mở nhưng đồng thời cũng bí ẩn - và đó là điều khiến cô ấy trở nên hấp dẫn”.
Nguồn: Discover Walks, Radart Media