Bài viết ở phần trước đã giới thiệu 4 phương pháp học tiếng Anh cơ bản trong khung VAK/VARK. Bài viết này sẽ giới thiệu về 3 phương pháp học còn lại.
Phương pháp học logic – toán học (Logical – Mathematical)
Khái niệm
Người học theo phương pháp này thường có khả năng thiên bẩm với số liệu và tính toán. Những người có phương pháp học logic – toán học còn nhạy cảm với những vấn đề cần suy luận, có tính kết nối,… Có thể nói, họ có thể học hỏi và ghi nhớ tốt nhất ghi tự suy ra hoặc áp dụng một khái niệm, công thức nào đó.
Những người học theo phương pháp này được gọi chung là những logical learners.
Nhận biết & lợi thế
Logic – toán học là một trong những phương pháp học dễ dàng nhận biết. Như đã nói ở trên, những logical learners không ngại làm việc với số liệu, biểu đồ, tính toán và phân loại. Người học theo cách này thường hứng thú tìm hiểu và có xu hướng liên kết những điều học được theo những quy luật (patterns) mang tính khái quát. Ví dụ là một logical learners, để học một cấu trúc ngữ pháp, thay vì học theo công thức:
Present Continuous: Subject + is/am/are + Verb(+ing)
Người học có xu hướng học theo các mẫu câu sử dụng Present Continuous như:
He is learning.
She is practicing.
… từ đó tự mình khái quát hoá thành công thức trên.
Cụ thể ở ví dụ này, có thể thấy logical learners có phần tương đồng với kinesthetic learners ở khía cạnh quy trình tiếp thu kiến thức, dù xuất phát điểm khác nhau. Ở logical learners là nhu cầu liên kết các quy luật và khái quát thành công thức, trong khi ở kinesthetic learners là nhu cầu học trong quá trình thực hành.
Ngoài ra, có một đặc điểm tương đồng khác của logical learners với visual learners. Những người theo phương pháp học thị giác học tốt nhất khi tiếp thu qua hình ảnh, ví dụ như mind map. Từ đó họ có thể nhìn được bức tranh toàn cảnh của vấn đề đang tiếp cận. Nhu cầu này cũng đúng với logical learners, nhưng lại bắt nguồn từ việc cần tiếp cận đầy đủ thông tin để có thể phân loại, tổng hợp, … tạo thuận lợi cho quá trình học.
Cũng ví dụ về các “công thức ngữ pháp” trên, thay vì bắt tay vào học từng cấu trúc, người học logic có xu hướng tìm hiểu và phân loại trước những gì sẽ học thành một hệ thống, ví dụ:
3 thì quá khứ: Đơn – Tiếp diễn – Hoàn thành
-
3 thì hiện tại: Đơn – Tiếp diễn – Hoàn thành
3 thì tương lai: Đơn – Tiếp diễn – Hoàn thành
Cuối cùng, nếu người học có thói quen viết ra một danh sách những việc cần làm (to-do list) hằng ngày, thì có khả năng người học là một logical learners.
Về mặt thế mạnh, dù rõ ràng những người thuần logical learning sẽ có thiên phú những ngành như toán học, lập trình, kế toán,… nhưng không có nghĩa là tệ trong việc học một ngôn ngữ.
Ngoài những ví dụ được trình bày bên trên, những logical learners nói chung biết cách trình bày và giải thích cặn kẽ vấn đề, ít nhất là trong suy nghĩ. Điều này có thể là một lợi thế khi luyện tập những kĩ năng như Speaking hay Writing. Chưa kể, kỹ năng lập luận và suy luận logic thiên bẩm của những người học phương pháp này là nền tảng của tư duy phản biện.
Họ cũng nắm được quá trình học và biết đã đi được bao xa trong quá trình để dễ dàng ôn lại những gì đã học một cách hệ thống.
Ngoài ra, theo nhà tâm lý – giáo dục Ann Logsdon, những logical learners có khả năng lĩnh hội và nắm bắt tốt những khái niệm, lý thuyết trừu tượng – có thể nhìn vào ví dụ những nhà toán học có thể vận dụng những lý thuyết đôi khi khó hiểu khi diễn tả bằng lời. Dựa vào đó, những logical learners có thể chủ động tìm hiểu những thuật ngữ mới, khái niệm mới thuộc khía cạnh quan tâm thông qua ngôn ngữ là tiếng Anh.
Tạm kết, những logical learners tuy chưa chắc có khả năng thiên bẩm cho việc học ngôn ngữ, nhưng họ có thể tận dụng khả năng suy luận logic để dễ dàng nắm bắt các cấu trúc ngữ pháp, triển khai lập luận khi viết và nói nhằm hỗ trợ cho việc học ngôn ngữ.
Phương pháp học xã hội (Social – Interpersonal)
Khái niệm
Thuật ngữ “interpersonal” có thể tạm dịch là “giữa các cá nhân với nhau”. Một cách dễ hiểu, học nhóm là một phương pháp thường thấy của những những người học thuộc phương pháp này. Người học theo phương pháp xã hội giỏi trong việc giao tiếp, kết nối giữa bản thân với với các cá nhân và các cá nhân với nhau.
Tuy vậy, khái niệm này không nên được đánh đồng với việc “hướng ngoại”. Theo Literacy Planet, khía cạnh “giỏi giao tiếp” và “giỏi kết nối các cá nhân” nên được hiểu trong bối cảnh mà người đó thoải mái nhất – ví dụ như một lớp học đã học chung với nhau được một năm.
Như vậy, social learning nên được hiểu là một môi trường học mà người học ưa thích hơn là một phương pháp lĩnh hội kiến thức như 5 phương pháp trước. Nói cách khác, người học có khả năng cao vừa là một social learners vừa thuộc một phương pháp học khác.
Dù không phải tất cả, nhưng những người học thuộc phương pháp này đôi khi là những nhà lãnh đạo bẩm sinh. Những người thuộc phương pháp học này được gọi là social learners.
Nhận biết & lợi thế
Theo trang Inspireeducation, nếu thường được người khác tìm tới để xin lời khuyên hoặc tìm kiếm động lực, có khả năng cao người đọc là một social learners thiên bẩm.
Một nhận biết cụ thể hơn là người học rất năng nổ trong làm việc nhóm – ít nhất là một nhóm đã làm việc nhiều lần từ trước. Nếu không thường làm việc nhóm nhưng có một người làm “đôi bạn cùng tiến” cũng là dấu hiệu cho thấy người học là một social learner. Đặc điểm này không chỉ áp dụng với chỉ việc học mà còn với các hoạt động khác – ví dụ như tập thể thao.
Điều này đơn thuần chứng tỏ người học có nhu cầu kết nối hoặc cảm thấy dễ dàng tiếp thu hơn khi được đặt trong một “bối cảnh quen thuộc” (ở đây là một nhóm hay một người bạn đồng hành).
Đối với việc học ngôn ngữ, yếu tố “bạn đồng hành” đóng vai trò quan trọng đóng góp cho hiệu quả việc học.
Dù có xu hướng là một người nghe (listener) hay một người nói (speaker), người học vẫn sẽ được đáp ứng nhu cầu (ở đây là học) thông qua tương tác. Thế mạnh của một social learners về mặt học thuật, dễ thấy, là việc thuận lợi trong việc tiếp cận vấn đề một cách đa chiều – từ nhiều người khác nhau.
Ngoài ra, những thế mạnh gián tiếp của phương pháp này còn đến từ việc học nhóm như: hình thành kỹ năng phản biện, giải quyết vấn đề, sáng tạo, lãnh đạo nhóm, tiết kiệm thời gian hoạt động,…
Phương pháp học cá nhân (Solitary – Intrapersonal)
Khái niệm
Đây là phương pháp ngược lại hoàn toàn với phương pháp social learning. Những người theo phương pháp học cá nhân có xu hướng học và làm việc đơn độc. Người học theo cách này cần sự riêng tư để có thể tăng sự tập trung của bản thân. Nếu nói những social learners là giáo viên, những người theo phương pháp này là những nhà nghiên cứu.
Tương đồng với social learning, solitary learning cũng nên được xem là một môi trường học lý tưởng thay vì là một cách lĩnh hội kiến thức. Đồng thời phương pháp học này cũng có thể được kết hợp với các phương pháp học khác.
Nhận biết & lợi thế
Những solitary learners là những người có xu hướng tham gia những hoạt động cá nhân thay vì hoạt động nhóm. Ví dụ như thói quen viết nhật ký, thiền,…
Những người học này cũng được xem là những người có nhu cầu cao về không gian riêng tư trong cuộc sống nói chung. Do đó có thể nói người học theo phương pháp cá nhân ít có nhu cầu kết nối với người khác. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với kiểu người “hướng nội” hay “không biết cách giao tiếp”. Những người như vậy đơn thuần là thích được hoạt động một mình.
Solitary learners thích đặt ra những mục tiêu và lập kế hoạch cho các dự án cá nhân. Do dành thời gian nhiều cho bản thân, những solitary learners hiểu và tự đánh giá tốt về bản thân (điểm mạnh, điểm yếu, sở thích,…).
Một thế mạnh nổi bật của những solitary learners là có khả năng kỷ luật cao, ví dụ như khả năng tự học. Người học theo phương pháp này thường tự quản lý tốt thời gian của mình vào những hoạt động đã đề ra mà không cần nhắc nhở. Thế mạnh này có thể áp dụng cho những hoạt động khác ngoài học thuật, đặc biệt là những hoạt động tự rèn luyện kĩ năng như chơi nhạc cụ, vẽ tranh, …
Một số người thuộc phương pháp solitary learning đã được chứng minh là có sự quyết tâm cao. Những người như vậy sẽ không dễ dàng thay đổi hoặc bỏ dở những dự án cá nhân đã đề ra, miễn là những điều đó phù hợp với sở thích, đam mê.
Đối với việc học ngôn ngữ như tiếng Anh, solitary learning vừa là một thế mạnh vừa là một điểm yếu. Solitary learning có thể giúp một người tự học rất sâu và rộng đa phần các khía cạnh ngôn ngữ, từ từ vựng, ngữ pháp đến cách vận dụng câu từ, rèn luyện kỹ năng, … Tuy nhiên, kỹ năng như speaking hoặc những vấn đề thuộc pronunciation nhìn chung sẽ được cải thiện tốt hơn nếu người học tương tác với những người khác hoặc được chỉnh sửa từ giáo viên, gia sư.
Nhưng như đã nói ở trên, solitary learning nên được xem là môi trường học mà người học hoạt động tốt nhất – hơn là một phương pháp tiếp thu kiến thức. Vì vậy, tuỳ vào những “sự kết hợp” giữa solitary learning với phương pháp học khác mà sẽ có những thế mạnh riêng.
Tổng kết
Logic toán học (Logical – Mathematical)
Xã hội (Social – Interpersonal)
Cá nhân (Solitary – Intrapersonal)
Khác với năm phương pháp học trước, hai phương pháp học sau (xã hội và cá nhân) có sự kết hợp đa dạng với những cách học khác tạo thành những 'biến thể' khác nhau. Thực tế, các phương pháp học còn lại cũng có thể kết hợp với nhau, phụ thuộc vào sở thích tự nhiên của người học thay vì chỉ tập trung vào một phương pháp duy nhất.
Ở phần sau, bài viết sẽ đào sâu hơn vào phân tích các sự kết hợp của các phương pháp học như vậy, đồng thời giới thiệu cách áp dụng từng phương pháp học cụ thể cho việc học tiếng Anh.
Ngô Phương Thảo