Tại sao chúng ta lại có cảm giác vui, buồn, giận, chán chường, sợ hãi...? Nếu bạn đã từng xem bộ phim hoạt hình “Những mảnh ghép cảm xúc” (Inside Out) thì chắc chắn bạn vẫn nhớ 5 nhân vật “cảm xúc” trong cô bé Riley dễ thương – Vui Vẻ, Giận Dữ, Chán Ghét, Sợ Hãi và Buồn Bã. Chính 5 “mảnh ghép cảm xúc” này đã chi phối mỗi cử chỉ, hành động và tâm trạng của Riley để giúp cô bé vượt qua những thách thức trong cuộc sống.
Tuy nhiên, tác động của “cảm xúc” trong thực tế lại phức tạp hơn nhiều so với trong bộ phim hoạt hình của Pixar. Hãy cùng Prudential khám phá sâu hơn về bản chất và ảnh hưởng của cảm xúc đối với tinh thần và cơ thể. Từ đó, bạn sẽ hiểu rõ hơn về bản thân và mang lại những cảm xúc tích cực cho những người xung quanh.
Cảm xúc là một chu trình không ngừng của các tín hiệu điện hóa được tạo ra từ não, phản ánh nhận thức của chúng ta trước một sự vật hoặc sự việc. Những tín hiệu này được truyền đến tất cả các bộ phận của cơ thể và trở lại não. Quá trình này diễn ra liên tục hàng ngày, hàng giờ. Tuỳ thuộc vào quan điểm cá nhân, cảm xúc của mỗi người trước cùng một sự vật hoặc sự việc có thể khác nhau.
Có tổng cộng 8 loại cảm xúc cơ bản
Dù tâm trạng của chúng ta có đa dạng nhưng vẫn tập trung vào 8 loại cảm xúc cơ bản: Sự vui vẻ, Nỗi buồn, Nỗi sợ, Sự chán ghét, Sự giận dữ, Sự ngạc nhiên, Sự hy vọng, và Sự tin tưởng. Tâm trạng của chúng ta có thể chứa đựng trong một loại cảm xúc duy nhất hoặc bị chi phối bởi nhiều cảm xúc khác nhau.