1. Bài Văn Phân Tích Cảm Xúc Nhân Vật Trữ Tình Trong 'Đây Thôn Vĩ Dạ' - Mẫu 4
Hàn Mặc Tử là một trong những tên tuổi nổi bật của phong trào thơ mới, với khả năng sáng tạo độc đáo và phong cách thơ đặc trưng: thơ điên. Chế Lan Viên đã khẳng định rằng: 'Tôi xin hứa với các bạn rằng, những điều tầm thường sẽ dần phai nhạt, và cái còn lại của thời kỳ này chính là Hàn Mặc Tử.' Ngoài thơ điên, Hàn Mặc Tử còn để lại những bài thơ trữ tình tinh tế, như bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”. Mở đầu bài thơ, câu hỏi:
'Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”
Câu hỏi này mở ra nhiều liên tưởng. Có thể đây là lời của một cô gái hỏi: 'Sao anh lâu không về Vĩ Dạ?' với đầy cảm xúc trách móc và nỗi nhớ nhung. Nhưng cũng có thể, nhà thơ đang tự hỏi chính mình: 'Sao mình không về thôn Vĩ?' để bộc lộ nỗi lòng và ký ức về thôn Vĩ. Thôn Vĩ Dạ đã gắn bó với tác giả, với những kỷ niệm và hình ảnh thân thuộc. Cảnh cũ, người xưa hiện lên qua những vần thơ đầy hoài niệm, gợi về một không gian yên bình của Huế:
“Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền?”
Cảnh vật trong thơ có phải là quá khứ hay hiện tại trong tưởng tượng của nhà thơ? Tất cả hiện lên thật đẹp, với nắng hàng cau trong buổi bình minh, và vườn cây xanh mướt như ngọc. Hàn Mặc Tử đã miêu tả cảnh vật một cách tinh tế, tạo nên hình ảnh lạ mắt với “lá trúc che ngang mặt chữ điền”, gợi ra sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người. Đây là những ký ức của tác giả, mặc dù có vẻ ngậm ngùi tiếc nuối nhưng bị cuốn vào cảnh sắc đẹp đẽ của thôn Vĩ. Tâm hồn của nhà thơ vẫn tràn đầy tình yêu thương dù đối mặt với bệnh tật và sự xa cách.
Tâm trạng của nhân vật trong bài thơ thay đổi theo dòng cảm xúc và nỗi nhớ không nguôi về thôn Vĩ Dạ. Khổ thơ tiếp theo diễn tả sự chia ly và cô đơn:
“Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Gió và mây xa cách nhau, gợi lên sự chia ly. “Dòng nước buồn thiu” phản ánh nỗi buồn của tâm hồn, thiên nhiên đẹp nhưng lạnh lẽo, mang tâm trạng u sầu của nhà thơ. Câu hỏi về ánh trăng trở thành một biểu tượng của sự mong mỏi và khao khát, liệu có thể xoa dịu nỗi cô đơn của nhà thơ. Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử mang nhiều hình ảnh khác nhau, nhưng ở đây, nó là ánh trăng huyền ảo, biểu tượng của sự ấm áp và tình yêu. Liệu con thuyền có chở trăng về kịp không, hay là một cuộc hành trình không bao giờ kết thúc? Đây cũng là câu hỏi về thời gian và cuộc sống của tác giả.
Cuối bài thơ, Hàn Mặc Tử đặt ra câu hỏi về tình cảm:
“Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà”
Tác giả đắm chìm trong cảnh vật nhưng vẫn trăn trở về sự mơ hồ của tình cảm. “Khách đường xa” và “vườn ai” trở nên mơ hồ, khiến tác giả cảm thấy lạc lõng trong chính những kỷ niệm của mình. Câu hỏi cuối cùng làm nổi bật sự cô đơn và nỗi buồn, tạo nên một ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.
“Đây thôn Vĩ Dạ” là một bức tranh tuyệt đẹp về cảnh vật và con người, được phác họa qua sự mộng mơ và cảm xúc sâu sắc của nhà thơ. Bằng cách sử dụng những câu hỏi tu từ và liên tưởng, Hàn Mặc Tử đã tạo ra một tác phẩm đầy cảm xúc, phản ánh nỗi đau của sự cô đơn và số phận ngắn ngủi. Bài thơ sẽ mãi là tiếng lòng của một tâm hồn yêu thương nhưng bất hạnh.
2. Phân tích tâm trạng nhân vật trong bài thơ 'Đây thôn Vĩ Dạ' - mẫu 4
Hàn Mặc Tử là một trong những những đỉnh cao của phong trào thơ mới. Ông qua đời ở tuổi 28 do bệnh phong và những năm cuối đời phải cách li với mọi người, cô đơn một mình. Vì vậy, những nỗi đau là nguồn cơn cho những cơn sáng tạo đỉnh cao của ông. Khi còn sống, ông chỉ có một tập thơ là Gái quê, sau này có thêm những tập khác như Thơ điên, Xuân như ý.. Đây Thôn Vĩ Dạ được trích từ tập Thơ Điên, bài thơ không chỉ đơn thuần mà là vịnh người, vịnh cảnh, mà còn là tâm trạng của nhà thơ được gửi gắm vào từng con chữ.
Đây Thôn Vĩ Dạ được sáng tác khi Hàn Mặc Tử đang bị bệnh nặng và phải cách li ở trại phong Tuy Hòa. Trước kia, khi còn làm ở sở Đạc Điền Bình Định, Hàn Mặc Tử phải lòng cô con gái chủ xưởng, Hoàng Thị Kim Cúc. Sau này, khi Hoàng Cúc biết tin ông mắc bệnh phong đã gửi tới một bức bưu thiếp có phong cảnh xứ Huế, dòng sông Hương cùng lời hỏi thăm động viên. Điều này khiến Hàn Mặc Tử bị xúc động mạnh và lập sức sáng tác bài thơ này. Vì vậy, bài thơ là nỗi nhớ, là hoài niệm của tác giả về xứ Huế, nơi có cảnh vật, có người mình yêu của một kẻ si tình. Là nỗi đau, niềm mặc cảm của một kẻ sắp chết. Và cũng là sự khát khao hạnh phúc của một tình yêu đời da diết.
Nhà thơ mở đầu tác phẩm cùng một câu hỏi tu từ "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?" Thoạt nhìn, người ta sẽ nhầm lẫn đây là lời trách móc nhẹ nhàng, của một cô gái xứ Huế, như mời gọi chàng trai trở về Vĩ Dạ. Trở về nơi chốn thân thương mà người hằng yêu. Nhưng nếu chỉ đơn giản như vậy thì thơ Hàn Mặc Tử đã không thể sống mãi trong suốt những thập kỉ qua. Câu hỏi cùng từ để hỏi "sao" được đặt ở đầu câu khiến nhịp thở dồn dập, cảm xúc dồn nén, giục giã. Rất có thể đây là lời phân thân của chính nhà thơ để tự hỏi chính mình. Từ "anh" gợi cảm giác gần gũi, như một người con xa xứ tràn ngập tình yêu với Vĩ Dạ, nhưng lại "không về". Trọng âm của câu thơ như bị đổ dồn vào hi từ này. Tại sao lại "không về", khi mà Vĩ Dạ vốn là nơi chốn thân thuộc mà Hàn Mặc Tử yêu thương, nơi có người con gái mà ông trao trọn trái tim? Tác giả sử dụng từ "không", thay vì "chưa", bởi lẽ nhà thơ không thể về. Dẫu rằng ông yêu thương chốn này, dẫu rằng không phải là không muốn về, mà là không thể về được nữa.
Hàn Mặc Tử ý thức rõ về tình cảnh bệnh tật của mình, nên không về được Huế, vả lại, ông yêu nơi đó, yêu người con gái nơi đó, nhưng làm sao có thể về, khi mà không một ai mong ngóng? Câu thơ là nỗi đau xót, bất lực của nhà thơ trước hiện thực tàn khốc, là niềm mặc cảm bị tách li khỏi thế giới, xa lánh mọi người. Nỗi đau ấy đã thấm vào thơ của tác giả khi mà ông từng coi mình như một nàng cung nữ với số phận hẩm hiu bị nhốt vào lãnh cung, nhớ thương vị vua của mình, cuộc đời tươi đẹp ngoài kia:
"Ngoài kia xuân đã thắm hay chưa
Trời ở trong đây chẳng có mùa
Không có niềm trăng và ý nhạc
Có nàng cung nữ nhớ thương vua"
Chữ "không về" càng khắc sâu tình đơn phương của Hàn Mặc Tử đối với Hoàng Cúc:
"Có một dòng sông chỉ có một bờ
Phía bờ kia quay mặt
Dòng sông anh không qua được bao giờ"
Câu thơ là niềm khát khao, là niềm đau, là nỗi nhớ, là buồn tủi của nhà thơ. Và khi quá yêu một mảnh đất, nhưng lại chẳng thể quay lại, thì con người ta chỉ còn cách trở về qua những hoài niệm. Qua đó, khu vườn Vĩ Dạ hiện lên tươi mới, ngập tràn tình yêu của nhà thơ:
"Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc"
Trong thơ mới, ta từng gặp nhiều hình ảnh nắng đặc biệt. Như cái nắng trở chiều của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu, hay "Dọc bờ sông trắng nắng chang chang" trong Mùa xuân chín của chính Hàn Mặc Tử. Còn ở đây, chúng ta có "nắng hàng cau". Cau vốn là cây cao nhất trong vườn, vì thế những người khách từ xa nhìn tới, sẽ thấy câu đầu tiên. Và cũng vì thế nên cáu được hứng ánh nắng sớm đầu tiên nên "nắng hàng cau" là thứ nắng tinh khôi, trong treo, sau một đêm dài cây cau như được tắm nắng, hong khô những giọt sương đêm còn vương đọng. Không chỉ vậy, cau vốn mọc thẳng đứng, lại có đốt nên nhìn từ xa, vào sớm mai, cau trở thành một chiếc thước kẻ khổng lồ, đo mực nắng. Đó không chỉ là hình ảnh của VĨ Dạ, của xứ Huế. Mà còn là hình ảnh thân thuộc ở các làng quê Việt Nam. Một hình ảnh bình dị, dân dã, gợi cho người đọc nhiều liên tưởng. Sau khi hướng lên cao cùng nắng hàng cau, nhà thơ lại hướng người đọc xuống thấp hơn để nhìn ngắm khu vườn.
Cùng biện pháp so sánh, khu vườn như tràn ngập sắc xanh tươi mơn mởn. Bởi "ngọc" không chỉ đơn thuần là có màu xanh, mà còn gợi màu xanh ánh từ bên trong, lại lan tỏa được màu xanh. Vì thế, khu vườn ngập trong màu xanh nõn nà, tràn đầy nhựa sống cùng tính từ cực tả "quá" đã tuyệt đối hóa vẻ đẹp khu vườn. Nhưng cái gì càng đẹp, lại càng khó nắm bắt, càng phi thường, lại càng xa vời. Cảnh đẹp Vĩ Dạ đẹp, nhưng lại là "vườn ai" khiến cảnh đẹp ấy bỗng trở nên vô định, vô chủ. Bởi "ai" ở đây là đại từ phiếm chỉ, ý để hỏi khu vườn đẹp tuyệt trần ấy là của ai? Chính nhà thơ cũng không rõ. Cảnh mờ đi, chẳng còn là cảnh thực. Ông lấy đi một chút rõ ràng để thêm nhiều phần mơ mộng. Mà làm sao có thể rõ ràng khi mà mọi thứ chỉ còn là hồi ức của nhà thơ? Cảnh dẫu đẹp tới đâu giờ đây cũng đã thuộc một thế giới khác, một thời gian khác, nơi mà nhà thơ không còn thuộc về. Sau cùng, bức tranh thiên nhiên có xuất hiện hình ảnh con người: "Lá trúc chen ngang mặt chữ điền". Không rõ đây là gương mặt của người con gái, hay con trái, hay chính là gương mặt của Hàn Mặc Tử. Cũng có lẽ là gương mặt quen thuộc vốn hay xuất hiện nhưng ẩn mình sau thiên nhiên trong thơ ông. Các ý kiến chưa ngã ngũ, nhưng hình ảnh gợi ta nhớ đến câu ca dao xứ Huế thân thuộc
"Mặt em vuông tựa chữ điền
Da em thì trắng áo đen mặc ngoài
Lòng em có đất có trời
Có câu nhân nghĩa, có lời thủy chung"
Khuôn mặt chữ điền vốn gợi lên sự chung thủy, đôn hậu, chất phác của con người, lại ẩn hiện sau thiên nhiên đầy thi vị, hài hòa gợi nét đẹp con người xứ Huế. Khổ thơ đầu không chỉ là tả cảnh thiên nhiên xứ Huế, mà còn gửi vào đó tâm trạng của nhà thơ. Cảnh nơi đây đẹp tới thế, yêu nơi này tới thế, nhưng Hàn Mặc Tử không thể trở về nữa. Khổ thơ đầu là nỗi nhớ nơi chốn thân thương, cũng như sự bất lực không thể quay về của nhà thơ. Tới khổ thơ sau, có sự thay đổi về cả cảnh lẫn tâm trạng nhà thơ. Cảnh không còn non trẻ, tươi mới đầy sức sống nữa, cảnh đều thấm đượm một nỗi buồn thân phận.
"Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay"
Gió và mây vốn gắn liền với nhau, gió thổi mây bay. Nhưng giờ đây, nhà thơ lại để hai sự vật chia lìa, chia cắt, trái với quy luật thông thường. Nếu Huy Cận đã viết về cuộc chia li của thuyền và nước và để lại nỗi sầu trăm ngả, thì sự phiêu tán này của Hàn Mặc Tử để lại nỗi buồn chia cắt. Nỗi buồn ấy thấm đượm lên cả dòng sông ngoài kia, khiến nó "buồn thiu". Cùng biện pháp nhân hóa, dòng nước như không muốn chảy, trì trệ, để mong ngừng trôi như được chảy từ vạn cổ. Cảnh ngoài kia, có lẽ chẳng còn là cảnh ngoài kia, mà đã là cảnh ở trong lòng. Bởi hơn ai hết, nhà thơ hiểu rõ nỗi sầu biệt li. Mọi thứ đề cứ phiêu tán đi, chỉ còn lại "hoa bắp lay". Là thứ hoa bắp vô hồn, uể oải, nhợt nhạt, chỉ chuyển động khẽ khàng "lay". Cái lay đó đã lay cả vào lòng người đọc, để ta nhớ tới câu ca dao xứ Huế:
"Ai về giồng dứa qua chuông
Gió lay bông sợi bỏ buồn cho em"
Hay trong bài thơ "Bờ sông vẫn gió" của Trúc Nhân
"Lá ngô lay ở bờ sông
Bờ sông thấy gió, người không thấy về"
Từ "lay" gợi nỗi buồn thân phận của nhà thơ, khi mà mọi cảnh vật đều phiêu tán đi, thì hoa bắp chỉ đành ở lại, khẽ lay chuyển. Giống như nhà thơ chẳng thể cất mình lên để ra với cuộc sống ngoài kia. Nhà thơ đã sử dụng thủ pháp lấy động tả tĩnh, gợi nỗi buồn chất chứa tâm can. Và lúc này, khi chứng kiến quá nhiều li biệt, ông lại chỉ mong chờ một thứ quay trở về với mình, đó là trăng.
"Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay"
Trăng vốn là hiện thân cho vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp con người. Con thuyền chở trăng là con thuyền chưa tình yêu, chứa hạnh phúc. Nhưng vẫn lại là "thuyền ai", hình ảnh nửa mơ, nửa thực, mơ mộng, nhạt nhòa. Sông trăng là hình ảnh đầy thi vị, thân quen trong thi ca, dòng sông trôi chảy giữa hai bên bờ thực và ảo, khó nắm bắt được. Đó là ánh trăng trên trời cao soi xuống sông, tạo thành sông trăng, cũng hiểu được là ánh trăng chảy khắp mặt sông. Phải chăng đó là con đường trôi chảy vào cõi mộng? Nhà thơ chờ trăng, trần đời có mấy ai say trăng được như Hàn Mặc Tử? Thơ ông luôn rợn ngợp ánh trăng sáng
"Trăng sõng soài trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi"
Không chỉ với riêng Hàn Mặc Tử, mọi thi sĩ khác đều coi trăng như người bạn tri kỉ không bao giờ rời xa của mình. Vì vậy, ông đã kêu lên tha thiết ở câu cuối khổ 2 "Có chở trăng về kịp tối nay". Đó không chỉ là câu nói thông thường, nó vang lên khẩn thiết, thấm một nỗi xót xa. Cùng với từ "kịp" là khoảng thời gian hạn định "tối nay". Nhà thơ mong mỏi, bất lực, vì dường như chỉ còn tối nay thôi, đó là khoảng thời gian cuối cùng rồi. Nếu không phải tối nay, có lẽ là chẳng bao giờ được nữa. Bởi quỹ thời gian còn lại của bản thân quá ít ỏi, nên câu thơ vang lên trong sự giục giã, hối hả. Đó là nỗi mặc cảm về cuộc đời ngắn ngủi của mình, có lẽ, bản thân Hàn Mặc Tử cũng cảm nhận được từng phút một của cuộc đời mình cứ dần trôi đi. Mà nếu đêm nay không thể về, có lẽ mọi thứ sẽ chìm vào bóng tối. Từ đó, bộc lộ một khát khao sống mãnh liệt cùng với tư thế sống chạy đua cùng thời gian.
Như Xuân Diệu cũng từng vì quá yêu hương sắc đất trời mà chạy đua cùng thời gian, Hàn Mặc Tử cũng vậy. Ông yêu cuộc đời này, yêu Vĩ Dạ, yêu xứ Huế, yêu cuộc sống ngoài kia, "chẳng ai yêu đời hơn một kẻ sắp chết." Nhưng bởi vì sắp chết, vì quỹ thời gian dần cạn nên có cố gắng chạy đua với thời gian bao nhiêu, cũng trở nên vô vọng. Khổ hai, cảnh vật thấm đượm nỗi buồn của nhà thơ. Mọi thứ chia li, phiêu tán, nhà thơ cố níu, nhưng không thể nắm giữ bởi bản thân cuộc đời nhà thơ cũng đang đi tới hồi kết. Dẫu vậy, ta vẫn có thể thấy niềm khát khao, mong mỏi mãnh liệt được tận hưởng thêm một phút giây nữa thôi để kịp đón lấy tình yêu hạnh phúc. Cảnh vật cứ mờ dần, xa dần, là vì về đêm nên mọi thứ trở nên hư ảo, hay là qua con mắt của kẻ sắp chết, vạn vật đã trở thành một thế giới vô sắc, mộng mị, ngập ánh trăng? Từ nhớ thương, bất lực không thể trở về, nhà thơ đau xót, lo âu, và khát khao mãnh liệt được sống thêm một chút, là nỗi đau của thân phận. Tới khổ thơ cuối, ánh nắng không còn, ánh trăng cũng tắt, sau tất cả, còn lại là một cõi hư ảo nơi kẻ si tình chới với đuổi theo nhưng mãi mãi chẳng đuổi kịp.
"Mơ khách đường xa, khách đường xa"
Mơ không còn là trạng thái thực, mà đã rơi vào mộng mị, nhưng lại là "mơ khách đường xa" thể hiện niềm khát khao được gần gũi với bóng hình con người. Bởi có lẽ, thế giới thực tại Hàn Mặc Tử đã phải rời xa, ông chỉ còn cách bấu víu vào cõi hư ảo. Cuộc đời ngoài kia đang nhạt dần, chìm vào cõi mộng. "Khách" vốn đã xa lạ, khách khí, vậy mà ở đây lại là "khách đường xa", được điệp lại hai lần. Vế đầu vẫn còn từ mơ, nhưng vế sau thì đã mất, con người xa lạ ấy đi mất rồi, mờ mất rồi. Dẫu là trong mơ thì hình bóng con người xuất hiện vẫn xa lạ, mịt mù, người mơ càng gọi, càng chạy theo, người khách càng lùi xa trong sự bất lực của nhà thơ. Vậy người khách ấy là ai? Phải chăng là "em" : "Áo em trắng quá nhìn không ra"? Thơ Hàn Mặc Tử luôn chứa đựng những sắc trắng tinh khôi, thanh khiết như màu trắng rợn mình
"Ống quần vo xắn lên đầu gối
Da thịt, trời ôi! Trắng rợn mình"
Hay màu trắng trong Mùa xuân Chín "Dọc bờ sông trắng nắng chang chang". Sắc trắng của áo được Hàn Mặc Tử ngợi ca theo cách cực tả quen thuộc, là sắc trắng khiến ông khao khát, mê say. Nhưng sắc trắng đó lại khiến người "nhìn không ra". Nhà thơ bất lực, chạy đuổi theo "em" nhưng vô vọng, cố gọi "em" nhưng em chẳng quay đầu lại. "Em" nghe sao mà thân thương, mà yêu nhớ, nhưng tại sao người cố loạng choạng bước theo, em lại cứ xa? Là em không muốn ở lại chốn này, hay là em vốn chẳng thuộc về nơi đây? Câu thơ là nỗi đau tuyệt vọng, cùng chữ "quá" khiến câu thơ run lên một nỗi xót xa cho con người cố với theo thứ chẳng thể nào chạm tới.
"Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?"
Trong làn sương khói hư vô, nhà thơ tự xác lập một thế giới riêng "ở đây". Nhưng không rõ ở đây là chốn nào, là trại phong Tuy Hòa, hay là thế giới trong kí ức thi nhân, hay là nơi mộng ảo nhà thơ đang chìm vào? Nghe sao mà chua xót, quặn thắt, nhà thơ có lẽ chẳng còn ý thức được gì nữa, ám ảnh làm sao khi mà mình đang ở nơi nào cũng không hay.
"Tôi đang ở đây hay ở đâu
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu"
Ở đây là nơi lãnh cung lạnh lẽo chỉ chứa sự cô đơn, nỗi niềm mặc cảm thân phận đã khiến Hàn Mặc Tử luôn có một khoảng cách với thế giới bên ngoài. Và trong làn sương khói thân thuộc của xứ Huế, nhưng lại trộn lẫn thực ảo, nhà thơ thốt lên một câu hỏi cứ xoáy vào lòng người đọc. Đại từ phiếm chỉ "ai" một lần nữa lại xuất hiện, nó biến niềm hoài niệm "vườn ai", niềm hoài vọng "thuyền ai" thành niềm hoài nghi "tình ai".
Câu thơ bỗng trở nên đa nghĩ, ai là hỏi cô gái hay chàng trai, là hỏi người hay hỏi ta? Và "tình ai", phải chăng là tình đời, tình người. Có thể hiểu nhà thơ băn khoăn, khắc khoải liệu sa khi bị tách li khỏi thế giới này, liệu có còn ai nhớ tới mình. Nhưng cũng có thể hiểu đó là tình yêu da diết, mãnh liệt của nhà thơ với cuộc đời ngoài kia. Liệu có ai hay dẫu bị đẩy vào lãnh cung của sự chia li đơn côi, thì thi nhân vẫn yêu đời bằng một tình yêu da diết đậm đà, chỉ mong có ai đó thấu hiểu cho tình yêu nỗi nhớ ấy. Câu hỏi chất chứa sự hoài nghi, dằn vặt, đau đớn với khát vọng khôn nguôi được giao cảm với cuộc đời. Khổ cuối là sự thăng hoa tột đỉnh của cảm xúc hoài nghi. Mạch cảm xúc ấy có sự nối mạch từ những câu hỏi xuất hiện từ khổ một, khổ hai. Bản thân tác giả đang cố tin nhưng hiện thực lại khẳng định điều ngược lại, khao khát cháy bỏng được trở về với Vĩ Dạ, với cuộc đời, nới có thiên nhiên tươi đẹp, có con thuyền chở đầy hạnh phúc, có người con gái đẹp đang chờ đợi đã trở thành nỗi tuyệt vọng.
3. Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ 'Đây thôn Vĩ Dạ' - Mẫu 5
Trong cuốn Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh và Hoài Chân xếp Hàn Mặc Tử vào nhóm thơ 'kì dị' cùng với Chế Lan Viên. Thơ của Hàn Mặc Tử, quả thực có nhiều điểm kỳ lạ. Ông đã tạo ra một 'vũ trụ nghệ thuật điên loạn, ma mị, xa lạ với thực tại'.
Song, giữa những vần thơ lạc lõng, thi sĩ cũng sáng tác những hình ảnh tuyệt đẹp, ngây thơ và trong trẻo lạ thường. Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là một ví dụ tiêu biểu. Đọc bài thơ, ta thấy một khía cạnh đẹp đẽ của tâm hồn thi sĩ.
Có tài liệu cho rằng bài thơ được cảm hứng từ bức ảnh phong cảnh Huế cùng với vài lời hỏi thăm từ Hoàng Cúc, người con gái thôn Vĩ Dạ xứ Huế, mà Hàn Mặc Tử đã thầm yêu. Vì thế, bài thơ vừa gợi lại những kỷ niệm về Huế mộng mơ, vừa thể hiện nỗi buồn bã vô vọng, mơ hồ như sương khói.
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Câu thơ mở đầu vừa như một câu hỏi, vừa như một lời mời, mang theo sự ngạc nhiên và tiếc nuối. Cảnh Vĩ Dạ đẹp đẽ, hấp dẫn vậy sao anh không về? Cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp của thôn Vĩ Dạ hiện lên qua những nét vẽ nhẹ nhàng nhưng ấn tượng. Cảnh vật đã in sâu trong tâm hồn thi sĩ về xứ Huế. Cảnh vật như được chắt lọc qua tâm trí thi sĩ, chỉ giữ lại những nét tiêu biểu nhất. Một buổi sáng ở thôn Vĩ, ánh nắng chiếu lấp lánh qua hàng cau còn đẫm sương đêm. Hàng cau hiện lên trong khoảnh khắc đặc biệt, gắn liền với ánh nắng mới lên trong trẻo, tinh khôi và gợi cảm.
Khi mô tả vườn cây tươi mát, sum suê, Hàn Mặc Tử chỉ tập trung làm nổi bật màu xanh mướt của lá: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc. Cảnh vật trở nên sinh động khi bóng người, một khuôn mặt kín đáo, phúc hậu, dịu dàng hiện lên:
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Thiên nhiên và con người hòa quyện, gợi lên thần thái, hồn của Vĩ Dạ, một Vĩ Dạ thơ mộng, càng thơ mộng hơn nhờ sự hiện diện của 'nàng' trong những vườn tược. Ở khổ thơ thứ hai, tâm trạng thi sĩ chuyển sang một gam màu khác. Nếu ở khổ thơ đầu, Vĩ Dạ hiện lên với cảnh vật tươi sáng trong trẻo, thì ở khổ thơ này, một nỗi buồn bao phủ tất cả. Sự chuyển biến đột ngột từ vui sang buồn là phổ biến trong Thơ mới và văn chương lãng mạn:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Phải chăng Huế ở khổ thơ đầu là Huế trong ký ức đẹp, còn Huế ở khổ thơ thứ hai là Huế trong tâm trạng hiện tại của thi sĩ? Thôn Vĩ Dạ vẫn thơ mộng với gió, trăng, mây nước, thuyền bến và hoa bắp lay. Nhưng tất cả đều nhuốm một nỗi buồn. Tâm trạng của người buồn nhìn đâu cũng thấy chia lìa và buồn bã:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Gió và mây đã chia lìa đôi ngả, dường như chẳng còn liên quan; dòng nước vốn không biết vui buồn cũng trở nên buồn thiu. Hình ảnh hoa bắp lay gợi nỗi buồn hiu hắt. Một nỗi buồn bao phủ từ bầu trời đến mặt đất, từ gió, mây đến dòng nước và hoa bắp bên sông. Đằng sau những cảnh vật là tâm trạng của một người mang nặng nỗi buồn xa cách, mối tình vô vọng. Giờ đây tất cả chỉ còn là mộng mơ, cả cảnh vật lẫn tình người. Một không gian tràn ngập ánh trăng, một dòng sông trăng, một bến đò trăng, một con thuyền đầy trăng… Cảnh thực sự thơ mộng nhưng buồn mênh mang:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Nhà thơ như không còn sống với cảnh vật bên ngoài nữa, mà chìm đắm trong cõi lòng riêng của mình. Sông và cảnh mộng, Hàn Mặc Tử ở khổ thơ cuối như đối thoại trong mơ với một đối tượng hư ảo:
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Hình ảnh cô gái thôn Vĩ ngày xưa lấp ló trong cõi mộng tạo cảm giác bâng khuâng, ngơ ngẩn cho thi sĩ. Màu áo trắng của cô gái Huế như hòa vào sương khói. Sương khói của xứ Huế hay sương khói của thời gian và không gian xa cách phủ lên một mối tình cũng thật xa vời.
Bài thơ mở đầu bằng câu hỏi và kết thúc bằng một câu đáp. Những lời đáp cũng là câu hỏi. Phải ai biết tình ai có đậm đà để có thể trở về thăm thôn Vĩ?
Dù Hàn Mặc Tử đã mất, nhưng bài thơ thôn Vĩ vẫn tồn tại. Bài thơ đã vượt qua lớp sương khói của thời gian để vĩnh viễn hóa một mối tình tuyệt vọng nhưng đầy thiết tha và trong sáng.
4. Phân tích tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ 'Đây thôn Vĩ Dạ' - Mẫu 7
Chế Lan Viên đã từng nhận định: “Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi lao qua bầu trời Việt Nam, để lại cái đuôi sáng chói rực rỡ của mình.” Hàn Mặc Tử mang đến một phong cách thơ độc đáo, ông tỏa sáng như một giọng thơ phức tạp và bí ẩn. Qua đó, người đọc cảm nhận được nỗi đau trong tình yêu hướng về thế gian, điều này được thể hiện sâu sắc trong bức tranh tâm trạng của bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ.
Tấm bưu thiếp và những lời thăm hỏi của bà Hoàng Thị Kim Cúc đã là nguồn cảm hứng để nhà thơ sáng tác bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, bày tỏ tình yêu thầm kín của mình cùng tâm trạng trong hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Đây có thể xem là cơ hội để nhà thơ diễn tả tình yêu sâu nặng với thiên nhiên, cuộc sống và con người. Mở đầu bài thơ là bức tranh thiên nhiên của thôn Vĩ vào buổi sáng sớm, qua đó thể hiện tình yêu mãnh liệt với thiên nhiên và cuộc đời.
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”
Câu hỏi tu từ kết hợp với nhịp thơ và thanh bằng tạo ra một cảm giác vừa trách móc vừa mời gọi tha thiết từ người con gái thôn Vĩ. Đây cũng có thể là câu hỏi tự vấn vì sao không trở về thăm thôn Vĩ. Đây là ước mơ thầm kín và khát khao được trở về thôn Vĩ, thăm lại cảnh cũ và người xưa của nhà thơ.
“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”
Điệp từ “nắng” và hình ảnh “nắng mới lên” gợi lên ánh sáng ấm áp, trong trẻo. “Mướt quá” là một từ đầy gợi cảm, mượt mà và óng ánh. Kết hợp với đại từ phiếm chỉ “ai” khiến câu thơ như một lời tự thán, ca ngợi vẻ đẹp tột cùng. Nhà thơ so sánh màu xanh với ngọc, diễn tả sự xanh trong, vừa có màu sắc vừa có ánh sáng. Vườn thôn Vĩ lúc này như một viên ngọc xanh sáng lấp lánh. Một hình ảnh đẹp bỗng xuất hiện:
“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
“Mặt chữ điền” là mặt của một chàng trai? Hay đó là gương mặt của một cô gái? Dù sao, ta vẫn cảm nhận được nét đẹp phúc hậu, hiền lành. Nét đẹp ấy được “lá trúc che ngang” gợi nên sự kín đáo, dịu dàng của con người xứ Huế. Câu thơ tạo hình rõ nét: sự hòa quyện giữa khung cảnh thiên nhiên xứ Huế (hàng cau, lá trúc) và hình bóng của con người (mặt chữ điền) trong vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng. Ta cảm nhận được cảnh vườn thôn Vĩ sáng tươi trong ánh nắng ban mai, với cảnh sắc bình dị mà tinh khôi, đơn sơ mà thanh tú. Qua bức tranh thiên nhiên ấy, ta cảm nhận được tâm trạng của nhà thơ: niềm khát khao gặp gỡ và hòa hợp với cái đẹp.
Khổ thơ thứ hai dẫn ta đến bức tranh sông nước thôn Vĩ trong đêm trăng, từ đó cảm nhận nỗi khát khao giao cảm với cuộc đời trần thế của nhà thơ.
“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”
Điểm nhìn thay đổi từ sáng sớm đến đêm tối, từ cảnh vườn thôn đến sông trăng, từ khung cảnh thực tại đến không khí huyền ảo. Ta cảm nhận được sự chia lìa qua hình ảnh và nhịp điệu. Hình ảnh “Gió theo lối gió, mây đường mây” phản ánh sự tách rời phi lý. Mây và gió không thể tách rời trong thực tại. Đây là sự tách rời phi lý và ngang trái. Đồng thời nhà thơ còn nhân hóa “Dòng nước buồn thiu” để nhấn mạnh nỗi buồn. “Hoa bắp lay” thể hiện sự ra đi, lưu luyến vô vọng. Hình ảnh và nhịp điệu hòa quyện, khiến cuộc chia ly gió mây trở nên rõ nét và đau buồn.
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Câu hỏi “Có chở trăng về kịp tối nay?” từ “kịp” như phân cách đôi bờ, thể hiện nỗi lo sợ về thời gian ngắn ngủi còn lại trong cuộc đời. Mặc cảm chia ly thấm đẫm vào mọi vật, đó là tiếng khóc cho thân phận bị bỏ rơi. Đồng thời, khát khao níu giữ hiện lên rõ rệt. Bởi chỉ một mình trăng là đi ngược lại xu thế chảy của “mây” và “gió”. Từ “kịp” thể hiện sự lo âu, khát khao được gắn bó. Đây là niềm khát khao tha thiết, mãnh liệt và vô vọng. Khổ thơ này giúp ta cảm nhận tâm trạng hoài nghi, mong ngóng, đồng thời thể hiện khát vọng hòa mình giao cảm với thiên nhiên và con người.
Khổ thơ thứ ba vẽ rõ bức tranh tâm trạng của chủ thể trữ tình, đó là tâm trạng bâng khuâng, xót xa của một tâm hồn khao khát yêu thương và đồng điệu:
“Mơ khách đường xa, khách đường xa”
Từ “mơ” mở ra trạng thái vô thức, nhà thơ đang chìm trong mộng mơ. Điệp từ “khách đường xa” nhấn mạnh nỗi xót xa của nhà thơ, một hình bóng đẹp nhưng xa vời, không thể gặp gỡ.
“Áo em trắng quá nhìn không ra”
Sắc trắng được miêu tả cực tả, trắng đến nỗi không thể nhận ra. Biện pháp hoán dụ khiến màu sắc không còn là thực tại mà là màu của tâm tưởng.
“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”
“Ở đây” là hiện thực, nơi tác giả bị cách ly với thế giới bên ngoài. Từ “sương khói”, “mờ” nhấn mạnh sự nhạt nhòa, hư ảo, đó là giấc mộng của tác giả, mong muốn kết nối với cuộc đời nhưng không thể. Tất cả tạo nên bi kịch hiện thực, như nhà thơ đang bị lưu đày, xa rời thế giới bên ngoài.
“Ai biết tình ai có đậm đà?”
Đại từ phiếm chỉ “ai” lặp lại hai lần thể hiện tiếng gọi khát khao nhưng “khách đường xa” vẫn khuất bóng. Câu hỏi tu từ làm rõ tâm trạng đau khổ, hoài nghi. Bức tranh tâm trạng của nhà thơ là sự bâng khuâng, xót xa của một tâm hồn đang khao khát yêu thương và sự đồng điệu.
Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là bức tranh hoàn hảo về cảnh vật và con người thôn Vĩ. Ẩn sau bức tranh thiên nhiên là niềm khát khao giao cảm với cuộc đời bằng tình yêu sâu sắc đến đau đớn. Bài thơ không chỉ là một tác phẩm tình yêu đơn thuần mà còn chuyển tải những khát vọng về tình yêu, cuộc sống, và con người. Với những giá trị ấy, bài thơ sẽ mãi sống trong lòng những người yêu thơ Hàn Mặc Tử.
5. Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ 'Đây thôn Vĩ Dạ' - mẫu 8
“Thơ là âm nhạc của tâm hồn, đặc biệt là những tâm hồn nhạy cảm và đa cảm” và thơ của Hàn Mặc Tử chính là bản nhạc như vậy. Hàn Mặc Tử là một nhà thơ vĩ đại của phong trào Thơ mới, viết thơ không chỉ bằng chữ mà còn bằng cả trái tim, tình yêu thiên nhiên và quê hương. “Đây thôn Vĩ Dạ” trong tập “Thơ điên” là tác phẩm tiêu biểu thể hiện hồn thơ của ông. Khi đóng lại trang thơ, ấn tượng về tâm trạng nhân vật trữ tình hiện lên rõ ràng.
Bài thơ mở đầu bằng một câu hỏi tu từ vừa tình tứ vừa đầy gợi cảm:
“Sao anh không về thăm thôn Vĩ?”
Đó là lời mời gọi và cũng là sự trách móc nhẹ nhàng từ người mà ông luôn nhớ và chờ đợi. Chỉ với một câu thơ ngắn gọn, Hàn Mặc Tử đã đưa người đọc vào không gian vườn tược của xứ Huế mộng mơ:
“Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
……
Lá trúc che ngang mặt chữ điền?”
Qua cái nhìn của Hàn Mặc Tử, cảnh vật thiên nhiên hiện lên thật rực rỡ và vui tươi. Những hàng cau vươn cao đón ánh mặt trời, và từ “nắng” cùng so sánh “xanh như ngọc” gợi lên không gian với hình ảnh cành cây, ngọn cỏ, khóm lá tươi tốt, sáng bóng. Điểm nhấn là hình ảnh cô gái Huế duyên dáng được miêu tả qua câu thơ “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Tác giả khéo léo thể hiện nét đẹp duyên dáng, kín đáo của cô gái trong một khu rừng vui tươi. Những câu thơ tiếp theo mang đến một sắc thái buồn với gió, mây, dòng sông và hoa bắp:
“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”.
Trong thơ ca, gió và mây thường đi cùng nhau, nhưng ở đây chúng chia xa. Phải chăng điều đó phản ánh nỗi niềm chia lìa của nhân vật trữ tình? Dòng Hương Giang buồn bã và trôi lờ lững như tâm trạng u sầu của tác giả. Trước thiên nhiên u buồn, tác giả đặt câu hỏi tu từ:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Nhà thơ dù buồn bã vẫn không quên miêu tả vẻ đẹp của dòng sông trăng quê hương. Không gian trăng lấp lánh như là hiện thân của cuộc sống tươi đẹp mà tác giả khao khát. Câu hỏi “Có chở trăng về kịp tối nay?” vang lên đầy xót xa, thể hiện tâm trạng lo âu của nhà thơ. Qua đó, ta thấy một hồn thơ lãng mạn, yêu đời, nhưng cũng đầy buồn với quê hương. Nắng mới đã tan, sắc trăng đã tắt, nhân ảnh mờ ảo trong sương khói:
“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà”.
Hiện thực nghiệt ngã hiện lên rõ rệt. Trong khi “sương khói” thường gắn liền với tình cố hương thì giờ đây, trong màn khói sương là hình ảnh cô gái Huế trong trắng, kín đáo. Chữ “quá” vang lên xót xa, thể hiện sự tiếc nuối. Hàn Mặc Tử sống với những ký ức mờ nhạt của mình và tự trở nên xa lạ trong ký ức của chính mình. Câu hỏi tu từ ở cuối bài thơ làm tăng thêm nỗi cô đơn của nhà thơ, một con người yêu đời và yêu người tha thiết.
Đọc “Đây thôn Vĩ Dạ”, cảm xúc của nhân vật trữ tình là sự xao xuyến, bâng khuâng, nhớ nhung da diết. Nhờ đó, chúng ta thấy được bức tranh thiên nhiên và con người xứ Huế đẹp đẽ, và một thi sĩ với trái tim yêu thiên nhiên, đất nước đang bộc lộ tâm tư, cảm xúc của mình.
6. Phân tích cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ 'Đây thôn Vĩ Dạ' - mẫu 1
Hàn Mặc Tử nổi bật như một ngôi sao lấp lánh trong bầu trời đầy ánh sáng và các tinh tú kỳ diệu. Thơ của ông không chỉ thể hiện tình yêu sâu sắc đối với cuộc sống trần thế mà còn hướng đến những niềm tin thiêng liêng về Chúa Trời. Nhiều cách tiếp cận đã được đưa ra đối với kiệt tác 'Đây thôn Vĩ Dạ', nhưng tất cả đều công nhận rằng bài thơ diễn tả một tình yêu đơn phương, thơ mộng và trong sáng. Tuy nhiên, khó phủ nhận rằng Hàn Mặc Tử đã miêu tả rất tinh tế về vẻ đẹp của xứ Huế. Bài thơ chỉ có 3 khổ, tổng cộng 12 câu thất ngôn.
Bài thơ dường như là một lời trách móc nhẹ nhàng, gửi gắm từ nhân vật trữ tình, trong tâm trạng đầy nỗi nhớ:
Sao anh không về chơi thôn Vi?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên,
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền?
Nếu mỗi tình yêu đều gắn với một không gian và thời gian cụ thể, thì mỗi hình ảnh của nhân vật trong bài thơ này đều gợi nhớ về vườn tược và con người Vĩ Dạ, với những kỷ niệm khó quên. Hãy đến thăm thôn Vĩ vào một buổi sáng sớm, nằm bên bờ sông Hương êm đềm, chỉ cách trung tâm Huế khoảng một giờ đi bộ. Từ xưa, thôn Vĩ Dạ nổi tiếng với cây cối xanh tươi và những biệt thự nhỏ nhắn duyên dáng, hòa quyện trong màu xanh của cây lá. Thôn Vĩ Dạ cũng nổi tiếng như sông Hương, núi Ngự, chùa Thiên Mụ của xứ này. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Nguyễn Bính, Bích Khuê, Nguyễn Tuân đều có cảm hứng từ thôn Vĩ Dạ thơ mộng.
Vào buổi sáng sớm, nắng mới lung linh trên những hàng cau còn ướt sương đêm. Du khách từ xa sẽ thấy hàng cau trước tiên vì nó thường cao hơn các cây cối xung quanh. Đất đai Vĩ Dạ màu mỡ, được chăm sóc cẩn thận; vì vậy, cây cối ở đây xanh tốt và sạch sẽ như được tỉa gọt. Câu thơ:
Lá trúc che ngang mặt chữ điền?
Thật sự là một sáng tạo độc đáo. “Mặt chữ điền” gợi lên hình ảnh người dân có khuôn mặt vuông vức, thân hình khỏe mạnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh của câu thơ: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”, hình ảnh nổi bật là sự hòa hợp giữa con người và cảnh vật quê hương. Câu thơ khắc họa vẻ đẹp của thôn Vĩ: cảnh sắc tươi đẹp, con người hiền hòa và đầy sức sống.
Khổ thơ thứ hai tiếp nối cảm xúc từ khổ đầu, miêu tả cảnh sóng nước và mây trời xứ Huế, đồng thời bộc lộ niềm hoài vọng:
Gió theo lối gió mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu hoa bắp bay;
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Nhịp điệu dịu dàng của xứ Huế được thể hiện rõ: Gió và mây trôi nhẹ; sông Hương nước chảy lững lờ. Hoa bắp khẽ đung đưa theo gió. Khác với khổ thơ đầu, không gian khổ thơ này như một giấc mơ, ngập tràn ánh trăng. Nhà thơ không chỉ quan sát bằng mắt mà còn cảm nhận bằng thế giới tâm linh, không có sự phân biệt rõ ràng giữa thực và mộng. Câu hỏi:
“Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Thuyền trăng đã được nhiều thi nhân nhắc đến, nhưng “sông Trăng” có lẽ là sáng tạo của Hàn Mặc Tử. Trong những câu thơ này, có sự chờ đợi, hy vọng, và nỗi buồn man mác của nhà thơ, phản ánh tình yêu dịu dàng và sâu lắng. Ấn tượng này được nhà thơ làm nổi bật qua khổ thơ kết:
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Xứ Huế nổi tiếng với mưa và sương khói. Khổ thơ trên có vẻ tả thực, giống như các hình ảnh “hàng cau”, “lá trúc” và “hoa bắp” trước đó. Sương khói trắng, và áo em cũng trắng; vì vậy, nhà thơ chỉ thấy bóng người (nhân ảnh). Tuy nhiên, Hàn Mặc Tử, với tâm hồn lãng mạn, đã thể hiện sự bâng khuâng và nỗi đau trước một tình yêu huyền ảo. Tác giả cảm thấy hụt hẫng trước tình yêu đơn phương lung linh. Hàn Mặc Tử là người tài hoa, khao khát yêu thương nhưng bệnh tật đã cản trở một tình yêu trọn vẹn.
Nhà thơ sống cô độc, có lúc lênh đênh trên con thuyền nhỏ, có lúc khắc khoải bên núi, và cuối cùng nằm chờ cái chết ở Tuy Hòa. Thấu hiểu nỗi hờn dỗi của một tác giả tài năng, yêu xứ Huế sâu sắc, để viết về tình yêu và xứ Huế như vậy!
7. Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ 'Đây thôn Vĩ Dạ' - Mẫu 2
“Mở cửa nhìn trăng, trăng tái mặt,
Khép phòng đốt nến, nến rơi châu…”
Mấy ai đã từng say trăng như Hàn Mặc Tử? “Trăng sõng soài trên cành liễu - Đợi gió đông về để lả lơi…” (“Bẽn lẽn”) – Thi sĩ còn nói đến thuyền trăng, sông trăng. Cả một trời trăng mộng ảo, huyền diệu. Thơ Hàn Mặc Tử rợn ngợp ánh trăng, thể hiện tâm hồn “say trăng” với tình yêu tha thiết cuộc đời, vừa thực vừa mơ. Ông là một trong những nhà thơ lỗi lạc nhất của phong trào Thơ mới (1932-1941). Với 28 tuổi đời (1912-1940), ông để lại cho nền thơ ca dân tộc hàng trăm bài thơ và một số kịch thơ. Thơ của ông như trào ra máu và nước mắt, có không ít hình tượng kinh dị. Cũng chưa ai viết thơ hay về mùa xuân và thiếu nữ (“Mùa xuân chín”), về Huế đẹp và thơ (“Đây thôn Vĩ Dạ”) như Hàn Mặc Tử.
“Đây thôn Vĩ Dạ” rút trong tập “Thơ điên” xuất bản năm 1940, sau khi nhà thơ qua đời. Bài thơ nói rất hay về Huế, về cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, về con người xứ Huế, nhất là các cô gái duyên dáng, đa tình, đáng yêu – tình yêu thơ mộng say đắm, lung linh trong ánh sáng huyền ảo. Bài thơ giãi bày một nỗi niềm bâng khuâng, một khao khát về hạnh phúc của thi sĩ đa tình, có nhiều duyên nợ với cảnh và con người Vĩ Dạ.
Câu đầu “dịu ngọt” như một lời chào mời, vừa mừng vui hội, vừa nhẹ nhàng trách móc người thương biết bao nhớ đợi chờ. Giọng thơ êm dịu, đằm thắm và tình tứ: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”. Có mấy xa xôi. Cảnh cũ người xưa thấp thoáng trong vần thơ đẹp mang hoài niệm. Bao kỷ niệm sống dậy trong một hồn thơ. Nó gắn liền với cảnh sắc vườn tược và con người xứ Huế mộng mơ:
“Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền?”
Cảnh được nói đến là một sáng bình minh đẹp. Nhìn từ xa, say mê ngắm nhìn những ngọn cau, tàu cau ngời lên màu nắng mới, “nắng mới lên” rực rỡ. Hàng cau như đón chào người thân thương sau bao ngày xa cách. Hàng cau cao vút là hình ảnh thân thuộc thôn Vĩ Dạ từ bao đời nay. Quên sao được màu xanh cây lá nơi đây. Nhà thơ trầm trồ thốt lên khi đứng trước một màu xanh vườn tược thôn Vĩ Dạ: “vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Sương đêm ướt đẫm cây cỏ hoa lá. Màu xanh mỡ màng, non tơ ngời lên, bóng lên dưới ánh mai hồng, trông “mượt quá” một màu xanh như ngọc bích. Đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, con người cần cù chăm bón mới có “màu xanh như ngọc” ấy. Thiên nhiên rạo rực, trẻ trung và đầy sức sống. Cũng nói về màu xanh ngọc bích, trước đó (1938) Xuân Diệu đã từng viết: “Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá…” (“Thơ duyên). Hai chữ “vườn ai” đã gợi ra nhiều ngạc nhiên và man mác. Câu thứ tư tả thiếu nữ với khóm trúc vườn đầy đặn, phúc hậu. “Lá trúc che ngang” là một nét vẽ thần tình đã tô đậm nét đẹp của cô gái Huế duyên dáng, dịu dàng, kín đáo, tình tứ đáng yêu. Hàn Mặc Tử hơn một lần nói về trước và thiếu nữ. Khóm trúc như toả bóng xanh mát che chở cho một mối tình đẹp đang nảy nở:
“Thầm thì với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý nhị và thơ ngây”
(“Mùa xuân chín”)
Câu 3, 4 trong khổ thơ đầu tả cau, tả nắng, tả vườn, tả trúc và thiếu nữ với một gam màu nhẹ thoáng, ẩn hiện, mơ hồ. Đặc sắc nhất là hai hình ảnh so sánh và ẩn dụ. (xanh như ngọc mặt chữ điền) Cảnh và người nơi Vĩ Dạ thật hồn hậu, thân thuộc đáng yêu.
Vĩ Dạ - một làng quê nằm bên bờ Hương Giang, thuộc ngoại ô cố đô Huế. Vĩ Dạ đẹp với những con đò thơ mộng, những mảnh vườn xanh tươi bốn mùa, sum sê hoa trái. Những ngôi nhà xinh xắn thấp thoáng ẩn hiện sau hàng cau, khóm trúc, mà ở đây thường dìu dặt câu Nam ai, Nam bình qua tiếng đàn tranh, đàn thập lục huyền diệu, réo rắt. Thôn Vĩ Dạ đẹp nên thơ. Hàn Mặc Tử đã dành cho Vĩ Dạ vần thơ đẹp nhất với tất cả lòng tha thiết mến thương.
Khổ thơ thứ hai nói về cảnh trời mây, sông nước. Một không gian nghệ thuật thoáng đãng, mơ hồ, xa xăm. Hai câu 5, 6 là bức tranh tả gió, mây, dòng sông và hoa (hoa bắp). Giọng thơ nhẹ nhàng, thoáng buồn. Nghệ thuật đối tạo nên 4 bức cảnh hài hòa, cân xứng và sống động. Gió mây đôi ngả như mối tình nhà thơ, tưởng gần đấy mà xa vời, cách trở. Dòng Hương Giang êm trôi lờ lững, trong tâm tưởng thi nhân trở nên “buồn thiu”, nhiều bâng khuâng, man mác. Hoa bắp lay nhè nhẹ đung đưa trong gió thoảng. Nhịp điệu khoan thai thơ mộng của miền sông Hương, núi Ngự được diễn tả rất tinh tế. Các điệp ngữ luyến láy gợi nên nhiều vương vấn mộng mơ:
“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”.
Hai câu tiếp theo nhà thơ hỏi “ai” hay hỏi mình khi nhìn thấy hay nhớ tới con đò mộng nằm bến sông trăng. Sông Hương quê em trở thành sông trăng. Hàn Mặc Tử với tình yêu Vĩ Dạ mà sáng tạo nên vần thơ đẹp nói về dòng sông Hương với những con đò dưới vầng trăng. Nguyễn Công Trứ đã từng viết: “Gió trăng chứa một thuyền đầy”. Hàn Mặc Tử cũng góp cho nền thơ Việt Nam hiện đại một vần thơ trăng độc đáo:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Thuyền em hay “thuyền ai” vừa thân quen, vừa xa lạ. Tâm hồn nhà thơ xao xuyến khi nhìn sông trăng và con thuyền. Thuyền em hay “thuyền ai” vừa thân quen, vừa xa lạ. Chất thơ mộng ảo “Đây thôn Vĩ Dạ” là ở những thi liệu ấy. Câu thơ gợi tả một hồn thơ đang rung động trước vẻ đẹp hữu tình của xứ Huế miền Trung, nói lên một tình yêu kín đáo, dịu dàng, thơ mộng và thoáng buồn.
Khổ thơ thứ ba nói về cô gái xứ Huế và tâm tình thi nhân. Đương thời nhà thơ Nguyễn Bính đã viết về thiếu nữ sông Hương: “Những nàng thiếu nữ sông Hương – Da thơm là phấn, má hường là son”…Vĩ Dạ mưa nhiều, những buổi sớm mai và chiều tà phủ mờ sương khói. “Sương khói” trong Đường thi thường gắn liền với tình cố hương. Ở đây sông khói làm nhòa đi, mờ đi áo trắng em, nên anh nhìn mãi vẫn không ra hình dáng em (nhân ảnh). Người thiếu nữ Huế thoáng hiện, trắng trong, kín đáo và duyên dáng. Gần mà xa. Thực mà mơ. Câu thơ chập chờn, bâng khuâng. Ta đã biết Hàn Mặc Tử từng có một mối tình với một thiếu nữ Huế mang tên một loài hoa đẹp. Phải chăng nhà thơ muốn nói về mối tình này?
“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà”.
“Mơ khách đường xa, khách đường xa ai biết…ai có…” các điệp ngữ luyến láy ấy tạo nên nhạc điệu sâu lắng, dịu buồn, mênh mang. Người đọc thêm cảm thương cho nhà thơ tài hoa, đa tình mà bạc mệnh, từng say đắm với bao mối tình nhưng suốt cuộc đời phải sống trong cô đơn bệnh tật.
Cũng cần nói đôi lời về chữ “ai” trong bài thơ này. Cả 4 lần chữ “ai” xuất hiện đều mơ hồ ám ảnh: “vườn ai mướt quá xanh như ngọc?” – “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó?” – “Ai biết tình ai có đậm đà?”. Con người mà nhà thơ nói đến là con người xa vắng, trong hoài niệm bâng khuâng. Nhà thơ luôn cảm thấy mình hụt hẫng, chơi với trước một mối tình đơn phương mộng ảo. Một chút hi vọng mong manh mà tha thiết như đang nhạt nhòa và mờ đi cùng sương khói?
Hàn Mặc Tử đã để lại cho ta một bài thơ tình thật hay. Cảnh và người, mộng và thực, say đắm và bâng khuâng, ngạc nhiên và thẫn thờ bao hình ảnh và cảm xúc đẹp hội tụ trong ba khổ thơ thất ngôn, câu chữ toàn bích.Cảm nhận tâm trạng của nhân vật trữ tình trong Đây thôn Vĩ Dạ bằng sự thấu hiểu, cảm thông chúng ta có thể thấy đây là một bài thơ tình tuyệt tác. Cái màu xanh như ngọc của vườn ai, con thuyền ai trên sông trăng, và cái màu trắng của áo em như đang dẫn hồn ta đi về miền sương khói của Vĩ Dạ thôn một thời xa vắng:
“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”
8. Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong 'Đây thôn Vĩ Dạ' - Mẫu 3
Ông Quách Tấn, người bạn thân thiết và hiểu biết sâu sắc về nhà thơ Hàn Mặc Tử, cho rằng bài thơ 'Đây thôn Vĩ Dạ' được sáng tác vào năm 1939, ngay sau khi tác giả nhận được một bức bưu ảnh cùng lời hỏi thăm sức khỏe từ cô Hoàng Cúc – người yêu cũ. Chính lời hỏi thăm ấy đã khơi dậy nguồn cảm hứng thơ ca trong tâm trí Hàn Mặc Tử, khi ông đang trải qua thời kỳ khó khăn nhất của cuộc đời.
Bài thơ được chia thành ba đoạn, mỗi đoạn thể hiện một sắc thái cảm xúc khác nhau, được nhuộm bởi những gam màu cảm xúc phong phú.
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Âm điệu và giọng thơ từ những vần đầu tiên của bài thơ đóng vai trò quan trọng, quyết định âm hưởng xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Mặc dù âm hưởng và nhạc điệu có thể biến đổi ở những đoạn sau, nhưng cấu thanh đó vẫn chi phối mạnh mẽ cảm xúc của người đọc cũng như của nhân vật trữ tình. Cảm xúc chủ đạo là sự sống dậy của quá khứ trong miền ký ức, với nỗi xao xuyến, bâng khuâng, và nỗi nhớ nhung da diết.
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Câu thơ lắng lại với một sức mạnh cảm xúc mãnh liệt, nỗi buồn len lỏi trong từng chữ, hòa quyện với mặc cảm chia ly và nỗi sầu của Mặc Tử. Không gian trong bài thơ phản ánh tâm trạng cô đơn, phiêu bạt: gió bay đi, mây trôi, sông lặng lờ chảy về miền xa. Sự tương phản giữa gió và mây, gió và mây không thể tách rời, tạo nên một hiện thực ngang trái và trớ trêu. Khung cảnh thiên nhiên, dù đẹp đẽ, vẫn không thể làm giảm đi nỗi buồn của thi nhân; hoa bắp, mặc dù có mặt, vẫn mang đậm nỗi cô đơn, sự chia lìa. Trong hoa bắp phản ánh cuộc đời cô đơn, lẻ loi của Hàn Mặc Tử, chỉ có trăng mới có thể lội ngược dòng và trở thành bạn đồng hành với thi nhân.
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay
Một câu hỏi không có hồi đáp, nỗi cô đơn nối tiếp nhau, với những đợi chờ khắc khoải. Thuyền trăng và sông trăng trở nên huyền ảo và lãng mạn, trăng là niềm hy vọng duy nhất cho nỗi sầu của thi nhân. Nỗi buồn từ những vần thơ đầu giờ đã trở thành 'nỗi niềm'. Phức cảm chủ đạo trong đoạn thơ này là sự tuyệt vọng và buồn thảm, xuất phát từ sự cô đơn không lối thoát.
Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà…
Hai câu thơ đầu miêu tả khoảnh khắc bâng khuâng, mơ mộng trong cõi mộng, tìm kiếm bóng hình của một ảo ảnh trên con thuyền chở trăng, với khát vọng tìm ra 'chân ảnh' của thi nhân lạc lõng. Mặc dù cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, nhưng mộng đẹp cũng sẽ tàn, và thực tại lại tràn về. Mọi hình ảnh hư ảo đều tan biến trong sương khói: ánh sáng của những vần thơ trước đã mờ nhạt, sắc trăng đã tắt, và nhân ảnh trở nên mờ ảo. Chữ 'quá' như mang nỗi xót xa trong sự chia ly. Sắc trắng trong thơ Hàn Mặc Tử là màu sắc quyền lực nhất, mang một ý nghĩa sâu sắc.
Đi tìm cái đẹp trong cõi thực, cõi thực lại hờ hững. Đi tìm sự đồng cảm trong cõi mộng, cõi mộng lại mù mịt. Đó là logic tâm trạng của một cái tôi ham sống trong 'Đây thôn Vĩ Dạ', khi cảnh vật lúc gần, lúc xa, lúc thực, lúc hư ảo. Sắc điệu tiếng nói trữ tình thay đổi từ âm u đến chói lạnh, phản ánh tiếng lòng khắc khoải của Hàn Mặc Tử, vừa đẹp đẽ vừa đau đớn tận cùng.