Khi viết một bài hay đoạn văn, việc kiểm tra lại bài viết là hết sức quan trọng. Đặc biệt trong IELTS Writing, việc soát và chỉnh sửa lại các lỗi sai có thể giúp thí sinh cải thiện được điểm số. Trong bài viết này, tác giả sẽ đề cập tới 9 điều người học cần lưu ý khi rà soát lại bài viết của mình.
Key takeaways:
Overall Structure (Cấu trúc của bài văn) bao gồm ba phần: Introduction (Mở đoạn) – Body (Thân đoạn) – Conclusion (Kết đoạn). Việc triển khai đoạn văn theo đúng tiêu chuẩn sẽ giúp các luận điểm được trình bày rõ ràng, có trật tự và dễ hiểu.
Coherence (Tính mạch lạc) là yếu tố thứ 2 cần rà soát, người viết cần đảm bảo tính rõ ràng, trôi chảy trong bài viết.
Style (Văn phong) sử dụng trong IELTS Writing là Academic Writing (Văn viết học thuật).
Áp dụng trơn tru và thành thạo 5 thì (Tenses) cơ bản, bao gồm: Hiện tại đơn (Present Simple) – Hiện tại tiếp diễn (Present Continuous) – Hiện tại hoàn thành (Present Perfect) – Quá khứ đơn (Past Simple) – Tương lai đơn (Future Simple).
Đảm bảo sử dụng đúng giới từ (Prepositions) đi kèm với từ vựng để có collocation hoàn chỉnh và chính xác.
Lưu ý cách sử dụng ba mạo từ (Articles) “A, An, The” sao cho chính xác, đúng quy tắc.
Người viết phải chia động từ theo đúng nguyên tắc để đảm bảo sự hòa hợp giữa Chủ ngữ - Động từ (Subject – Verb Agreement)
Viết đúng chính tả (Spelling) để đảm bảo tính chính xác, ngữ nghĩa và mục đích truyền tải tới người đọc.
Punctuation (Dấu câu) là các ký tự để ngắt nghỉ, biểu thị quan hệ ngữ pháp, mục đích diễn đạt của câu văn. Có khoảng 13 loại dấu thường gặp, mỗi loại có một chức năng và cách sử dụng khác nhau.
Những lưu ý cần kiểm tra trong bài viết IELTS Writing
Cấu trúc tổng quan: (Overall Structure) (Cấu trúc bài văn)
Một bài văn hoàn chỉnh sẽ được triển khai theo một cấu trúc tiêu chuẩn, bao gồm ba phần: Introduction (Mở đoạn) – Body (Thân đoạn) – Conclusion (Kết đoạn). Khi kết thúc mỗi phần, người viết cần chấm hết đoạn và xuống dòng để đảm bảo tính chính xác và tính thẩm mỹ cho bài viết.
Introduction (Mở đoạn): Khái quát, cung cấp những thông tin cơ bản, bối cảnh (background) về chủ đề cần thiết. Có hai cách mở bài thông dụng: Mở bài trực tiếp (Đi thẳng vào vấn đề bàn luận) và Mở bài gián tiếp (Đưa ra một số ý kiến liên quan để dẫn tới vấn đề bàn luận).
Body (Thân đoạn): Một bài thi IELTS Writing thường sẽ gồm 2-3 thân đoạn, mỗi đoạn sẽ triển khai, phát triển và đi sâu vào những luận điểm chính (thesis statement), đồng thời đưa ra những dẫn chứng, ví dụ (nếu có). Các ý chính phải được sắp xếp theo một trật tự logic, hợp lý và đảm bảo người đọc dễ hiểu và nắm bắt. Một điều cần lưu ý thêm là ở đầu mỗi thân đoạn cần đưa ra Topic Sentence (Câu chủ đề) nhằm khái quát luận điểm sẽ triển khai để người đọc dễ dàng nắm bắt.
Conclusion (Kết đoạn): Kết nối các ý chính và làm nổi bật ý kiến, quan điểm của người viết với chủ đề. Trong một số trường hợp, phần cuối đoạn sẽ đưa ra cách giải quyết, những giải pháp phù hợp với những vấn đề đang bàn luận.
Việc phân chia đoạn rõ ràng sẽ giúp các ý được triển khai theo đúng hướng, đồng thời, người học sẽ tập trung, dễ hiểu và không bị mất dấu khi đọc các luận điểm.
Liên kết (Coherence)
Coherence (Tính mạch lạc) là một trong bốn tiêu chí chấm điểm IELTS Writing. Thí sinh cần thể hiện sự rõ ràng trong các thông tin, luận điểm của bài viết. Đây là một yếu tố quan trọng trong Academic Writing bởi nếu một bài viết thiếu đi sự liên kết, người đọc sẽ mơ hồ và khó hình dung được những luận điểm mà tác giả muốn truyền tải. Tính mạch lạc phải được thể hiện xuyên suốt, cụ thể ở ba cấp độ:
Trong tổng thể bài viết (Discourse): Chia bố cục hợp lý giữa các đoạn văn để người đọc dễ nắm bắt nội dung chính toàn bài.
Trong đoạn văn hoặc giữa các câu văn (Inter-sentence): Mỗi đoạn sẽ bao hàm từng luận điểm, củng cố và làm tăng tính thuyết phục cho chủ đề bàn luận. Ngoài ra các câu văn trong đoạn cần được sắp xếp theo đúng trật tự, hợp lý.
Trong một câu văn (Intra-sentence): Mỗi câu văn mang một chức năng khác nhaunhau (câu chủ đề, câu kết,...) trong việc diễn đạt ý của đoạn văn.
Để kiểm tra một bài viết có nội dung mạch lạc hay không, người học cần dựa trên ba yếu tố cơ bản sau:
Tính hoàn chỉnh (Completeness): Các ý đưa vào bài phải được triển khai đầy đủ thông qua các thao tác lập luận: bình luận, phân tích,...
-
Tính cân bằng (Balanced): Người viết cần đảm bảo sự cân đối khi triển khai các luận điểm, tránh việc có một ý tưởng được lập luận chi tiết, có sức nặng hơn hẳn các ý còn lại trong bài.
Tính liên tục (Continuity): Các luận cứ, ý kiến cá nhân, ví dụ và dẫn chứng cần có sự liên kết chặt chẽ về mặt nội dung.
Phong cách (Style)
Academic Writing (Văn phong học thuật) là thể loại văn áp dụng từ bậc giáo dục Đại học trở lên, đặc biệt trong các lĩnh vực nghiên cứu. Đây cũng là phong cách viết được sử dụng khi viết một bài IELTS Writing Task 2. Có 10 nguyên tắc cơ bản mà thí sinh cần nắm chắc khi triển khai một bài viết mang hướng học thuật (Whitaker, 2009):
Mục đích rõ ràng (Clear Purpose): Mục đích triển khai trong bài có tính nâng cao kiến thức, được phân tích sâu và có thuyết phục.
Kết nối với người đọc (Audience Engagement): Văn viết học thuật phải hướng tới một bộ phận độc giả cụ thể, quan tâm tới chủ đề đang bàn luận.
Luận điểm rõ ràng (Clear Point of View): Người viết cần đưa ra những luận điểm, quan điểm cá nhân rõ ràng để làm rõ nội dung toàn bài.
Tập trung (Single focus): Từng đoạn văn, câu văn trong bài đều phải làm nổi bật cho chủ đề toàn bài.
Cấu trúc hợp lý (Logical Organization): Bài viết cần tuân theo cấu trúc tiêu chuẩn, đầy đủ ba phần: Introduction (Mở đoạn) - Body (Thân đoạn) - Conclusion (Kết đoạn)
Dẫn chứng thuyết phục (Strong Support): Các ví dụ, quan điểm, trải nghiệm cá nhân,... được đưa ra nhằm hỗ trợ, tăng sức thuyết phục cho luận điểm lớn.
Giải thích rõ ràng và hoàn thiện (Clear and Complete Explanations): Mọi thông tin trong bài viết cần được giải thích cặn kẽ, không gây khó hiểu cho người đọc.
Sử dụng các nghiên cứu một cách hiệu quả (Effective Use of Research): Người viết sử dụng những nguồn tham khảo chất lượng, uy tín và có độ chính xác cao, nhằm đưa đến thông tin chính xác nhất tới độc giả.
Phong cách trích dẫn đúng (Correct Citation Style): Các nguồn trích dẫn, tham khảo phải được triển khai theo đúng quy chuẩn của một phong cách trích dẫn (ví dụ: một trong những phong cách như MLA, APA, Harvard, Chicago, v.v.)
Văn phong (Writing Style): Thí sinh cần tránh viết tắt, những từ lóng, informal, idioms, hay sử dụng ngôi viết thứ ba.
Thì (Tense)
Việc sử dụng chính xác thì (tense) trong hai phần thi Viết là một điều thiết yếu, ảnh hưởng ít nhiều tới tiêu chí “Grammatical Range and Accuracy”. Với IELTS Writing, người học không nhất thiết phải sử dụng 12 thì cơ bản, thay vào đó hãy nắm chắc và ứng dụng thành thạo 5 thì sau:
Hiện tại đơn (Present Simple): Diễn tả một sự thật, quy luật tự nhiên, thói quen.
Hiện tại tiếp diễn (Present Continuous): Diễn tả hành động diễn ra tại thời điểm nói/ viết, sự việc xảy ra trong tương lai gần, kế hoạch được lên lịch trình trước hay để nhấn mạnh tính chất đang diễn ra của một hiện tượng.
Hiện tại hoàn thành (Present Perfect ): Diễn tả một hành động xảy ra trong quá khứ những có tác động/ vẫn tiếp tục xảy ra trong tương lai.
Quá khứ đơn (Past Simple): Diễn tả sự việc đã xảy ra và kết thúc trong quá khứ, đi kèm với các mốc thời gian cụ thể.
Tương lai đơn (Future Simple ): Diễn tả hành động có thể xảy ra trong tương lai.
Để luyện tập và nâng cao kiến thức về thì, tác giả muốn gợi ý cuốn Understanding English Grammar - Tenses: Giải Thích Ngữ Pháp Tiếng Anh Cơ Bản - Thì Tiếng Anh - được biên soạn kĩ lưỡng bởi đội ngũ giáo viên Mytour. Sách sẽ bao gồm phần giải thích, cách sử dụng cũng như bài tập của các thì trong tiếng Anh, từ đó người học có thể sử dụng chính xác và hợp lý.
Understanding English Grammar Tenses
Giới từ (Preposition)
Preposition (Giới từ) là những từ chỉ thời gian, vị trí,… có vai trò gắn kết các từ, đại từ hay cụm từ để giúp người học hiểu rõ ngữ cảnh. Một số giới từ quen thuộc như là: in, on, with, about,...
Có 8 loại giới từ cần nắm bắt, cụ thể:
Giới từ chỉ thời gian (Prepositions of time): Miêu tả thời điểm hay khoảng thời gian mà một sự việc diễn ra
Giới từ chỉ vị trí (Prepositions of place): Miêu tả vị trí, nơi chốn của một sư vật hay nơi một hành động xảy ra.
Giới từ chỉ sự chuyển động (Prepositions of movement): Miêu tả cách thức di chuyển của một sự vật
Giới từ chỉ tác nhân (Prepositions of manner): Miêu tả một người/ vật gây ra một sự việc nào đó.
Giới từ chỉ sự đo lường (Prepositions of measure): Biểu thị số lượng của một sự vật.
Giới từ chỉ cách thức, công cụ (Prepositions of agent or instrument): Miêu tả các loại máy móc, thiết bị công nghệ,..
Giới từ chỉ quan hệ (Prepositions of possession): Miêu tả tính sở hữu, mối liên hệ giữa những đối tượng trong câu văn.
Giới từ chỉ nguồn gốc (Prepositions of source): Miêu tả nguồn gốc của một người, sự vật.
Khi viết bài, người học cần chắc chắn sử dụng đúng từ vựng và giới từ đi kèm để tạo thành một collocation hoàn chỉnh. Một trang web để check giới từ đi kèm theo từ vựng mà tác giả muốn giới thiệu có tên là OZDIC.COM - English collocation dictionary. Đây là phần mềm có dưới dạng trang web cũng như ứng dụng điện thoại, người dùng chỉ cần nhập từ vựng muốn tra, trang web sẽ đưa ra những collocation chính xác, thích hợp dùng cho IELTS, TOEFL hay PTE writing.
Mạo từ (Articles)
Mạo từ “A, An, The” là những từ đứng trước và cho biết danh từ đề cập tới đối tượng xác định hay không xác định. Hay nói một cách khác, mạo từ chính là một loại tính từ. “A, An” là hai mạo từ sử dụng cho danh từ xác định, trong khi “the” có thể dùng cho cả danh từ xác định lẫn không xác định. Mỗi mạo từ lại có những trường hợp sử dụng khác nhau, người học cần đặc biệt lưu tâm để sử dụng chính xác:
Về “A/ An”:
Trường hợp 1: Lần đầu đề cập tới một đối tượng trong bài
Trường hợp 2: Khi viết những cụm từ chỉ/ mô tả về lượng
Trường hợp 3: Đề cập về đối tượng đại diện cho nhóm đối tượng cùng loại
Về “The”:
Trường hợp 1: Danh từ được xác định hoặc đã đề cập từ trước trong bài
Trường hợp 2: Một số danh từ đặc biệt
Trường hợp 3: Cấu trúc “So sánh nhất”
Trường hợp 4: Với một số cấu trúc câu nhất định
Hòa hợp giữa Chủ ngữ - Động từ (Subject – Verb Agreement)
“Sự hòa hợp giữa Chủ ngữ và Động từ” nghĩa là chủ ngữ và động từ chính trong câu phải sử dụng đúng theo quy tắc. Có thể nói đây là lỗi phổ biến trong các bài viết, thí sinh thường phân vân, bối rối trong việc chia động từ sao cho chính xác, hòa hợp với chủ ngữ trong câu.
Theo quy tắc, chủ ngữ số ít (He/ She/ It) sẽ đi với động từ số ít (chia ở dạng V-s/es), và ngược lại, nếu là chủ ngữ số nhiều (I/ You/ We/ They) thì động từ phải ở dạng nguyên thể. Có tổng cộng trên 10 quy tắc từ cơ bản tới nâng cao trong chủ điểm ngữ pháp này mà người học phải nắm bắt.
Chính tả (Spelling)
Chính tả là một nhân tố quan trọng của ngôn ngữ viết. Mắc lỗi chính tả gây sự thay đổi về nghĩa, khó hiểu đối với giám khảo. Có 4 loại lỗi sai chính tả mà người viết hay mắc phải:
Viết thiếu các chữ cái trong từ (Omission Errors)
Thay thế các chữ cái trong từ (Substitution Errors)
Viết thừa chữ cái (Insertion Errors)
Do sự tác động của tiếng mẹ đẻ lên ngôn ngữ đang học (Ambiguous Errors)
Để khắc phục lỗi viết sai chính tả, người học có thể tạo ra một danh sách từ bản thân gặp khó khăn hay thường viết sai và luyện tập viết thường xuyên. Ngoài ra, nếu cần kiểm tra lỗi chính tả của một đoạn/ bài văn dài, người ôn có thể sử dụng phần mềm miễn phí Grammarly, trang web sẽ tự động rà soát và phát hiện, cũng như đề xuất cách sửa lại dùng cho người sử dụng.
Dấu câu (Punctuation)
Dấu câu là hệ thống các ký hiệu được đặt ở giữa hoặc cuối câu, giúp người đọc biết được cấu tạo, cách ngắt nghỉ từng phần, biểu thị những quan hệ về ngữ pháp và cách diễn đạt giữa các câu văn. Một số dấu câu phổ biến có thể kể tới như:
Dấu phẩy , (The comma)
Dấu chấm . (The full stop)
Dấu chấm than ! (The exclamation mark)
Dấu chấm hỏi ? (The question mark)
Dấu chấm phẩy ; (The semicolon)
Dấu hai chấm : (The colon)
Dấu ngoặc kép “ “ (Quotation marks)
Dấu gạch ngang - (The hyphen)
Dấu ngoặc tròn ( ) (Round brackets)
Dấu ngoặc vuông [ ] (Square brackets)
Dấu gạch chéo / (The slash)
Dấu nháy đơn ‘ (The apostrophe)
Dấu ba chấm … (Ellipsis mark)
Việc sử dụng dấu câu dường như đơn giản, nhưng thực tế đây là một trong những sai lầm phổ biến mà thí sinh thường gặp trong phần thi Viết. Người học cần đảm bảo hiểu rõ cách sử dụng và mục đích của từng loại dấu để sử dụng chính xác, đúng ngữ cảnh.
Một công cụ viết gợi ý mà người học có thể sử dụng để kiểm tra độ chính xác trong việc sử dụng dấu câu là: Công cụ Kiểm tra Dấu Câu Miễn Phí - Writer. Đây là một trang web hoàn toàn miễn phí, người dùng chỉ cần sao chép đoạn văn cần sửa vào ô “Nhập”, sau đó hệ thống sẽ tự động phát hiện lỗi và đưa ra cách sử dụng chính xác.
Giao diện của Công cụ Kiểm tra Dấu Câu Miễn Phí - Writer rất đơn giản và thân thiện với người dùng.