ABS là một trong những tính năng an toàn quan trọng được trang bị trên ô tô, giúp ngăn chặn việc xe trượt bánh, quay vòng và duy trì khả năng kiểm soát hướng lái.
ABS là gì?
ABS (viết tắt của Anti-lock Brake System) - hệ thống chống bó cứng phanh là một trong những tính năng an toàn quan trọng trên ô tô, hỗ trợ tài xế trong việc lái xe an toàn hơn.
Đơn giản, hệ thống chống bó cứng phanh ABS giúp tài xế không cần phải nhấp/nhả phanh liên tục để kiểm soát tốc độ trong các tình huống khẩn cấp, hệ thống này tự động điều chỉnh và kiểm soát tốc độ, ngăn chặn trượt bánh hoặc quay vòng. Theo chuyên gia kinh nghiệm lái xe, hầu hết các xe hiện đại đều trang bị hệ thống này như một trang bị an toàn tiêu chuẩn tối thiểu.

Nhiều dòng xe Toyota hiện nay đều được trang bị hệ thống chống bó cứng phanh ABS. (Ảnh: Ngô Minh)
Bản vẽ cấu trúc của hệ thống chống bó cứng phanh ABS
Hệ thống chống bó cứng phanh ABS bao gồm 4 phần chính: cảm biến tốc độ, van thủy lực, bơm thủy lực và trung tâm điều khiển điện tử (ECU).

Bản vẽ cấu trúc của hệ thống chống bó cứng phanh ABS. (Ảnh: Internet)
Nguyên lý hoạt động của hệ thống chống bó cứng phanh ABS
Khi một hoặc nhiều bánh xe quay chậm hơn so với các bánh khác, cảm biến trên bánh xe nhận biết sự khác biệt và gửi tín hiệu tới trung tâm điều khiển.
Trung tâm điều khiển kích hoạt hệ thống ABS, điều chỉnh áp suất phanh thông qua bơm và van thủy lực sao cho bánh xe không bị bó cứng. Cơ chế tương tự được áp dụng khi một bánh quay nhanh hơn các bánh khác.

Hệ thống ABS giúp tăng cường kiểm soát lái xe. (Ảnh: Internet)
Kể từ khi hệ thống ABS được sử dụng, người lái xe có cảm giác an toàn hơn khi lái xe trên đường. Đặc biệt, hệ thống này giúp giảm thiểu số lượng tai nạn giao thông và làm giảm tổn thất do phanh bị bó cứng.
Tuy nhiên, ABS không thể thay thế hoàn toàn vai trò của người lái trong việc kiểm soát và duy trì tốc độ của xe. Vì vậy, tài xế không nên lơi là và luôn cần lái xe một cách cẩn thận để đảm bảo an toàn cho bản thân và hành khách trên xe.