Các doanh nghiệp quyết định áp dụng ChatGPT để nâng cao năng lực lao động hay đơn giản chỉ để giảm chi phí và công việc.
ChatGPT mang lại lợi ích chung hay tăng cường sự chênh lệch?
Tiến sĩ kinh tế Brynjolfsson từ Đại học Stanford đã lưu ý rằng chúng ta có thể đang trải qua một thập kỷ xuất sắc nhất từ trước đến nay nếu công nghệ được áp dụng 'đúng cách'. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng những nhà phát triển trí tuệ nhân tạo đang quá tập trung và chỉ muốn sao chép trí tuệ con người thay vì tìm cách sử dụng công nghệ để mở ra những khả năng mới cho con người.
Ông lập luận rằng việc theo đuổi các khả năng 'sao chép con người' đã dẫn đến việc công nghệ chỉ đơn giản thay thế con người bằng máy móc, gây thêm thất nghiệp, giảm lương và gia tăng bất công về tài sản và thu nhập. Sự xuất hiện của ChatGPT đã mở ra một cuộc thảo luận về cách sử dụng các công nghệ mới để mang lại cho con người những khả năng mới, thay vì chỉ đơn giản là 'thay thế' con người và liệu các mô hình này có mang lại lợi ích và thịnh vượng cho đại đa số hay không?
Trong vài năm gần đây, đặc biệt trong những tháng vừa qua, một 'cơn sốt tìm kiếm trí tuệ nhân tạo' đã bắt đầu khai thác các cơ hội kinh doanh mà các mô hình trí tuệ nhân tạo như ChatGPT mang lại. Với sự hỗ trợ từ các nhà phát triển ứng dụng, các startup được đầu tư và một số tập đoàn lớn nhất thế giới, nhiều doanh nghiệp và các nhà quản lý đang nhìn thấy rõ cơ hội để kiếm tiền, trong khi tác động của công nghệ chatbox đối với lao động và nền kinh tế chưa rõ ràng như mong đợi.
Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kinh ngạc trong trí tuệ nhân tạo và các công cụ số trong thập kỷ qua, nhưng tác động của chúng trong việc cải thiện sự thịnh vượng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên diện rộng, theo một số chuyên gia, vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Một số nhà đầu tư và doanh nhân trở nên vô cùng giàu có, nhưng hầu hết mọi người không hưởng lợi từ điều đó, thậm chí một số lao động đã mất việc vì tự động hóa.
The Economist cho rằng thực tế trong thời gian gần đây, mức tăng năng suất chỉ được đạt được ở một số lĩnh vực, trong đó có dịch vụ thông tin, và rõ nhất là ở một số thành phố của Mỹ như San Jose, San Francisco, Seattle và Boston. Kết quả là do miếng bánh kinh tế không tăng trưởng nhiều đã khiến tiền lương của nhiều bộ phận nhân công bị trì trệ suốt trong nhiều thập kỷ qua.
Liệu ChatGPT có làm cho sự bất bình đẳng về thu nhập và sự giàu có vốn đã đáng lo ngại ở một số nền kinh tế hàng đầu trở nên tồi tệ hơn không? Hay nó có thể sẽ hỗ trợ đảo ngược quá trình này?
Giải quyết vấn đề bất bình đẳng của trí tuệ nhân tạo?
Các nhà đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư khác đang đổ hàng tỷ đô la vào các công ty dựa trên trí tuệ nhân tạo AI và danh sách các ứng dụng và dịch vụ được thúc đẩy bởi các mô hình như ChatGPT đang ngày một dài ra. Việc các công nghệ kỹ thuật số mới có thể đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng đã khiến các nhà khoa học tạo ra AI cần phải đưa ra lựa chọn tốt hơn.
Quan điểm tích cực về AI luôn cho rằng nó sẽ là một công cụ mạnh mẽ cho nhiều người lao động nâng cao năng lực và chuyên môn, qua đó tạo động lực chung cho nền kinh tế. Nhưng điều lo ngại là các công ty sẽ đơn giản thay thế các công việc giản đơn, lặp đi lặp lại bằng các quy trình tự động hóa, một phần các công việc đang được trả lương cao, đòi hỏi kỹ năng sáng tạo và suy luận logic, kết quả dẫn đến là một số công ty công nghệ cao và giới tinh hoa công nghệ thậm chí sẽ giàu lên nhanh chóng, nhưng nó đóng góp rất ít cho phúc lợi và thịnh vượng kinh tế nói chung.
Về phía các doanh nghiệp ứng dụng AI, câu hỏi đặt ra là các công ty quyết định sử dụng ChatGPT để hỗ trợ người lao động có nhiều năng lực hơn hay đơn giản chỉ là cắt giảm việc làm và cắt giảm chi phí. Khi tác động tiềm tàng của AI đối với nền kinh tế và việc làm ngày càng trở nên rõ ràng, câu hỏi tiếp theo sẽ là ai sẽ xác định tầm nhìn về cách thiết kế và triển khai những công cụ này? Ai sẽ kiểm soát tương lai của công nghệ tuyệt vời này? Chính phủ hay tư nhân?
Diane Coyle, một nhà kinh tế tại Đại học Cambridge ở Anh, cho biết mối lo ngại hiện nay là khả năng các mô hình như ChatGPT bị chi phối bởi chính các công ty lớn thống trị phần lớn thế giới kỹ thuật số. Google và Meta đang cung cấp các mô hình ngôn ngữ lớn của riêng họ cùng với OpenAI và với chi phí tính toán rất lớn để chạy phần mềm đang tạo ra rào cản gia nhập đối với bất kỳ ai muốn cạnh tranh. Ví dụ cụ thể về mối quan ngại này là đối với các công ty có “mô hình kinh doanh dựa vào quảng cáo” tương tự nhau.
Do đó, để ngăn chặn sự độc quyền, cần thiết phải có một tổ chức nghiên cứu toàn cầu về trí tuệ nhân tạo được tài trợ công khai, được mô hình hóa theo CERN (tổ chức nghiên cứu chính phủ liên chính phủ của Châu Âu có trụ sở tại Geneva, nơi World Wide Web được tạo ra vào năm 1989). Tổ chức này sẽ được trang bị sức mạnh tính toán khổng lồ cần thiết để chạy các mô hình và chuyên môn khoa học để phát triển công nghệ xa hơn nữa.
Mặc dù vẫn chưa rõ chính sách công nào sẽ đảm bảo rằng các mô hình như ChatGPT phục vụ tốt nhất cho lợi ích công, nhưng rõ ràng là các quyết định về cách chúng ta sử dụng công nghệ không thể chỉ dành cho một số công ty thống trị và thị trường.
Đấu tranh quyền lực - Vai trò của Nhà nước và Chính sách công
Lịch sử đã có nhiều ví dụ về tầm quan trọng của nghiên cứu do chính phủ tài trợ trong việc phát triển các công nghệ mang lại sự thịnh vượng rộng rãi. Các nhà kinh tế học của MIT là Daron Acemoglu và Simon Johnson đã mô tả khá thuyết phục về lịch sử của tiến bộ công nghệ và vai trò của nó trong việc tạo ra sự thịnh vượng rộng rãi. Quan điểm của họ là cần phải có định hướng tiến bộ công nghệ theo cách mang lại lợi ích rộng rãi, chứ không chỉ làm cho giới thượng lưu trở nên giàu có hơn.
Từ những thập kỷ sau Chiến tranh thế giới thứ hai cho đến đầu những năm 1970, nền kinh tế Hoa Kỳ đã chứng kiến những thay đổi công nghệ nhanh chóng cùng với tiền lương của hầu hết người lao động tăng lên, trong khi bất bình đẳng thu nhập giảm mạnh. Nguyên nhân là những tiến bộ công nghệ đã được sử dụng để tạo ra các công việc mới, trong khi các áp lực chính trị và xã hội đảm bảo rằng người lao động được chia sẻ lợi ích một cách bình đẳng hơn với chủ của họ so với trước đó.
Tuy nhiên, hai nhà kinh tế này cũng đã cảnh báo rằng việc áp dụng nhanh chóng robot sản xuất ở các trung tâm công nghiệp của nền kinh tế Mỹ trong vài thập kỷ qua chỉ đơn giản là cướp đi việc làm và kết quả dẫn đến sự suy giảm kéo dài ở những trung tâm này. Do vậy, cần hiểu được tiến bộ nhanh chóng của AI ngày nay có thể mang lại những gì và các quyết định về cách tốt nhất để sử dụng các đột phá công nghệ này sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta trong tương lai như thế nào.
Các nhà kinh tế này khẳng định những người tạo ra AI “đang đi sai hướng” khi toàn bộ kiến trúc đằng sau AI “đang ở chế độ tự động hóa” theo tầm nhìn của những người thuộc OpenAI, Microsoft cũng như cộng đồng đầu tư mạo hiểm.
Một câu hỏi rất đáng quan tâm là nếu bạn tin rằng 'chúng ta' có khả năng kiểm soát hướng đi của công nghệ, thì một câu hỏi tiếp theo sẽ là: 'chúng ta' ở đây là ai? Các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo không nhất thiết và không nên có quyền quyết định về hướng phát triển và tương lai của xã hội do những công nghệ này tạo ra.
Những người tạo ra ChatGPT và các doanh nhân tham gia vào việc đưa nó ra thị trường, đặc biệt là Giám đốc điều hành của OpenAI, xứng đáng nhận được sự công nhận vì đã mang lại AI mới cho công chúng với tiềm năng lớn. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận tầm nhìn và nguyện vọng của họ về những hướng phát triển và cách sử dụng công nghệ.
Sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng không phải là điều tất yếu mà có thể là do những quyết định sai lầm về người có ảnh hưởng trong xã hội và hướng đi của công nghệ, khi xã hội dường như hoàn toàn tin tưởng vào tầm nhìn của giới kinh doanh và giới tinh hoa công nghệ - những người tài năng, sẵn lòng tài trợ cho phần còn lại của xã hội.
Vì vậy, cần phải có các công cụ khác nhau để đạt được 'danh mục công nghệ cân bằng hơn', từ cải cách thuế và các chính sách khác của chính phủ có thể khuyến khích sự phát triển của AI thân thiện với người lao động hơn, đến các biện pháp có thể loại bỏ khả năng độc quyền của các Big Tech, thậm chí là trong việc tài trợ cho nghiên cứu về máy tính và các trường kinh doanh.
GS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân