Sự bùng nổ của công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT mang đến cơ hội và thử thách cho người lao động. Với khả năng tự động hóa đáng kinh ngạc, công nghệ này đang gây tranh cãi về tương lai của nhiều ngành nghề, từ lập trình đến sáng tạo nội dung và cả những lĩnh vực truyền thống như tài chính - bảo hiểm.
'Công nghệ không khiến mọi người mất việc, nhưng làm cho một số người mất việc', ông Brett Caraway - phó giáo sư tại Viện Truyền thông, Văn hóa, Thông tin và Công nghệ tại Đại học Toronto - cảnh báo.
Các chuyên gia cho rằng, một số lĩnh vực sẽ chịu tác động mạnh từ AI, tích cực và tiêu cực, bao gồm: lập trình viên, sáng tạo nội dung, nghiên cứu thị trường, hỗ trợ khách hàng, cùng với marketing và tài chính - bảo hiểm. Tài chính - bảo hiểm là ngành được quan tâm đặc biệt, sử dụng lượng lao động lớn và thiết yếu cho nền kinh tế.
Phát biểu tại hội nghị về ổn định tài chính ngày 6/6 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo rằng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể mang lại nhiều cơ hội cho hệ thống tài chính, nhưng cũng mang đến những nguy cơ mới.
“Với các công ty tài chính, AI có thể mang lại cơ hội lớn và cả rủi ro tiềm ẩn”, bà nói.
Bà Yellen cho rằng AI có thể mang lại nhiều lợi ích cho các công ty tài chính, như dự báo và quản lý danh mục đầu tư, phòng ngừa gian lận và hỗ trợ khách hàng. Bà cũng dự đoán rằng sự phát triển nhanh chóng của AI sẽ làm cho các dịch vụ tài chính rẻ hơn và dễ tiếp cận hơn, đặc biệt là qua các tiến bộ trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận diện hình ảnh và sinh lý học AI.
'Tôi hiểu rằng mọi người ở đây đều nhận thức được rằng việc các tổ chức tài chính áp dụng AI sẽ đi kèm với những rủi ro tiềm ẩn”, bà chia sẻ.
Ông Rabih Haber, Giám đốc Nhân sự MetLife khu vực Châu Á và EMEA
“Công việc của chúng ta đang thay đổi dù có muốn hay không, đặc biệt là khi AI xuất hiện. Thực tế, AI đã và đang hỗ trợ cho công việc của ngành bảo hiểm/tài chính nói riêng và tất cả các ngành dịch vụ nói chung. Tuy nhiên, hiện nay, yêu cầu của thị trường thay đổi từng ngày, từng giờ, vô cùng nhanh chóng. Đó là những điều AI không thể đáp ứng được, cần có sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và khả năng sáng tạo của con người. Vì thế, tôi chắc chắn rằng, AI không thay thế chúng ta, mà thay vào đó, AI sẽ thay thế những ai không biết sử dụng AI để hỗ trợ công việc, đồng thời cố gắng học hỏi và thích ứng để điều hành những thay đổi,” - ông Rabih Haber, Giám đốc Nhân sự của Tập đoàn bảo hiểm nhân thọ MetLife (MetLife) khu vực Châu Á và EMEA (Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi) chia sẻ với truyền thông Việt Nam gần đây.
Các chuyên gia từ MetLife cho rằng, yếu tố chính là nhân sự cần liên tục xác định và nâng cao các kỹ năng. Thực tế, ở Việt Nam, chỉ có khoảng 26% nhân viên đánh giá lại kỹ năng của mình và xác định được những kỹ năng cần phát triển.
Bà Elena Butarova, Tổng Giám đốc BIDV MetLife Việt Nam
Bà Elena Butarova, Tổng Giám đốc BIDV MetLife Việt Nam chia sẻ: 10 năm trước, tôi đã có kinh nghiệm làm việc với một ngân hàng lớn trong lĩnh vực bảo hiểm ngân hàng. Khi đó, nhân viên của họ đang bán các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, đầu tư và các sản phẩm tài chính khác tương tự như những gì nhân viên BIDV MetLife đang thực hiện hiện nay. Việc mời họ tham gia một khoá đào tạo thực sự là điều thử thách bởi hầu hết mọi người đều cho rằng “tôi đã biết hết rồi, không cần học hỏi thêm gì”. Vì vậy, chúng tôi đã tổ chức một bài kiểm tra và phát hiện rằng, ngạc nhiên thay, có tới 50% các chuyên gia không thể trả lời đúng nửa số câu hỏi.
Theo ông Rabih Haber, nhân sự cần học hỏi để có thể áp dụng AI trong công việc và xử lý nhanh chóng mọi vấn đề.
“Như đã tôi nói trước đó, AI không thể thay thế hoàn toàn con người” - Giám đốc Nhân sự này khẳng định. “Với MetLife, tôi nhận thấy việc các nhân viên áp dụng AI trong công việc mang lại hiệu quả cao. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa hiệu quả công việc. Thách thức lớn nhất là phải đầu tư vào đào tạo năng lực sử dụng AI và kỹ năng quản lý công việc, kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và năng lực của con người để giải quyết các vấn đề, bao gồm cả những vấn đề xuất hiện bất ngờ”.
Hiện nay, MetLife thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối toàn cầu, sâu rộng hơn về AI và áp dụng AI vào phong cách lãnh đạo trong công ty.
“Học hỏi hoặc hy sinh” - ông Haber kết luận. “Điều này có nghĩa là bạn phải không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức về chuyên môn và công nghệ hiện đại. Điều này giúp bạn tiếp tục tồn tại và phát triển trong thị trường lao động cạnh tranh như hiện nay”.
Báo cáo mới nhất từ FintechOS cho thấy, gần 73% nhân viên trong ngành tài chính ở Anh và Mỹ tin rằng trí tuệ nhân tạo sinh (GenAI) sẽ dẫn đến việc làm của họ trở nên dư thừa. Gần 60% tin rằng công nghệ này sẽ dẫn đến mất việc làm trong ba năm tới và số lượng việc làm có thể giảm đến 30%. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, hiện nay, hầu hết các công ty tài chính đang đầu tư vào nghiên cứu và triển khai GenAI, cũng như các giải pháp AI khác.
Bài báo có tiêu đề “Trí tuệ nhân tạo sinh: Công nghệ gây biến động trong ngành dịch vụ tài chính”, cho thấy những nhân viên lớn tuổi thường có nhiều lo ngại hơn về vấn đề này, trong khi nhân sự trẻ lại thấy công nghệ mới này rất thú vị.
Hầu hết các nhân viên dưới 44 tuổi đánh giá trí tuệ nhân tạo như một người đồng nghiệp, trong khi những người lớn tuổi hơn 44 tuổi có cái nhìn khá tiêu cực về công nghệ này.