Thiết kế và đặc điểm
H125 là một loại trực thăng hạng nhẹ, mang lại hiệu suất cao ở độ cao lớn và trong điều kiện nhiệt độ cao. Nó nổi tiếng với độ bền, độ tin cậy cao và dễ bảo trì. Trực thăng này được trang bị đầy đủ thiết bị chuyên dụng như tời và móc để hỗ trợ trong huấn luyện và chữa cháy.
Thiết kế này cho phép trực thăng có thể dễ dàng được điều chỉnh lại để phù hợp với các nhu cầu nhiệm vụ khác nhau. Khung máy bay, cánh quạt và đầu cánh quạt chính được làm bằng vật liệu composite để tăng khả năng chống ăn mòn.
H125 của Bộ Quốc phòng Anh.
H125 có khả năng tham gia chữa cháy trên các vùng núi cao với điều kiện khô nóng.
Buồng lái
H125 được trang bị bảng điều khiển trong buồng lái với màn hình cảm ứng G500H TXi của Garmin cùng với Màn hình giám sát phương tiện và động cơ đa năng (VEMD). Hai màn hình LCD của VEMD giúp phi công giám sát các thông số chính của trực thăng và động cơ, giúp giảm công việc cho phi công. Kết nối không dây tự động truyền dữ liệu chuyến bay vào cuối mỗi chuyến bay. Ngoài ra, H125 còn được trang bị hệ thống thùng chứa nhiên liệu chống va chạm.
Buồng lái tiêu chuẩn của H125.
Cabin có sàn phẳng rộng rãi, thuận tiện cho việc lắp đặt bảng điều khiển bổ sung, camera hồng ngoại và bảng điều khiển chiến thuật theo nhu cầu nhiệm vụ cụ thể. Ngoài ra, trực thăng còn được trang bị kính quan sát ban đêm để thực hiện các chuyến bay trong điều kiện thiếu sáng.
Cabin của H125.
Động cơ và hiệu suất
Trực thăng được trang bị động cơ tua-bin trục Arriel 2D do Safran Helicopter Engines sản xuất. Động cơ này có hệ thống điều khiển kỹ thuật số toàn quyền hai kênh (FADEC); cùng với một kênh dự phòng tự động thứ 3, hoạt động độc lập.
Chức năng của kênh dự phòng này là trong trường hợp một trong hai kênh chính gặp sự cố, kênh này có thể tiếp tục hoạt động tự động độc lập mà không cần can thiệp thủ công. Động cơ cũng được trang bị hệ thống ghi dữ liệu để theo dõi và dự đoán bảo trì mọi hỏng hóc.
Động cơ Arriel 2D.
H125 cũng được trang bị tính năng khởi động tự động. Khi phi công khởi động, hệ thống FADEC sẽ đảm bảo luôn cung cấp lượng nhiên liệu phù hợp, kích hoạt động cơ và thực hiện các thao tác cần thiết khác. Tự động hóa này giúp giảm bớt gánh nặng đối với phi công trong các tình huống quan trọng như khi cất cánh hoặc trong trường hợp khẩn cấp.
Chiếc H125 chinh phục đỉnh Everest.
Các quốc gia sử dụng
H125 có thể thực hiện nhiều loại nhiệm vụ từ dập cháy, giám sát không gian, phun thuốc diệt côn trùng, thu thập tin tức, vận chuyển hành khách, sơ tán y tế khẩn cấp cho đến sử dụng dịch vụ trực thăng tư nhân. Trước đây được biết đến với tên gọi AS350 B3e và đã chuyển đổi thành H125 từ năm 2015. Cho đến năm 2022, tổng số giờ bay đã vượt qua con số 37 triệu và hiện có hơn 5.350 chiếc H125 đang hoạt động tại nhiều quốc gia trên toàn cầu.
Tháng 11/2017, Airbus đã ký hợp đồng cung cấp 2 chiếc H125 cho Không quân Ecuador và chiếc đầu tiên được giao vào tháng 1/2018. Tháng 3/2018, Airbus cũng ký hợp đồng cung cấp 28 chiếc NH90 cho Qatar cùng với 16 chiếc H125 làm máy bay huấn luyện.
H125 tham gia giám sát một trận đấu bóng ở Brazil.
Brazil cũng là một thị trường lớn cho H125. Tháng 9/2022, Airbus đã công bố hợp đồng cung cấp 27 chiếc H125 cho quân đội Brazil. Những chiếc trực thăng này sẽ được sản xuất tại Brazil và sẽ thay thế cho các máy bay AS350 của Không quân và Bell 206 của Hải quân. Chúng cũng sẽ được sử dụng để đào tạo phi công cho lực lượng vũ trang Brazil trong tương lai.
Độ tin cậy cao, tính linh hoạt và hiệu suất vượt trội đã giúp H125 giành được vị trí hàng đầu trong nhiều lĩnh vực từ thực thi pháp luật đến ngành du lịch. Với thành tích ấn tượng và tính đa dụng của mình, H125 sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường trực thăng một động cơ trong nhiều năm tới.
Theo [1], [2].