Đơn vị quốc tế đang phát triển mạnh mẽ của Alibaba vừa cho ra mắt sản phẩm dịch thuật AI, cập nhật cho sản phẩm đã được giới thiệu khoảng một năm trước.
Chi nhánh quốc tế của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba mới đây đã công bố phiên bản nâng cấp cho công cụ dịch thuật sử dụng trí tuệ nhân tạo, mà họ cho rằng vượt trội hơn so với các sản phẩm của Google, DeepL và . Thông tin này dựa trên đánh giá mô hình Marco MT của Alibaba International theo tiêu chuẩn dịch thuật Flores.
Đơn vị quốc tế đang phát triển nhanh chóng của Alibaba đã phát hành sản phẩm dịch thuật AI như một bản cập nhật cho sản phẩm được công bố cách đây khoảng 1 năm. Theo thông tin từ Alibaba, đã có 500.000 thương nhân sử dụng công cụ này. Người bán có thể dùng công cụ dịch thuật để tạo trang sản phẩm bằng ngôn ngữ của thị trường mà họ nhắm tới.
Kaifu Zhang, phó chủ tịch của Alibaba International Digital Commerce Group kiêm giám đốc sáng kiến trí tuệ nhân tạo, đã chia sẻ với CNBC trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Ba rằng phiên bản mới này hoàn toàn dựa trên các mô hình ngôn ngữ lớn, cho phép khai thác thông tin theo ngữ cảnh như văn hóa và các thuật ngữ chuyên ngành.
Ông nói: “Chúng tôi muốn công cụ AI này mang lại lợi ích cho doanh thu của các thương nhân. Nếu thương nhân hoạt động hiệu quả, nền tảng cũng sẽ phát triển tốt.”
Các mô hình ngôn ngữ lớn, cung cấp năng lượng cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo như của OpenAI, cũng có khả năng dịch văn bản. Những mô hình này được đào tạo trên khối lượng dữ liệu khổng lồ, cho phép tạo ra phản hồi tự nhiên như con người.
Công cụ dịch thuật của Alibaba dựa trên một mô hình độc quyền mang tên Qwen. Sản phẩm này hỗ trợ 15 ngôn ngữ, bao gồm: tiếng Ả Rập, tiếng Trung, tiếng Hà Lan, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Ba Lan, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Ukraina.
Zhang cho biết ông kỳ vọng sẽ có “nhu cầu đáng kể” đối với công cụ này từ các thị trường Châu Âu và Châu Mỹ, bên cạnh đó, các thị trường mới nổi cũng sẽ được nhắm đến.
Theo Zhang, khi phân loại người dùng Alibaba.com theo quốc gia, các nước đang phát triển chiếm khoảng một nửa trong số 20 quốc gia có mức sử dụng công cụ AI cao nhất. Các công ty Trung Quốc đang ngày càng hướng tới thị trường quốc tế để tìm kiếm cơ hội tăng trưởng, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Kể từ khi Alibaba ra mắt phiên bản đầu tiên của công cụ dịch AI vào mùa thu năm ngoái, các thương nhân đã sử dụng công cụ này cho hơn 100 triệu danh sách sản phẩm. Tương tự như các dịch vụ AI khác, mức phí cơ bản được tính theo số lượng văn bản đã dịch, nhưng mức phí cụ thể không được tiết lộ.
Theo ông Zhang, các bản dịch có ngữ cảnh sẽ tăng cường khả năng ra quyết định mua sắm của người tiêu dùng. Ông nói: “Công cụ dịch thuật được cập nhật sẽ cải thiện trải nghiệm trong sự kiện Double 11.”
Ngày lễ mua sắm 11/11 tại Trung Quốc là dịp để các nền tảng thương mại điện tử phát động nhiều chương trình khuyến mãi với mức giá giảm sâu nhằm khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu. Năm ngoái, Alibaba đã sử dụng slogan “Double 11, Giá thấp mỗi ngày”; JD.com với “Thật sự rẻ”, và Pinduoduo là “Giá thấp mỗi ngày”.
“Giá cả chính là yếu tố kinh tế quan trọng nhất trên tất cả các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc trong năm nay,” nhóm các nhà phân tích của Citi cho biết và dự đoán rằng năm nay sẽ chứng kiến một mùa bán hàng khá “im ắng”.
“Khi chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng bền vững, việc chi tiêu của người tiêu dùng lại bị ảnh hưởng bởi sự chậm lại trong tăng trưởng thu nhập hộ gia đình. Niềm tin của họ cũng đã suy yếu,” Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng châu Á tại S&P Global Ratings, cho biết. “Với triển vọng không mấy sáng sủa của thị trường bất động sản, sẽ cần thời gian để niềm tin của người tiêu dùng được phục hồi.”
Tuy nhiên, không phải tất cả người tiêu dùng đều hạn chế chi tiêu. Tầng lớp trung và thượng lưu vẫn tìm kiếm các sản phẩm hoặc trải nghiệm nhằm nâng cao sức khỏe và phong cách sống, như thực phẩm chức năng, đồ chăm sóc thú cưng, quần áo thể thao và các sản phẩm xa xỉ.
Hoạt động kinh doanh quốc tế của Alibaba bao gồm các nền tảng như AliExpress và Lazada, chủ yếu phục vụ thị trường Đông Nam Á. Đơn vị quốc tế này báo cáo doanh thu tăng trưởng 32%, đạt 4,03 tỷ USD trong quý kết thúc vào tháng 6 so với cùng kỳ năm trước.
Ứng dụng Taobao hiện đang rất được ưa chuộng tại Singapore. Vào tháng 9, ứng dụng đã ra mắt phiên bản tiếng Anh với hỗ trợ AI dành cho người dùng trong nước.
Các nhà phân tích của Nomura dự đoán doanh thu quốc tế của Alibaba sẽ tăng trưởng chậm lại đôi chút, đạt mức tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý III, trong khi các khoản lỗ hoạt động sẽ được thu hẹp.
Theo: CNBC, CNN