Trong năm trước, AMD đã ra mắt dòng vi xử lý nhúng Ryzen Embedded V1000, đã được tích hợp trong máy tính bo mạch UDOO BOLT, các bo mạch chủ công nghiệp và máy tính PC nhỏ gọn.
Bây giờ, AMD tiếp tục ra mắt dòng vi xử lý thế hệ thứ hai của Ryzen Embedded với các SoC Ryzen Embedded R1000, dựa trên kiến trúc Zen, mang lại hiệu suất gấp 3 lần trên mỗi Watt so với dòng SoC AMD R-series trước đó và vượt trội gấp 4 lần so với hệ thống sử dụng Intel Core i3-7100U cùng phân khúc giá.
Theo CNX Software, vi xử lý AMD Ryzen Embedded R1000 sở hữu 2 nhân, 4 luồng, bộ nhớ cache L2 1MB, bộ nhớ cache L3 4MB, đồ họa VEGA 3, hỗ trợ kết nối đến 3 màn hình 4K cùng khả năng giải mã và mã hóa video 4K 60fps, cổng Ethernet 10Gbit kép và có mức tiêu thụ điện (TDP) từ 12W đến 25W.
Cụ thể, dòng Ryzen Embedded R1000 bao gồm hai vi xử lý:
- Ryzen Embedded R1606G, có xung nhịp cơ bản 2,6GHz, 3,5GHz khi boost và 1,2GHz cho GPU.
- Ryzen Embedded R1505G, có xung nhịp cơ bản 2,4 GHz, 3,3GHz khi boost và 1GHz cho GPU.
Đánh giá sự khác biệt giữa dòng Ryzen Embedded R1000 và V1000
Cả hai dòng chip này đều được sản xuất trên tiến trình 14nm và với mục tiêu nhúng, AMD cam kết bảo hành lên đến 10 năm.
Cả Ryzen Embedded R1000 và V1000 đều tương thích tốt với các hệ điều hành như Windows 10, Ubuntu 18.04, Yocto Project 2.5 và Mentor MEL Flex OS.
Dòng vi xử lý Ryzen Embedded R1000 mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất phát triển giải pháp của riêng họ với mức giá thấp hơn so với dòng Embedded V1000. Ví dụ là máy UDOO BOLT Lite sắp ra mắt. Các công ty như Advantech, Alphainfo, ASRock Industrial, Axiomtech, DFI, iBase, Kontron, MEN, Mentor, Sapphire và zSpace đều đang phát triển sản phẩm phần cứng và phần mềm cho dòng chip này trong nhiều lĩnh vực khác nhau như kỹ thuật số, lưu trữ, mạng và cả ngành công nghiệp sòng bạc.