1. Các biến chứng có thể xuất hiện khi gãy xương
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gãy xương, bao gồm chấn thương trong lao động, tai nạn giao thông, sinh hoạt và thể thao. Ngoài ra, một số trường hợp gãy xương cũng có thể do bệnh lý bẩm sinh.
Cần điều trị kịp thời khi gặp tình trạng gãy xương để tránh biến chứng nguy hiểm
Khi gặp tình trạng gãy xương, người bệnh thường xuất hiện một số triệu chứng như đau, giảm khả năng vận động của chi bị gãy. Trong trường hợp chi bị gãy rời hoặc di lệch, có thể mất hoàn toàn khả năng vận động, gây sốc do mất nhiều máu, xuất hiện bầm tím quanh vùng gãy, sưng phồng,...
Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng gãy xương có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như sau:
- Trong những trường hợp gãy xương nghiêm trọng như gãy xương cột sống, gãy xương đùi,... người bệnh có thể gặp nguy cơ sốc do mất máu, đau đớn, tê bì tay chân hoặc liệt toàn thân, thậm chí gặp nguy hiểm đến tính mạng.
- Viêm tủy xương: Có thể xảy ra trong các tình trạng gãy xương mở. Đây là hậu quả nghiêm trọng và khó điều trị.
- Can lệch: Đây là tình trạng đầu xương bị gãy đã liền lại nhưng không đúng trục của xương mà lại bị can lệch. Do đó, bệnh nhân sẽ gặp nhiều khó khăn trong vận động.
- Xương chậm liền: Nếu sau 5 tháng từ khi gãy xương mà không thấy dấu hiệu liền trở lại, bác sĩ có thể đề xuất sử dụng thủ thuật ghép xương xốp ở phần mào chậu hoặc khoan lỗ và trám xương xốp vào khe gãy để khắc phục.
- Khớp giả: Là tình trạng xương không liền lại sau 6 tháng bị gãy.
- Xơ cứng hạn chế khớp: Những trường hợp gãy xương gần khớp, tại khớp hoặc bệnh nhân bị bó bột và phải bất động trong thời gian dài có thể gặp tình trạng xơ cứng hạn chế khớp.
2. Khi bị gãy xương, cần ăn gì và kiêng gì để xương mau liền?
Ngoài việc tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh cần duy trì một chế độ ăn uống khoa học và cân đối vì các chất dinh dưỡng mà chúng ta tiêu thụ hàng ngày có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình hồi phục của xương sau khi bị gãy. Vậy làm sao để ăn uống hợp lý khi gãy xương
2.1. Khi gặp tình trạng gãy xương, cần ăn những thực phẩm nào?
Dưới đây là một số dưỡng chất cần thiết để giúp xương mau liền sau chấn thương:
- Canxi: Là một trong những khoáng chất quan trọng nhất, giúp xương chắc khỏe và hồi phục nhanh chóng sau khi bị tổn thương. Các nguồn canxi nên bổ sung trong chế độ ăn uống của người bị gãy xương bao gồm phô mai, trứng, sữa, đậu nành, ngũ cốc, bông cải xanh,...
Cần bổ sung thực phẩm giàu canxi khi gặp tình trạng gãy xương
- Magie: Dưỡng chất này giúp tăng cường hấp thụ Canxi, từ đó tăng mật độ xương và hỗ trợ quá trình tái tạo xương. Nếu không đủ Magie, quá trình phục hồi sẽ chậm lại và tăng nguy cơ loãng xương. Chuối, bơ, rau xanh, hạt, socola đen, cá thu hoặc cá hồi là những nguồn Magie bạn nên cân nhắc.
- Kẽm: Dưỡng chất này hỗ trợ hình thành mô sẹo, kích thích sản xuất Protein cho xương và đẩy nhanh quá trình lành vết gãy. Trứng, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, hạt khô, thịt, sò, cua, hàu là những thực phẩm giàu kẽm bạn có thể lựa chọn.
- Silic: Là dưỡng chất quan trọng giúp tổng hợp Collagen, cải thiện sức khỏe xương khớp và đẩy nhanh quá trình phục hồi vết thương. Yến mạch, củ cải đường, hạt mè, dứa là những nguồn Silic bạn nên ưu tiên.
Vitamin D rất cần thiết để cải thiện việc hấp thụ canxi trong cơ thể
- Vitamin D: Vitamin này giúp cải thiện hiệu quả hấp thụ canxi của cơ thể. Tắm nắng là phương pháp phổ biến để bổ sung vitamin D. Ngoài ra, có thể bổ sung từ lòng đỏ trứng, sữa, phô mai, các loại cá béo,...
- Vitamin B6 và B12: Hai loại vitamin này hỗ trợ lành vết thương nhanh chóng, đẩy nhanh quá trình tái tạo xương, giữ xương luôn mạnh mẽ và chắc khỏe. Thực phẩm giàu vitamin B6 và B12 như thịt gà, thịt dê, thịt bò, cá ngừ, ngũ cốc, chuối, sữa chua,...
- Vitamin C: Vitamin C giúp tổng hợp Collagen, hỗ trợ phục hồi vết thương gãy xương nhanh chóng hơn. Có nhiều thực phẩm chứa vitamin C như kiwi, cà chua, cam quýt, quả mọng, ớt chuông,...
- Vitamin K: Vitamin K tăng cường sức mạnh và mật độ xương. Nguồn bổ sung vitamin K có thể từ bắp cải, củ dền, rau chân vịt, súp lơ trắng,...
2.2. Các thực phẩm cần hạn chế
- Đồ chiên xào, có nhiều dầu mỡ: Có nguy cơ làm chậm quá trình liền xương.
Người bệnh cần tránh thực phẩm có nhiều dầu mỡ
- Đồ ngọt: Gây tăng nguy cơ thoái hóa xương, làm chậm quá trình liền xương và tăng nguy cơ béo phì áp lực lên hệ thống xương khớp.
- Đồ ăn chứa nhiều muối làm cho việc thải Canxi tăng cao, gây suy yếu xương và làm chậm quá trình phục hồi.
- Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên giảm thiểu việc tiêu thụ các loại đồ uống như rượu, bia, trà, cà phê,…
3. Những điều cần lưu ý trong việc chăm sóc và phục hồi sau khi xương bị gãy
- Tốt nhất nên nghỉ ngơi nhiều hơn.
- Cần loại bỏ thói quen hút thuốc lá và uống rượu bia.
- Tuân thủ đúng liều lượng và hướng dẫn của bác sĩ.
Tập luyện để phục hồi khả năng vận động sau gãy xương
- Nên nâng cao vùng bị tổn thương để giảm sưng phù do tắc nghẽn tĩnh mạch.
- Có thể kết hợp vận động nhẹ nhàng, thực hiện một số bài tập sau đây:
+ Thực hiện các động tác mở rộng khớp: Để giảm nguy cơ bị cứng khớp.
+ Thực hiện các bài tập để duy trì sức mạnh cơ bắp.
+ Đi bộ khi được sự chấp thuận của bác sĩ.
+ Thực hiện các hoạt động hàng ngày để hỗ trợ quá trình phục hồi của xương nhanh chóng hơn.