Việc Anandtech kết thúc hoạt động thực sự khiến nhiều người phải suy ngẫm. Theo lời của tổng biên tập hiện tại, trang tin này bắt đầu vào ngày 3/4/1997 với bài đánh giá chi tiết về con chip CPU AMD K6. Hành trình của Anandtech kết thúc vào ngày 30/8/2024 với bài đánh giá cuối cùng về chip CPU AMD Ryzen 9 9900X và 9950X.
Tổng biên tập Ryan Smith cũng thừa nhận rằng, “khởi đầu và kết thúc thật sự rất đẹp, nhưng cũng chứng minh rằng chúng tôi đã trải qua 27 năm làm những gì mình đam mê, đó là viết về những con chip xử lý cốt lõi của ngành điện toán.”
Một điều may mắn là tập đoàn Future PLC, chủ sở hữu hiện tại của Anandtech, hứa sẽ giữ lại thư viện nội dung của Anandtech trên mạng, để mọi người có thể truy cập các bài viết từ năm 1997 đến 2024. Diễn đàn của Anandtech vẫn sẽ tiếp tục hoạt động, nhưng mảng sản xuất thông tin, như các bài đánh giá chi tiết sản phẩm và phân tích kiến trúc bán dẫn của thế hệ chip xử lý sẽ không còn nữa.
27 năm
Trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, khi không phải bận tâm đến gia đình, bất chợt tôi nghĩ về con số 27 và thấy bất ngờ. Đó có thể là do sự liên tưởng đến 27 Club, nhóm những nghệ sĩ tài năng đã qua đời ở tuổi 27 như Jim Morrison, Janis Joplin, Jimi Hendrix, Kurt Cobain, Amy Winehouse,…
Tuy nhiên, trong thế giới công nghệ, Anandtech không phải là trường hợp duy nhất phải dừng lại sau 27 năm hoạt động và cung cấp nội dung chất lượng. Tại Việt Nam, cũng có một ví dụ tương tự, đó là tạp chí Thế Giới Vi Tính, số cuối cùng phát hành vào tháng 2-2019, kết thúc hành trình sau 27 năm kể từ số đầu tiên ra mắt vào tháng 11/1992. Sau đó, Thế Giới Vi Tính được chuyển giao cho chủ sở hữu mới và chỉ phát hành đến ấn bản tháng 6/2019 thì dừng lại.
Lấy ví dụ như Thế Giới Vi Tính, tôi tin rằng nhiều bạn đã lớn lên cùng những số tạp chí này. Vào thời điểm đầu thập niên 1990, khi máy vi tính vẫn còn hiếm trong các hộ gia đình, tạp chí này là nguồn thông tin quý giá giúp các bạn cập nhật các xu hướng và công nghệ mới mà trước đó chưa được tiếp cận. Nhờ đó, nhiều người đã có cơ hội khám phá công nghệ máy tính dễ dàng hơn.
Cũng không thể không nhắc đến một phụ bản nổi tiếng của Thế Giới Vi Tính: Thế Giới Game. Những tạp chí game nội địa, hay còn gọi là “báo game” như Thế Giới Game và Việt Game, đã mở ra con đường dẫn dắt nhiều người đến với công nghệ phần cứng máy tính và thiết bị công nghệ nói chung.
Chính những trò chơi tương tác đó, tôi tin rằng, đã khiến rất nhiều bạn trong chúng ta đam mê và tìm hiểu về công nghệ chip xử lý, phần cứng máy tính, máy chơi game, cùng các thiết bị phụ kiện như âm thanh và hình ảnh. Từ niềm yêu thích đơn giản với trò chơi điện tử, bạn bắt đầu tìm hiểu cấu hình máy tính, thiết bị ngoại vi, rồi mở rộng ra các thiết bị âm thanh, điện thoại, máy ảnh,…
Đào thải
Thực tế, Thế Giới Game đã bị khai tử sớm hơn cả Thế Giới Vi Tính, do ảnh hưởng của Internet. Sự suy giảm doanh thu từ quảng cáo và lượng độc giả khiến việc duy trì xuất bản tạp chí giấy trở nên không khả thi, và có vẻ như đây là ‘lỗi’ của các trang tin điện tử. Nhưng thực chất, đây là sự chuyển mình tự nhiên của xã hội, giống như sự chuyển đổi từ báo in sang TV, rồi từ TV sang nội dung trên mạng internet trong suốt hàng trăm năm qua.
Trang bìa của tạp chí Thế Giới Game số cuối cùng, tháng 2/2013
Điều quan trọng nhất ở đây là lợi ích của internet. Chỉ cần gõ vài dòng và ấn nút đăng tải, mọi thứ đã sẵn sàng mà không cần qua các bước chế bản, in ấn hay phân phối như trước đây. Trong kỷ nguyên thông tin này, mọi thứ được cập nhật từng giây, không còn phải chờ đợi báo giấy hay tạp chí mới ra mắt sau vài tuần hay cả tháng như trước.
Đây là xu hướng toàn cầu, không chỉ riêng ở Việt Nam. Vào cuối thập niên 1990 và đầu 2000, khi bong bóng dotcom nở rộ, các trang tin game bắt đầu xuất hiện. Từ năm 1995, các trang như Game Zero và IGN đã làm quen với việc đọc tin tức mới nhất về ngành game và công nghệ qua internet.
Mảng thông tin công nghệ và máy tính đã xuất hiện từ sớm hơn. ZDNet đã có mặt từ năm 1991 và trang web của nó ra đời vào năm 1994, tồn tại cho đến nay. Tuy nhiên, để tồn tại hơn 30 năm như ZDNet, trang này cũng đã trải qua nhiều thay đổi chiến lược, từ việc phục vụ người dùng CompuServe đến việc sử dụng clickbait để thu hút lượt xem.
Tuy nhiên, câu chuyện về ZDNet sẽ được đề cập trong phần 3 của bài viết này. Trước mắt, hãy xem xét cách mà internet đã làm thay đổi báo chí và tạp chí giấy, đặc biệt là tạp chí game và công nghệ.
Theo quan điểm của tôi, ngoài các nội dung giải trí tổng hợp không thường xuất hiện trên báo giấy, thì mảng thông tin bị ảnh hưởng nhiều nhất từ sự phát triển của internet chính là tin tức công nghệ và thiết bị máy tính.
Khi kết nối internet đủ mạnh và các trang tin tìm ra cách thương mại hóa hiệu quả, việc duy trì tạp chí giấy định kỳ hàng tháng hoặc hai tuần một lần trở nên không cần thiết nữa. Ngày nay, với việc mở máy tính hay điện thoại, thông tin được cập nhật liên tục từng giây từng phút. Thậm chí, với RSS, các thông tin mới được gửi nhanh chóng đến thiết bị của người dùng mà không cần phải tìm kiếm trên các trang web để đọc tin mới nhất.
Đó là xu hướng của những năm trước. Lẽ ra, trong điều kiện lý tưởng, Anandtech vẫn có thể duy trì nhờ vào quảng cáo. Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy.
Tại sao Anandtech lại phải dừng lại dù vẫn hoạt động trực tuyến?
Để minh chứng cho việc Anandtech đã thực hiện đúng mục đích ban đầu, trong gần 30 năm hoạt động của trang tin công nghệ này, tôi đã không dưới 10 lần phải đọc các bài phân tích kỹ thuật về kiến trúc chip bán dẫn mà không hiểu gì cả. Tôi phải tra cứu từng khái niệm và từ khóa trên Google để hiểu nội dung bài viết, sau đó tóm tắt lại một cách dễ hiểu để chia sẻ với mọi người.
Đó chính là sự đặc biệt của Anandtech, hay đúng hơn là của tiến sĩ Ian Cutress, một trong những nhân vật được kính trọng nhất trong lĩnh vực công nghệ hiện nay. Điều này cho thấy, đôi khi người dùng không chỉ cần thông tin, mà là thông tin chi tiết và sâu sắc để hiểu rõ cách hoạt động của từng transistor nhỏ trên chip bán dẫn. Đây không phải là điều mà ai cũng cần.
Tổng biên tập Ryan Smith đã mô tả thực trạng như sau: “Thị trường báo chí công nghệ không còn như xưa và sẽ không thể quay lại thời kỳ hoàng kim. Dù tôi còn nhiều điều muốn làm với AnandTech, nhưng sau 21.500 bài viết, có lẽ đây đã là một khởi đầu tốt.”
Nhà sáng lập và tổng biên tập ArsTechnica, Ken Fisher, đã đồng tình với quan điểm này:
'Thị trường báo chí công nghệ đã thay đổi nhiều. Hiện nay, công nghệ trở thành phần không thể thiếu trong xu hướng chung, khác hẳn với những món đồ chơi kỳ lạ của cuối thập niên 1990. Các tập đoàn công nghệ giờ đây quảng cáo sản phẩm và dịch vụ của mình trên tất cả các nền tảng, không chỉ giới hạn ở các trang tin công nghệ như trước đây.'
'Thêm vào đó, dù lý do có thể khác, Google không còn tạo ra lượng traffic truy cập ổn định như trước, đặc biệt với các nội dung khuyến nghị mua sản phẩm công nghệ như đánh giá chi tiết. AnandTech đã làm rất tốt trong việc này suốt nhiều năm qua.'
'Xu hướng của độc giả cũng đã thay đổi. Những bài viết giải thích sâu hoặc đánh giá chi tiết ngày càng ít người theo dõi vì lười đọc. Các công cụ như Google AI Overviews đã rút ngắn nội dung thành những đoạn tóm tắt dễ hiểu, nhưng lại làm giảm nhu cầu đối với các đơn vị sản xuất nội dung.'
Có thể việc quyết tâm duy trì nội dung chất lượng, không chạy theo clickbait và không phục vụ nhu cầu đọc nhanh đã góp phần vào sự kết thúc của AnandTech.
Đóng góp lớn cho ngành đánh giá công nghệ
Tuy nhiên, có điều không thể phủ nhận. Dù các bài viết trên Anandtech có thể dài, phức tạp và khó hiểu, nó vẫn là nền tảng quan trọng cho những người sáng tạo nội dung trong lĩnh vực linh kiện PC. Trong nhiều năm qua, các nhà sáng tạo đã chuyển từ viết văn sang video, từ các đoạn văn dài sang nội dung hình ảnh hấp dẫn trên YouTube và giờ đây trên TikTok.
Những kênh review linh kiện PC nổi tiếng hiện nay như Games Nexus hay JayzTwoCent nổi bật với các biểu đồ chi tiết, so sánh hiệu năng của từng sản phẩm, từng thế hệ chip một cách trực quan. Điều này giúp người dùng hiểu rõ giá trị của từng linh kiện so với các sản phẩm khác. Cách so sánh và biểu đồ như vậy đã được các trang web ra đời hơn 20 năm trước khởi xướng, chẳng hạn như AnandTech hay Guru 3D, ra mắt năm 1998, chỉ một năm sau AnandTech.
Ian Cutress, Anand Lal Shimpi và Joshua Ho tại MWC 2014.
Chỉ vài ngày trước khi AnandTech thông báo ngừng hoạt động sản xuất nội dung, Gannett cũng công bố việc đóng cửa Reviewed, một trang web công nghệ khác đã hoạt động từ năm 1997. Năm ngoái, DPReview, một trang web đánh giá thiết bị nhiếp ảnh lâu đời thành lập năm 1998, cũng suýt phải đóng cửa, nhưng may mắn là Amazon đã kịp tìm ra chủ mới cho kênh này.
Giống như nhiều trang web và kênh nội dung trên YouTube và TikTok khác, AnandTech bắt đầu từ một cá nhân đam mê tìm hiểu và chia sẻ kiến thức. Khi AnandTech ra mắt vào năm 1997, nhà sáng lập Anand Lal Shimpi chỉ mới 14 tuổi và tự nhận mình là “một cậu bé với rất ít kiến thức thực sự.”
Anand Shimpi năm 1998
Vào tháng 12/1999, AnandTech đã phát triển đến mức được CNN Money gọi là “một kênh đánh giá máy tính cực hot.”
Mặc dù nổi tiếng với các đánh giá linh kiện máy tính, AnandTech còn được biết đến nhờ các phân tích sâu về kiến trúc chip ARM vào đầu kỷ nguyên smartphone khoảng 2006 - 2007. Trang web này là một trong những nguồn thông tin hiếm hoi cung cấp chi tiết về các chip xử lý do Apple tự phát triển, từ A4, A5, A6 đến chip 64-bit A7. Đến năm 2014, Shimpi rời AnandTech để gia nhập Apple với một vị trí mới.