Khi kiếm được nhiều tiền nhưng vẫn không mua được nhà, người trẻ thường làm gì?
Nếu bạn là người di cư vì học tập hoặc công việc, có lẽ bạn đã trải qua kinh nghiệm thuê nhà và chuyển nhà nhiều lần. Trong những thời điểm như vậy, câu hỏi 'Khi nào mới có thể mua nhà?' thường được đặt ra.
Tuy nhiên, ở thời đại hiện nay, việc sở hữu nhà trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, với giá nhà tăng cao trong khi thu nhập không tăng tương xứng. Điều này khiến nhiều người trẻ 'ngần ngại' việc kết hôn, bởi họ không biết phải đối diện với chi phí nuôi con trong ít nhất 18 năm đầu đời.
Vậy khi kiếm được nhiều tiền nhưng vẫn không đủ mua nhà, người trẻ hiện nay thường làm gì? Doom spending chính là một câu trả lời.
Doom spending là gì?
Đây là hành vi chi tiêu để đối phó với căng thẳng về kinh tế và xã hội. Theo một khảo sát của Credit Karma vào tháng 11/2023, có tới 27% người dân Mỹ (chủ yếu là người thuộc thế hệ millennial và Gen Z) đã thực hiện hành vi này. Tình trạng này cũng đang trở nên phổ biến ở khu vực châu Á, bao gồm cả Việt Nam.
Mặc dù thuật ngữ doom spending mới chỉ xuất hiện gần đây, xu hướng này đã tồn tại từ thời kỳ Đại Khủng Hoảng (thập niên 1930). Theo một nghiên cứu của Hamilton College vào năm 2004, không ít người cho rằng tình hình tài chính của họ phụ thuộc vào may mắn, nên ít có xu hướng tiết kiệm hơn.
Theo chuyên gia tài chính Maria Melchor, vì lạm phát và tình hình kinh tế khó khăn, việc mua nhà hoặc lập gia đình trở nên khó khăn với người trẻ. Ở nhiều thành phố lớn, việc làm suốt 10-20 năm cũng không đủ để mua nhà đã trở nên phổ biến. Do đó, thay vì tiết kiệm hoặc đầu tư, người trẻ thường chi tiêu vào bất cứ điều gì để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Mặc dù có một phần tương đồng với retail therapy (mua sắm để giảm căng thẳng), nhưng mức độ của doom spending có vẻ “nghiêm trọng” hơn. Trong khi retail therapy thường tập trung vào quần áo, mỹ phẩm hoặc phụ kiện, doom spending mở rộng ra việc mua sắm các thứ xa xỉ hơn như đồ hiệu, kỳ nghỉ tại các resort 5 sao hoặc thậm chí… đầu tư cho việc spa sang trọng nhất cho thú cưng của bạn.
Nguyên nhân gì khiến chúng ta thực hiện doom spending?
Cơ thể phản ứng với căng thẳng
Khi gặp phải căng thẳng lớn, hệ thống thần kinh được kích hoạt để bảo vệ cơ thể. Điều này có thể làm cho tâm trạng chúng ta trở nên tê liệt, muốn tránh xa và né tránh những công việc cần làm. Tâm lý “YOLO” cũng là một phản ứng như vậy.
Một ví dụ rõ ràng là khi bị áp lực deadline, thay vì ngồi làm việc, bạn… lăn ra ngủ hoặc lướt TikTok. Trong tài chính cũng tương tự - khi giá nhà tăng cao, dù làm việc suốt đời cũng không đủ mua nhà, bạn thường “hủy” kế hoạch tiết kiệm và chi tiêu vào những thứ khác để giải tỏa căng thẳng.