Khi bắt đầu học một ngôn ngữ mới, việc học từ vựng luôn là một trong những giai đoạn cơ bản nhưng mang tính tiền đề quan trọng. Kể cả khi người học đã có thể sử dụng ngôn ngữ thứ hai một cách thành thạo, giai đoạn này vẫn cần phải được tiếp tục duy trì. Đây là lý do tại sao lại có nhiều phương pháp ghi nhớ từ vựng được phát minh và nghiên cứu như vậy.
Thuật luyện ghi nhớ (mnemonics) là những công cụ được sử dụng để tăng cường khả năng lưu trữ và truy xuất thông tin của con người (Amiryousefi và Ketabi 178). Tuy phạm vi sử dụng của chúng không gói gọn vào một lĩnh vực cụ thể nào, rất nhiều bài nghiên cứu đã thực hiện các thử nghiệm áp dụng những thuật luyện ghi nhớ này vào quá trình học từ vựng. Một trong số những thuật luyện ghi nhớ thu hút được nhiều sự chú ý nhất từ các nhà nghiên cứu là phương pháp ghi nhớ Keyword. Trong bài nghiên cứu này, người viết sẽ tập trung giới thiệu cách hoạt động của phương pháp này, ứng dụng và tác dụng của nó trong việc học từ vựng tiếng Anh của học sinh Việt Nam.
Lịch sử của phương pháp
Trong những cuộc thử nghiệm về phương thức hoạt động và tính ứng dụng của phương pháp ghi nhớ Keyword trong việc học từ vựng, Atkinson và Raugh đã yêu cầu một nhóm những người nói tiếng Anh bản địa sử dụng phương pháp này để học các từ mới trong tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha. Kết quả là so với nhóm kiểm soát (control group) – nhóm không sử dụng phương pháp Keyword, họ đã nhớ được nghĩa của nhiều từ mới hơn. Khi nghe hoặc nhìn thấy một trong những từ vựng nước ngoài đã học, họ dễ dàng diễn đạt lại được nghĩa của chúng theo ngôn ngữ mẹ đẻ của mình là tiếng Anh.
Atkinson và Raugh cũng đã thực hiện một thí nghiệm ngược lại, yêu cầu những đối tượng nghiên cứu đó dựa vào các từ tiếng Anh cho trước để đổi thành các từ với nghĩa tương tự trong tiếng Tây Ban Nha. Kết quả cuối cùng của thí nghiệm khá khả quan. Qua nghiên cứu này, Atkinson và Raugh đã kết luận rằng phương pháp ghi nhớ Keyword vượt trội hơn hẳn phương pháp học thuộc lòng (rote learning).
Những thử nghiệm của Atkinson và Raugh đã khởi xướng cho hàng loạt các nghiên cứu khác về phương pháp ghi nhớ Keyword kéo dài cho đến tận ngày hôm nay (Sachs).
Cách thực hiện
Bước 1: Lựa chọn một từ khóa
Tầm quan trọng của từ khóa đã được thể hiện ngay từ tên của phương pháp này. Hiểu một cách đơn giản, các từ khóa sẽ đóng vai trò như một sự liên kết giữa những gì người sử dụng phương pháp đã có sẵn với các từ vựng mới cần học. Vì vậy, với bước đầu tiên này, có hai nguyên tắc quan trọng mà người sử dụng phương pháp cần phải tuân thủ.
Nguyên tắc 1: Dễ dàng truy xuất từ bộ nhớ
Nguyên tắc đầu tiên người sử dụng phương pháp cần tuân thủ là từ khóa được chọn phải là từ mà người học có thể dễ dàng truy xuất từ bộ nhớ và sử dụng một cách hoàn toàn tự nhiên. Nói cách khác, người sử dụng phương pháp đã hiểu rõ tất cả các khía cạnh cơ bản của từ khóa này, bao gồm ngữ nghĩa, cách viết và phát âm. Họ có thể lựa chọn từ khóa từ bất cứ ngôn ngữ nào mà họ quen thuộc, nhưng để tạo điều kiện cho quá trình ghi nhớ diễn ra thuận lợi hơn, từ khóa nên xuất phát từ ngôn ngữ mẹ đẻ. Nếu người học chọn một từ khóa mà họ rất dễ quên mất, điều này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến bước thứ hai và sự hiệu quả của toàn bộ phương pháp ghi nhớ Keyword.
Xét một ví dụ như sau.
Trong bài nghiên cứu này, người viết cần phải ghi nhớ một số từ vựng liên quan đến chủ đề Clothes, với từ đầu tiên trong danh sách là ‘gown’.
Sau khi biết được cách đọc của từ này là /ɡaʊn/, từ khóa mà người viết lựa chọn là ‘gao’ trong ‘siêu nhân Gao’. Đây là một từ thuần tiếng Việt trong ngôn ngữ mẹ đẻ của người viết, và người viết có thể sử dụng hoàn toàn tự nhiên. Như vậy, từ khóa được lựa chọn đã đảm bảo được nguyên tắc đầu tiên.
Nguyên lý 2: Tương tự về phong cách viết
Với nguyên tắc thứ hai của bước chọn từ khóa, từ khóa đó phải có cách viết giống với một phần hoặc toàn bộ phát âm của từ vựng cần học. Điều này là tối mật thiết bởi sự liên kết mở đầu về mặt chữ sẽ giúp người học ghi nhớ được cách viết của từ vựng mới, đồng thời củng cố thêm mối liên hệ giữa hai từ vựng này.
Ngoài ra, mức độ hiệu quả của từ khóa sẽ có thể tăng cao hơn nếu phát âm của nó có điểm tương đồng một phần, hay thậm chí là toàn bộ, với phát âm của từ vựng cần học. Tuy nhiên, người sử dụng phương pháp có thể linh hoạt trên phương diện này bởi việc hai ngôn ngữ khác nhau có hai từ với cách viết đồng thời phát âm giống nhau là khá hiếm. Điều quan trọng nhất bắt buộc người học phải đảm bảo được ở nguyên tắc thứ hai là cách viết tương đồng giữa hai từ vựng.
Tiếp tục phân tích ví dụ trên. Về cách viết, mặc dù không giống nhau hoàn toàn, cách viết của ‘gao’ vẫn có thể giúp người học nhớ được cách viết của ‘gown’ với hai chữ cái ‘g’ và ‘o’ giống nhau. Ngoài ra, một điểm chung khác giữa hai từ này là chúng có cách phát âm khá tương đồng. Vì thế, từ khóa này đã tuân thủ được nguyên tắc thứ hai.
Như vậy, người viết đã tuân thủ theo hai nguyên tắc phía trên và chọn được từ khóa ‘gao’.
Bước 2: Thiết lập mối liên kết giữa từ khóa và ý nghĩa của từ vựng cần học.
Ở bước 1, người học đã chọn được một từ khóa có liên quan tới từ mới về mặt phát âm hoặc cách viết. Tuy nhiên, điều này là chưa đủ để đảm bảo rằng người sử dụng phương pháp có thể ghi nhớ được từ mới dựa trên từ khóa. Vì vậy, người học cần phải tạo ra một mối liên kết khác về mặt ngữ nghĩa giữa hai từ ở bước thứ hai.
Hình thức liên kết hai từ với nhau có thể đa dạng tùy theo sự sáng tạo của người học. Phần lớn các nghiên cứu về phương pháp ghi nhớ Keyword đã chỉ ra rằng sử dụng một hình ảnh để kết nối từ khóa với nghĩa của từ mới cho ra những kết quả vô cùng tích cực. Tuy nhiên, chúng còn có thể được liên kết với nhau khi người học sử dụng từ khóa đã tạo, ghép với nghĩa của từ mới để tạo nên một câu văn hoặc một câu chuyện ngắn. Mức độ hiệu quả của những hình thức này không khác biệt quá lớn so với việc sử dụng hình ảnh (Pressley et al. 286). Hoặc người sử dụng phương pháp có thể kết hợp cả hai cách với nhau – sau khi tạo ra một câu văn hoặc câu chuyện, họ có thể mường tượng ra một khung cảnh dựa trên câu văn hoặc câu chuyện đó trong đầu.
Nếu có thể, những hình ảnh mà người học sử dụng nên mang tính hài hước và kì lạ. Những thông tin đặc biệt như vậy sẽ giúp người học dễ ghi nhớ và dễ đưa vào trí nhớ dài hạn hơn.
Với ví dụ trên ở bước thứ nhất, sau khi quyết định được từ khóa, người viết tiếp tục tìm hiểu và biết được ‘gown’ là một danh từ mang nghĩa chỉ đầm dài của phụ nữ, thường mặc trong những dịp đặc biệt và trang trọng.
Dựa vào nghĩa của ‘gown’, người viết đã tạo ra một câu văn ngắn như sau:
‘Các siêu nhân Gao đã đồng ý và chọn mặc đầm dài trong đám cưới của Gao Hồng.’
Câu văn này đã sử dụng từ khóa ‘gao’ và ghép với nghĩa của từ ‘gown’ để tạo thành một câu có nghĩa hoàn chỉnh.
Đồng thời, để mối liên hệ giữa từ khóa ‘gao’ và từ tiếng Anh ‘gown’ thêm vững chắc, người viết sẽ tưởng tượng ra một hình ảnh dựa trên nội dung của câu văn trên trong đầu – bốn siêu nhân Gao còn lại mặc những chiếc đầm dài tương ứng với bốn màu của mình đi dự đám cưới của Gao Hồng.
Như vậy, người viết đã kết hợp hai phương thức là câu văn và hình ảnh để tạo ra sự liên kết về mặt ngữ nghĩa giữa từ khóa tiếng Việt ‘gao’ và từ mới tiếng Anh ‘gown’. Sau khi hoàn thành cả hai bước của phương pháp ghi nhớ Keyword, mỗi lần nhắc đến câu văn trên, người viết hoàn toàn có thể nhớ được từ ‘gown’ phát âm như thế nào và nghĩa của từ là gì.
Dưới đây là một số ví dụ khác có ứng dụng phương pháp Keyword để ghi nhớ các từ vựng thuộc chủ đề Clothes, với ba ví dụ đầu sử dụng từ khóa tiếng Anh và năm ví dụ sau ứng dụng từ khóa tiếng Việt.
Từ mới | Bước 1. Từ khóa | Bước 2. Tạo liên kết |
Secondhand /ˌsekənd ˈhænd/ (a) đã qua sử dụng | ‘Sẽ còn han (gỉ)’ Điểm tương đồng: – Cách viết. – Cách phát âm. | ‘Cái này đã qua sử dụng lâu rồi nên chắc chắn sẽ còn han (gỉ).’ |
Casual /ˈkæʒuəl/ (a) giản dị | ‘Ca sữa cỡ L’ Điểm tương đồng: – Cách viết. | ‘Ca sữa cỡ L của hãng này đóng gói giản dị nhỉ.’ |
Elegant /ˈelɪɡənt/ (adj) duyên dáng | ‘E Lê gan’ Với ‘e’ là viết tắt của ‘em’ Điểm tương đồng: – Cách viết. | ‘E(m) Lê tuy có tính gan lì nhưng thực ra là người rất duyên dáng.’ |
Đánh giá phương pháp
Các ưu điểm
Mấu chốt của phương pháp ghi nhớ Keyword nằm ở việc cung cấp cho người sử dụng một kết nối có nghĩa giữa từ khóa và từ mới (dưới dạng hình ảnh và các câu), từ đó làm dày hơn các dấu hiệu trong trí nhớ (mental clues) dẫn họ đến các từ vựng cần học. Vì vậy, so với phương pháp học thuộc lòng, phương pháp Keyword hoàn toàn có thể đẩy nhanh quá trình người học đưa từ mới vào bộ nhớ và sau đó là quá trình truy xuất từ mới nhờ vào số lượng lớn các dấu hiệu sẵn có trong não bộ.
Bên cạnh đó, phương pháp ghi nhớ Keyword cho ra các kết quả rất khả quan khi kiểm tra tính ứng dụng của phương pháp trong khả năng ghi nhớ các danh từ hữu hình (concrete nouns) Ngoài ra, kết quả của các nghiên cứu khác sử dụng động từ hành động (action verbs) (Miller et al. 1980), các danh từ trừu tượng (abstract nouns), tính từ và động từ thường (Levin 1976) cũng rất tích cực. Vì vậy, có thể kết luận rằng phạm vi sử dụng của phương pháp ghi nhớ Keyword là không giới hạn và có thể áp dụng được cho nhiều loại từ.
Nhược điểm
Yêu cầu nhiều hướng dẫn ban đầu và thực hành
Sự kết nối giữa từ vựng và từ mới càng mạnh, hiệu quả của phương pháp ghi nhớ Keyword đem lại càng cao. Tuy nhiên, không phải người sử dụng nào cũng có thể ngay lập tức tự tạo ra được cho mình một mối liên kết mạnh giữa hai từ. Rất nhiều người học quá tập trung vào việc tìm ra tính chất kì lạ mà quên mất một yếu tố quan trọng của liên kết đó – sự có nghĩa. Vì vậy, ngay từ những bước đầu tiên, để hiểu rõ điểm cốt lõi của phương pháp này là gì, người sử dụng cần phải dành ra rất nhiều thời gian để tìm hiểu các hướng dẫn hoặc được hướng dẫn. Điều này khác hoàn toàn phương pháp học thuộc lòng khi mà người học có thể tự sử dụng mà không mất quá nhiều thời gian cho các hướng dẫn ban đầu.
Thêm vào đó, phương pháp ghi nhớ Keyword đòi hỏi người học phải luyện tập rất nhiều để tăng cường sự kết nối giữa từ vựng và từ mới. Đương nhiên, sau khi hoàn thành hai bước trong phương pháp, họ đã có thể ghi nhớ nghĩa của từ vựng cần học. Nhưng nếu thiếu mất giai đoạn luyện tập thường xuyên, quá trình truy xuất từ mới về lâu về dài sẽ là rất khó. Nói cách khác, họ sẽ chỉ nhận được những lợi ích ngắn hạn từ phương pháp này và không có tính áp dụng dài hạn về sau.
Khó khăn trong việc tìm từ khóa tiếng Việt chứa âm /br/ hoặc /pr/
Một nhược điểm khác của việc hạn chế phạm vi áp dụng của phương pháp ghi nhớ Keyword là các từ khóa trong tiếng Việt khó thể hiện được các cụm âm như /br/ hay /pr/ (ví dụ như ‘bride’ và ‘pride’). Thứ nhất, tiếng Việt không có từ nào mà trong đó hai chữ cái ‘b’ và ‘r’ hoặc ‘p’ và ‘r’ đứng cạnh nhau, và có ít cụm gồm hai từ bắt đầu bằng ‘b’ và ‘r’ hoặc ‘p’ và ‘r’ đứng tiếp nhau. Thứ hai, về cách phát âm, hai cụm âm này sẽ được đọc nhanh và nối nhau trong tiếng Anh. Tuy nhiên, khi tìm từ khóa trong tiếng Việt, người học có ít hoặc không có các lựa chọn với cách phát âm tương tự mà thường sẽ phải Việt hóa thành ‘bờ rờ’ hay ‘pê rờ’. Sự khác biệt về mặt âm vị học khiến người học gặp khó khăn khi áp dụng phương pháp này cho những cụm âm trên.
Người học có thể áp dụng sai phương pháp một cách dễ dàng
Như đã đề cập ở phần 4.1.2, phương pháp ghi nhớ Keyword đòi hỏi người học phải dành rất nhiều thời gian để luyện tập. Để có thể áp dụng phương pháp này một cách lâu dài và hiệu quả, yếu tố quan trọng nhất mà người sử dụng cần lặp lại thường xuyên là sự liên kết dưới dạng hình ảnh và các câu giữa từ khóa và từ mới. Nếu người học luyện tập không đúng cách – chỉ lặp lại từ khóa và từ mới như ‘silk’ và ‘siêu’ mà bỏ qua liên kết ‘có một dải lụa quấn quanh siêu nước đang sôi’, sau một thời gian dài, họ có thể quên mất nghĩa của ‘silk’ là gì. Ngoài ra, việc bỏ qua việc lặp lại kết nối này thường xuyên có thể khiến phương pháp trở nên phản tác dụng. Từ khóa được lựa chọn là một từ tiếng Việt, vì vậy, cách viết và cách phát âm của từ khóa không thể giống hoàn toàn từ mới. Vai trò của từ khóa ban đầu là một dấu hiệu giúp người học truy xuất từ vựng. Nếu người học xem từ khóa chính là từ cần học, khả năng cao họ sẽ hiểu sai hoặc phát âm sai từ đó, khiến cho quá trình sử dụng phương pháp không đem lại được lợi ích gì lớn.
Không phù hợp với người học trong việc giao tiếp bằng từ vựng
Phương pháp ghi nhớ Keyword không được xây dựng dựa trên nền tảng là cấu trúc phát âm của từ. Điều này có thể thấy rõ ở nguyên tắc thứ hai trong bước một, khi người sử dụng cần phải chọn một từ khóa tương đồng về cách viết với từ mới, trong khi đó họ có thể linh hoạt trong sự tương đồng về cách phát âm. Nói cách khác, các từ tiếng Việt có thể không cần phát âm giống với từ mới vẫn có thể được chọn làm từ khóa mà không ảnh hưởng đến hiệu quả sau cùng của phương pháp. Nguyên tắc này tuy giúp người học nhận biết được mặt chữ, nhưng nhìn chung sẽ ngăn cản người học nhớ được cách phát âm của từ vựng cần học. Vì vậy, những người học từ vựng để giao tiếp không nên sử dụng phương pháp này.