Trong bài thi IELTS Speaking, một trong những thử thách lớn nhất đối với người học chính là việc nói một cách lưu loát và trơn tru nhất có thể. Khó khăn này có thể bắt nguồn từ nhiều lý do, như là sự mất bình tĩnh của người học, hoặc do dự khi phải sử dụng kiến thức ngữ pháp và từ vựng tức thì khi nói mà không có nhiều thời gian chuẩn bị. Để giải quyết một phần những vấn đề trên và giúp người đọc nói tiếng Anh một cách trôi chảy hơn, bài viết sẽ giới thiệu phương pháp luyện nói có tên 4/3/2, được thiết kế bởi GS. Paul Nation, giáo sư ngành Ngôn ngữ học và Ngôn ngữ ứng dụng của trường đại học Wellington tại Victoria, Úc, và được khuyên dùng bởi đại học Cambridge. (Kerr, 2017)
Định nghĩa của sự trôi chảy
Để hiểu được phương pháp này, trước hết phải định nghĩa được sự lưu loát là gì. Theo giáo sư Nation, sự lưu loát bao gồm ba tiêu chí riêng biệt:
Tốc độ nói: Điều này có nghĩa là người học có thể truyền tải được thông điệp một cách nhanh chóng, mà không phải ngắc ngứ nhiều lần để nghĩ về những ý tưởng mà bản thân người học muốn diễn đạt.
Khả năng kiểm soát được các yếu tố về ngôn ngữ: Tính chất này chỉ ra rằng những người nói một ngôn ngữ trôi chảy cũng phải là những người sử dụng thành thạo các cấu trúc ngữ pháp, từ vựng và cách phát âm trong phần nói của mình.
Khả năng truyền tải đúng thông tin muốn nói: Yếu tố này nhấn mạnh vào khả năng sử dụng hiệu quả các yếu tố về ngôn ngữ nói trên để có thể truyền tải các thông điệp một cách hiệu quả nhất tới người nghe.
Để đạt được sự lưu loát trong khi nói thì người học phải đạt đủ ba tiêu chí trên. Điều đó có nghĩa là chỉ cần thiếu đi duy nhất một trong ba tiêu chí trên thì phần nói sẽ mất đi sự trôi chảy và mạch lạc.
Nền tảng lý thuyết của phương pháp
Cơ sở thứ nhất là về bản chất của sự lưu loát. Nation cho rằng để trở nên lưu loát, người học phải biến những yếu tố về ngôn ngữ đã được học trở thành một hệ thống hoạt động một cách vô thức và không cần nỗ lực quá nhiều để sử dụng. Nếu một người không thành thạo ngôn ngữ muốn giao tiếp thì họ có thể sẽ phải do dự nhiều lần để tạo nên được một câu có ngữ pháp chính xác, hoặc tìm được từ vựng phù hợp với ngữ cảnh. Đối với người thành thạo ngôn ngữ thì tất cả những kiến thức đó đều đã trở thành một phản xạ. Phản xạ này giúp họ tạo ra các câu chính xác về mặt nghĩa, đúng về mặt ngữ pháp và phù hợp về mặt ngữ cảnh mà không cần phải suy nghĩ trong thời gian dài. Nếu không làm được điều này thì người học khó có thể đạt được mục đích cao nhất của việc học ngôn ngữ, đó là sử dụng ngôn ngữ một cách hiệu quả.
Để giải quyết vấn đề trên, Swain (1985) đề xuất ra cơ sở thứ hai. Trong đó, bà phủ định một số quan điểm trước đây, cho rằng học sinh chỉ cần quan tâm đến việc đưa ra thông điệp nếu muốn trở nên lưu loát. Thay vào đó, Swain chỉ ra rằng việc chỉ tập trung vào truyền đạt ý nghĩa mà bỏ quên mọi yếu tố khác là không đủ để người học có thể phát triển được phản xạ ngôn ngữ đã nói ở cơ sở trên. Theo Swain thì điều này chỉ có thể đạt được khi người học kết hợp việc truyền tải được thông tin với sự chính xác về mặt ngữ nghĩa, phát âm, từ vựng và sự phù hợp với ngữ cảnh. Chỉ có vậy thì người học mới có thể thực sự nắm bắt được một ngôn ngữ và phát triển được một hệ thống ngôn ngữ hoạt động một cách vô thức. Điều này có nghĩa rằng là các phương pháp ôn tập nói tiếng Anh không nên chỉ tập trung vào việc giúp người học diễn đạt ý, mà còn phải giúp họ sử dụng những yếu tố về ngôn ngữ (ngữ pháp, từ vựng, cách phát âm) và ngữ cảnh một cách chính xác và phù hợp. Nếu điều này không xảy ra thì có thể sẽ dẫn đến sự thất bại hoàn toàn trong giao tiếp, và sự phát triển của hệ thống ngôn ngữ vô thức nói trên sẽ không có cơ hội phát triển.
Hai cơ sở trên đã đặt ra câu hỏi rằng: Vậy thì làm cách nào để người học có thể phát triển được phản xạ ngôn ngữ này một cách toàn diện? Cơ sở thứ ba được đề xuất để trả lời câu hỏi này. Nation cho rằng để người đọc có thể phát triển được kỹ năng ngôn ngữ vô thức thì phải có một dạng áp lực nhất định đặt lên người học. Áp lực này có thể đến từ yêu cầu của cuộc sống, ví dụ như là những người nhập cư phải học tiếng Anh để có thể sống và làm việc được ở Mỹ. Nhưng yếu tố có liên quan trực tiếp bài viết là áp lực này cũng có thể được mô phỏng thông qua việc nói hoặc viết dưới một điều kiện nhất định, như là phải đạt được giới hạn từ hoặc giới hạn thời gian tối thiểu. Tuy nhiên, người học không nên đặt quá nhiều áp lực lên bản thân mà nên điều chỉnh sao cho phù hợp với năng lực của họ.
Dựa trên 3 cơ sở trên, Nation đã phát triển phương pháp 4-3-2 với mục đích là để giúp người học phát triển toàn diện khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách vô thức, thông qua việc tự tạo áp lực một cách phù hợp cho bản thân.
Nội dung của phương pháp
Phương pháp 4-3-2 bao gồm các bước sau:
Một số lưu ý:
Nếu người học sử dụng máy ghi âm thì có thể bật máy vào bước 3 và kết thúc vào bước 5. Sau đó thì người học có thể bật lại bản ghi âm để tự đánh giá câu trả lời của mình.
Phiên bản gốc của phương pháp này thường được áp dụng trong môi trường lớp học, và yêu cầu người học phải có ít nhất 3 người nghe. Ở bước 3, người học sẽ nói cho một người, đến bước 4 thì sẽ chuyển sang nói cho một người khác, và tương tự như vậy cho bước 5. Người nghe không được phép đưa ra bất cứ phản hồi nào trước khi cả 5 bước trên đã kết thúc. Phiên bản gốc này không khả thi trong việc tự luyện tập, trừ khi người học có 3 người bạn có cùng trình độ tiếng Anh để luyện tập cùng.
Người học cũng có thể tham khảo video này để hình dung được phương pháp này áp dụng trong lớp học ra sao:
Ví dụ sau đây sẽ mô phỏng cách mà người học có thể thay đổi nội dung của bài nói để khiến câu trả lời của mình mạc lạc và ngắn gọn hơn.
Lần nói thứ nhất:
Nguồn: Mytour – Có chỉnh sửa
Nhận xét: Trong lần nói này thì người nói đã sử dụng một số chiến thuật để câu trả lời kéo dài đủ bốn phút, tiêu biểu nhất là việc thêm vào một số câu nói dài và phức tạp.
“On New Year’s Eve, my uncle took me to a party which was hosted by Mr. Thompson, one of his friends, who according to my uncle, is ridiculously rich, which was absolutely not a joke.”
Tạm dịch: “Vào đêm 31 thì chú tôi đưa tôi đến một bữa tiệc của ông Thompson – một trong những người bạn của chú, mà cũng theo chú thì người này rất giàu, và điều này đúng không phải là đùa.”
“Anyway, not until halfway through the trip did I realize I was far away from the city and when I questioned my uncle, he replied: “yeah we’re going to Atlantic city, it’s a beach house”.
Tạm dịch: “Tôi đi nửa quãng đường thì mới nhận ra rằng mình cách khá xa thành phố, và khi tôi hỏi chú tôi thì chú trả lời: ‘chúng ta sẽ đi đến Atlantic City, chỗ đấy là một căn nhà ven biển.”
Dù người nói đã đạt được đủ tiêu chí nói 4 phút nhưng những câu đã đưa ra ở trên còn dài và lan man, dẫn đến sự không hiệu quả trong khi giao tiếp vì người nghe có thể chán nản.
Lần nói thứ 2:
Nhận xét:
Ở lần nói này, một số câu phức tạp đã được rút ngắn và đơn giản hoá:
Câu gốc trong lần nói 1: “Anyway, not until halfway through the trip did I realize I was far away from the city and when I questioned my uncle, he replied: “yeah we’re going to Atlantic city, it’s a beach house”. Tạm dịch: “Tôi đi nửa quãng đường thì mới nhận ra rằng mình cách khá xa thành phố, và khi tôi hỏi chú tôi thì chú trả lời: ‘chúng ta sẽ đi đến Atlantic City, chỗ đấy là một căn nhà ven biển.’” | Câu trong lần nói 2: We were halfway through the trip when I realized that we’re far past the city. My uncle told me that we were going to a beach house. Tạm dịch: Chúng tôi đi được nửa đường thì tôi thấy là mình đang cách khá xa thành phố. Tôi hỏi chú thì chú bảo là chúng tôi đang đến một căn nhà ven biển. |
Câu gốc trong lần nói 1: “On New Year’s Eve, my uncle took me to a party which was hosted by Mr. Thompson, one of his friends, who according to my uncle, is ridiculously rich, which was absolutely not a joke.” Tạm dịch: “Vào đêm 31 thì chú tôi đưa tôi đến một bữa tiệc của ông Thompson – một trong những người bạn của chú, mà cũng theo chú thì người này rất giàu, và điều này đúng không phải là đùa.” | Câu trong lần nói 2: “On New Year’s, my uncle took me to a party hosted by his friend Mr. Thompson, whom he said was filthy rich”. Tạm dịch: “Vào đêm 31 thì chú tôi dẫn tôi đến một buổi tiệc của người bạn tên Thompson, người mà chú bảo là cực giàu”. |
Bằng việc rút ngắn những câu quá dài thì người nói đã khiến câu trả lời trở nên súc tích và dễ hiểu hơn rất nhiều, đồng nghĩa với việc người nghe sẽ dễ dàng theo dõi hơn.
Lần nói thứ 3
Nhận xét:
Câu trả lời lần thứ ba đã được tiếp tục rút gọn sao cho chỉ còn các ý quan trọng nhất.
Câu trong lần nói 2: “On New Year’s, my uncle took me to a party hosted by his friend Mr. Thompson, whom he said was filthy rich”. Tạm dịch: “Vào đêm 31 thì chú tôi dẫn tôi đến một buổi tiệc của người bạn tên Thompson, người mà chú bảo là cực giàu”. | Câu trong lần nói 3: My uncle invited me to a New Year’s party hosted by his rich friend Mr. Thompson. Tạm dịch: Chú tôi mời tôi đến một bữa tiẹc năm mới được tổ chức bởi ông bạn nhà giàu tên Thompson. |
Câu trong lần nói 2: We were halfway through the trip when I realized that we’re far past the city. My uncle told me that we were going to a beach house. Tạm dịch: Chúng tôi đi được nửa đường thì tôi thấy là mình đang cách khá xa thành phố. Tôi hỏi chú thì chú bảo là chúng tôi đang đến một căn nhà ven biển. | Câu trong lần nói 3: We set off to Mr. Thompson’s house by the sea, where the party took place. Tạm dịch: Chúng tôi đi đến căn nhà ven biển của ông Thompson, nơi tiệc được tổ chức. |
Câu trong lần nói 2: Each of the decorations has an oceanic theme. There is a white sand carpet, and even a blue shell-shaped toothbrush holder! Tạm dịch: Tất cả đồ vật trang trí đều theo chủ đề đại dương. Có một chiếc thảm mô phỏng cát trắng, và cả một hộp đựng bàn chải đánh răng màu xanh hình vỏ ốc! | Câu trong lần nói 3: Everything was themed after the ocean, from the carpet to even the toothbrush holder! Tạm dịch: Tất cả đồ vật đều có chủ đề đại dương, từ chiếc thảm cho tới cả hộp đựng bàn chải đánh răng. |
Trong những ví dụ trên thì các câu đã được rút gọn một lần nữa, và do giới hạn thời gian nên người đọc đã chỉ gói gọn những thông tin quan trọng nhất trong từng câu vào phần trả lời.
Hơn nữa thì bài nói cũng đã có một số sự chỉnh sửa khác, tiêu biểu nhất là sự lược bỏ câu “Even though the house has four main bedrooms, I decided to just settle on the carpet because of how comfortable it is.” vì câu này không chứa thông tin quan trọng tới chủ đề căn nhà mơ ước nên có thể lược bỏ mà không ảnh hưởng quá nhiều đến thông điệp.
Điều này có ảnh hưởng tích cực tới độ lưu loát vì người học đã nêu tất cả những thông tin quan trọng trong bài trong một khoảng thời gian ngắn mà không làm ảnh hưởng đến thông điệp muốn truyền tải.
Đặc điểm của phương pháp
Việc không dùng note khi nói mà phụ thuộc chủ yếu vào trí nhớ sẽ có thể giúp người học tự tin hơn trong việc truyền đạt thông điệp, cũng như là cho người học cơ hội luyện tập khả năng nói mà không phụ thuộc vào kịch bản hoặc ghi chú.
Bằng phương pháp này thì người học cũng có nhiều cơ hội để sử dụng liên tục những cấu trúc ngữ pháp và từ vựng mà họ coi là quan trọng để biểu đạt rõ ý, từ đó khiến cho họ dần chuyển những cấu trúc và từ vựng này vào vô thức. Điều này, như cơ sở lý thuyết thứ nhất đã cho thấy, sẽ dẫn đến việc nói một cách trôi chảy và nhanh hơn, từ đó cải thiện được độ lưu loát của người nói.
Việc giới hạn thời gian cũng sẽ giúp người học làm quen với việc diễn đạt ý một cách chính xác với một tốc độ nhanh, từ đó giúp người đọc làm quen được nhịp điệu nói và tốc độ suy nghĩ cần thiết để có thể nói lưu loát. Hơn nữa, yếu tố thời gian hạn chế cũng cho phép người học tự thử thách mình, từ đó giúp họ có động lực rõ ràng để luyện tập và phấn đấu.
Ưu điểm của phương pháp
Tất cả những đặc điểm trên, cùng với sự đơn giản và dễ áp dụng, đã góp phần tạo nên sự độc đáo và hiệu quả của phương pháp 4-3-2. Đây là lý do tại sao người học nên xem xét sử dụng phương pháp này khi luyện nói.
Nhược điểm của phương pháp
Nhược điểm dễ nhận thấy nhất chính là phương pháp này được thiết kế để sử dụng trong môi trường lớp học, và yêu cầu các học sinh phải nói với nhau theo lượt. Do vậy nên các bài nghiên cứu chứng minh độ hiệu quả của phương pháp này cũng đặt trong bối cảnh lớp học đó. Lý do là vì khi nói với người khác thì người học có thể thay đổi câu trả lời sao cho lôi cuốn và hấp dẫn hơn đối với người nghe (Nation, 2008), và từ đó có thể tăng chất lượng bài nói hơn so với khi chỉ nói một mình.
Bên cạnh đó, sau khi thực hiện phương pháp này, người đọc chỉ cảm thấy ít băn khoăn hơn và có thể truyền đạt thông tin nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, độ phức tạp và sự đa dạng về ngữ pháp và từ vựng của bài nói hầu như không thay đổi sau khi áp dụng phương pháp này (Boers, 2014). Điều này có nghĩa là phương pháp 4-3-2 hiệu quả nhất nếu người học muốn nâng cao khả năng nói lưu loát và tốc độ nói, chứ không thể giúp người đọc cải thiện độ phức tạp về ngữ pháp hoặc từ vựng của câu trả lời của mình. Để khắc phục vấn đề này, Boston (2008) đã đề xuất một giải pháp, trong đó, người đọc thay vì tự chuẩn bị ý tưởng và từ vựng để nói, có thể tham khảo tài liệu (như là video hoặc bài báo) cùng chủ đề được viết bằng tiếng Anh. Sau đó, người học có thể tìm kiếm cách diễn đạt hoặc từ vựng trong tài liệu đó, rồi sử dụng những yếu tố đó trong câu trả lời của mình. Điều này sẽ vừa cho phép người học áp dụng cấu trúc từ vựng và ngữ pháp mới trong câu trả lời, cũng như ghi nhớ những kiến thức này sâu hơn.
Bài viết trên đã trình bày rõ về tính chất, nội dung và phân tích chi tiết hơn về ưu và nhược điểm của phương pháp 4-3-2. Từ những thông tin trên, người đọc có thể thử nghiệm phương pháp này như một cách luyện tập dài hạn để cải thiện khả năng nói lưu loát, trôi chảy khi sử dụng tiếng Anh.
Vũ Trọng Hiếu