Bài thi IELTS Speaking được cấu thành bởi ba phần với độ khó tăng dần: phần 1 gồm những câu hỏi về các chủ đề quen thuộc như gia đình, bạn bè, v.v., phần 2 yêu cầu thí sinh nói về một trải nghiệm của bản thân trong vòng 1-2 phút và phần 3 đưa ra những câu hỏi mang tính trừu tượng hơn liên quan tới chủ đề phần trước. Khi liên tục phải triển khai và trình bày ý tưởng trong thời gian ngắn, thí sinh nên áp dụng các công cụ tư duy để khơi mở ý tưởng và hệ thống hóa chúng, tránh tình trạng “bí ý tưởng”. Phương pháp tư duy 6 Chiếc Mũ (Six Thinking Hats) là một trong những công cụ mà thí sinh có thể áp dụng vào phần thi IELTS Speaking để lên ý tưởng nhanh chóng, dễ dàng hơn.
Khái quát về phương pháp tư duy 6 chiếc mũ
Khi tiếp cận một vấn đề/hiện tượng, con người có thể gặp phải những vướng mắc sau: chỉ tư duy theo một hướng do thói quen (ví dụ: chỉ dùng trực giác để nhìn nhận, gặp khó khăn trong việc đánh giá khách quan) hoặc không suy xét đầy đủ khía cạnh của vấn đề/hiện tượng đó, từ đó cản trở việc tư duy sâu hơn. Để giải quyết khó khăn đó, công cụ tư duy “6 chiếc mũ” này giúp khai mở đa dạng các hướng tiếp cận một vấn đề, giúp người dùng hình thành được góc nhìn đa chiều về vấn đề đó.
Khi áp dụng trong bài thi IELTS Speaking, thí sinh có thể đánh giá chủ đề được nêu ra trong câu hỏi ở nhiều khía cạnh, từ đó tiết kiệm thời gian cho việc mở rộng vốn ý tưởng và đầu tư hơn cho các tiêu chí từ vựng, ngữ pháp. Sau đây, bài viết sẽ đưa ra lý giải chi tiết về sáu màu mũ và các bước chi tiết để ứng dụng phương pháp này.
Giải thích phương pháp tư duy 6 chiếc mũ
Để người đọc hình dung rõ ràng hơn về phương pháp này, bài viết sẽ lựa chọn 1 câu hỏi trong phần 1 bài thi IELTS Speaking: “Do you think environmental pollution is a big problem nowadays?” (Bạn có cho rằng ô nhiễm môi trường là một vấn đề lớn ở hiện tại không?) và lấy ví dụ về cách tư duy theo từng màu mũ để trả lời câu hỏi đó.
Màu xanh dương
Màu mũ xanh dương đại diện cho “quá trình suy nghĩ”. Người đội mũ này sẽ chủ động cân nhắc xem quá trình suy nghĩ nên diễn ra như thế nào để đạt được hiệu quả cao: cần chú trọng phân tích dữ liệu nào trong câu hỏi, nên dành bao nhiêu thời gian cho việc tìm và phát triển ý tưởng, có thể sử dụng các “màu mũ” nào, theo trình tự nào để trả lời câu hỏi…
Tuy không trực tiếp gợi mở ý tưởng, mũ xanh dương giúp người đội hoạch định mạch suy nghĩ của bản thân rõ ràng hơn thông qua việc xác định mục đích & phương thức tư duy, tránh nguy cơ sa đà hay lạc đề. Vì vậy, màu mũ xanh dương thường được sử dụng ở bước đầu hoặc khi kết thúc quá trình suy nghĩ để đánh giá hiệu quả.
Ví dụ:
(Bạn có cho rằng ô nhiễm môi trường là một vấn đề lớn ở hiện tại không?)
Khi “đội mũ” xanh dương, thí sinh sẽ lập kế hoạch cho quá trình brainstorm ý tưởng của mình như sau. Người đọc cần lưu ý rằng dưới đây là những suy nghĩ theo hướng “mũ xanh dương”, không phải là ý tưởng để trả lời câu hỏi, bởi “mũ xanh dương” không phải công cụ để khơi gợi ý tưởng.
Bởi vì đây là phần 1 IELTS Speaking, mình chỉ nên dành ra vài giây để lên ý tưởng, sau đó vừa trình bày vừa bổ sung thêm.
Mình chỉ nên triển khai 2-3 ý tưởng để trả lời trong 3-4 câu.
Mình có thể tư duy kiểu mũ trắng (đưa ra số liệu và thông tin để chứng minh mức độ nghiêm trọng của vấn đề ô nhiễm môi trường) hoặc mũ đen (chỉ ra những hiểm họa đến từ vấn đề ô nhiễm môi trường).
Màu trắng
Mũ trắng đại diện cho việc xây dựng ý tưởng trên cơ sở thông tin, dữ liệu thực tế. Người đội mũ trắng khi đưa ra quan điểm của mình sẽ cân nhắc những điều sau: có dữ liệu (kết quả nghiên cứu, số liệu, sự thật được khoa học thừa nhận, v.v) gì để minh chứng cho nhận định của mình?
Ví dụ: Do you think environmental pollution is a big problem nowadays?
Sử dụng số liệu hoặc thông tin được khoa học thừa nhận làm bằng chứng, người đội mũ trắng trả lời như sau:
I believe pollution is an alarming issue because, well, according to recent data, the world produces around 380 million tons of plastic waste per year.
(Tôi nghĩ ô nhiễm là một vấn đề đáng báo động vì theo số liệu gần đây, thế giới sản xuất ra xấp xỉ 380 tấn chất thải nhựa mỗi năm.)
Yes, I believe environmental contamination is a serious, life-threatening problem. It is scientifically proven that air pollution causes many fatal diseases.
(Có chứ, tôi tin rằng ô nhiễm môi trường là một vấn đề nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng con người. Khoa học đã chứng minh rằng ô nhiễm không khí gây ra nhiều căn bệnh chết người.)
Màu đỏ
Mũ đỏ đại diện cho việc đưa ra ý tưởng xuất phát từ trực giác, cảm xúc của bản thân. Người đội mũ đỏ sẽ bày tỏ cảm xúc mà vấn đề/hiện tượng gợi lên cho họ, ví dụ như lo lắng, bất bình, hài lòng, biết ơn, … mà không cần suy xét tính hợp lý của phản ứng đó.
Ví dụ: Do you think environmental pollution is a big problem nowadays?
Người đội mũ đỏ sẽ phản hồi dựa trên cảm xúc của mình như sau:
Absolutely! I’m terribly concerned about the serious consequences of environmental pollution, to be honest.
(Chắc chắn rồi! Tôi vô cùng lo lắng về những hậu quả nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường, thành thật là vậy.)
Of course. Hearing about human’s polluting activities fills me with anxiety.
(Tất nhiên. Phải nghe về những hoạt động gây ô nhiễm của con người khiến tôi đầy lo âu.)
Màu vàng
Mũ vàng yêu cầu người đội phải tư duy theo hướng tích cực, nhìn nhận được mặt tốt của vấn đề/hiện tượng hay những cơ hội, bài học, giá trị chúng đem lại. Khi tiếp cận những vấn đề hay hiện tượng tiêu cực, bên cạnh những khó khăn, bất lợi mà chúng đem lại, người đội mũ vàng sẽ cân nhắc những chi tiết sau: khi đối mặt với vấn đề/hiện tượng đó, người ta đã thực hiện tốt điều gì; bài học kinh nghiệm rút ra là gì, hoặc sự thiếu sót của các giải pháp hiện nay đem lại cơ hội để phát triển, cải thiện như thế nào, …
Ví dụ: Do you think environmental pollution is a big problem nowadays?
Người đội mũ vàng sẽ đưa ra cái nhìn tích cực như sau:
Of course, it is indeed a worrying problem… On a positive note, the governments have imposed strict measures to battle environmental destruction.
(Tất nhiên, đó là một vấn đề đáng lo ngại… Xét về mặt tích cực thì các chính phủ đã ban hành những biện pháp nghiêm ngặt để chống lại sự tàn phá môi trường.)
Mũ đen
Mũ đen được sử dụng khi đánh giá về những mặt tiêu cực của vấn đề/hiện tượng. Người đội mũ đen sẽ đánh giá những điểm bất lợi, khó khăn của vấn đề hoặc chỉ ra các rủi ro, nguy cơ có thể xảy đến.
Ví dụ: Do you think environmental pollution is a big problem nowadays?
Lối tư duy “mũ đen” sẽ đưa ra câu trả lời như sau:
Absolutely. The current pace of environmental destruction will bring about serious consequences such as soil degradation and wildlife extinction.
(Chắc chắn rồi. Tốc độ tàn phá môi trường ở hiện tại sẽ đem đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như suy thoái đất hoặc sự tuyệt chủng của sinh vật hoang dã.)
Of course. Mankind runs the risk of exhausting the Earth’s natural resources.
(Chắc chắn rồi. Con người đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt tài nguyên trên Trái Đất.)
Mũ xanh lá
Màu mũ xanh lá đại diện cho lối tư duy sáng tạo: cân nhắc tất cả các khả năng hoặc phương án thay thế, hướng về giải pháp cho những vấn đề đặt ra khi suy nghĩ với “mũ đen”. Màu mũ này khuyến khích việc nêu lên những tư tưởng hoặc cái nhìn mới mẻ, độc đáo.
Ví dụ: Do you think environmental pollution is a big problem nowadays?
Mũ xanh có thể cân nhắc giải pháp cho vấn đề:
Yes, environmental pollution is a major concern for all… In response to these challenges, individuals can cut down on their plastic consumption by using reusable shopping bags.
(Đúng vậy, ô nhiễm môi trường là một mối quan tâm lớn cho tất cả mọi người… Để đối phó với những thách thức này, cá nhân có thể giảm thiểu lượng tiêu thụ đồ nhựa bằng cách sử dụng túi mua sắm có thể tái sử dụng.)
Ưu điểm và nhược điểm của phương pháp tư duy 6 chiếc mũ
Tuy nhiên, tính hạn chế của phương pháp này chính là người dùng cần cân nhắc kỹ lưỡng về dạng câu hỏi để lựa chọn “màu mũ” cho phù hợp, tránh việc triển khai ý tưởng từ mọi khía cạnh để rồi sai lệch khỏi ý chính của câu hỏi. Phương pháp 6 Chiếc Mũ sẽ phát huy tốt nhất tính hiệu quả của nó khi áp dụng vào những câu hỏi mở, yêu cầu thí sinh nêu ý kiến về một vấn đề/hiện tượng nào đó.
Áp dụng phương pháp tư duy 6 chiếc mũ
Sau đây, bài viết sẽ nêu lên các bước sử dụng phương pháp tư duy 6 chiếc mũ khi làm bài thi IELTS Speaking. Bên cạnh việc hướng dẫn trình tự áp dụng, bài viết gợi ý một số câu hỏi người dùng có thể tự đặt ra với bản thân để gợi mở tư duy theo các hướng khác nhau.
Bước 1: Sử dụng lối tư duy “mũ xanh dương” để định hình mạch suy nghĩ.
Đầu tiên, thí sinh cần “đội mũ” màu xanh dương để lên kế hoạch cho quá trình suy nghĩ của mình. Các câu hỏi có thể đặt ra như sau:
Ý chính trong câu hỏi giám khảo đặt ra là gì?
Với tính chất phần thi và chủ đề đặt ra, thí sinh nên trình bày bao nhiêu ý để đảm bảo độ dài phù hợp?
Dạng câu hỏi đặt ra có thể sử dụng lối tư duy với “màu mũ” nào để trả lời?
Bước 2: Luân chuyển giữa các lối tư duy khác nhau – các “màu mũ” khác nhau. Khi chuyển ý, thí sinh cần lưu ý sử dụng các cụm từ nối phù hợp để liên kết các ý với nhau.
Các câu hỏi gợi mở suy nghĩ tương ứng với từng màu mũ như sau:
Mũ trắng
Cần thông tin/dữ liệu nào để chứng minh cho quan điểm của mình?
Tiếp cận thông tin/dữ liệu ấy như thế nào?
Mũ vàng
Lợi ích mà hiện tượng này đem lại là gì? Nó mở ra những cơ hội nào?
Khi đối phó với vấn đề này, điều gì đã được thực hiện tốt? Bài học rút ra là gì?
Mũ đen
Khó khăn mà vấn đề/hiện tượng này gây ra là gì?
Rủi ro/nguy cơ tiềm ẩn trong vấn đề/hiện tượng này là gì?
Mũ đỏ
Vấn đề/hiện tượng này gợi lên cho bản thân cảm giác gì?
Những cảm xúc đó tích cực hay tiêu cực và có ý nghĩa như thế nào?
Mũ xanh lá
Vấn đề/hiện tượng này có thể được giải quyết như thế nào?
Có tồn tại những khả năng/phương hướng phát triển khác nhau của vấn đề/hiện tượng này không? Nếu có, chúng như thế nào?
Lưu ý:
Thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng về dạng câu hỏi trước khi ứng dụng các hướng tư duy khác nhau. Phương pháp tư duy 6 Chiếc Mũ giúp người dùng phát triển cái nhìn đa chiều về một vấn đề/hiện tượng nào đó, vì vậy phù hợp nhất cho các dạng câu hỏi mở, yêu cầu thí sinh trình bày ý kiến như: “What do you think about…?”
Đối với những câu hỏi đã định hướng tư duy cho thí sinh từ trước, ví dụ như: “What problems might this cause?” hoặc “What are the possible solutions?”, thí sinh nên ưu tiên việc sử dụng màu mũ tương ứng với ý chính của câu hỏi trước tiên, hạn chế sử dụng các lối tư duy khác một cách gượng ép, tránh tình trạng lan man, lạc đề.
Bước 3: Sau khi kết thúc phần trả lời, thí sinh có thể tư duy theo lối “mũ xanh” để đánh giá mức độ hiệu quả của quá trình suy nghĩ theo các tiêu chí sau:
Thời gian suy nghĩ có phù hợp không?
Các màu mũ lựa chọn có phù hợp với nội dung câu hỏi không?
Khi luân chuyển giữa các cách tư duy, thí sinh có sử dụng liên từ phù hợp để trình bày ý tưởng của mình không?
Áp dụng phương pháp tư duy 6 chiếc mũ vào câu hỏi IELTS Speaking Part 3
Question:
(Câu hỏi: Bạn có cho rằng việc tái chế quan trọng không?)
Quá trình tư duy theo phương pháp 6 Chiếc Mũ sẽ được tiến hành như sau:
Bước 1: Sử dụng lối tư duy “mũ xanh dương”, tự đặt ra các câu hỏi tương ứng để định hình mạch suy nghĩ.
Câu hỏi: Ý chính của câu hỏi là gì?
Trả lời: Câu hỏi dạng “Yes – No”, hỏi về tầm quan trọng của việc tái chế rác thải.
Câu hỏi: Với tính chất phần thi và dạng câu hỏi, nên trả lời trong bao nhiêu câu thì phù hợp?
Trả lời: Với phần 3 và dạng câu hỏi mở “Opinion” (ý kiến), có thể trả lời trong 5-6 câu.
Câu hỏi: Với chủ đề “tái chế”, có thể kết hợp những màu mũ nào để trả lời?
Trả lời:
Mũ đỏ – cảm giác của bản thân đối với công tác tái chế?
Mũ vàng – lợi ích của việc tái chế rác thải?
Mũ đen – nguy cơ nào tồn tại nếu không thực hành tái chế?
Bước 2: Áp dụng lối tư duy của từng “màu mũ” & đặt ra các câu hỏi tương ứng để gợi mở tư duy.
Mũ đỏ – đại diện cho cảm xúc.
Câu hỏi: Bản thân cảm thấy thế nào về việc tái chế?
Trả lời: Of course! I think recycling is absolutely crucial – to be honest, I am also a big fan of recycling household goods such as empty glass bottles and old garments.
(Tất nhiên rồi! Tôi nghĩ việc tái chế là đặc biệt quan trọng – thành thật mà nói, tôi cũng rất yêu thích việc tái chế những đồ dùng gia đình như vỏ chai thủy tinh và quần áo cũ.)
Mũ vàng – đại diện cho lợi ích và cơ hội.
Câu hỏi: Lợi ích mà tái chế rác thải đem lại là gì?
Trả lời: In terms of benefits, firstly, recycling helps reduce the damage to the environment by cutting down on the amount of waste sent to landfills.
(Về mặt lợi ích, đầu tiên, tái chế giúp giảm thiểu sự tổn hại gây ra cho môi trường bằng cách cắt giảm lượng rác thải gửi đến các bãi thải.)
This is because a smaller amount of disposal means fewer needs to clear land to make room for new landfills, as old ones will soon be overflowing with waste.
(Điều này là do lượng rác thải ít hơn có nghĩa là nhu cầu phát quang đất để tạo không gian cho các bãi thải mới, vì những bãi thải cũ sẽ sớm đầy ắp rác.)
Mũ đen – đại diện cho rủi ro.
Câu hỏi: Nếu không thực hiện tốt công tác tái chế, con người sẽ phải đối mặt với rủi ro nào?
Trả lời: If we don’t recycle, humans run the risk of destroying the global ecosystem. To be specific, when plastic waste is dumped in the oceans, marine animals can swallow them and then die in great numbers.
(Nếu chúng ta không tái chế, loài người đối mặt với nguy cơ phá hủy hệ sinh thái toàn cầu. Cụ thể hơn, khi rác thải nhựa bị thải ra đại dương, các loài sinh vật biển có thể nuốt chúng và chết hàng loạt.)
Trên đây là ví dụ cho câu trả lời IELTS Speaking phần 3 cho dạng câu hỏi “Yes – No” yêu cầu thí sinh nêu lên ý kiến của mình. Hy vọng bài viết đã giúp bạn đọc nắm rõ hơn cách triển khai ý tưởng đa dạng hơn theo phương pháp 6 Chiếc Mũ và kết hợp các “màu mũ” với nhau.