Chắc hẳn các bạn còn nhớ những điều mà mình nêu ở hai bài trước về sự lười biếng của con người. Một thói quen mà bạn càng tốn ít nỗ lực để có thể thực hiện thì nó càng dễ dàng được lựa chọn để thực hiện và về cơ bản thì mỗi thói quen của bạn đều có một cánh cửa nơi mà khi bạn bước qua, gần như chắc chắn nó sẽ được thực hiện.
Nếu vậy tại sao chúng ta không áp dụng quy tắc 2′ để tối giản hóa thói quen của mình xuống hết mức có thể để tạo ra những “cánh cửa” nơi mà với những nỗ lực tối thiểu bạn có thể dễ dàng bước qua. Khi áp dụng quy tắc này, mỗi khi bắt đầu một thói quen mới, bạn sẽ thực hiện nó chỉ trong vòng ít hơn 2′. Dưới đây là một vài ví dụ của việc áp dụng quy luật này:
Đọc sách trở thành đọc một trang sách mỗi ngày;Viết nhật ký trở thành viết một dòng mỗi ngày;Viết lách trở thành viết một đoạn hay viết 10′ mỗi ngày;Chạy 5km trở thành thay đồ tập và bước ra khỏi nhà;Thiền định trở thành hít vào và thở ra thật chậm ba lần.
Bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng thực hiện phiên bản tối giản của những điều trên một cách dễ dàng, hít và thở thật chậm ba lần, đọc một trang sách, viết một dòng nhật ký. Đây là một chiến lược đầy hiệu quả bởi khi bạn đã thành công bước qua cánh cửa thì bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp tục công việc.
Rõ ràng một thói quen mới kiểu như chạy bộ 5km sẽ là một thử thách nhưng những bước đầu tiên trong vòng chỉ 2′ đầu tiên của thói quen nên là những việc mà bạn dễ dàng thực hiện được như thay đồ tập và bước ra khỏi nhà.
Để áp dụng quy tắc 2′ này, điều bạn cần thực hiện là đi ngược từ mục tiêu cuối cùng thường được đánh giá là rất khó về những bước ban đầu của thói quen thường được đánh giá là rất dễ.
Trở thành một người chạy marathon là một việc rất khó. Chạy 5km là một việc khó. Đi 10.000 bước là một việc khó nhưng khả thi hơn. Đi bộ 10′ là một việc dễ và đi giầy tập là một việc rất dễ.Viết một cuốn sách là một việc rất khó. Viết một bài viết 2 trang A4 khó. Viết một đoạn văn khó và viết một câu rất dễ.Thiền định trong một buổi sáng rất khó. Thiền định trong 1 tiếng khó. Thiền định trong vòng 5′ dễ và hít vào thở ra thật chậm ba nhịp rất dễ.Đọc 50 quyển sách rất khó. Đọc một quyển sách khó. Đọc một chương khó nhưng khả thi hơn.Đọc 5 trang dễ và đọc một trang rất dễ.
Để bắt đầu, chúng ta sẽ tập trung thực hiện phần rất dễ trước. Chắc hẳn bạn đang có suy nghĩ kiểu như quy tắc này thật lố bịch. Tại sao lại cứ làm quá mấy cái việc kiểu như viết một dòng, xỏ chân vào đôi giầy tập, đọc một trang sách vậy. Những việc này đâu là gì nếu so với mục tiêu cuối cùng mà chúng ta mong muốn đạt được?
Thực ra thì đây cũng chỉ là một mẹo tâm lý giống như việc chúng ta tập trung vào mặt tích cực của một thói quen, hành động thay vì những hạn chế của chúng. Điều bạn thực sự mong muốn là cả một thói quen hoàn chỉnh chứ không phải chỉ những hành động ban đầu. Thay vì cố gắng thực hiện toàn bộ quá trình một cách hoàn hảo ngay từ ban đầu, thứ mà bạn nên tập trung vào là việc thực hiện thói quen một cách nhất quán. Để làm tốt bất cứ điều gì, bạn cần quen thuộc với nó trước đã. Trước khi tối ưu hóa, bạn cần chuẩn hóa quá trình thực hiện.
Quy tắc 2’ không chỉ là một cách tốt cho việc bắt đầu một thói quen, mà cũng là cách hay để bạn có thể làm quen và thành thạo những công việc khó khăn. Những việc này cũng giống như việc bạn khởi động trước những lần tập, sau quá trình khởi động này bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc tập trung vào công việc và đạt được năng suất cao nhất.
Thực sự mà nói đây là mẹo về mặt tâm lý mà thôi, nhưng nếu nó hiệu quả thì tại sao chúng ta không thực hiện. Nếu chúng ta nhận ra được cách vận hành của tâm trí thì tại sao bạn không tận dụng chúng để tăng cường tính hiệu quả hơn. Nó cũng giống như tinh thần bài viết về sự kỷ luật của mình vậy. Nếu chúng ta đã có mục tiêu cuối cùng, chúng ta hiểu biết về giới hạn của mình nếu vậy tại sao chúng ta không sử dụng một vài mẹo tâm lý này để làm mọi thứ tốt hơn. Tại sao chúng ta ca ngợi một người kiểu như “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” và nói đó là kỷ luật trong khi đó những người quyết định không tới gần “bùn” thì lại nói rằng họ nhút nhát và có thể họ thiếu kỷ luật và nếu họ gần “bùn” thì có lẽ họ không khác những người khác và không thể nào giống như những tấm gương hoàn hảo kia vậy.
Mình cũng luôn đồng ý là những người phải đối mặt với cám dỗ hàng ngày mà vượt qua được điều đó thì hẳn là một người đầy nỗ lực và ý chí và có thể là hơn những người khác. Nhưng nếu bạn có cơ hội lựa chọn thì tại sao không lựa chọn việc dễ hơn? Bạn sẽ có dư dả lại một phần quỹ ý chí, nội lực của mình để sử dụng cho những phần công việc khác. Với mình nó có thể là quỹ ý chí cuối ngày để giúp mình có thể bình tĩnh hơn với con cái (điều mà mình thấy là một việc thực sự khó khăn và mình ước rằng mình có thể làm được nhiều hơn nữa).
Ngoài ra, tập trung vào những hành động ban đầu để xây dựng thói quen này còn mang lại một lợi ích nữa từ việc nhấn mạnh vào đặc tính của tính cách mà bạn muốn xây dựng. Nếu bạn viết nhật ký liên tục trong một tuần, thậm chí dù chỉ một dòng thôi, bạn cũng đang bỏ một lá phiếu ủng hộ cho đặc tính mới của mình. Bạn là một người kiên trì và nhất quán, bạn không bỏ lỡ một cơ hội nào để có thể cải thiện bản thân. Bạn đang thực hiện những hành động nhỏ nhưng khẳng định về tính cách, về con người mà bạn muốn hướng tới.
Đây là một lợi ích lớn và thiết thực của việc áp dụng quy tắc 2’, nhưng hiếm khi được chúng ta ghi nhận. Chúng ta vẫn thường nghĩ rằng để đạt được những thành quả to lớn thì chúng ta phải thực hiện những điều phi thường. Còn những nỗ lực làm những điều nhỏ bé như viết chỉ một dòng, đọc một trang sách thì lại chẳng gì cả. Nhưng rõ ràng viết một dòng nhật ký còn tốt hơn là không viết gì cả. Một trang sách vẫn tốt hơn là không đụng tới cuốn sách. Rõ ràng làm một điều gì đó nhỏ bé vẫn tốt hơn là không làm gì cả.
Bạn không thực sự chỉ mong muốn những thói quen mở đầu như đọc một trang sách, viết một dòng, xỏ đôi giày chạy. Điều bạn thực sự mong muốn là cả một thói quen lớn sau đó. Tất cả những bước đầu sẽ có tác dụng giúp bạn quen thuộc với thói quen đó, bạn cần sự quen thuộc, làm chủ một vài kỹ năng cơ bản trước khi bạn có thể tập trung vào các kỹ năng cao cấp hơn để cải thiện thói quen hay công việc đó.
Tập trung vào việc thực hiện hai phút đầu tiên của thói quen để giảm bớt cảm giác khó khăn khi bắt đầu hay duy trì một thói quen. Sau đó là lúc bạn sẽ cố gắng làm chủ và nâng cấp mức độ khó khăn của những hành động tiếp theo. Sau khi đã làm chủ được mức độ cao hơn này bạn sẽ lặp lại quá trình này một lần nữa và nâng độ khó mà bạn phải làm chủ lên mức cao hơn.
Bạn tập trung vào mở sách và đọc một trang. Sau khi mọi thứ đã quen thuộc hơn, bạn sẽ cố gắng tăng dần thời gian đọc sách lên nhiều hơn ở mức 5 phút mỗi lần. Bạn sẽ vẫn tập trung vào hành động mở sách và đọc một trang ban đầu và sau đó khi đã quen thuộc với 5 phút đọc bạn sẽ tăng dần thời gian lên 10 phút, 30 phút hay thậm chí nhiều hơn. Điều này sẽ tùy thuộc vào lượng thời gian mà bạn có nữa. Rồi chẳng mấy chốc bạn sẽ hoàn thành một vài cuốn sách của bạn.