Là một phần trong bài thi đánh giá trình độ ngôn ngữ, nhưng kĩ năng IELTS Reading không chỉ kiểm tra khả năng đọc hiểu tiếng Anh của thí sinh. Nhiều dạng bài trong kĩ năng này giúp đánh giá trực tiếp khả năng tư duy và suy luận. Chẳng hạn, những câu hỏi như “Why does the author refer to Meyer’s work on music and emotion?” (Tại sao tác giả nhắc đến nghiên cứu của Meyer về âm nhạc và cảm xúc – Cambridge English IELTS Academic 12, 2017) ở dạng bài Multiple Choice yêu cầu thí sinh có kĩ năng phán đoán và tổng hợp thông tin. Các bài tập tìm đoạn văn chứa thông tin (dạng Locate information) cũng giúp đánh giá khả năng phân tích và tóm tắt nội dung.
Trong bài thi IELTS Reading, True/False/Not Given và Yes/No/Not Given là một trong số ít dạng bài gây khó khăn và tranh cãi không chỉ đối với việc nhận định đáp án chính xác của người học mà còn trong việc giải thích của người dạy. Sự xuất hiện của yếu tố “Not Given” (Không thể xác định/ Không được đề cập trong bài) biến câu chuyện xác định Đúng – Sai tưởng chừng rất đơn giản thành một bài toán có 3 ẩn. Người học thường cảm thấy khó khăn trong việc xác định một thông tin là True hay Not Given, và thường xuyên hơn: False hay Not Given.
Ví dụ: Câu văn sau có thống nhất với khẳng định của tác giả trong văn bản?
Câu văn: Người viết nghĩ rằng trong quyển “Đời sống thành thị”, Parison đã sao chép nội dung từ nhiều tác giả khác.
Nội dung trong văn bản: Ngay từ lần đầu đọc “Đời sống thành thị”, tôi đã có cảm nhận rằng quyển sách này rất giống một bộ sưu tập truyện ngắn của nhiều tác giả khác nhau mà Parison là người chép lại.
(Mô phỏng đề bài kì thi thật IELTS Academic ngày 7/9/2019)
Thoạt nhìn, thông tin trong câu văn và nội dung trong văn bản có một sự tương đồng rõ rệt. Nhiều thí sinh ngay lập tức sẽ lựa chọn đáp án True. Một số khác cảm thấy bối rối giữa hai đáp án True và Not Given, và sẽ mất nhiều thời gian để tìm kiếm câu trả lời.
Sự thiếu hụt kĩ năng đánh giá thông tin khiến việc đưa ra quyết định trở nên khó khăn hơn. Kết quả là, hoặc thí sinh đưa ra quyết định sai, hoặc người học đưa ra được quyết định đúng, nhưng không kiểm soát được thời gian và phải bỏ lại nhiều câu hỏi bên dưới. Cả hai kết quả đều dẫn đến việc mất điểm.
Đáp án chính xác của câu hỏi vừa rồi là Not Given. Người viết sẽ giải thích lý do cho đáp án này và chia sẻ phương pháp tư duy hiệu quả để xác định chính xác các đáp án của câu hỏi True – False – Not Given và Yes – No – Not Given thông qua việc giới thiệu kĩ năng tư duy nền tảng: Evaluative thinking (Tư duy đánh giá).
Tư duy Đánh giá
Định nghĩa Tư duy Đánh giá
Dưới đây là một số định nghĩa với khái niệm “Evaluative thinking”:
Theo Bộ giáo dục New South Wales, Australia: “Tư duy đánh giá là một phương thức tiếp cận bài bản cho các hoạt động hỏi và tự suy ngẫm; các hoạt động này giúp chúng ta đưa ra sự đánh giá tốt dựa vào các bằng chứng chính xác.”
Một định nghĩa khác về Evaluative thinking: “Tư duy đánh giá là một quá trình nhận thức trong hoàn cảnh có sự đánh giá, được phát triển bởi một thái độ tò mò và một niềm tin vào giá trị của bằng chứng. Tư duy đánh giá bao gồm các kĩ năng như nhìn ra được các giả định, đặt các câu hỏi có ý nghĩa, theo đuổi sự thông hiểu sâu sắc thông qua việc tự suy ngẫm và xem xét các quan điểm đa chiều, cũng như đưa ra các quyết định xác đáng để chuẩn bị cho hành động.” (Evaluative Thinking?, 2013)
Cả hai định nghĩa trên đều có chung một số từ khóa: thái độ tò mò/ hoạt động hỏi (inquisitiveness), sự tự suy ngẫm (reflection), sự đánh giá (judgement)/ quyết định xác đáng (sound decision), và bằng chứng (evidence). Nói cách khác, tư duy đánh giá nhấn mạnh những khía cạnh sau:
Đặt câu hỏi và suy ngẫm về tính chính xác/ đúng đắn của một đối tượng, luận điểm, thông tin.
Đưa ra quyết định, đánh giá thông qua sự tồn tại vững chắc của bằng chứng.
Quá trình đánh giá thông tin
Theo Guy Sharrock , Tom Archibald, và Jane Buckley (2017), quá trình đánh giá thông tin trong Evaluative thinking bao gồm 3 bước, được thể hiện như biểu đồ dưới đây:
Các bước trong quá trình tư duy đánh giá đi theo đúng những khía cạnh được nhấn mạnh trong định nghĩa. Bản chất tư duy đánh giá tập trung vào việc đưa ra những giả định thông qua các câu hỏi. Khi con người có những thắc mắc về tính đúng đắn của một nhận định, họ sẽ đưa ra các giả định về các thông tin chính xác cũng như những thông tin sai lệch. Đây chính là nền tảng của tư duy đánh giá.
Ở bước tiếp theo, người ta kiểm tra các nghi vấn (hay giả định) của bản thân bằng cách tìm kiếm chứng cứ. Ở bước này, người nghi vấn quan tâm đến độ chân thực (hay tính xác thực) của chứng cứ hơn là những nhận định của bản thân mình. Các chứng cứ cũng như dự liệu từ nhiều góc nhìn khác nhau sẽ là nền tảng duy nhất giúp người nghi vấn đánh giá độ chính xác hoặc sai lệch của các giả định. Quá trình này hoàn toàn công bằng và không bao hàm các cảm xúc cũng như kiến thức, kinh nghiệm cá nhân.
Cuối cùng, khi các bằng chứng vững chắc đã được thu thập, người nghi vấn có thể xác định gần như chính xác từng nghi vấn là xác thực hay không. Trong một số trường hợp, khi không có đủ bằng chứng, thì độ chân thực của nghi vấn coi như không thể xác định.
Bài viết sẽ đề cập cụ thể hơn các bước trong quá trình tư duy đánh giá trong phần Ứng dụng vào xử lý IELTS Reading dạng bài True – False – Not Given /Yes – No – Not Given.
Mối quan hệ giữa Tư duy Đánh giá và hình thức bài True/False/Not Given và Yes/No/Not Given trong IELTS Reading
Nếu coi việc làm dạng bài True – False – Not Given/Yes – No – Not Given là một quá trình, thì đây là quá trình gần như trùng lặp với quá trình tư duy đánh giá. Bắt đầu từ những nghi ngờ về thông tin sai lệch, người học sẽ tìm các bằng chứng khách quan nằm trong đoạn văn bản để đưa ra nhận định chính xác. Nếu thông tin sai lệch, trái ngược so với bằng chứng trong văn bản, đáp án sẽ là False/No. Nếu thông tin hoàn toàn trùng khớp với những bằng chứng trong văn bản, đáp án sẽ là True/Yes. Ngoài ra, nếu các bằng chứng trong văn bản không đủ để đánh giá đúng/sai, đáp án là Not Given.
Vì vậy, nếu người học IELTS Reading ứng dụng tư duy đánh giá vào việc xác định các đáp án (đưa ra quyết định/ nhận định) chính xác trong hai dạng bài True – False – Not Given và Yes – No – Not Given, độ chính xác của đáp án cũng như tốc độ làm bài sẽ tăng lên rất nhiều.
Áp dụng trong việc giải quyết dạng bài True/False/Not Given và Yes/No/Not Given trong IELTS Reading
Bước 1: Nghiên cứu câu hỏi và tạo ra các giả định
Ở bước này, người học cần tinh ý nhận ra những điều gì được coi là Sự thật (Facts) và những điều gì được coi là Không phải sự thật (Non-facts). Để đưa ra các giả định về tính đúng đắn của thông tin, người học cần có kĩ năng phân biệt các thông tin nào nên đưa giả định và thông tin nào không nên. Những sự thật sẽ không thay đổi và thường được giữ nguyên trong bài, còn những điều không phải sự thật sẽ có nguy cơ bị bóp méo, biến tướng. Các giả định sẽ nhắm vào những nội dung có thể bị sai lệch – và những nội dung đó là Non-facts.
Trong ví dụ trên, các nội dung có nhiều khả năng là sự thật bao gồm:
“Người viết” ⭢ bài đọc là một bài bình luận; vì vậy, chắc chắn phải có người viết. Thông tin này là sự thật.
“Trong quyển “Đời sống thành thị”” ⭢ những nội dung về tên tác phẩm thường là sự thật.
“Parison” ⭢ tên đối tượng được nhắm đến trong bài đọc là sự thật.
“Tác giả khác” ⭢ các đối tượng này cũng có nhiều khả năng được lặp lại trong bài.
Tóm lại, những nội dung có nhiều khả năng là sự thật bao gồm các đối tượng, nơi chốn, và thời gian của các sự kiện.
Các nội dung có nhiều khả năng là Non-facts:
“nghĩ rằng” ⭢ có thật sự đây là suy nghĩ của người viết không? Người viết nghĩ/ nhận định, hay chỉ đơn giản đưa ra nhận định của người khác?
“sao chép nội dung” ⭢ hành động sao chép có thật sự đúng? Đây có thể không phải sao chép, mà thông tin có thể có những phần tương đồng nhau.
Những nội dung là Non-facts thường liên quan đến các ý kiến, các từ chỉ tần suất, mức độ, các cảm xúc, hoặc các hành động dễ bị đánh đồng với nhau. Khi đã xác định được các Facts và Non-facts, người học có thể ngay lập tức khoanh vòng các Non-facts và đưa ra các giả định. Ví dụ:
Câu văn sẽ đúng khi người viết thật sự cho rằng Parison đã đạo văn từ các tác giả khác.
Câu văn sẽ sai khi người viết không cho rằng Parison đã đạo văn từ các tác giả khác.
Câu văn sẽ sai khi người viết thật sự cho rằng Parison đã tự viết tác phẩm của mình, mặc dù ông ta đã tham khảo các sách của tác giả khác.
Câu văn sẽ không rõ đúng sai (NG) khi không thấy được quan điểm của người viết về việc liệu Parison có đạo văn hay không.
Các giả định sẽ xoay quanh các Non-facts, và việc xác minh các Non-facts giúp người học xác định được đáp án.
Bước 2: Tập hợp bằng chứng để kiểm chứng tính chính xác của thông tin trong các giả định trong IELTS Reading.
Ở bước tiếp theo, người học cần tìm chính xác phần nội dung tương tự trong bài đọc (việc tìm kiếm này được thực hiện thông qua truy lần dấu vết của các Facts – tác giả sẽ không đề cập sâu về nội dung này). Sau đó, người học thu thập các bằng chứng liên quan đến thông tin giả định nằm trong bài đọc IELTS Reading.
Với ví dụ trên, các bằng chứng liên quan đến “nghĩ rằng” (nhận định của tác giả) bao gồm:
“đã có cảm nhận rằng”
“rất giống”
Các bằng chứng liên quan đến “sao chép nội dung” bao gồm:
“mà Parison là người chép lại”
Các bằng chứng này cần phải nằm hoàn toàn trong bài đọc, không phải được thu thập từ bất kì nguồn nào khác.
Bước 3: Rút ra kết luận dựa trên việc đánh giá các bằng chứng thu thập được.
Từ các bằng chứng nêu trên và các giả định từ bước 1, người học sẽ xác định tính đúng đắn của các Non-facts. Cụ thể, trong ví dụ đang được nghiên cứu, người học có thể đưa ra kết luận như sau:
[Người viết trong bài đọc đang nghĩ rằng quyển sách rất giống một bộ sưu tập mà Parison đã chép lại. Hãy phân tích biến số mới. Từ giống này có ý nghĩa như thế nào? Nó cho thấy người đọc có một cảm giác rằng quyển sách này có nhiều điểm tương đồng với một nội dung mà nhiều tác giả khác nhau viết. Điều này có cho thấy người viết nghĩ Parison đạo văn không? Chưa chắc – có điểm tương đồng không đồng nghĩa với đạo văn; Điều này có cho thấy người viết nghĩ Parison không đạo văn? Chưa chắc – người viết có thể đang nghĩ điều này, nhưng anh ta/cô ta không nói ra.]
Vì vậy, đáp án chính xác sẽ là Not Given. Trong văn bản, người học có thể thấy quan điểm của người viết về việc “quyển sách có tính chất như thế nào”, không phải quan điểm của người viết về “việc sao chép sản phẩm trí tuệ của tác giả khác” của Parison.
Áp dụng 3 bước trên với một câu hỏi khác trong IELTS Reading:
Nội dung trong văn bản: When the Earth’s axis tilts the Northern Hemisphere just a single degree closer to the sun (about 24.5 degrees instead of today’s 23.5 degrees), it will receive more sunlight.
(Practicing for IELTS 1)
Bước 1:
Các Non-facts: unlikely, in many thousand years to come
Các giả định:
Đáp án là True khi Trái đất gần như không có khả năng hướng gần hơn về Mặt trời trong cả ngàn năm tới.
Đáp án là False khi Trái đất có/có nhiều khả năng hướng gần hơn về Mặt trời trong cả ngàn năm tới.
Đáp án là Not Given khi không xác định được trong ngàn năm tới thì Trái đất có khả năng hướng gần hơn về mặt trời hay không.
Đáp án là Not Given nếu không có thông tin trong cả ngàn năm tới hoặc không xác định được chính xác thời gian tương ứng.
Bước 2:
Các bằng chứng để xác minh các Sự kiện không phải là Sự thật: không có chứng cứ về khả năng và không có chứng cứ về thời gian.
Bước 3:
Xác định: đáp án là Not Given vì không đủ chứng cứ để đưa ra kết luận.