Một đề tài khiến tôi tự cảm thấy lẩn tránh, nhưng lần này tôi quyết tâm tìm hiểu rõ hơn để tự định hướng lại bản thân. Đó là 'Áp Lực Đồng Thế Hệ hay còn gọi là Generation Pressure?'. Qua việc tìm hiểu, tôi nhận ra rằng mọi người, không phân biệt lứa tuổi, giới tính hay nghề nghiệp, đều chịu ảnh hưởng từ vấn đề này, đặc biệt là về mặt tài chính.
Theo các tài liệu hiện tại, 'Áp Lực Đồng Thế Hệ' hay 'Generation Pressure' là một khái niệm trong tâm lý học và xã hội học chỉ áp lực và khó khăn mà các nhóm trẻ tuổi phải đối mặt trong xã hội dựa trên sự so sánh và kỳ vọng từ những người cùng thế hệ. Vấn đề này phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, hãy kiểm tra xem bạn có chịu ảnh hưởng từ những điều này không nhé:
1. Kỳ Vọng Xã Hội: Xã hội có những tiêu chuẩn và kỳ vọng về thành công và hạnh phúc. Những người trẻ thường phải đối mặt với áp lực để đạt được những tiêu chuẩn này và tuân thủ kỳ vọng xã hội.
2. So Sánh Xã Hội: Các thành viên cùng thế hệ thường so sánh và cảm thấy áp lực để không bị tụt lại so với những người khác. Sự so sánh xã hội có thể dẫn đến cảm giác thiếu tự tin và lo lắng để đạt được thành công và công nhận.
3. Cuộc Cạnh Tranh Khốc Liệt: Trong một xã hội cạnh tranh, người trẻ thường phải đối mặt với áp lực để nổi bật và thành công trong nhiều lĩnh vực như học vấn, công việc, tình yêu, gia đình và cuộc sống cá nhân.
4. Công nghệ và truyền thông xã hội: Sự phát triển của công nghệ và truyền thông xã hội đã tạo ra một môi trường so sánh và đánh giá công khai. Người trẻ thường cảm thấy áp lực để thể hiện hình ảnh hoàn hảo và thành công trên các nền tảng truyền thông xã hội.
Tôi hiện đang cảm nhận “Áp lực Thế hệ” trên khía cạnh kinh tế (vật chất) rõ ràng. Hãy cùng tôi tìm hiểu vấn đề này một cách kiên nhẫn nhé:
Dưới góc nhìn cá nhân của tôi, xã hội ngày càng hiện đại thì phát sinh nhiều vấn đề. Điều này hoàn toàn trái ngược với kỳ vọng của tôi. Tại sao chúng ta vẫn chưa tìm được sự bình yên khi mà trình độ dân trí và tiếp cận thông tin của người Việt rất cao, ví dụ như tỷ lệ người Việt Nam trên 15 tuổi biết đọc biết viết là khoảng 94,5% và 70,9% dân số biết sử dụng Internet? Thế hệ trẻ vẫn đang rất bối rối và lo sợ trong cuộc sống thực tế.
Các thế hệ millennials và Gen Z đã được sinh ra và lớn lên trong thời đại hòa bình và thịnh vượng của đất nước, thời điểm mà tư duy đang thay đổi nhanh chóng. Thế hệ trước không kịp tìm hiểu sâu về nhiều khía cạnh như internet/ tâm lý/… để hỗ trợ các thế hệ sau, các thế hệ này đã phải tự mình tìm hiểu và tùy thuộc vào khả năng tiếp nhận và chọn lọc của từng cá nhân mà hình thành những hệ quả tích cực và tiêu cực khác nhau. Một trong những hệ quả tự nhiên là phần lớn chúng ta đã mắc phải 'bẫy thị trường' một cách không ý thức hoặc có ý thức, chúng ta mắc phải bẫy vì:
Chịu áp lực tiếp thị: Quảng cáo, chiến lược tiếp thị và bán hàng có thể tạo ra áp lực để người tiêu dùng mua sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ không cần thiết hoặc không có khả năng tài chính để trang trải. Ví dụ, Youtube có lượng người dùng có thể xem quảng cáo chiếm 63.9% tổng dân số, tăng 0.8% so với cùng kỳ năm 2022. Do đó, 49.9 triệu người dùng xem quảng cáo trên Youtube trong độ tuổi từ 18 trở lên, chiếm 68.9% tổng dân số từ 18 tuổi tại Việt Nam.
Sử dụng tín dụng một cách không kiểm soát: Sử dụng thẻ tín dụng hoặc vay mượn để mua sắm vượt quá khả năng tài chính có thể dẫn đến tích lũy nợ và chi trả lãi suất cao. Số liệu cập nhật từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, doanh số sử dụng thẻ tín dụng quốc tế tăng trung bình 33%/năm trong khoảng từ 2018 đến 2020.
Thiếu kiến thức và kỹ năng quản lý tài chính: Người tiêu dùng thiếu hiểu biết và kỹ năng để quản lý tài chính cá nhân, không biết cách xây dựng ngân sách, tiết kiệm và đầu tư thông minh. Tỷ lệ người thừa nhận không biết quản lý tiền bạc ở Việt Nam xếp cao nhất trong số 10 quốc gia được khảo sát. Với nhiều người, thách thức lớn nhất trong quản lý tài chính là tiết kiệm (tỷ lệ 67%).
Tổng quan về chi tiêu thế giới dựa trên số liệu từ Cục Tín dụng Singapore (CBS), mức nợ cá nhân trung bình và số dư thấu chi của những người trong độ tuổi 20-30 tăng mạnh, với mức tăng 23% trong quý I/2021 so với quý IV/2020. CBS cũng cho biết, đối với những người dưới 30 tuổi, tỷ lệ nợ thế chấp tăng 2,6%. Một cuộc khảo sát năm 2018 của CNBC, cho thấy, gần 40% thanh niên 18-21 tuổi và 51% millennials đã xem xét về vay tiền ngắn hạn.
Vậy chúng ta cần làm gì để có thể tìm ra lối thoát và từ từ đưa bản thân về thế cân bằng. Chúng ta đều cảm thấy mơ hồ khi nghĩ về điều này, nhưng vì bản thân tôi cũng đang mắc kẹt trong tình hình này nên tôi đã tìm hiểu một số giải pháp giúp bản thân mình và có thể giúp được bạn:
Tạo ngân sách và lập kế hoạch tài chính: Xác định thu nhập, chi tiêu và ưu tiên trong ngân sách, đảm bảo rằng chi tiêu không vượt quá thu nhập và có mục tiêu tiết kiệm. Bạn có thể sử dụng các ứng dụng Money Lover/ Home Budget with Sync / Pocket Guard (tải IOS/ Android) để quản lý, hoặc tự lập một bảng thu chi qua excel/ google theo link cách tạo bảng thu chi
Đánh giá trước khi mua sắm: Trước khi mua sản phẩm hoặc dịch vụ, hãy xem xét kỹ lưỡng về sự cần thiết, giá trị và khả năng tài chính của mình
Nắm vững kiến thức tài chính: Học hỏi và cập nhật kiến thức về quản lý tài chính cá nhân, đầu tư thông minh và sử dụng tín dụng một cách cân nhắc. Tự kiểm soát và hạn chế việc sử dụng tín dụng: Sử dụng tín dụng một cách cân nhắc và đảm bảo có khả năng trả nợ đúng hạn. Bạn có thể tham gia khóa học miễn phí để nâng cao hiểu biết về tài chính: Khóa học quản lý tài chính cá nhân
Nếu có cơ hội, bạn cũng có thể đề xuất với trường học/ công ty để họ quan tâm hơn đến vấn đề này, để có thể mời diễn giả/ thầy cô chuyên ngành đã có kinh nghiệm hướng dẫn bạn và mọi người theo hướng đúng nhất
Đề cập đến việc bạn cần có can đảm hơn, nhìn nhận và giải quyết vấn đề, mặc dù khởi đầu có thể khó khăn nhưng với kiên trì hàng ngày, tôi tin rằng bạn sẽ vượt qua được.
Thế hệ Millennials và Gen Z đã và đang phải thay đổi mạnh mẽ để bước ra khỏi an toàn và tạo ra cái mới, cũng như đấu tranh với những quan điểm lạc hậu. Tôi tự hào về các thế hệ này, dù có sai lầm nhưng chúng ta biết sửa chữa và tiến lên. Hãy giúp đỡ nhau để không ai bị bỏ lại phía sau.