Theo dõi đôi mắt: sử dụng ánh mắt để điều khiển iPad và iPhone
Apple mới đây đã giới thiệu một công nghệ mới cho iPad và iPhone được gọi là Theo Dõi Mắt. Nói một cách đơn giản, người dùng có thể điều khiển thiết bị chỉ bằng ánh mắt, nghe có vẻ như trong một bộ phim khoa học viễn tưởng haha. Công nghệ này được phát triển dựa trên trí thông minh nhân tạo (AI), giúp người dùng, đặc biệt là những người khuyết tật, điều khiển iPad và iPhone dễ dàng hơn. Theo Dõi Mắt hoạt động dựa trên camera trước của thiết bị, việc cài đặt và hiệu chỉnh cũng diễn ra cực kỳ nhanh chóng, chỉ trong vài giây.
Âm Haptic: một cách tiếp cận âm nhạc mới cho người khiếm thính
Apple một lần nữa khẳng định cam kết mang đến âm nhạc cho mọi người, bao gồm cả những người khiếm thính, thông qua tính năng Âm Haptic. Đây là công nghệ cho phép người dùng khiếm thính hoặc khó nghe cảm nhận âm nhạc trên iPhone một cách hoàn toàn mới.
Khi được kích hoạt, Âm Haptic sẽ sử dụng Taptic Engine trên iPhone để tạo ra các rung động đồng bộ với âm thanh của bài hát. Điều này giúp người dùng cảm nhận được nhịp điệu, giai điệu và cường độ âm thanh thông qua xúc giác. Âm Haptic sẽ hoạt động với hàng triệu bài hát trong thư viện Apple Music, mở ra một thế giới âm nhạc mới cho người dùng khiếm thính. Không chỉ vậy, Apple còn cung cấp API cho các nhà phát triển, cho phép họ tích hợp Âm Haptic vào ứng dụng của mình.
Những tính năng mới liên quan đến giọng nói
Tiếp theo là Phím Tắt Giọng Nói, cho phép người dùng tùy chỉnh câu lệnh thoại để Siri có thể hiểu và thực hiện các tác vụ phức tạp. Ví dụ, thay vì nói 'Hey Siri, mở ứng dụng Tin nhắn', người dùng có thể đặt câu lệnh 'Kiểm tra tin nhắn' để Siri thực hiện thao tác tương tự. Tiếp theo là Lắng Nghe Giọng Nói Bất Thường, tính năng hỗ trợ nhận dạng giọng nói cho những người gặp khó khăn trong việc phát âm, ví dụ như người bị bại não, ALS, hoặc đột quy. Tính năng này sử dụng machine learning trực tiếp trên thiết bị để nhận dạng giọng nói của người dùng, giúp họ điều khiển thiết bị dễ dàng hơn.
Apple cam đoan rằng mọi dữ liệu giọng nói sẽ được xử lý trực tiếp trên thiết bị, không bao giờ chia sẻ ra bên ngoài. Điều này đảm bảo sự riêng tư cho người dùng.
Một số tính năng mới trên visionOS
Tiếp tục là những tính năng mới cho người khiếm khuyết, lần này là với Vision Pro. Đầu tiên phải kể đến tính năng Live Captions (Phụ đề trực tiếp). Tính năng này sẽ tự động hiển thị phụ đề cho tất cả âm thanh phát ra từ hệ thống, ứng dụng, hay thậm chí là các cuộc trò chuyện trực tiếp. Nhờ vậy, người nào bị khiếm thính vẫn có thể theo dõi nội dung dễ dàng. Live Captions trên FaceTime còn giúp việc trò chuyện với bạn bè qua Persona (avatar 3D) trở nên thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, Apple Vision Pro còn tương thích với nhiều loại máy trợ thính có nhãn Made for iPhone.
Cùng với đó, visionOS còn tích hợp những tính năng hỗ trợ thị giác như Giảm Trong Suốt (Reduce Transparency), Đảo Màu Thông Minh (Smart Invert),... Những tính năng này sẽ giúp những người có vấn đề về thị lực hoặc nhạy cảm với ánh sáng sử dụng Vision Pro một cách thoải mái hơn.
Ryan Hudson-Peralta, một nhà thiết kế sản phẩm và cũng là đồng sáng lập của Equal Accessibility LLC, chia sẻ: 'Apple Vision Pro chắc chắn là công nghệ dễ tiếp cận nhất mà tôi từng sử dụng. Là người sinh ra đã không có tay và không thể đi lại, tôi biết rằng thế giới này không phải dành cho mình. Vì vậy, thật tuyệt khi thấy visionOS hoạt động hiệu quả. Đây là minh chứng cho sức mạnh và tầm quan trọng của thiết kế hỗ trợ khả năng tiếp cận và tính hòa nhập.'
Trên đây là tất cả những thông tin chi tiết về các tính năng vừa được Apple giới thiệu, tất nhiên hầu hết là dành cho những người có khiếm khuyết như khiếm thị, khiếm thính hoặc gặp khó khăn trong việc sử dụng tay chân, tuy nhiên như đã nói, vẫn có một số tính năng mà người bình thường cũng có thể sử dụng như giảm say xe hoặc Các Phím Tắt Giọng Nói.
Những tính năng này Apple hứa hẹn sẽ được ra mắt vào cuối năm nay, có vẻ như sẽ hoạt động trên những phiên bản phần mềm mới như iOS 18, iPadOS 18, visionOS 2,...
Anh em ấn tượng với tính năng nào nhất?
Apple Newsroom