Việc duyệt web hàng ngày có thể dẫn đến nhiều vấn đề bảo mật và Apple cam kết giúp quá trình lướt web của người dùng an toàn hơn với trình duyệt Safari.
Apple khẳng định vị thế hàng đầu thế giới trong việc tạo không gian bảo mật cho người dùng. Apple Intelligence ra mắt nền tảng bảo mật máy chủ Private Cloud Compute giúp khách hàng yên tâm sử dụng AI trên thiết bị và trên đám mây.
Tuy nhiên, ngoài các mối nguy từ AI, việc duyệt web hàng ngày cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề bảo mật và Apple đang nỗ lực để Safari an toàn hơn cho người dùng.
Apple phát hành phim ngắn 'Flock' (Bầy Chim), với thông điệp về sức mạnh bảo vệ quyền riêng tư của Safari. Đây là một phần chiến dịch mùa hè nhấn mạnh Safari giữ dữ liệu của người dùng an toàn và riêng tư.
30 giây của phim ngắn mô tả việc chúng ta luôn bị theo dõi khi duyệt web. Hình ảnh camera biến thành cú, dơi và hải âu, như những con mắt luôn nhìn vào màn hình khi người dùng lướt web trên iPhone với một trình duyệt bất kỳ.
Trong cảnh cao trào này, những camera này tụ hợp như một đàn chim 'đói thông tin' trước tòa nhà, rồi đột nhiên nổ một cách hùng vĩ khi người dùng bắt đầu sử dụng Safari.
'Hoạt động lướt web của bạn đang bị theo dõi,' video mô tả, tiếp tục với 'Safari, một trình duyệt thực sự riêng tư' và kết thúc với câu quen thuộc
Đây là video mới nhất trong chiến dịch nhấn mạnh tính an toàn của Safari so với các trình duyệt đối thủ. Apple đưa ra nhiều lý do Safari vượt trội về bảo mật.
Ngăn chặn theo dõi bắt cặp trang web
Internet như một cây dao hai lưỡi, mang lại cửa sổ nhìn ra thế giới nhưng cũng mở ra nhiều cách để kẻ xấu truy cập vào dữ liệu của bạn. Dữ liệu này có thể được bán cho các công ty bên thứ ba để làm phương tiện quảng cáo hoặc mục đích nguy hiểm hơn.
Các công ty dữ liệu có thể sử dụng các công cụ theo dõi để phân phối quảng cáo trên nhiều trang web. Nếu bạn từng tìm kiếm một sản phẩm trên một trang thương mại điện tử và bắt đầu thấy quảng cáo sản phẩm tương tự khi bạn chuyển từ trang này sang trang khác, đó là do các công cụ theo dõi dữ liệu. Việc theo dõi vị trí và dữ liệu cá nhân có thể được thu thập mà không có sự cho phép của người dùng trên một số trình duyệt nhất định. Ngay cả trong các chế độ riêng tư hoặc ẩn danh, không phải lúc nào cũng là bảo mật tuyệt đối vì một số biện pháp bảo vệ có thể bị hạn chế.
Năm 2019, Safari đã trở thành trình duyệt đầu tiên chặn tất cả cookie của bên thứ ba. Đây là một mốc quan trọng mà một số đối thủ vẫn chưa thể đạt được.
Mặt khác, Apple cho biết Safari cung cấp các biện pháp bảo vệ cao cấp không thường thấy trên các trình duyệt đối thủ. Bằng cách sử dụng tính năng Ngăn chặn theo dõi thông minh (ITP), Safari dùng công nghệ máy học để nhận diện các tên miền theo dõi người dùng, sau đó tức thì cô lập và xóa dữ liệu theo dõi khỏi thiết bị.
Nếu muốn biết ITP đã bảo vệ mình khỏi những gì, người dùng có thể xem Báo Cáo Quyền Riêng Tư Của Safari, nơi họ có thể thấy số lượng các trình theo dõi đã bị xóa.
Tuy nhiên, các công ty dữ liệu luôn tìm cách sáng tạo để nhận biết bạn là ai và nơi bạn duyệt web. Những kỹ thuật này gọi là 'lấy dấu vân tay'. Họ thậm chí có thể theo dõi cấu hình hệ thống, phông chữ và các plug-in mà người dùng đã cài đặt. Ngay cả độ phân giải màn hình cũng có thể được sử dụng như một phần của 'dấu vân tay'.
Kết hợp những đặc điểm này, họ tạo thành 'dấu vân tay' để theo dõi trực tuyến. Để chống lại việc lấy dấu vân tay, Safari cung cấp một cấu hình hệ thống đơn giản hóa cho các trình theo dõi, làm cho nhiều thiết bị trông giống nhau hơn và khó phân biệt hơn. Apple cho biết nhiều đối thủ không thể tiến xa như vậy.
Bảo vệ dữ liệu vị trí và cá nhân trước tiện ích mở rộng
Theo Apple, Safari dẫn đầu về bảo vệ dữ liệu vị trí và cá nhân. Mặc dù nhiều người dùng sẵn lòng cho phép theo dõi vị trí để tìm kiếm một nhà hàng gần đó chẳng hạn, nhưng việc này không nhất thiết phải đánh đổi với mất bảo mật. Trên Safari, dữ liệu vị trí không được tự động chia sẻ với công cụ tìm kiếm. Hơn nữa, Safari cho phép người dùng kiểm soát thời gian một trang web có thể sử dụng vị trí.
Mức độ bảo vệ này cũng bao gồm dữ liệu cá nhân mà một số tiện ích mở rộng nhất định có quyền truy cập. Một số tiện ích mở rộng có thể tiếp cận chi tiết như nội dung hiển thị trên màn hình hoặc thậm chí thông tin nhạy cảm như mật khẩu hoặc thông tin thẻ tín dụng của người dùng. Để đối phó, Apple đưa ra các biện pháp bảo vệ bổ sung. Với Safari, người dùng sẽ nhận được cảnh báo về thông tin mà tiện ích mở rộng có thể truy cập trước khi bật tiện ích mở rộng đó. Tương tự như vị trí, người dùng có thể giới hạn quyền truy cập vào các trang web và tiện ích mở rộng cụ thể theo thời gian.
Chế độ Duyệt riêng tư
Cuối cùng, liên quan đến chế độ ẩn danh, trên một số trình duyệt nhất định, trình theo dõi vẫn có thể thu thập một số dữ liệu từ người dùng đang ở chế độ này. Apple khẳng định chế độ Duyệt riêng tư của Safari không lưu các trang web mà người dùng đã truy cập, cũng như thông tin tìm kiếm hoặc tự động điền. Với các thiết bị hiện đại, người dùng có thể sử dụng kết hợp Duyệt riêng tư với Face ID và Touch ID để khóa chế độ khi không sử dụng, giúp duy trì các tab mở ngay cả khi rời khỏi thiết bị.
Apple cũng đã cải tiến và bổ sung các tính năng mới cho Safari nhằm duy trì khả năng bảo vệ dữ liệu người dùng, ví dụ như việc thêm tính năng bảo vệ chống theo dõi qua các liên kết, giúp loại bỏ các trình theo dõi không cần thiết mà người dùng có thể vô tình chia sẻ trong ứng dụng Tin nhắn và Thư.
Qua hơn 20 năm phát triển, Safari luôn là trình duyệt được tin dùng trên thiết bị Apple và các tính năng bảo mật được cập nhật theo thời gian đã giúp trình duyệt này trở nên đáng tin cậy hơn bao giờ hết. Trong khi Apple chuẩn bị bước sang một chương mới trong việc thiết lập tiêu chuẩn bảo mật với Private Cloud Compute, Safari chính là minh chứng cho cam kết bảo vệ khách hàng của công ty.