Đôi khi, mọi người cảm thấy họ không thể đạt được gì cả. Với phần lớn, cảm giác này chỉ thoáng qua và không thường xuyên. Tuy nhiên, một số người lại cảm thấy sợ hãi mãnh liệt về sự không hoàn hảo, và điều này có thể cản trở cuộc sống của họ.
Nguồn: Verywell / Zoe Hansen
Chúng ta được dạy rất nhiều về việc làm thế nào để trở thành người con ngoan, nhân viên trách nhiệm hoặc người yêu tuyệt vời. Nhưng bạn có từng cảm thấy ám ảnh trước việc phải trở thành “người tốt” không? Nhận biết được nỗi sợ này có thể giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn và giải phóng bản thân khỏi những ràng buộc không rõ ràng trong cuộc sống.
Nhiều lần, tôi đã rơi vào tình huống lo sợ về việc bản thân không đủ giỏi, sợ mình nói điều này “quá nhạt nhẽo”, không phù hợp với mọi người, sợ đồng nghiệp đánh giá tôi là kém cỏi, và do đó tôi không dám nói, không dám hỏi,… Tôi luôn tránh các cách tiếp cận trực tiếp và luôn chọn cách đi “đường vòng” lớn, chỉ để đảm bảo rằng mọi thứ tôi làm không gây ra sai sót.
Atelophobia: Nỗi Sợ Hãi Ám Ảnh Về Sự Không Hoàn Hảo
Trong lĩnh vực tâm lý học, có một hiện tượng được gọi là Atelophobia, đó là nỗi sợ ám ảnh về sự không hoàn hảo. Người mắc phải hiện tượng này thường sợ phạm sai lầm. Họ thường tránh xa mọi tình huống mà họ nghĩ rằng mình sẽ thất bại. Atelophobia có thể gây ra cảm giác lo lắng, trầm cảm và tự ti.
Nguồn: pinterest
Khác biệt với chủ nghĩa hoàn hảo, Atelophobia là nỗi sợ sai lầm, tránh né mọi tình huống có thể dẫn đến sai lầm. Nỗi sợ này có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống, từ học tập và công việc đến cuộc sống gia đình và các hoàn cảnh xã hội.
Làm sao để nhận biết bạn có mắc Atelophobia?
Dưới đây là một số đặc điểm của Atelophobia:
Có những mục tiêu không thực tế: Bạn có thể đặt ra những tiêu chuẩn quá cao và mục tiêu không thể đạt được cho bản thân. Bất kỳ điều gì thấp hơn có thể là không chấp nhận được với bạn.
Đánh giá bản thân quá nghiêm khắc: Bạn có thể tự chỉ trích mình quá mức và đánh giá bản thân mình quá nghiêm khắc vì không đạt được mục tiêu.
Không chấp nhận được phản hồi: Bạn có thể không thể chịu đựng được những lời phê bình, dù là nhỏ nhặt nhất. Ngay cả phản hồi mang tính xây dựng cũng có thể cảm thấy như một cuộc tấn công vì nó chỉ ra rằng bạn không hoàn hảo.
Trải qua cảm giác sợ hãi và đau khổ: Bạn có thể cảm thấy căng thẳng hoặc hoảng sợ khi phải đối mặt - hoặc thậm chí chỉ nghĩ đến - những tình huống mà bạn không thể đạt được trạng thái tốt nhất. Bên cạnh các biểu hiện cảm xúc, bạn cũng có thể trải qua các triệu chứng lo lắng về cơ thể, như nhịp tim nhanh, khó thở, buồn nôn, run lên, chóng mặt, đổ mồ hôi và run rẩy.
Tránh xa mọi công việc, nhiệm vụ hoặc tình huống khác mà bạn nghĩ rằng bạn không thể làm hoàn hảo. “Thậm chí bạn có thể tránh gặp những người có thể phát hiện ra bất kỳ sai lầm nào của bạn.”
Lặp đi lặp lại những sai lầm trong quá khứ: Bạn có thể cảm thấy mình lặp đi lặp lại những sai lầm trong quá khứ và trở nên rất không thoải mái.
Nguồn: pinterest
Atelophobia có thể khiến bạn tự đặt áp lực lên bản thân để trở nên hoàn hảo, điều này có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng của bạn, làm cho bạn khó có được sự hài lòng bản thân và dẫn đến nguy cơ cao hơn về trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống và tự tử.
Tại sao tôi mắc Atelophobia?
Theo Tiến sĩ Daramus, đây là một số nguyên nhân tiềm ẩn gây ra Atelophobia:
Nguồn: pinterest
Chấn thương tâm lý: Nếu bạn từng trải qua nỗi đau buồn do phạm sai lầm, điều đó có thể để lại vết sẹo về mặt tâm lý và khiến bạn sợ phạm sai lầm để tránh những tổn thương tương lai.
Giáo dục: Nếu bạn được dạy dỗ bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc là những người cầu toàn, bạn có thể sợ không hoàn hảo, đặc biệt là nếu họ rút lại tình yêu hoặc sự chấp thuận nếu bạn không thực hiện tốt điều gì đó.
Yếu tố di truyền: Di truyền cũng có thể đóng một vai trò. Nghiên cứu chỉ ra rằng bạn có nguy cơ cao hơn mắc Atelophobia nếu có người thân trong gia đình mắc bệnh này.
Tình huống độc hại: Nếu nỗi sợ phạm sai lầm chỉ xuất hiện gần đây hoặc chỉ trong những tình huống cụ thể hoặc với những người cụ thể, có thể bạn đang đối mặt với một tình huống độc hại.
Làm thế nào để vượt qua nỗi sợ hoàn hảo?
Tiến sĩ Daramus đề xuất một số phương pháp có thể giúp bạn vượt qua nỗi sợ hoàn hảo:
Chấp nhận lỗi lầm: Từ từ, nhẹ nhàng chấp nhận lỗi lầm. Bắt đầu với những sai sót nhỏ và dần dần chấp nhận những sai lầm lớn hơn.
Thực hành bình tĩnh: Sử dụng thiền, chánh niệm, tập luyện đều đặn hoặc nghe nhạc để giúp bạn kiểm soát cảm xúc và chịu đựng sự không hoàn hảo.
Tránh xa những tình huống độc hại: Nếu bạn chỉ cảm thấy căng thẳng trong một tình huống như tại nơi làm việc, hãy cố gắng tránh xa nó.
Xây dựng mạng lưới hỗ trợ: Tạo ra một mạng lưới hỗ trợ bao gồm những người bạn có thể chia sẻ nỗi sợ của mình và những người bạn tin tưởng sẽ đồng hành cùng bạn mà không cần phải làm tốt như thế nào.
Nguồn: pinterest
Biên soạn & Dịch giả: Ngọc Dung
[1] Sanjana Gupta. (27/04/2023). Điều Cần Biết Về Atelophobia (Nỗi Sợ Hoàn Hảo). Verywell Mind. Truy cập ngày 09/08/2023 tại: https://www.verywellmind.com/atelophobia-fear-of-imperfection-symptoms-causes-treatment-coping-7377192
[2] L'officiel Vietnam. (2023). Atelophobia: Bị rơi vào sự ám ảnh của việc trở thành “người hoàn hảo”. Truy cập ngày 09/08/2023 tại: https://www.lofficielvietnam.com/love-life/draft-mac-ket-trong-noi-am-anh-co-tro-thanh-nguoi-tot