Văn mẫu lớp 12: Đoạn văn nghị luận về hiện tượng chảy máu chất xám bao gồm 2 ví dụ, giúp các bạn học sinh lớp 12 có thêm nhiều tư liệu tham khảo, tích lũy kiến thức để viết đoạn văn nghị luận xã hội ngày càng chất lượng hơn.
Ngoài ra, các bạn cũng có thể tham khảo thêm một số bài văn khác như: đoạn văn nghị luận về lòng hiếu thảo trong cuộc sống, Đoạn văn nghị luận về khát vọng. Chúng tôi mời các bạn cùng theo dõi chi tiết trong nội dung bài viết dưới đây.
Bài nghị luận 200 chữ về hiện tượng chảy máu chất xám - Mẫu 1
“Tài năng là nguồn sức mạnh của một quốc gia”. Tuy vậy trong tình hình xã hội ngày nay, hiện tượng chảy máu chất xám ở Việt Nam đang diễn ra vô cùng phức tạp. Hiện tượng chảy máu chất xám là một cách nói ẩn dụ chỉ về tình trạng nhân tài, trí thức – “chất xám” của Việt Nam đang dần chuyển hướng đến nước ngoài để phục vụ cho lợi ích của họ thay vì đóng góp cho dân tộc. Gần đây, thông tin về những người giành chiến thắng tại chương trình Đường lên đỉnh Olympia đa số sau khi đi du học nước ngoài đều quyết định ở lại đó và làm việc, đã đẩy chúng ta phải nghiêm túc suy ngẫm về hiện tượng chảy máu chất xám ở Việt Nam. Nguyên nhân của hiện tượng này được đánh giá ở cả hai phía chủ quan lẫn khách quan. Chủ quan đến từ chính bản thân những người trí thức có những quan điểm sai lầm và ích kỷ, chỉ tập trung vào sự phát triển cá nhân mà bỏ quên trách nhiệm đối với dân tộc, đối với quê hương. Bên cạnh đó, cũng cần phải xem xét đến chế độ đãi ngộ nhân tài ở nước ta vẫn còn thấp, hạn chế cùng với nhiều quan niệm lạc hậu khiến họ cảm thấy bị bó buộc và buộc phải rời bỏ. Dù các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp,… có môi trường học tập và làm việc rất tốt, nhưng quê hương mới là nơi đã nuôi dưỡng ta trưởng thành. Vì thế, mỗi người cần phải thấu hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và phát triển đất nước, kết hợp một cách hài hòa giữa học tập và thành tựu nước ngoài với việc đóng góp cho dân tộc. Chỉ có như vậy, đất nước ta mới có thể phát triển mạnh mẽ và trở thành một cường quốc như nguyện vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Nghị luận về hiện tượng chảy máu chất xám - Mẫu 2
Hiện tượng chảy máu chất xám là một vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu, mặc dù thường xảy ra ở các nước đang phát triển nhưng cũng tồn tại ở các nước phát triển, gây ra tổn thất cho quá trình phát triển kinh tế. Chính phủ của các quốc gia đã đưa ra các chính sách để kiềm chế hiện tượng này và thu hút nhân tài quay trở lại thông qua nhiều biện pháp khác nhau. Một số nguyên nhân đẩy chất xám bao gồm mức lương thấp, thiết bị lỗi thời, tương lai mơ mộng, sự thiếu lựa chọn cho các nhà khoa học làm việc trong nước, chính sách đãi ngộ kém, môi trường nghiên cứu khoa học không phát triển, và giá trị lao động chưa được đánh giá cao. Tại châu Phi, nguyên nhân này còn bao gồm sự nghèo đói, không ổn định chính trị (chiến tranh, loạn), và kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học và công nghệ quá thấp (chiếm 0,3% GDP). Một số yếu tố cá nhân có thể làm chất xám bị rời đi bao gồm ảnh hưởng từ gia đình (ví dụ những người thân ở nước ngoài) hoặc sở thích cá nhân muốn khám phá và cải thiện sự nghiệp. Tình trạng chảy máu chất xám ở các quốc gia nghèo gây ra một khoảng cách giàu nghèo rõ rệt và gây ra những hậu quả khó lường cho các quốc gia đang phát triển. Sự chảy máu chất xám làm cho nguồn kinh phí đào tạo của quốc gia tiêu tan và phải chi ra số tiền lớn để trả lương cho các chuyên gia nước ngoài. Tại châu Phi, chi phí này chiếm 1/3 nguồn viện trợ từ nước ngoài. Ngoài ra, nhiều công trình nghiên cứu khoa học không có người thực hiện, thành tựu khoa học không được phổ biến và áp dụng. Việc các nhà khoa học đi làm việc ở nước ngoài cũng ảnh hưởng xấu đến người dân và cộng đồng tri thức trong nước. Đây là một sự lãng phí lớn đối với tài sản quốc gia và làm chậm quá trình phát triển kinh tế.