1. Mở Bài
- Giới thiệu vấn đề nghị luận: Ở hiền gặp lành
2. Thân Bài
a. Giải thích nội dung câu tục ngữ: 'Ở hiền gặp lành'
- 'Ở hiền' là cách diễn đạt hình ảnh cho những việc lành mạnh, ý nghĩa, thậm chí cao cả mà con người thực hiện.
- 'Lành' là cách diễn đạt tượng trưng cho những điều may mắn, ý nghĩa, tốt lành trong cuộc sống.
- Nội dung câu tục ngữ: Tóm tắt một quy luật nhân quả trong cuộc sống của con người: Khi hành động, thực hiện những điều tốt lành, con người sẽ đón nhận lại những điều may mắn và hạnh phúc.
b. Bình luận về nội dung câu tục ngữ
- Nêu ra những biểu hiện của việc 'Ở hiền gặp lành'.
- Khi con người biết quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ người khác vượt qua khó khăn; con người sẽ nhận lại niềm vui, hạnh phúc cho chính bản thân mình.
- Khi biết giúp đỡ, chia sẻ, con người cũng sẽ được giúp đỡ từ những người khác khi bản thân gặp khó khăn, hoạn nạn.
- 'Ở hiền' không đồng nghĩa với sự nhu nhược, im lặng trước điều xấu, điều ác.
c. Nêu lại vấn đề
Một số quan điểm cho rằng: 'Ở hiền không chắc gặp lành'. Điều này là một quan điểm sai lầm về tư tưởng vì hậu quả và sự đáp ứng có thể đến sau hơn những lợi ích trước mắt.
d. Bài học nhận thức và hành động
- Cần nhận biết đúng giá trị của hành động, thái độ sống tốt mang lại.
- Cần hướng tới những điều tốt lành và thực hiện thành hành động cụ thể.
3. Kết Bài
- Xác nhận lại vấn đề được thảo luận: Đây là một câu tục ngữ chính xác, đã được sàng lọc, đúc kết từ nhiều thế hệ của dân tộc.
- Kết nối với bản thân: tập trung vào việc rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức.
Ví dụ minh họa
Cái thiện luôn thắng cái ác, người tốt gặp phước lành, kẻ xấu gieo gió gặt bão,… là những mô típ quen thuộc trong văn học, đặc biệt là trong truyện cổ tích. Đằng sau những câu chuyện đầy màu sắc đó là những nguyên tắc sống, những nguyên tắc làm người mà cha ông ta đã truyền đạt qua nhiều thế hệ.
Mối quan hệ nhân – quả “Ở hiền gặp lành” luôn là trung tâm, là cốt lõi của hầu hết các tác phẩm văn học và được nhiều người coi đó là phương châm sống. Nhưng thực tế, “Ở hiền gặp lành” có phải lúc nào cũng đúng, cũng hoàn hảo như trong truyện cổ tích, như trí tưởng tượng của con người?
Vậy, “Ở hiền gặp lành” là gì? “Ở hiền” có phải chỉ là hiền lành, không ác, không làm điều sai trái, gây hại cho người khác, chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân,…? Nếu chỉ hiểu từ “hiền” theo cách đơn giản như vậy thì sẽ gây hiểu lầm, cho rằng chỉ cần sống cho bản thân không làm tổn thương người khác là được, dẫn đến tính cách yếu đuối, không biết quan tâm, giúp đỡ người khác,… Có nhiều người luôn cho rằng mình luôn “ở hiền” nhưng không “gặp lành”. Vậy bạn hãy tự hỏi liệu bạn đã từng giúp đỡ người gặp tai nạn giao thông chưa hay chỉ đứng nhìn, nhận xét, bàn tán như mọi người khác; bạn đã từng lên tiếng nhắc nhở một người vứt rác không đúng nơi quy định,…? Nếu bạn suy nghĩ lại, bạn có dám khẳng định mình là người “ở hiền” không? Nhưng thực chất không phải vậy, sâu xa hơn, từ “hiền” ở đây mang ý nghĩa lớn, bao quát cả ý nghĩa nhân đạo – đạo lí làm người. Có thể nói, “ở hiền” là sống sao có ích cho đất nước, xã hội, biết quan tâm giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn, hoạn nạn, đồng thời phải biết lên tiếng, đấu tranh chống lại cái ác, những thế lực xấu xa luôn muốn làm hại con người,…
Vậy “ở hiền” sẽ “gặp lành” như thế nào? Người “ở hiền” sẽ nhận được nhiều điều tốt đẹp, may mắn. Khi bạn không làm điều ác, hại người khác bạn sẽ không cảm thấy lo lắng, áy náy, mà buồn bã. Không chỉ vậy, khi làm việc thiện, giúp đỡ người khác bạn sẽ cảm thấy rất hạnh phúc, sảng khoái, tự hào,… Không chỉ vậy, mọi người xung quanh sẽ yêu quý bạn, giúp đỡ bạn khi bạn gặp khó khăn, cuộc sống sẽ luôn tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.
Từ xưa đến nay đã có rất nhiều tấm gương người tốt việc tốt khắp nơi trên thế giới. Ở nước ta, Hồ Chủ tịch là một tấm gương vĩ đại, mãi mãi toả sáng trong lòng mọi người dân Việt Nam. Công lao của Bác to lớn không thể đếm xuể, và đúng như “ở hiền gặp lành”, Bác đã nhận được rất nhiều. Bác vui mừng, hạnh phúc vì giành lại độc lập cho dân tộc. Không chỉ một vài người mà là tất cả mọi người trên đất nước Việt Nam đều quý mến Bác, coi Bác là vị Cha già kính yêu. Không cần đi xa, chỉ trong thời gian gần đây, thông tin hai thí sinh bỏ thi để cứu người đã khiến cho bao con mắt phải trầm trồ, thán phục. Đó là hai học sinh Lữ Đức Quân và Tăng Ngọc Dũng. Trên đường tới trường để thi tốt nghiệp môn Sinh, hai bạn bất ngờ phát hiện một phụ nữ đi xe đạp bị té ngã không tỉnh táo. Không ngần ngại, hai bạn cố gắng hết sức giúp đỡ nạn nhân, đưa nạn nhân lên xe đạp và đưa đến bệnh viện ngay lập tức. Sau khi hoàn tất thủ tục nhập viện, hai bạn cố gắng đạp xe trở lại trường nhưng vì đến trễ năm phút nên không thể tham gia thi. Người tốt ắt gặp điều tốt, ngay sau kì thi tốt nghiệp, hai bạn đã được tuyên dương và khen thưởng vì hành động nhân ái của mình. Hai bạn được đặc cách lấy điểm tổng kết môn Sinh học lớp 12 của hai bạn thay cho điểm thi tốt nghiệp. Đó là minh chứng rõ ràng cho câu nói “Ở hiền gặp lành” không có gì sai.
Nhưng liệu có phải ai “ở hiền” cũng “gặp lành” không? Có rất nhiều người sống và làm việc đúng mực, không làm điều gì trái với lương tâm nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, gặp phải nhiều biến cố, tai họa? Như cuộc đời của cụ bà Nguyễn Thị Đỗ (84 tuổi) ở thôn Nguyệt Biều, Huế là một ví dụ, đã gần đất xa trời mà vẫn không được một chút thanh thản. Ngày qua ngày, bà leo đồi hàng dặm để hái lá thuốc về bán để nuôi đứa con gái bị tâm thần. Số phận khốn khổ, đầy vất vả của cuộc đời này vẫn gánh trên đôi vai già nua của người mẹ này. Không chỉ vậy, số phận cũng không mỉm cười với nhiều đứa trẻ, những sinh linh nhỏ bé, đáng thương. Có những cô bé, cậu bé mồ côi, không nơi nương tựa, những đứa trẻ bị khuyết tật hoặc bị di chứng do chất độc màu da cam,… Những tâm hồn trong sáng ấy có tội lỗi gì mà số phận lại đối xử với họ một cách tàn nhẫn như vậy. Những đứa trẻ ấy thật đáng thương! Chỉ cần nhìn thấy những gương mặt vô tội ấy, chắc chắn bạn và tôi sẽ không thể nào kiềm chế được lòng mình và lúc đó, chúng ta sẽ khẳng định lại rằng câu nói của cha ông ta “Ở hiền gặp lành” là sai, hoàn toàn sai!!!
Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng không phải ai “ở hiền” cũng “gặp lành” hết. Câu nói của cha ông ta chỉ đúng một phần. Nhưng không phải vì thế mà ta nên bác bỏ nó. Qua câu nói “Ở hiền gặp lành” những người đi trước muốn răn đe, nhắc nhở mọi người sống tốt, làm công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội. Chúng ta may mắn hơn rất nhiều người, “gặp lành” hơn nhiều số phận, vì vậy chúng ta cần cưu mang, giúp đỡ những người gặp khó khăn, mang lại niềm vui không chỉ cho bản thân mà còn cho mọi người. Đối với thế hệ trẻ chúng ta, những chủ nhân của tương lai của đất nước hãy quan tâm hơn đến cuộc sống xung quanh, hãy làm những việc có ích để “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”.
Có thể nói, câu nói “Ở hiền gặp lành” là một câu nói hay, mang nhiều ý nghĩa. Dù có khi không hoàn toàn đúng nhưng chúng ta vẫn phải “ở hiền”, làm người tốt, việc tốt, để xây dựng một đất nước giàu mạnh, ấm no, hạnh phúc.