PTE hay Pearson Test of English là chứng chỉ Tiếng Anh có giá trị toàn cầu, hiện nay đã được công nhận ở nhiều nơi và càng ngày càng phổ biến. Cũng như các bài thi như IELTS và TOEIC, PTE Academic cũng phân ra các phần thi Nghe, Nói, Đọc, Viết. Speaking là phần đầu tiên, nằm trong bài thi Nói - Viết của PTE. Bài viết sẽ giới thiệu chung về phần thi này cũng như đi sâu vào phân tích từng dạng bài trong Speaking và rút ra những lưu ý mà thí sinh cần nắm được trước khi đi thi.
Key Takeaways:
PTE nói chung và PTE Speaking nói riêng có rất nhiều dạng câu hỏi. Vậy nên trước khi đi thi, thí sinh cần ít nhất nắm được format của từng dạng bài này và nắm được các lưu ý khi làm mỗi dạng.
Read Aloud, Repeat Sentence và Describe Image là các dạng bài chiếm khá nhiều điểm trong phần thi Speaking, thí sinh nên đầu tư nhiều thời gian hơn để luyện tập các dạng bài này ở nhà.
Các tiêu chí chấm điểm trong Speaking thường là: Content (Nội dung), Pronunciation (Phát âm) và Oral Fluency (Độ trôi chảy khi nói) và thường được chấm theo thang từ 1 đến 5. Yếu tố Content là yếu tố khó nhất và thường phụ thuộc vào độ khó của từng bài, vậy nên thí sinh nên luyện tập để tối đa được các yếu tố phát âm và độ trôi chảy ngay từ ở nhà.
PTE Speaking là gì?
Bài thi PTE Speaking nằm trong phần 1 – kiểm tra kỹ năng nói và viết trong tổng số ba phần của bài thi PTE (Các phần còn lại kiểm tra kỹ năng đọc và nghe). PTE Speaking được thiết kế nhằm đánh giá mức độ sử dụng ngôn từ một cách linh hoạt và hiệu quả của thí sinh khi nói Tiếng Anh. Để làm được điều này, PTE Speaking chia làm 6 phần nhỏ như sau, với các dạng bài kiểm tra đa dạng và số câu hỏi tùy theo từng phần:
Personal Introduction (Giới thiệu bản thân trong thời gian 1 phút)
Read Aloud: 6-7 câu hỏi – Yêu cầu: Đọc to 1 đoạn văn cho sẵn trong 40s
Repeat Sentence: 10-12 câu hỏi – Yêu cầu: Nghe và nhắc lại 1 câu nói ngắn (10-20 từ)
Describe Image: 5-6 câu hỏi – Yêu cầu: Mô tả một bức tranh cho sẵn bằng lời văn của chính mình trong 40s
Retell Lecture: 2-3 câu hỏi – Yêu cầu: Nghe và nhắc lại nội dung của một bài giảng (độ dài 45-90s) bằng lời văn của chính mình trong 40s.
Answer Short Question: 10-12 câu hỏi – Yêu cầu: trả lời các câu hỏi ngắn bằng một hoặc vài từ.
Tuy nhiên điểm đặc biệt của bài thi PTE là hệ thống tính điểm có phần phức tạp hơn các bài thi khác như IELTS. Phần thi Speaking sẽ không chấm điểm cho riêng kỹ năng nói mà còn chấm điểm cho cả các kỹ năng đọc và nghe. Ví dụ như phần thi Read Aloud sẽ quyết định khoảng 25% số điểm Speaking và 28% số điểm Reading của thí sinh. Các kỹ năng được tính điểm của từng phần thi ở trên sẽ được giới thiệu chi tiết hơn ở phần sau của bài viết.
Ngoài ra, mỗi phần thi lại có những tiêu chí khác nhau để chấm điểm. Bốn phần thi Read Aloud, Repeat Sentence, Describe Image và Retell Lecture sẽ được chấm dựa trên 3 tiêu chí là Pronunciation (Phát âm), Oral Fluency (độ trôi chảy khi nói) và Content (Nội dung). Các tiêu chí này được chấm trên thang 1 tới 5 và cũng sẽ được giới thiệu chi tiết hơn ở phần sau của bài viết. Trong khi đó, phần thi Answer Short Question lại được chấm dựa vào tiêu chí Vocabulary.
Những ghi chú và cách thực hiện cho từng dạng bài của PTE Speaking
Chú ý tổng quát cho phần thi Speaking
Bài thi PTE được tiến hành trên máy tính và ở phần thi Speaking, thí sinh sẽ được yêu cầu nói vào microphone. Dưới đây là ảnh minh họa của chiếc tai nghe có mic mà thí sinh sẽ dùng trong phòng thi:
Do đặc trưng này của bài thi PTE mà yếu tố kỹ thuật là rất quan trọng, mang tính quyết định đến chất lượng bài làm và điểm số của thí sinh. Bởi vậy, thí sinh nên chú ý những điều sau trước khi đi thi:
Microphone: Trong phòng thi, thí sinh nên đẩy mic từ miệng lên chóp mũi do đặt mic ngang miệng như bình thường sẽ bị lẫn nhiều tạp âm vì Tiếng Anh là ngôn ngữ có nhiều âm gió (như các âm/s/, /ch/, /sh/…). Vị trí đặt mic ở chóp mũi sẽ khiến âm thanh được trong hơn, không bị lẫn tiếng thở của thí sinh. Ngoài ra, thí sinh sẽ có phần test mic trước khi vào thi, nếu mic lỏng lẻo hoặc chất lượng thu âm không tốt thì thí sinh nên yêu cầu đổi mic kịp thời.
Tông giọng: Thí sinh nên nói ở tông giọng vừa phải, không quá cao hoặc quá trầm. Ngoài ra, thí sinh nên nói to, rõ ràng do trong phòng thi có thể khá ổn ào vì có nhiều thí sinh cùng nói một lúc.
Giới thiệu cá nhân – Thông tin cá nhân
Phần Personal Introduction là phần mở đầu của bài thi PTE, thí sinh sẽ có 25 giây để chuẩn bị trước nội dung và 30 giây để tự giới thiệu bản thân. Phần này không được tính điểm và cũng không ảnh hưởng tới số điểm của thí sinh nhưng cũng là một phần quan trọng trong bài thi. Bởi phần giới thiệu ngắn này sẽ được gửi đến các trường hoặc học viện mà thí sinh đã chọn, kèm với số điểm PTE của thí sinh. Vì vậy, người học cũng nên đầu tư cho phần giới thiệu này để có thể gây ấn tượng tốt với các trường đại học mà mình lựa chọn.
Thí sinh chỉ có một cơ hội duy nhất để ghi âm, vậy nên cần chuẩn bị trước phần giới thiệu và tận dụng tốt 25 giây để có thể note lại những điều mình sẽ nói. Người học có thể tham khảo cấu trúc giới thiệu bản thân dưới đây:
Hi, my name is… and I’m … years old.
I come from Vietnam, a beautiful country.
And currently, I’m studying/ working… (Giới thiệu qua về học vấn hoặc công việc)
In my free time, I’m fond of … (Giới thiệu một vài sở thích cá nhân)
I’m taking the PTE Academic exam to test my English skills as part of the visa/ university requirement … (Nêu lý do thi PTE hoặc lý do muốn đi du học nước ngoài)
Thí sinh nên tập nói trước phần này trôi chảy, phát âm rõ ràng ở nhà để có thể tự tin giới thiệu bản thân trong phòng thi. Personal Introduction là phần mở đầu nên nếu thí sinh làm tốt cũng có thể khiến tâm lý thoải mái hơn khi tham gia các phần thi sau.
Đọc và đọc thành tiếng
Read Aloud là phần thi mà thí sinh nên đầu tư nhiều thời gian để luyện tập vì phần này chiếm khá nhiều điểm, mang lại khoảng 25% điểm Speaking và 28% điểm Reading. Trong đó:
Speaking sẽ kiểm tra các kỹ năng: nói với mục đích cụ thể như nhắc lại, cung cấp thông tin, giải thích; đọc thành tiếng; đọc với tốc độ tự nhiên; nói trôi chảy trong thời gian quy định; phát âm (đọc đúng các âm, trọng âm, ngữ điệu);
Reading sẽ kiểm tra các kỹ năng: xác định mục đích, phong cách, thái độ của người viết; đọc hiểu các từ vựng học thuật; đọc được văn bản trong thời gian quy định.
Thí sinh sẽ được yêu cầu đọc to 6-7 đoạn văn cho sẵn. Với mỗi câu hỏi, thí sinh sẽ có 30-40 giây để chuẩn bị, sau tín hiệu tiếng “beep” máy tính sẽ bắt đầu ghi âm, thí sinh sẽ có 30-40 giây để đọc to đoạn văn cho trước (thời gian này tùy theo độ dài của đoạn văn). Phần ghi âm của thí sinh sẽ được máy tính chấm điểm.
(Nguồn: PTE Score Guide)
Phần thi này sẽ được chấm điểm dựa trên 3 tiêu chí:
Content (nội dung): Với tiêu chí này, mỗi từ đọc sai (thay thế, bỏ sót hoặc chèn thêm từ) sẽ được tính là một lỗi và số điểm tổng của tiêu chí này sẽ được tính tùy vào độ dài của văn bản cho trước.
Bởi vậy, thí sinh cần đọc đủ số từ, không thừa hoặc thiếu và cần luyện tập để đọc chính xác từ. Một số lỗi phát âm như phát âm sai hoặc đọc thiểu âm cũng có thể làm ảnh hưởng đến điểm Content. Ví dụ như từ “has” nếu đọc thiếu âm cuối là /s/ thì sẽ thành “had” và được tính là một lỗi Content.
Người học cũng cần lưu ý nếu đọc sai quá 50% nội dung đoạn văn thì sẽ bị tính 0 điểm Content và không chấm các điểm khác nữa. Đồng thời, sai Content sẽ bị trừ vào điểm Reading nên cả hai kỹ năng Speaking và Reading đều sẽ có band điểm chưa tốt.
Pronunciation (phát âm): Phát âm sẽ được tính theo thang từ 1-5 như sau:
+ Điểm 0 – Non-English: Không nói được Tiếng Anh hoặc phát âm sai hoàn toàn
+ Điểm 1 – Intrusive: Mới bắt đầu học Tiếng Anh
+ Điểm 2 – Intermediate: Trình độ phát âm trung cấp
+ Điểm 3 – Good: Trình độ phát âm tốt
+ Điểm 4 – Advanced: Trình độ phát âm nâng cao
+ Điểm 5 – Native-like: Trình độ phát âm như người bản xứ
Như đã giới thiệu trong tiêu chí Content, những lỗi phát âm nghiêm trọng như thiếu âm, làm biến đổi từ hoặc đọc sai từ hoàn toàn sẽ không chỉ bị trừ điểm phát âm mà còn bị trừ cả điểm nội dung. Ngoài ra, người học cũng nên bỏ thói quen đọc lướt các từ có nhiều âm tiết bởi có thể máy sẽ không nhận diện được và không tính điểm, nên luyện thói quen đọc to và rõ ràng.
Người học cũng nên chủ động luyện phát âm ở nhà, bắt đầu từ các âm cơ bản trong Tiếng Anh và ghép vào các từ, rồi luyện đọc các từ trong câu cũng như chú ý đến các âm cuối của từ. Khi học từ mới, người học không nên chỉ học nghĩa mà cũng cần học cả cách phát âm chính xác của từ đó. Ngoài ra, khi đã phát âm tốt hơn, người học nên luyện thêm các yếu tố như trọng âm và ngữ điệu khi nói Tiếng Anh.
Oral Fluency (độ trôi chảy): Tiêu chí này cũng được tính theo thang 1-5 như trên. Máy tính sẽ chấm độ trôi chảy của thí sinh dựa trên việc đo khoảng cách giữa các từ. Thí sinh đọc càng đều thì điểm Fluency sẽ càng cao. Do vậy, tiêu chí này không phụ thuộc vào tốc độ đọc nhanh hay chậm mà quan trọng là sự đều đặn khi đọc đoạn văn. Tuy nhiên, thí sinh cũng cần chú ý không nên đọc quá chậm vì có thể sẽ không đọc kịp đoạn văn trong thời gian yêu cầu.
Với những tiêu chí như trên người học cần lưu ý khi luyện tập kỹ năng Read Aloud:
Trong thời gian 30-40 giây chuẩn bị, người học cần:
+ Luyện đọc thành tiếng đoạn văn cho trước ít nhất 1 lần. Trong khi luyện, người học cũng cần chú ý ngắt nghỉ đúng dấu chấm, dấu phẩy. Nếu câu dài không có dấu phẩy, người học chủ động ngắt câu thành những cụm có nghĩa. Ví dụ cho đoạn văn sau, người học có thể luyện tập ngắt nghỉ hợp lý bằng cách sử dụng các dấu “/”
“Photography’s gaze widened during the early years of the twentieth century / and, / as the snapshot camera became increasingly popular, / the making of photographs became increasingly available / to a wide cross-section of the public. / The British people grew accustomed to, / and were hungry for, / the photographic image.”
+ Ngoài ra, sau khi đọc xong lần 1, người học cần chú ý luyện đọc lại những từ có nhiều âm tiết hoặc những từ khó đọc để có thể phản xạ tốt hơn khi đọc từ này ở các lần sau. Ví dụ ở đoạn trên, người học có thể chủ động luyện lại 2-3 lần các từ khó như “photographic”, “increasingly”, “accustomed”…
Khi đã luyện được phát âm tốt hơn, người học có thể luyện thêm ngữ điệu, cách lên giọng và xuống giọng cũng như các từ cần nhấn mạnh trong câu. Ví dụ thường cuối mỗi câu trần thuật người nói sẽ xuống giọng. Người học có thể dùng dấu gạch chân hoặc các dấu mũi tên để luyện tập thêm phần này:
The development of easy-to-use statistical software â has changed the way statistics is being taught and learned â. Students can make transformations of variables á, create graphs of distributions of variables á, and select among statistical analyses â all at the click of a button â. However â, even with these advancements â, students sometimes find statistics to be an arduous task.
- Khi máy bắt đầu ghi âm, người học cần:
+ Chú ý tín hiệu bắt đầu ghi âm để tránh bắt đầu quá chậm hoặc quá sớm, làm ảnh hưởng đến kết quả phần thi.
+ Tập trung cao độ khi đọc, tránh đọc thừa, thiếu và nhầm từ. Thí sinh có thể dùng chuột, ngón tay hoặc bút để chỉ theo chữ khi đọc để tăng mức độ tập trung.
+ Với những từ khó mà thí sinh vẫn không biết cách phát âm thì có thể đọc bừa theo bản năng để giữ sự trôi chảy, không nên tốn quá nhiều thời gian cho từ đó do ngập ngừng và sửa lại cách phát âm nhiều lần.
+ Trong quá trình đọc, thí sinh nên nhanh chóng bỏ qua các lỗi mắc phải khi đọc, tránh ngập ngừng quá lâu làm ảnh hưởng tới điểm Fluency.
- Khi luyện tập ở nhà, người học có thể chọn ra một đoạn ngắn trong các bài báo gồm 2-3 câu, khoảng 60 từ để luyện tập thêm kỹ năng Read Aloud, áp dụng các bước như trên.
Nhắc lại câu – Lặp lại câu nghe
Phần thi Repeat Sentence cũng là một phần thi quan trọng, chiếm khoảng 32% điểm Speaking và 22% điểm Listening. Trong đó:
Speaking sẽ kiểm tra các kỹ năng tương tự như phần Read Aloud.
Listening sẽ kiểm tra các kỹ năng: nghe hiểu các từ vựng học thuật trong văn nói, suy luận nghĩa của những từ không quen thuộc và nghe hiểu sự khác nhau trong tông giọng, tốc độ và accent của người nói.
Thí sinh sẽ được yêu cầu nghe và nhắc lại 10 -12 câu nói ngắn (10-20 từ). Thời gian kể từ lúc thí sinh bắt đầu nghe đến lúc ghi âm lặp lại là 8 giây (trong đó, nếu câu nghe được dài 6 giây thì thí sinh sẽ còn 2 giây cho đến khi máy bắt đầu ghi âm). Sau khi nghe mỗi câu, thí sinh kiểm tra “Current Status” trong ô Recorded Answer để tìm tín hiệu ghi âm “Recording” và bắt đầu nói.
(Nguồn: PTE Score Guide)
Tiêu chí chấm điểm:
Phần thi Repeat Sentence có 2 tiêu chí chấm điểm về Pronunciation và Oral Fluency tương tự như phần thi Read Aloud.
Tiêu chí Content (Nội dung) của Repeat Sentence có thang điểm từ 1-3 như sau:
+ Điểm 0: Gần như không lặp lại được gì từ câu đã nghe.
+ Điểm 1: Lặp lại được ít hơn 50% nội dung của câu vừa nghe được theo thứ tự chính xác.
+ Điểm 2: Lặp lại được ít nhất 50% nội dung của câu vừa nghe được theo thứ tự chính xác.
+ Điểm 3: Tất cả từ trong câu vừa nghe được lặp lại đúng và theo thứ tự chính xác.
Những lưu ý khi người học luyện tập kỹ năng Repeat Sentence:
Nhiều thí sinh thường đưa ra nhận định có phần chưa chính xác: nguyên nhân của khó khăn trong việc lặp lại các câu vừa nghe đến từ trí nhớ kém của thí sinh. Điều này chỉ đúng một phần, Trong thực tế, nếu cho thí sinh một câu Tiếng Việt dài hơn thí sinh cũng có thể lặp lại ít nhất 50% nội dung dù trí nhớ kém. Điều này là bởi vì thí sinh có thể hiểu rõ nội dung và có thể hình dung được thông điệp mà người nói muốn truyền tải. Ví dụ khi nghe câu sau: “Vịnh Hạ Long được Unessco công nhận là Di sản tự nhiên thế giới bởi giá trị ngoại hạng về phương diện cảnh quan, trở thành niềm tự hào của người Việt Nam.” Não bộ của người nghe sẽ ngay lập tức hình dung ra hình ảnh của Vịnh Hạ Long trong đầu và có thể liên kết được thông tin dễ dàng hơn. Bởi vậy, thay vì thực hành các bước “Nghe – Nhớ - Lặp lại” thí sinh cần luyện tập “Nghe – Hiểu – Lặp lại” trong phần Repeat Sentence. Để có thể làm được điều này, thí sinh nên:
+ Tập trung hiểu được ý nghĩa và ngữ cảnh của câu.
+ Có thể liên kết câu vừa nghe với một hình ảnh để có thể hình dung được tốt hơn, tiện cho việc ghi nhớ.
+ Đối với những câu dài, ngoài việc cố gắng nghe hiểu, thí sinh cũng có thể note lại một vài keywords để có thể gợi nhớ tốt hơn. Tuy nhiên thí sinh nên viết tắt để không tốn quá nhiều thời gian khiến sự tập trung dễ bị phân tán.
+ Thí sinh cũng có thể luyện tập việc ghi nhớ câu theo từng cụm tùy vào ý nghĩa. Ví dụ:
“Next week’s tutorial / on Tuesday / has been cancelled.”
Trong khi bắt đầu lặp lại, thí sinh cần chú ý:
+ Thí sinh chỉ cần lặp lại đúng 50% nội dung của câu vừa nghe là có thể đạt được 2/3 số điểm của phần thi Repeat Sentence. Do vậy, người học không nên quá tập trung vào việc phải lặp lại được tất cả từ đã nghe một cách hoàn hảo.
+ Thay vào đó, những từ đã nghe được nên được lặp lại một cách rõ ràng theo đúng thứ tự với tốc độ ổn định, không cần quá nhanh.
+ Thí sinh nên chú trọng hơn vào yếu tố Fluency khi lặp lại, cố gắng đọc trôi chảy những cụm từ nhớ được. Không nên ngập ngừng quá lâu và nếu bị vấp thí sinh nên cố gắng nói tiếp luôn.
Mô tả hình ảnh – Phê phán hình ảnh
Phần thi Describe Image sẽ chỉ chấm điểm cho kỹ năng nói, chiếm khoảng 25% số điểm Speaking. Trong đó, phần Speaking sẽ không chỉ kiểm tra các kỹ năng như hai phần thi trước mà còn giúp người học luyện thêm các kỹ năng: phát triển luận điểm với các chi tiết, ví dụ và giải thích; sắp xếp phần trình bày logic; phát triển các ý tưởng phức tạp trong khi nói; dùng từ khóa và các cách diễn đạt hiệu quả trong ngữ cảnh và sử dụng đúng ngữ pháp trong văn nói.
Ở phần này, thí sinh sẽ được yêu cầu miêu tả từ 6-7 bức tranh. Trước khi máy tính bắt đầu ghi âm, thí sinh sẽ có 25 giây để phân tích tranh và chuẩn bị trước những nội dung cần nói. Sau đó thí sinh sẽ có 40 giây để miêu tả bức tranh cho trước.
(Nguồn: PTE Score Guide)
Tiêu chí chấm điểm
Phần thi Describe Image cũng có tiêu chí chấm điểm về Pronuncation và Oral Fluency tương tự như hai phần thi trước.
Tuy nhiên, điểm Content (Nội dung) sẽ được tính trên thang điểm từ 1 đến 5. Trong đó:
+ Điểm 0: Chỉ miêu tả được một số yếu tố rời rạc của bức tranh.
+ Điểm 1: Mô tả một số yếu tố cơ bản của hình ảnh, nhưng không làm rõ mối quan hệ hoặc hàm ý của chúng.
+ Điểm 2: Mô tả được một điểm quan trọng của bức tranh và có đề cập tới hàm ý hoặc mối quan hệ và kết luận. Thể hiện được sự hiểu biết cơ bản về một số điểm cốt lõi trong bức tranh.
+ Điểm 3: Mô tả được hầu hết các điểm quan trọng của bức tranh và có đề cập tới hàm ý của tranh và kết luận.
+ Điểm 4: Miêu tả được tất cả các điểm quan trọng và mối quan hệ của chúng. Đề cập được hàm ý và kết luận.
+ Điểm 5: Miêu tả được tất cả các yếu tố của bức tranh và mối quan hệ của chúng cũng như những phát triển có thể diễn ra trong tương lai. Đề cập tới hàm ý và kết luận.
Đối với dạng bài Describe Image, người học sẽ có thể gặp khó khăn khi chuẩn bị phần mô tả chỉ trong 25 giây ngắn ngủi và dễ bỏ sót các chi tiết cũng như không giữ được độ trôi chảy khi nói. Người học cần có chiến lược, phương pháp và chuẩn bị sẵn template trước khi bước vào phần thi này.
Đầu tiên, thí sinh cần nắm chắc các dạng biểu đồ sẽ có thể xuất hiện trong ảnh bởi đây thường là dạng ảnh phức tạp nhất vì có nhiều số liệu và thông tin. Các dạng biểu đồ phổ biến là biểu đồ đường, biểu đồ cột, biểu đồ tròn và biểu đồ quy trình. Việc làm quen với cách đọc biểu đồ ở nhà có thể giúp thí sinh xử lý các số liệu tốt hơn dưới áp lực thời gian ngắn trong phòng thi. Ngoài ra thí sinh cũng cần luyện tập thêm việc miêu tả các dạng tranh khác và miêu tả bản đồ.
Ngoài việc chú tâm vào nội dung của bức tranh, thí sinh cũng cần lưu ý là 2/3 số điểm của phần này sẽ được chấm dựa trên tiêu chí phát âm và trôi chảy. Vậy nên thí sinh cần chuẩn bị sẵn template miêu tả tranh ở nhà để vào phòng thi có thể tận dụng tối đa thời gian chuẩn bị và nói lưu loát, rõ ràng khi máy bắt đầu ghi âm. Người học có thể tham khảo Template miêu tả biểu đồ đường sau:
+ Phần 1: Giới thiệu
The line graph describes [Nêu nội dung của biểu đồ dựa vào tên biểu đồ]
+ Phần 2: Miêu tả các đặc điểm chính trong biểu đồ
Trong biểu đồ đường, các số liệu thường có sự tăng giảm theo thời gian, vậy người học có thể tập trung miêu tả xu hướng này.
According to the image, [A] decreased/ increased from [số liệu đầu] to [số liệu cuối], while [B] grew/ fell from [số liệu đầu] to [số liệu cuối].
Người học tiếp tục miêu tả các đối tượng còn lại trong biểu đồ tương tự.
+ Phần 3: Kết luận và dự đoán xu hướng trong tương lai
In conclusion, the image show that [A] will continue to increase in the future.
- Tương tự, thí sinh nên chuẩn bị trước phần template cho các dạng ảnh có thể gặp và luyện tập dưới áp lực thời gian như trong phòng thi. Khi miêu tả, thí sinh nên nói được ít nhất là 30 giây trên tổng số 40 giây và cố gắng duy trì tốc độ trung bình, miêu tả lưu loát và nói to rõ ràng.
Trình bày lại bài giảng – Tái kể bài giảng
Phần thi Retell Lecture chiếm khoảng 12% số điểm Speaking và 10% số điểm Listening. Trong đó Speaking và Listening ngoài việc kiểm tra các kỹ năng như phần thi Repeat Sentence thì chấm điểm dựa trên khả năng xác định chủ đề hoặc nội dung chính của bài giảng, xác định các luận điểm và ví dụ; xác định mục đích, phong cách và thái độ của người nói; hiểu được các thông tin ngầm hoặc các thông tin trừu tượng.
Thí sinh sẽ được nghe một bài nói cho trước có độ dài từ 60-90 giây và phải tự trình bày lại phần đã nghe trong vòng 40 giây. Thí sinh sẽ có 10 giây để chuẩn bị trước khi tín hiệu ghi âm bắt đầu.
(Nguồn: PTE Score Guide)
Tiêu chí chấm điểm cho phần Retell Lecture cũng tương tự như phần Describe Image. Bởi đây là phần thi khó, thí sinh cần chú ý:
Trước khi bài nghe bắt đầu, thí sinh sẽ có 3 giây để nhìn hình ảnh. Trong lúc này, thí sinh nên dự đoán trước chủ đề của bài giảng sắp nghe để bước vào phần thi không bị bỡ ngỡ. Ví dụ khi nhìn vào hình ảnh ở trên, thí sinh có thể dự đoán chủ đề sắp nghe có thể là “space exploration” – khám phá vũ trụ và một số từ có thể nghe được sẽ là: “rocket”, “launch”, “sky”, “space”…
Trong quá trình nghe bài giảng, thí sinh nên tận dụng thời gian để take note nhanh phần mình nghe được, ưu tiên take note bằng các chữ viết tắt dễ hiểu để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, không nên cố ghi lại toàn bộ những thông tin nghe được mà chỉ nên ghi lại những nội dung chính, ưu tiên những từ khóa quan trọng như: danh từ, động từ, tính từ chính trong câu.
Ví dụ khi nghe được câu dài: “According to our information, the manufacturing process would take about 2 – 3 days to complete.” người học chỉ nên take note lại các từ quan trọng như “process – take – 2-3 days” những từ này đã diễn tả được nội dung chủ đạo của câu văn về thời gian hoàn thành quy trình. Để làm được điều này, người học cũng nên luyện tập thêm khả năng nghe và take note.
Ngoài ra, tương tự như phần trên, thí sinh cũng cần chuẩn bị sẵn template cho phần thi này để có thể nói trôi chảy, trình bày thông tin mạch lạc hơn. Người học có thể tham khảo template sau:
The lecture mainly discusses [Nêu chủ đề chính của bài nghe], which is a very interesting topic.
First, the speaker mentioned [Nêu ý 1 nghe được]
And then I can hear the information about [Nêu ý 2 nghe được]
Next, the speaker also talk about [Nếu các ý còn lại]
In conclusion [Kết luận vấn đề]
Retell lecture là một phần thi khó. Để lấy được trọn vẹn 5 điểm của phần Content đòi hỏi thí sinh phải trình bày được hết những khía cạnh đã được bàn luận trong bài giảng; bàn luận về mối quan hệ giữa những ý kiến này cũng như những hàm ý, sự phát triển trong tương lai. Bởi vậy, thí sinh nên tập trung hơn vào các yếu tố như phát âm hay độ trôi chảy. Cũng như những phần trước, thí sinh cần nói to rõ ràng, nhấn mạnh vào các từ note được và cố gắng duy trì tốc độ nói ổn định trong suốt phần ghi âm.
Ở nhà, thí sinh có thể chủ động bằng cách nghe những đoạn podcast hoặc bài giảng ngắn rồi luyện tập trình bày lại dưới áp lực thời gian như ở trong phòng thi.
Trả lời câu hỏi ngắn – Đáp câu hỏi ngắn
Phần thi này sẽ chỉ chiếm khoảng 3% số điểm Speaking và 7% số điểm Listening và sẽ không có tiêu chí chấm điểm như các phần trước mà sẽ chấm dựa vào vốn từ, mỗi câu trả lời đúng sẽ được cộng điểm về mặt từ vựng và ngược lại nếu trả lời sai sẽ được 0 điểm từ vựng cho câu đó.
Phần thi này sẽ có từ 10-12 câu hỏi. Các câu hỏi này thường sẽ ngắn để kiểm tra khả năng nghe và vốn từ của thí sinh. Ví dụ “What part of their body do birds use to fly?” – Đáp án: “wings”. Sau khi nghe xong câu hỏi thí sinh cần kiểm tra khung “Recorded Answer” để kiểm tra tín hiệu ghi âm và bắt đầu trả lời. Nếu quá 3 giây mà thí sinh không trả lời thì thanh trạng thái sẽ chuyển thành “completed”, nghĩa là thí sinh đã mất cơ hội trả lời cho câu này.
(Nguồn: Hướng dẫn điểm PTE)
Câu trả lời cho các câu hỏi trong phần này thường là duy nhất, là một từ hoặc một cụm từ ngắn do phần này tập trung vào kiểm tra khả năng phản xạ của thí sinh về từ vựng. Số lượng câu hỏi thường rất đa dạng với nhiều chủ đề khác nhau. Thí sinh cần tích cực mở rộng vốn từ vựng từ nhiều lĩnh vực khác nhau trong quá trình luyện tập kỹ năng và các phần thi khác để chuẩn bị cho phần này.
Khi đã biết đáp án cho câu hỏi, thí sinh nên trả lời một cách ngắn gọn và phát âm rõ ràng và chính xác. Nếu thí sinh mắc sai sót, có thể tự tin sửa lại vì điểm số phụ thuộc vào việc thí sinh có thể nói được từ trong đáp án đúng trong thời gian quy định hay không.