Giới thiệu
Xin chào mọi người, những người đam mê triết học, đang tìm kiếm tự do và sáng tạo. Hôm nay tôi muốn bắt đầu một loạt bài phân tích về các chương trong cuốn sách “Zarathustra đã phát biểu như thế” (Thus spoke zarathustra) của Nietzsche. Bài phân tích đầu tiên trong loạt bài này sẽ tập trung vào việc phân tích chương “Về đọc và viết”, một chương thường bị lãng quên nhưng lại chứa đựng nhiều triết lý quan trọng của Nietzsche.
Giới thiệu cuốn sách “Zarathustra đã phát biểu như thế”
Tựa đề “Zarathustra đã phát biểu như thế”: “Một tác phẩm dành cho tất cả và không dành cho bất kỳ ai”, là một cuốn sách kể về Zarathustra, một nhà tiên tri, nhà truyền giáo người Ba Tư, người đi khắp nơi một mình để phổ biến triết lý rằng “CHÚA ĐÃ CHẾT”, và thay vào đó là “Siêu Nhân”. Toàn bộ các bài giảng và hành trình truyền giáo của Zarathustra được chia thành bốn phần trong cuốn sách. Điều đặc biệt là Nietzsche đã sử dụng cách diễn đạt và phong cách viết tiền bối để giới thiệu những ý niệm đối lập với quan điểm về đạo đức và truyền thống của Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo. “Zarathustra đã phát biểu như thế” không chỉ là một tác phẩm triết học thông thường mà còn là một tác phẩm văn học. Thomas Mann, người đoạt giải Nobel văn học năm 1929, đã nói rằng nếu giải Nobel văn học được thiết lập trong thế kỷ 19, thì Nietzsche xứng đáng nhận giải đó. Bằng cách sử dụng lối viết sâu sắc và ngôn từ nghệ thuật của mình, Nietzsche đã làm đầy các kẽ hở trong lịch sử triết học hai nghìn năm với một lối viết mà chúng ta phải tự điền vào đó. Do đó, “Zarathustra đã phát biểu như thế” là một cuốn sách mà bạn không thể hiểu hết chỉ trong một lần đọc, mà sau mỗi lần đọc, bạn sẽ học được một triết lý mới và hiểu rõ hơn về tâm tư, triết lý của Nietzsche. Đặc biệt, mỗi độc giả khi đọc tác phẩm của Nietzsche lại tìm ra một triết lý và cách hiểu riêng cho từng đoạn văn và ý thơ, tạo ra một trải nghiệm độc đáo cho mỗi người.
Phân tích chương “Về đọc và viết”
1
Trong tất cả những gì được viết ra, chúng ta chỉ yêu thích những điều mà tác giả đã viết bằng máu của mình. Bạn hãy viết bằng máu, sau đó bạn sẽ hiểu rằng máu chính là tinh thần. Hiểu được một dòng máu xa lạ không phải là điều dễ dàng: chúng ta ghét tất cả những kẻ chỉ ngồi đọc sách mà không làm việc.
Mở đầu chương “Về đọc và viết”, đoạn văn trên là một quan điểm khá dễ hiểu của Nietzsche về người đọc và sự hy sinh, cống hiến của các tác giả chân chính.
Câu văn trên của Nietzsche nhắc đến viết bằng 'máu”, vậy “máu” ở đây được hiểu là gì? Khi chúng ta cố gắng viết hoặc sáng tạo, ta dễ dàng biểu thị những thứ có trong đầu hoặc cóp nhặt từ nguồn khác một cách dễ dàng. Nhưng những thứ mà ta khó diễn đạt hoặc vấn đề còn quẩn quanh trong lòng thì ta thật khó đưa nó ra ngoài phạm vi suy nghĩ và đưa vào trong giấy. Đó là một quá trình đầy khó khăn và đau đớn của những người tác giả chân chính. Những thứ mà họ viết ra không chỉ là những câu chữ in bằng giấy trắng, mực đen mà nó còn là “máu” của người viết ra chúng. “Bạn hãy viết bằng máu đi, rồi bạn sẽ hiểu rằng máu chính là tinh thần.” Thật vậy, chính tác phẩm này được Nietzsche viết bằng chính 'máu' của mình, khi đó ông vừa đang trong tình trạng sức khỏe suy yếu mà còn đang mang trọng trách cứu lấy xã hội thối nát nước Đức khỏi kiếp tiện nhân, bằng cách đi ngược với nhân loại, truyền đạt thông điệp về “Siêu nhân”, về “CHÚA ĐÃ CHẾT”.