Đó là lời phàn nàn của một biên tập viên trên The Outline về bàn phím của MacBook, với thiết kế switch bấm cánh bướm liên tục hỏng và không thể tự sửa chữa.
Những chiếc laptop mới của Apple ra mắt trong hai năm gần đây đều có một thiết kế bàn phím khác biệt cho phép những chiếc MacBook này trở nên mỏng hơn cũng như phím bấm to hơn so với trước đây. Tuy nhiên, đi kèm với nó là một vấn đề đang khiến nhiều người dùng phải đau đầu.
Và anh chàng Casey Johnston, biên tập viên của Wirecutter, là một trong những nạn nhân của vấn đề này. Và như anh đã thốt lên, bàn phím của chiếc MacBook mới đã “hủy hoại đời tôi”. Dưới đây là lời lý giải của anh tại sao cuộc đời anh lại bị bàn phím của chiếc MacBook mới hành hạ như vậy.
'Một mẩu bụi đã hủy hoại đời tôi'
Tôi đã ở cửa hàng Apple Store tại ga Trung tâm lần thứ ba trong năm, nhìn thanh tiến trình từ từ chạy ngang qua màn hình màu đen trên chiếc máy tính của tôi khi các Genius đang giúp đỡ các khách hàng khác bằng chiếc iPad của cô ấy. Quá trình chuẩn đoán lần thứ ba cho máy tính của tôi mất 45 phút.
Vấn đề của nó không phải ở bảng mạch, không phải pin hỏng, hay camera không hoạt động. Mà là phím cách. Nó bị hỏng. Và thậm chí còn không phải thực sự hỏng - nó vẫn di chuyển và hoạt động bình thường. Nhưng mỗi lần tôi ấn vào nó, nó lại cách ra hai lần.
“Có lẽ do một mẩu bụi.” Nhân viên Genius của Apple nói với tôi như vậy. Cũng giống như những lần trước tôi đến cửa hàng Apple Store, cũng chiếc máy tính này, và cũng vấn đề như vậy – bàn phím hoạt động không chính xác – và lần nào các Genius cũng nói vậy với tôi.
Lần đầu tiên nghe thấy điều này, tôi gần như choáng váng đến im lặng, khi một vấn đề nghiêm trọng như vậy lại chỉ do một thứ nhỏ nhặt như vậy, lần thứ hai tôi không thể tin rằng điều đó lại lặp lại. Còn lần này, tôi đã sẵn sàng. “Nếu chỉ một mẩu bụi lại làm cả máy tính gặp trục trặc, anh không thấy đó là một vấn đề ư?”
Trong mọi chiếc máy tính tôi dùng trước khi mua chiếc MacBook Pro mới mùa thu năm ngoái, việc sửa chữa sẽ bắt đầu bằng cách gỡ phím bị hỏng và xem xem nó có bị bẩn hay không. Không phải toàn bộ bàn phím. Trên thực tế, tất cả bàn phím hiện nay của Apple giờ đều được tạo thành từ một phần duy nhất, không thể sửa chữa của món đồ công nghệ này. Không có cách nào sửa chữa nó cả, cách duy nhất là thay thế đến một nửa chiếc máy tính.
Nhân viên Genius nhún vai một cách đầy đồng cảm. Anh nhìn quanh và chỉ vào một chiếc MacBook Pro năm 2015 với phím bấm dầy hơn một chút. “Tôi đã từng có một chiếc như vậy,” anh nói đầy hồi tiếc. Cho dù nhân viên Apple được chiết khấu đáng kể khi mua máy tính công ty, và đây là lần đầu tiên chiếc MacBook Pro được thiết kế lại toàn diện như vậy trong vòng tám năm nay, anh sẽ không chọn mua nó, ngay cả một năm sau đó.
Switch bấm cánh bướm
Apple là một trong số ít công ty công nghệ đã cố gắng cải thiện bàn phím notebook hay laptop. Trong những năm 80, bàn phím những chiếc máy tính thông thường, như chiếc IBM Model M, đều được các công ty thiết kế rất dày dặn và thô kệch, với các phím bấm bằng nhựa dày và cơ chế lò xo khóa. Trong laptop, các công ty bắt đầu sử dụng “các switch dạng cắt kéo”, với các miếng nhựa dẻo xếp chéo nhau để đẩy phím nẩy lên, bởi vì chúng tốn ít không gian hơn các cơ chế như vòm cao su.
Switch bấm cắt kéo.
Các switch bấm dạng cắt kéo, với thiết kế của các công ty kín hơn, được cho là sẽ giúp ngăn không cho bụi và các mảnh vụn rơi xuống dưới phím bấm, và hơn là cả phần còn lại của máy tính. Thiết kế này tốn ít không gian hơn, phù hợp hơn với máy tính khi mang vác theo. Đổi lại, thiết kế phím bấm cắt kéo này khó gỡ khỏi phần khung hơn các phím dùng vòm cao su, nhưng không phải là không thể.
Các switch bấm cánh bướm, vốn được sử dụng trên bàn phím laptop Apple, là loại switch cắt kéo được thu gọn lại tối đa. Các phím vẫn được đẩy lên bằng hai miếng nhựa đan chéo vào nhau, nhưng hành trình của nó thấp đến nỗi các phím gần như không di chuyển chút nào. Cũng như tên gọi của mình, các switch bấm cánh bướm vô cùng tinh tế, được giữ bằng bốn thanh nhựa nhỏ li ti, mỗi thanh không lớn hơn chân một con côn trùng có cùng kích thước và độ bền.
Động lực cho việc phổ biến các switch bấm cánh bướm này là vì Apple muốn làm các sản phẩm của họ mỏng hơn, đến một mức độ hợp lý tại thời điểm này (chiếc MacBook Pro giờ chỉ cân nặng khoảng 1,4 kg).
Nhưng nó lại đại diện cho logic của Apple trong việc thiết kế bàn phím: switch bấm cắt kéo nghĩa là hành trình ngắn hơn, nghĩa là ít bụi dưới phím hơn, vì vậy switch bấm cắt kéo cũng có nghĩa là hành trình ngắn hơn nữa, và nghĩa là ít bụi dưới phím hơn nữa, và như vậy về lý thuyết, nó là một bàn phím tốt hơn cho mọi người, trừ những người thích cảm giác phím bấm di chuyển dưới ngón tay của họ, hay những người thích gõ phím.
Switch bấm cánh bướm của Apple.
Thật không may cho Apple. Hóa ra lại có rất nhiều người như vậy. Thế hệ bàn phím cánh bướm đầu tiên xuất hiện trên những chiếc MacBook 12-inch ra mắt vào năm 2015, chúng đã bị chỉ trích vì hành trình của phím bấm gần như không tồn tại và việc gõ phím cảm giác giống như gõ ngón tay lên một bàn tính bằng nhựa vậy. Chiếc MacBook Pro ra mắt vào năm 2016 được cho là dùng các switch bấm cánh bướm thế hệ thứ hai, được thiết kế nâng lên một chút so với thế hệ đầu tiên, giúp hành trình của chúng dài hơn khoảng một micromet.
Có lẽ nó thực sự giúp ngăn bớt bụi ở phía dưới các phím bấm dạng cánh bướm. Nhưng đó lại là vấn đề - khi bụi lọt xuống dưới, nó lại không thể thoát ra ngoài. Như vậy một mẩu bụi cũng có khả năng làm switch bấm cánh bướm không thể hoạt động. Phím bấm sẽ nhấp được, và nó sẽ không thực thi bất cứ lệnh nào mà nhẽ ra nó phải làm. Nó sẽ dễ dàng bị kẹt phím cho đến khi có ai đó gẩy được mẩu bụi đó ra khỏi bàn phím. Trong khi đó, Apple âm thầm tạo một trang mới, hướng dẫn và giúp mọi người xử lý với các switch bấm cánh bướm bị kẹt.
Vấn đề với phím bấm bị kẹt là, trừ khi bạn có thể dừng những việc bạn đang làm dở ở giữa trang giấy hay báo cáo của mình, hay email hay thậm chí cả trò chơi bạn đang chơi dở, bạn sẽ rất hứng thú với việc cố hết sức để ấn được chữ N hay B cho đến khi bạn không thể chịu đựng được nữa.
Nhưng hoàn toàn không có biện pháp khắc phục tại nhà nào cho người dùng: khi một phím trên bàn phím dùng switch bấm cánh bướm không hoạt động được, trừ khi bạn có thể loại bỏ những hạt bụi hay mảnh vụn đang kẹt trong bàn phím mà không phải gỡ nó ra, không thì bàn phím của bạn xem như đã hỏng.
Nếu bạn gỡ phím bấm đó ra và cố gắng làm sạch phía dưới nó, nhiều khả năng bạn sẽ phá hỏng nó vĩnh viễn, nhưng nếu bạn để đó và tiếp tục nện mạnh vào bàn phím để hoàn tất bức thư dang dở của mình, bạn cũng sẽ phá hỏng nó vĩnh viễn. Cuối cùng, một mẩu bụi nhỏ có thể hủy hoại đời bạn theo đúng nghĩa đen.
'Đó là vấn đề của dòng máy tính này'
Vẫn chưa rõ vấn đề với các bàn phím switch bấm cánh bướm lớn đến mức nào. Các diễn đàn của Apple đang tràn ngập các báo cáo của những nhân viên Genius nói với khách hàng rằng, Apple đang “thu thập dữ liệu” về vấn đề này. Một nhà phân phối chiếc MacBook Pro cho biết việc doanh nghiệp của họ đã gặp phải một lượng đáng kể các vấn đề về bàn phím, nhưng “chắc chắn không đến 5%”.
Một Genius khác giải thích rằng anh đã phải gửi một lượng khổng lồ các máy tính có vấn đề về bàn phím, đặc biệt là ở phím cách – trong khi các phím khác có thể gỡ bỏ được một cách phức tạp, riêng phím cách gần như chắc chắn sẽ hỏng mỗi khi có ai đó, kể cả các chuyên gia, gỡ nó ra. Theo Genius mà tôi nói chuyện, đây là một vấn đề lớn, khi bàn phím là bộ phận dễ bị bụi tác động nhất trên máy tính. “Tôi sẽ nói đó là vấn đề của dòng máy tính này.” (Apple từ chối bình luận về nó).
Nếu các phím máy tính thực sự bị hỏng, bị kẹt hay không hoạt động, bạn có thể mang nó tới cửa hàng Apple Store, các Genius sẽ thực hiện ít nhất ba bài chuẩn đoán, mỗi bài mất khoảng 15 phút. Một bài trong số đó có liên quan đến việc ấn thử từng phím một để xem switch bấm có phản hồi hay không. Toàn bộ quá trình mất khoảng một giờ.
Nếu Apple quyết định thay bàn phím, họ sẽ gửi máy tính đó đi để thay thế toàn bộ lớp vỏ ở trên, hoàn toàn không có chuyện như thay một hai phím hay chỉ thay bàn phím. Trên chiếc MacBook Pro, lớp vỏ ở trên có giá bán lẻ 700 USD, nhưng các chiếc máy tính thường không hoạt động đủ lâu để bất kỳ ai cũng có thể được bảo hành.
Trong những chiếc MacBook thông thường, ra mắt lần đầu từ năm 2015, Apple báo giá 330 USD để thay hoàn toàn lớp vỏ trên khi hết hạn bảo hành. Rõ ràng, con đường từ chỗ “chỉ một hạt bụi” sang “700 USD tiền sửa chữa” ngắn đến mức đáng sợ.
Trong thời gian gần đây, Apple đã đi theo hướng tạo nên những chiếc máy tính không thể sửa chữa mà không phải mổ xẻ cả chiếc máy ra – cách đây chưa đầy một năm, một trong những miếng cao su nhỏ ở đáy máy tính cũ của tôi bị rơi ra. Tôi đã vào Apple Store với hy vọng các Genius chỉ cần gắn lại miếng cao su thay thế đó. Nhưng nó tốn của tôi hai cuộc hẹn gặp và nhiều giờ nói chuyện với hàng loạt Genius để cuối cùng tôi hiểu ra rằng, giải pháp duy nhất của Apple cho vấn đề này là thay thế toàn bộ lớp vỏ ở phía dưới máy.
Con đường từ “một mẩu bụi” đến “700 USD tiền sửa chữa” ngắn đến mức đáng sợ
Có lẽ các switch bấm cánh bướm chỉ đơn giản là một cỗ máy sinh ra tiền cho mảng kinh doanh sửa chữa tại các Apple Store. Nhưng thật khó có thể tin rằng Apple, công ty với kho tiền mặt lớn nhất nước Mỹ, hoặc cần trở nên khôn ngoan hơn, hoặc vẫn tự tin rằng khách hàng của họ quá tôn thờ hình ảnh của công ty đến nỗi, họ bỏ qua thực tế rằng những chức năng cơ bản nhất của laptop có thể bị vô hiệu hóa chỉ với một vật nhỏ như hạt bụi.
Máy tính của tôi đã trở lại sau khi được sửa chữa tại Memphis với lớp vỏ mới ở phía trên, bao gồm cả bàn phím mới. Cho đến bây giờ, bàn phím vẫn hoạt động. Nhưng khi tôi viết bài này, một tia nắng mặt trời xuyên qua khe cửa sổ để chiếu thẳng vào bàn phím laptop của tôi, và trong tia nắng đó là một đám bụi nhỏ li ti đang lơ lửng bên trên nó.
Theo The Outline