Lát cắt bánh red velvet bốn lớp từ Waldorf-Astoria | |
Loại | Bánh nhiều lớp |
---|---|
Bữa | Tráng miệng |
Xuất xứ | Hoa Kỳ |
Vùng hoặc bang | Hoa Kỳ |
Thành phần chính | Bột mì, buttermilk, bơ, đường, bột cacao, và/hoặc cream cheese phủ ngoài, củ dền, hoặc màu đỏ thực phẩm, màu tự nhiên |
|
Theo truyền thống, red velvet là một loại bánh chocolate nhiều tầng có màu đỏ, đỏ nâu, đỏ thẫm hoặc đỏ tươi, được chia lớp bằng lớp kem phủ từ cream cheese hoặc kem trắng. Công thức làm bánh truyền thống không dùng màu thực phẩm; màu đỏ tự nhiên xuất phát từ ca cao không chế biến kiểu Hà Lan, giàu anthocyanin.
Nguyên liệu chính thường gồm có buttermilk, bơ, ca cao, giấm, và bột mì. Củ dền hoặc màu thực phẩm đỏ có thể được dùng để tạo màu.
Lịch sử
Bánh velvet có nguồn gốc từ thời Victoria. Trong thời kỳ đó, bánh velvet được phục vụ như một món tráng miệng sang trọng. Thuật ngữ 'velvet' được dùng để miêu tả loại bánh mềm và mịn. Cùng thời gian đó, bánh devil's food ra đời, và nhiều người tin rằng bánh red velvet có xuất xứ từ đây. Sự khác biệt giữa hai loại là bánh devil's food dùng chocolate, còn red velvet dùng ca cao.
Trong Thế chiến II, khi thực phẩm bị chia khẩu phần, các thợ làm bánh dùng nước ép củ dền đun sôi để làm đậm màu bánh của họ. Củ dền có mặt trong một số công thức red velvet, vừa làm chất độn vừa giữ độ ẩm. Adams Extract, một công ty ở Texas, được cho là đã đưa red velvet đến các nhà bếp trên khắp nước Mỹ trong thời kỳ Đại suy thoái, bằng cách phân phối màu thực phẩm đỏ và chiết xuất hương vị, cùng với áp phích và thẻ công thức tại quầy thanh toán.
Chiếc bánh và công thức ban đầu nổi tiếng ở Mỹ từ Khách sạn Waldorf-Astoria của New York, nơi nó được gọi là bánh Waldorf-Astoria. Tuy nhiên, công thức này được cho là có nguồn gốc từ miền Nam. Truyền thống, red velvet được phủ kem bơ roux kiểu Pháp (hay kem phủ ermine), rất nhẹ và mịn nhưng tốn thời gian. Kem phủ từ pho mát kem và kem bơ cũng trở nên phổ biến.
Tại Canada, loại bánh này là món tráng miệng nổi tiếng trong các nhà hàng và tiệm bánh của chuỗi cửa hàng Eaton's vào thập niên 1940 và 1950. Quảng bá như một công thức độc quyền của Eaton, nhiều người nhầm tưởng bánh là phát minh của bà chủ cửa hàng, Lady Eaton.
Gần đây, bánh red velvet và red velvet cupcake trở nên phổ biến tại Mỹ và nhiều nước châu Âu. Sự phổ biến này có thể bắt nguồn từ phim Steel Magnolias (1989) với chiếc bánh cưới red velvet cho chú rể hình con trút. Magnolia Bakery ở Manhattan phục vụ bánh này từ khi khai trương năm 1996, cùng với các nhà hàng phong cách ẩm thực miền Nam Hoa Kỳ như Amy Ruth's ở Harlem, khai trương năm 1998. Năm 2000, Cake Man Raven mở một trong những tiệm bánh đầu tiên dành cho loại bánh này ở Brooklyn.
Nguyên liệu
Nguyên liệu làm nên red velvet thay đổi theo thời gian và vùng miền. Trong cuốn American Cookery (1972), James Beard mô tả ba loại bánh red velvet khác nhau dựa trên lượng mỡ trừu, bơ, và dầu thực vật, tất cả đều sử dụng màu thực phẩm đỏ. Giấm và buttermilk giúp anthocyanin trong ca cao phát huy màu đỏ, làm bánh ẩm, nhẹ và mịn. Cách nhuộm màu tự nhiên này có thể là nguồn gốc của tên 'red velvet', tương tự như 'devil's food cake' và các loại bánh chocolate khác. Ngày nay, chocolate thường được chế biến theo kiểu Hà Lan, ngăn cản sự thay đổi màu sắc của anthocyanin. Quá trình tái cấu trúc red velvet ban đầu liên quan đến việc giảm hoặc loại bỏ giấm và màu thực phẩm, và sử dụng ca cao không qua chế biến kiểu Hà Lan để tạo độ axit và màu cần thiết.
Các biến thể
Ngoài nhiều biến thể của red velvet, còn có nhiều sản phẩm có hương vị tương tự như bột protein, trà, latte, Pop-Tarts, bánh quế và đồ uống có cồn. Hương của bánh cũng được sử dụng trong nến và xịt thơm phòng. Đối với những người có chế độ ăn kiêng đặc biệt, như dị ứng và nhạy cảm với thành phần, có các phiên bản thuần chay, không gluten và không chứa sữa.