1. Tư vấn và hỗ trợ học sinh là gì?
Trong thực tế, “tư vấn” và “hỗ trợ” có liên quan nhưng có ý nghĩa khác nhau:
Thuật ngữ 'tư vấn' đề cập đến hoạt động chuyên môn giúp người khác đưa ra quyết định, giải quyết vấn đề và nâng cao năng lực cá nhân thông qua phương pháp và kỹ năng chuyên môn. Những người làm công việc này được gọi là 'nhà tư vấn'. Trong tư vấn tâm lý, thuật ngữ này còn bao hàm việc sử dụng kiến thức và kỹ năng để hỗ trợ cá nhân nhận diện và thay đổi hành vi, nâng cao sự cân bằng tâm lý.
'Hỗ trợ' được hiểu là sự giúp đỡ khi người khác gặp khó khăn trong cuộc sống, bao gồm cả vật chất lẫn tinh thần. Ai cũng có thể trở thành người hỗ trợ khi có điều kiện, từ việc đơn giản như đồng nghiệp thăm và động viên khi bạn bệnh, bạn học chép bài giúp khi bạn ốm, đến đồng nghiệp giúp tìm tài liệu khi bạn cần. Việc hỗ trợ này mang tính nhân văn và không gây tổn thất pháp lý.
Để học sinh có điều kiện phát triển toàn diện, công tác tư vấn và hỗ trợ là rất quan trọng. Để cán bộ quản lý và giáo viên thực hiện hiệu quả, các Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng tổ chuyên môn cấp tỉnh đã đưa ra các tình huống và giải pháp tư vấn, hỗ trợ học sinh. Các hoạt động này có thể được phân loại dựa trên các tiêu chí sau:
- Phương tiện tư vấn và hỗ trợ: Có thể phân thành tư vấn và hỗ trợ trực tiếp (gặp mặt trực tiếp) và tư vấn hỗ trợ gián tiếp (qua điện thoại, email, tin nhắn, ...).
- Quy mô tư vấn và hỗ trợ: Có thể phân thành tư vấn và hỗ trợ cá nhân và nhóm.
- Nội dung tư vấn và hỗ trợ: Tư vấn về học tập; giao tiếp; phát triển bản thân; hướng nghiệp; sức khỏe và giới tính, ...
2. Phân tích trường hợp thực tiễn về tư vấn và hỗ trợ học sinh
BÁO CÁO PHÂN TÍCH TRƯỜNG HỢP THỰC TIỄN VỀ TƯ VẤN
HỖ TRỢ HỌC SINH TRONG QUÁ TRÌNH DẠY VÀ HỌC
Thông tin học sinh: NGUYỄN VĂN A
Giáo viên thực hiện tư vấn, hỗ trợ: TRẦN THỊ B
Lý do tư vấn và hỗ trợ: (mô tả tình huống hoặc bối cảnh cho thấy học sinh gặp khó khăn trong học tập và giáo dục, cũng như lý do cần thiết của việc tư vấn và hỗ trợ cho học sinh).
A là con trai út trong gia đình có hai anh em và có điều kiện khá giả. Khi học lớp 3, A là học sinh ngoan, chăm chỉ, hòa đồng và có ý thức học tập. Tuy nhiên, từ lớp 4, do công việc, bố mẹ A thường xuyên vắng nhà từ sáng đến tối. Anh trai đi học, A phải ở nhà một mình, tự lo việc ăn uống và học tập. Từ đó, A thường xuyên đến lớp muộn, hay ngủ gật, không phát biểu trong lớp, làm bài sai, và khi được gọi phát biểu thì chỉ trả lời là không biết, không tập trung và không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
1. Thu thập thông tin về học sinh:
- Suy nghĩ/cảm xúc/hành vi: Sống tình cảm, biết chia sẻ, quan tâm người khác, nhanh nhẹn, ngoan ngoãn, lễ phép, dễ bị xúc động. (quan sát, phỏng vấn)
- Khả năng học tập: Thông minh, nhạy bén, học tốt. (hồ sơ, quan sát)
- Sức khỏe thể chất: Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, hay ngủ gật trong lớp. (quan sát)
- Quan hệ giao tiếp (với bạn bè, thầy cô): Trước đây hòa đồng, vui vẻ, hiện tại ít giao tiếp hơn. (quan sát)
- Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình: Thiếu sự quan tâm từ bố mẹ và anh trai. Ít được chăm sóc và chú ý. (phỏng vấn)
- Điểm mạnh và hạn chế: Có khả năng tự nấu ăn, giữ gìn vệ sinh cá nhân, sẵn sàng giúp đỡ bạn; chưa biết sắp xếp thời gian học tập và sinh hoạt hợp lý, dễ tự ái và có phần cộc cằn. (phỏng vấn)
- Sở thích: Thích chơi đá bóng và chơi rôbốt. (phỏng vấn)
- Đặc điểm tính cách: Trung thực. (quan sát)
- Mong muốn: Luôn muốn ở bên ba mẹ và anh trai, và cả gia đình có thể vui vẻ bên nhau.
2. Các vấn đề/khó khăn của học sinh:
- Cảm xúc và tâm lý bị kìm nén: Cảm giác lo lắng.
- Tiếp thu bài chậm, không tập trung vào học, cảm thấy chán nản, ít quan tâm đến bài tập được giao.
- Phải tự lo liệu mọi thứ từ học tập đến ăn uống.
- Thường xuyên đi học muộn và hay ngủ gật trong lớp.
- Sức khỏe kém.
3. Đánh giá vấn đề của học sinh (Xác định vấn đề chính và phân tích nguyên nhân, điều kiện duy trì vấn đề. Xem xét những vấn đề mà giáo viên có thể xử lý và các vấn đề cần sự phối hợp của giáo viên).
- Vấn đề chủ yếu:
+ Khó khăn trong học tập: Chậm tiếp thu bài, thiếu hứng thú học tập, không hoàn thành nhiệm vụ, dễ mất tập trung.
+ Đi học muộn, thường xuyên buồn ngủ.
+ Ít giao tiếp với thầy cô, bạn bè do cảm thấy mệt mỏi, chán nản, và không hiểu bài học.
+ Phát triển cá nhân: Ảnh hưởng tâm lý…
- Nguyên nhân: Thiếu sự quan tâm từ gia đình về dinh dưỡng, học tập và sinh hoạt, thiếu ngủ, không có sự nhắc nhở. Ít giao tiếp với thầy cô, bạn bè do cảm thấy mệt mỏi, chán nản và không hiểu bài học.
- Những vấn đề giáo viên có thể hỗ trợ: Động viên, quan tâm; hỗ trợ học tập: giải thích lại bài, hướng dẫn làm bài; thường xuyên hỏi thăm.…
- Giáo viên cần phối hợp với gia đình để thu thập thông tin và hỗ trợ kịp thời.
4. Lập kế hoạch tư vấn và hỗ trợ:
* Mục tiêu của việc tư vấn và hỗ trợ:
- Giúp học sinh bình tĩnh, tự tin và hòa nhập với mọi người, cải thiện tinh thần; hỗ trợ học sinh trở lại trạng thái bình thường.
- Học sinh A sẽ đến lớp đúng giờ và không còn tình trạng ngủ gật.
- Cung cấp kiến thức và hỗ trợ khi học sinh gặp khó khăn trong học tập.
- Tham gia học tập tích cực và hợp tác với thầy cô, bạn bè.
* Định hướng tư vấn và hỗ trợ:
- Tư vấn và hỗ trợ theo tiêu chí đạo đức: bảo mật thông tin, tôn trọng học sinh, trung thực và có trách nhiệm.
- Gặp gỡ phụ huynh và anh của học sinh A để trao đổi về những khó khăn của A; cung cấp lịch trình ghi chú các vấn đề cần hỗ trợ.
- Tạo cơ hội trò chuyện, thể hiện sự quan tâm, yêu thương và tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh.
- Dần dần giúp A nhận thức rõ nhiệm vụ và trách nhiệm trong học tập, đồng thời tuân thủ quy định của trường lớp để em tự giác thực hiện.
- Thường xuyên quan tâm bằng cách giao nhiệm vụ học tập cụ thể, động viên và hỗ trợ A.
- Tạo nhóm học tập trong lớp và đặt A vào nhóm có sự chú ý đặc biệt để khuyến khích em hoàn thành nhiệm vụ và tương tác với các bạn.
* Nguồn lực: Giáo viên chủ nhiệm, gia đình học sinh, giáo viên bộ môn, bạn học trong lớp.
* Sử dụng kênh thông tin phối hợp với gia đình để tư vấn và hỗ trợ học sinh:
- Mời phụ huynh đến trường để thảo luận chi tiết về những khó khăn của em A và cùng nhau tìm phương án hỗ trợ khắc phục.
- Liên lạc và phối hợp với người thân của em, hiểu và đặt mình vào vị trí của em qua điện thoại, tin nhắn, hoặc zalo.
5. Triển khai tư vấn và hỗ trợ học sinh: Áp dụng các phương pháp trò chuyện, kể chuyện, thuyết phục và trực quan.
*GVCN.
- Trò chuyện và chia sẻ cảm xúc với A.
- Trò chuyện và động viên A để em hiểu và chấp nhận hoàn cảnh gia đình hiện tại, những khó khăn trong cuộc sống mà em cần đối mặt và nỗ lực vượt qua.
- Hướng dẫn và hỗ trợ A để em có thể tự hoàn thành các bài tập trên lớp một cách hiệu quả.
- Gặp ba của A để trao đổi về việc quan tâm và chăm sóc A nhiều hơn trong sinh hoạt và học tập hàng ngày.
- Theo dõi quá trình học tập của A trên lớp và kiểm tra kết quả học tập của em.
- Hướng dẫn ba và anh của A về cách hỗ trợ và kèm cặp A trong việc học tập.
* GV bộ môn: Chú ý và hỗ trợ em trong từng buổi học để em hoàn thành nhiệm vụ học tập.
* Phụ huynh:
- Theo dõi giờ giấc sinh hoạt hàng ngày và thời gian đến lớp của em.
- Tăng cường hỗ trợ về nội dung học tập, thường xuyên trò chuyện và quan tâm đến em.
* Các bạn học trong lớp hỗ trợ (vì cùng độ tuổi nên dễ đồng cảm và giúp đỡ nhau):
- Chơi và hỗ trợ bạn trong quá trình học tập theo phương pháp đôi bạn cùng tiến.
- Những bạn ở gần nhà có thể rủ bạn cùng đến lớp học.
6. Đánh giá kết quả tư vấn và hỗ trợ học sinh (Đánh giá kết quả đạt được và những vấn đề chưa được giải quyết, phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp. Giáo viên quyết định dừng hỗ trợ hoặc tiếp tục theo dõi học sinh trong thời gian tới).
* Sau một tháng được hỗ trợ, em A đã có sự cải thiện tích cực:
- Đã đến lớp đúng giờ và không còn tình trạng ngủ gật trong lớp.
- Em đã hoàn thành một số hoạt động lớp học từ mức độ đơn giản đến phức tạp.
- Em đã tập trung hơn trong giờ học và nắm bắt được các nội dung cơ bản của bài học.
- Em ngày càng tích cực hợp tác với thầy cô và bạn bè.
Quyết định: Tiếp tục theo dõi và hỗ trợ em để giúp em học tốt, vui vẻ và hòa nhập với các bạn.