1. Bệnh viêm kết mạc là gì?
Kết mạc là lớp màng trong suốt nằm dưới mi mắt, bao bọc nhãn cầu và có trách nhiệm bảo vệ nhãn cầu. Viêm kết mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ là bệnh nhiễm trùng ở kết mạc của mắt, lây nhiễm bằng sự tiếp xúc của người lành với dịch từ mắt bệnh nhân hoặc khi bệnh nhân ho, hắt hơi.
Nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ
-
Các virus: Đa phần trường hợp nhiễm trùng kết mạc là do virus gây ra, trong đó có 2 loại virus phổ biến nhất là Adenovirus và Herpesvirus.
-
Vi khuẩn: Một số loại vi khuẩn như Staphylococcus Aureus, Streptococcus Pneumoniae, Haemophilus,... có thể gây nhiễm trùng ở kết mạc. Vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến thứ hai sau virus gây ra việc đau mắt đỏ.
-
Dị ứng: Kết mạc mắt có thể phản ứng dị ứng khi tiếp xúc với phấn hoa, bụi bẩn, lông vật nuôi,...
Một số nguyên nhân khác: Mắt tiếp xúc với các chất hóa học, axit, hóa chất trong nước sinh hoạt, nước bể bơi,... có thể kích thích viêm kết mạc, tổn thương giác mạc; nấm ở giác mạc có thể gây viêm và loét kết mạc; các loại ký sinh trùng như chấy, rận,... cũng có thể gây kết mạc nhiễm khuẩn và viêm; đeo kính áp tròng quá lâu hoặc loại kính không phù hợp cũng có thể gây nhiễm trùng kết mạc.
Đây là căn bệnh mà ai cũng có thể mắc phải
Triệu chứng của căn bệnh có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra, nhưng đều có một số điểm chung sau:
-
Mắt đỏ, mí mắt sưng phồng, có thể cảm thấy đau rát ở mí mắt.
-
Ngứa mắt, thường cảm thấy có cảm giác cộm và bị xốn ở mắt.
-
Mắt chảy nước nhiều, dễ bị rò rỉ nước mắt.
-
Thị lực giảm khi đang mắc bệnh.
Viêm kết mạc do vi khuẩn khiến 2 mí mắt bị đóng ghèn và màu vàng
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ cũng khác nhau:
-
Do virus: Ghèn mắt màu trắng, kéo dài thành dây; có thể có giả mạc có thể có xuất huyết dưới kết mạc; có triệu chứng sốt nhẹ, có thể bị viêm mũi, viêm họng kèm theo; có thể nổi hạch ở phía trước tai.
-
Do khuẩn: Ghèn mắt màu vàng hoặc xanh nhạt, đóng kín hai mí mắt, đặc biệt là khi vừa thức dậy. Có thể có màng kết mạc, giác mạc thường ít bị ảnh hưởng.
-
Do dị ứng: Mắt ngứa nhiều hơn khi ở gần môi trường có tác nhân gây dị ứng, ghèn lỏng; thường bị hắt hơi, chảy nước mũi là những triệu chứng của viêm mũi dị ứng; khác với viêm kết mạc do virus hay vi khuẩn có thể chỉ xảy ra ở một bên mắt, đau mắt đỏ do dị ứng các triệu chứng bệnh xuất hiện ở cả 2 mắt.
2. Bệnh viêm kết mạc kéo dài bao lâu thì hết và những câu hỏi phổ biến
Những không thoải mái và cảm giác khó chịu khi mắc bệnh đau mắt đỏ thường khiến bệnh nhân tò mò về thời gian để khỏi bệnh viêm kết mạc. Đau mắt đỏ là một căn bệnh có thể điều trị dễ dàng, thời gian từ khi nhiễm bệnh đến khi xuất hiện triệu chứng là khoảng 3 ngày, bệnh có thể tự điều trị trong vòng 1 tuần đến 10 ngày, nếu nhận biết và điều trị đúng cách, thời gian phục hồi có thể được rút ngắn.
Nếu bệnh kéo dài hơn 3 - 4 tuần mà vẫn không khỏi sẽ trở thành viêm kết mạc mạn tính.
Nguyên nhân dẫn đến việc mắc bệnh viêm kết mạc kéo dài không khỏi:
-
Thường tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng trong môi trường.
-
Sử dụng kính áp tròng qua đêm, sử dụng lâu dài mí mắt nhân tạo gây tổn thương cho mí mắt và tròng mắt.
Biến chứng của căn bệnh
Viêm kết mạc là một căn bệnh có khả năng hồi phục nhanh chóng và không để lại nhiều tổn thương nặng nề. Tuy nhiên, nếu điều trị không đúng cách có thể làm kéo dài thời gian bệnh, tăng nguy cơ tái phát và có thể gây ra các biến chứng. Bệnh đau mắt đỏ thường gây ra biến chứng là bệnh viêm giác mạc chấm nông và làm giảm thị lực.
Viêm giác mạc chấm nông:
Là những tổn thương thường gặp trên giác mạc do nhiều bệnh của giác mạc gây ra. Trên giác mạc, có những vết chấm nhỏ, màu trắng hoặc màu xám; mắt của bệnh nhân sẽ đỏ, đau và thường chảy nước mắt.
Mờ mắt sau khi mắc bệnh viêm kết mạc:
Đây là tình trạng nghiêm trọng hơn của viêm kết mạc, khi mắt có khả năng đề kháng kém hơn, dẫn đến giả mạc. Giả mạc là màng viêm bám vào bề mặt trong của mí mắt, có màu trắng đục và làm mờ mắt đi. Viêm kết giả mạc không ảnh hưởng đến thị lực, nhưng có thể gây ra loét giác mạc và làm giảm thị lực nếu không được điều trị đúng cách.
Tránh thói quen lấy tay chà mắt để tránh ảnh hưởng đến kết mạc
3. Phương pháp điều trị và phòng tránh tại nhà
Phương pháp điều trị bệnh:
-
Vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý ít nhất 2 lần mỗi ngày để làm sạch mắt và loại bỏ các tác nhân gây bệnh.
-
Thường xuyên rửa tay sạch sẽ để ngăn dịch bám vào các vật dụng xung quanh, rửa tay trước và sau khi vệ sinh mắt. Không sử dụng tay để chà mắt.
-
Sau khi sử dụng, các vật dụng vệ sinh mắt nên được vứt bỏ, không sử dụng lại.
-
Đeo kính để bảo vệ mắt khỏi bụi bẩn khi ra ngoài.
-
Sử dụng thuốc nhỏ mắt và các loại thuốc theo đơn của bác sĩ, không tự mua các loại kháng sinh.
-
Không đeo kính áp tròng, không trang điểm mắt khi mắc bệnh.
-
Tránh ăn các thực phẩm cay, nóng.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để ngăn lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ
Phòng tránh bệnh đau mắt đỏ:
-
Tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn lựa kính áp tròng phù hợp, đeo và vệ sinh kính áp tròng theo hướng dẫn đúng.
-
Sử dụng riêng các dụng cụ cá nhân, không chia sẻ các vật dụng dễ lây nhiễm như khăn mặt, khăn tắm, gối, thuốc nhỏ mắt,...
-
Đeo kính khi ra ngoài để tránh virus, vi khuẩn và tác nhân gây dị ứng.
-
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không chạm mắt bằng tay.
-
Bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho mắt, bao gồm thực phẩm chứa vitamin A, vitamin E,...