Nhà khoa học đã tái tính tổng số khủng long bạo chúa Tyrannosaurus rex đã từng sống trên Trái đất.
Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng, có khoảng 1,7 tỷ con khủng long đã tồn tại trong suốt lịch sử hành tinh của chúng ta.
Một nghiên cứu vào tháng 4/2021 ước tính rằng có tới 2,5 tỷ cá thể T. rex sống từ 68 - 65,5 triệu năm trước. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới, con số thực tế có thể chỉ là gần 1,7 tỷ.
Eva Griebeler, một nhà sinh thái học tiến hóa, cho biết mô hình mới tính đến thông tin về T. rex mà các tác giả ban đầu đã bỏ qua, dẫn đến giảm số lượng khủng long được tính toán.
Charles Marshall, nhà cổ sinh vật học tại Đại học California, Berkeley, và là tác giả chính của nghiên cứu năm 2021, cho biết kết quả mới này mang lại cái nhìn toàn diện hơn.
Trong nghiên cứu ban đầu, nhóm của Marshall đã phát triển một mô hình phức tạp, xem xét nhiều yếu tố khác nhau như khối lượng trung bình, mật độ dân số, phạm vi địa lý, tuổi sinh sản, số lượng trứng, tuổi thọ trung bình, tỷ lệ sống sót và thời gian thế hệ.
Kết quả của mô hình chỉ ra rằng, mỗi thế hệ T. rex có thể bao gồm khoảng 20.000 cá thể và tồn tại khoảng 125.000 thế hệ trong suốt 2,5 triệu năm, tổng cộng là 2,5 tỷ T. rex.
Tuy nhiên, Griebeler không đồng ý với một số dữ liệu được sử dụng trong mô hình này. Theo bà, nhóm của Marshall đã đánh giá quá cao tỷ lệ sống sót và khả năng đẻ trứng của T. rex, cũng như số thế hệ tồn tại. Điều này làm sai lệch kết quả.
Nghiên cứu của Griebeler chỉ ra rằng, những giá trị này tương tự như ở các loài chim và bò sát hiện đại hơn. Khi áp dụng vào mô hình, số lượng cá thể trong mỗi thế hệ T. rex giảm xuống còn 19.000 và chỉ có khoảng 90.000 thế hệ tồn tại, dẫn đến số lượng T. rex tối đa là 1,7 tỷ.
Dù con số chính xác là bao nhiêu, cả hai nghiên cứu đều đặt ra một câu hỏi thú vị: Xương T. rex đâu rồi? Nếu dự đoán của Griebeler chính xác, chúng ta mới chỉ phát hiện khoảng 0,0000002% hoá thạch của những con khủng long này. Cả hai Griebeler và Marshall đều nhấn mạnh rằng điều này là một câu hỏi quan trọng cần được tìm hiểu kỹ hơn.
Theo Live Science