(NLĐO) - Một nghiên cứu mới từ Trung Quốc đã cho thấy Trái Đất không phải là một quả cầu ổn định mà thực tế có lõi bên trong chuyển động liên tục, kéo theo các cực di chuyển.
Theo Science Alert, công trình này dựa trên những biến thiên kỳ lạ trong các phép đo từ bề mặt Trái Đất đã tiết lộ những dao động định kỳ, khó hiểu sâu trong lòng hành tinh.
Do đó, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi hai nhà địa chất học Yachong An và Hao Ding từ Đại học Vũ Hán (Trung Quốc) đã xác định rằng lõi bên trong của Trái Đất không nằm yên mà dao động với chu kỳ 8,5 năm.
'Trái tim' của Trái Đất vừa tiết lộ sự chao đảo bí ẩn với chu kỳ 8,5 năm - Ảnh: Đại học Cornell
Điều này cũng tiết lộ lõi bên trong của hành tinh không phải là một quả cầu kim loại tròn. Nó dày đặc hơn ở bán cầu Tây Bắc, một hiện tượng kỳ lạ từng được gợi ý bởi dữ liệu về địa chấn.
Độ nghiêng của lõi này so với lớp phủ - tức sự khác biệt về trục quay giữa lõi này và lớp phủ - chỉ là 0,17 độ, nhỏ hơn rất nhiều so với ước tính trước đó là 10 độ, có thể mang lại những thay đổi quan trọng cho các nghiên cứu địa động lực.
Lõi bên trong được coi là 'trái tim' của hành tinh. Với kích thước lớn hơn một chút so với Sao Diêm Vương, nó có thể ảnh hưởng đến nhiều chu trình của Trái Đất, bao gồm cung cấp nhiệt để sưởi ấm thế giới từ bên trong.
Sự khác biệt về trục quay so với lớp phủ là nguyên nhân tạo ra sự 'lắc lư' theo chu kỳ 8,5 năm, có thể giải thích cho các phát hiện trước đó cho thấy hai cực từ của Trái Đất dường như 'chạy loanh quanh' trong một phạm vi chứ không đứng im.
Các đặc điểm của lõi trong cũng có thể tác động đến lõi ngoài nóng chảy, từ đó ảnh hưởng đến từ quyển của Trái Đất.
Tuy nhiên theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications, lõi trong và những bất thường của nó còn tác động đến hành tinh của chúng ta theo nhiều cách khác nhau.
Phát hiện chu kỳ dao động bí ẩn này chỉ là bước khởi đầu cho các nghiên cứu nhằm giải thích toàn diện ảnh hưởng của hoạt động tiềm ẩn này đối với thế giới bên ngoài mà chúng ta đang sống.