1. Bé sơ sinh thường đi tiêu như thế nào?
Bé vừa sinh và bé đã một vài tuần, một vài tháng tuổi sẽ có tần suất tiêu khác nhau. Bé vừa sinh thường có số lần tiêu trong ngày nhiều hơn. Trong tuần đầu tiên sau khi sinh, bé thường tiêu hơn 4 - 5 lần mỗi ngày.
Trong 3 tháng đầu đời, với bé bú mẹ thì số lần tiêu là khoảng 3 lần/ngày. Tuy nhiên, có trẻ lại tiêu sau mỗi lần bú. Ngoài ra, cũng có những bé 1 tuần chỉ tiêu 1 lần. Có thể thấy, tần suất tiêu của bé sơ sinh không đều và thay đổi qua từng giai đoạn.
Bên cạnh đó, lối ăn cũng ảnh hưởng đến tần suất đi ngoài của bé. Đối với bé bú mẹ toàn thời gian, trong 6 tuần đầu, bé có thể không đại tiện thường xuyên mỗi ngày. Có thể thậm chí trong 1 - 2 tuần bé không đại tiện. Với bé sử dụng sữa công thức, tần suất đi tiêu có thể lên đến 4 lần/ngày nhưng có thể vài ngày mới đi 1 lần.
Trẻ sơ sinh 8 ngày không đi ngoài là một hiện tượng phổ biến
Vì thế, nếu bé sơ sinh 8 ngày không đi ngoài, ba mẹ không cần lo lắng quá nhiều. Tuy nhiên, ba mẹ cần tiếp tục quan sát, theo dõi các biểu hiện để biết xem bé ít đi ngoài là do nguyên nhân sinh lý bình thường hay do táo bón.
2. Trẻ sơ sinh 8 ngày không đi ngoài vì lý do gì?
Từ 2 tháng tuổi trở lên, tần suất tiêu của bé thường giảm, thậm chí rất nhiều bé 8 ngày không tiêu, nguyên nhân có thể là do:
2.1. Bé bước vào giai đoạn giãn ruột
Giãn ruột là hiện tượng sinh lý bình thường ở bé sơ sinh khi được 2 tháng tuổi và diễn ra trong 2 - 3 tháng. Bước vào giai đoạn giãn ruột, thể tích ruột của bé sẽ tăng và chứa được nhiều chất thải hơn. Điều này làm kéo dài thời gian đầy ruột, thời gian đưa chất thải ra ngoài cũng lâu hơn. Bởi vậy mới có tình trạng bé sơ sinh 8 ngày không tiêu.
Bé ít tiêu do giãn ruột là điều hết sức bình thường và bố mẹ có thể yên tâm rằng hiện tượng này không gây nguy hiểm cho sức khỏe của bé. Tuy nhiên bố mẹ cần phân biệt được không tiêu do giãn ruột với không tiêu do táo bón.
Bé tiêu với nguyên nhân do giãn ruột thì thường có các dấu hiệu sau:
- Bé không đi tiêu trong nhiều ngày, có thể là 8 ngày nhưng cũng có thể lên đến 10 - 15 ngày.
- Nếu bé ít đi tiêu do giãn ruột thì khi phân được thải ra vẫn bình thường: phân mềm, phân có màu vàng nhạt hoặc màu vàng nâu.
- Bé có hiện tượng rặn và gồng mình nhẹ để thải phân ra ngoài. Mức độ rặn và gồng thường nhẹ hơn so với khi bị táo bón.
- Bé giãn ruột mặc dù tần suất đi đại tiện rất ít nhưng lại ăn và ngủ tốt hơn. Đó là vì thể tích ruột tăng, dạ dày nhanh rỗng.
- Bé 8 ngày không đi tiêu do giãn ruột vẫn vui chơi bình thường và không có hiện tượng quấy khóc, đau bụng, khó chịu như khi bị táo bón.
Bé sơ sinh không đi tiêu do giãn ruột thì vẫn vui chơi bình thường
2.2. Bé bị táo bón
Bé sơ sinh 8 ngày không đi tiêu cũng có thể do táo bón. Táo bón thường xảy ra nhiều hơn với bé dùng sữa công thức. Khác với giãn ruột, không đi tiêu do táo bón sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Nếu bé có các dấu hiệu dưới đây thì có thể bé đang bị táo bón và ba mẹ cần có sự can thiệp kịp thời:
- Bé có thể không tiêu trong vài ngày.
- Phân thường khô, cứng và vón cục. Phân có màu xanh hoặc đen. Ngoài ra, mẹ cũng có thể thấy dính chút máu trên bề mặt phân của bé.
- Khi đi tiêu bé cần phải rặn và gồng mình nhiều hơn.
- Bé có thể mệt mỏi, cáu gắt và bú ít.
- Do khó chịu trong bụng nên bé có thể sẽ hay quấy khóc.
Bé 8 ngày không tiêu do táo bón có thể quấy khóc, khó chịu
3. Ba mẹ nên làm gì khi bé sơ sinh 8 ngày không tiêu?
Bé sơ sinh 8 ngày không tiêu dù do giãn ruột hay do táo bón thì ba mẹ cũng cần theo dõi để điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý nhằm kích thích hệ tiêu hóa của bé, giúp bé tăng tần suất tiêu. Theo đó, ba mẹ có thể tham khảo một số cách sau:
3.1. Bổ sung chất xơ trong chế độ ăn của mẹ
Với bé bú mẹ, thức ăn của mẹ có ảnh hưởng lớn đến chất lượng sữa cho bé bú. Để bé hấp thu được nhiều chất xơ trong sữa mẹ và đi tiêu dễ dàng hơn thì mẹ cần có chế độ ăn uống khoa học. Mẹ nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như chuối, rau lang, rau mồng tơi, khoai lang,...
3.2. Tăng số lần bú cho bé
Nếu bé ở trong giai đoạn giãn ruột thì mẹ nên cho bé bú nhiều lần hơn, thời gian giữa mỗi lần bú có thể là 1,5 tiếng. Sữa mẹ là thực phẩm tốt nhất và an toàn nhất cho sự phát triển của bé. Bé bú sữa mẹ nhiều không chỉ giúp tăng cường sức khỏe, tăng sức đề kháng mà còn giảm thời gian đi tiêu do lượng chất thải trong ruột được thải ra nhanh hơn.
Mẹ nên tăng số lần bú cho con
3.3. Chú ý lựa chọn sữa công thức
Đối với bé uống sữa công thức, mẹ nên ưu tiên chọn loại sữa giàu chất xơ và protein mềm để bé dễ tiêu hóa và hấp thu. Nhờ vậy tần suất đi tiêu sẽ tăng lên.
3.4. Tắm nước ấm cho bé
Nếu bé sơ sinh 8 ngày không đi tiêu mẹ cũng nên tăng cường tắm nước ấm cho bé. Điều này không chỉ kích thích tuần hoàn máu mà còn giúp bé được làm ấm bụng, cải thiện tình trạng khó tiêu. Nhiệt độ nước phù hợp để bé tắm là 35 độ C. Bé cần được tắm trong phòng kín, không có gió lùa để đảm bảo sức khỏe an toàn.
3.5. Massage bụng cho bé
Massage bụng là phương pháp rất hiệu quả giúp kích thích sự di chuyển của ruột cho bé, tốt cho tiêu hóa. Để massage cho bé, mẹ thực hiện như sau:
- Massage theo hình tròn: Mẹ đặt tay lên bụng bé và nhẹ nhàng mát xa từ 10 - 15 giây theo chiều kim đồng hồ.
- Massage theo chiều dọc: Mẹ dùng 2 tay và mát xa từ ngực xuống bụng bé khoảng 10 lần.
- Massage 2 chiều vuông góc: 2 tay mẹ đặt lên bụng bé, 1 tay nhẹ nhàng vuốt từ trên xuống và tay kia vuốt ngược lại. Thực hiện khoảng 20 lần.
- Mẹ nên massage cho bé tối đa 1 - 2 lần/ngày và tránh thực hiện khi bé vừa ăn no.
Massage bụng giúp bé đi tiêu dễ dàng hơn
3.6. Đưa bé khám bác sĩ nếu cần
Sau khi đã áp dụng các biện pháp trên mà tình trạng đi tiêu của bé không cải thiện hoặc bé có thêm dấu hiệu lạ thường, mẹ nên đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa đáng tin cậy để được kiểm tra như chuyên khoa Nhi tại Hệ thống Y tế Mytour.