Có nhiều trường hợp máy tính bất ngờ nổ gây ra các vụ hỏa hoạn, khiến nhiều người dùng phải trải qua những tổn thương nghiêm trọng.
Theo thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chiều tối ngày 6/3/2024, một ca cấp cứu của một bé trai tên T.G.P. (13 tuổi, địa chỉ ở Hải Dương) được chuyển đến từ bệnh viện cấp dưới trong tình trạng hôn mê và sử dụng máy hỗ trợ hô hấp, với toàn bộ vùng đầu, mặt, cổ và một nửa ngực trên bị tổn thương do các mảnh vỡ của laptop nổ găm vào.
Sau khi được tiến hành cấp cứu, TS.BS Nguyễn Xuân Hòa - bác sĩ cột 1 của bộ phận cấp cứu ngày 6/3/2024 đã thông tin: Bệnh nhi bị đa chấn thương, bao gồm chấn thương sọ não: xuất huyết não thất, tạo huyết khối trong sọ, dị vật trong não thất; chấn thương hàm mặt: vết thương hàm mặt phức tạp, gãy xương hàm dưới, chấn thương nhãn cầu hai bên; chấn thương ngực: nhiều vết thương mềm phần ngực, tràn máu, tràn khí màng phổi hai bên; chấn thương chi trên: dập nát cẳng tay trái, nhiều vết thương mềm phần tay phải. Hội chẩn với bộ phận cấp cứu của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng có sự tham gia của các bác sĩ từ Bệnh viện Mắt Trung ương.
Bệnh nhi đang được chăm sóc và hồi sức tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực I, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sau khi trải qua một ca phẫu thuật phức tạp với sự tham gia của nhiều bộ phận: Khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, Khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao.
Thực tế cho thấy, các vụ cháy nổ của laptop thường gây ra những tổn thương nghiêm trọng. Vào năm 2020, một vụ cháy nổ laptop tại Hà Tĩnh đã khiến cho ba học sinh lớp 9 bị thương. Một em bị bỏng mắt, một em bị dập nát bàn tay trái, một em bị bỏng ở khu vực mặt.
Các chuyên gia đưa ra ba nguyên nhân chính khiến laptop dễ gây nổ hoặc cháy: pin hoạt động quá nhiệt, linh kiện tích tụ bụi không thể thoát nhiệt, các điểm chập cháy từ dây, đầu phích cắm điện. Trong số đó, hầu hết các vụ cháy nổ là do pin.
Một số lưu ý nhỏ dưới đây, không quá phức tạp để thực hiện, sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ cháy nổ từ máy tính và các thiết bị điện tử khác.
Rút sạc sau khi sạc đầy
Với mọi thiết bị, sau khi sạc xong bạn nên ngắt kết nối nguồn điện. Điều này giúp bộ sạc dần dần làm nguội, tránh tình trạng quá nóng sau thời gian sạc dài.
Chăm sóc bộ phận tản nhiệt
Hãy thường xuyên làm sạch máy tính, bộ phận tản nhiệt và quạt làm mát. Đặt máy tính ở vị trí thoáng đãng, tránh ánh nắng mạnh, nhiệt đới hoặc độ ẩm cao. Không để máy tính trên các bề mặt như chăn, ga giường, đệm vì có thể gây cản trở cho quá trình tản nhiệt.
Kiểm tra pin và dây sạc thường xuyên
Với các máy tính cũ, hãy đảm bảo kiểm tra pin thường xuyên. Nếu pin bị phồng, nóng quá mức, hoặc sạc lâu không vào, hãy thay pin ngay lập tức. Đừng để pin còn 5-10% mà không sạc, tránh trường hợp máy bị hết pin và tắt nguồn đột ngột.
Ngoài ra, hãy chú ý đến dây sạc và đầu cắm. Không nên sử dụng sạc khi dây bị hỏng hoặc đầu cắm có dấu hiệu hỏng hóc.
Mua máy tính, pin, và dây sạc tại các cửa hàng uy tín
Sử dụng sạc, pin, và dây cắm chính hãng để tránh rủi ro cho máy tính và người sử dụng. Hãy đầu tư vào các sản phẩm chính hãng để đảm bảo an toàn và độ bền.
Mua máy tính cũ từ các cửa hàng không uy tín có thể gây ra nguy cơ không an toàn cho người sử dụng. Hãy cân nhắc kỹ trước khi mua, đặc biệt nếu bạn không hiểu rõ về máy tính.
Trẻ em nên sử dụng máy tính dưới sự giám sát của người lớn
Thay vì để trẻ tự sử dụng máy tính một mình, tự cắm sạc hoặc làm đổ nước lên máy tính gây ra nguy cơ chập cháy, người lớn nên hướng dẫn trẻ cách sử dụng an toàn trong thời gian cho phép và dưới sự giám sát của mình.